Những bệnh lý có thể gây mù ở người trẻ
TS.BS Trần Thị Phương Thu cho biết, Mắt người trẻ đa phần là rất tốt, tuy nhiên, khi mắt nhiễm một số bệnh lý, vẫn có thể bị mù.
Bệnh glôcôm (cườm nước)
Gây mù do bệnh gây tổn hại thần kinh mắt không hồi phục. Bệnh được điều trị bằng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.
Phòng ngừa: phát hiện bệnh và điều trị sớm, khám mắt định kỳ một lần/năm hoặc khi mắt nhìn mờ, đau nhức, đỏ, đau nửa đầu cùng bên với mắt đau…
Tật khúc xạ
Những trường hợp tật khúc xạ độ cao, cận nặng đặc biệt là viễn thị độ cao, bất đồng khúc xạ nếu không được điều trị đeo kính hoặc phẫu thuật sớm sẽ có thể dẫn tới nhược thị, khiếm thị và gây mù.
Điều trị: đeo kính, phẫu thuật, tập nhược thị nếu có. Học tập và lao động hợp lý, xen kẽ nhìn gần và nhìn xa, những người phải học tập và lao động nhìn gần nhiều, vẫn cần dành thời gian nhìn xa để mắt đượcnghỉ ngơi.
Phòng ngừa: phát hiện sớm tật khúc xạ để có phương pháp điều trị thích hợp tránh nhược thị. Phát hiện bệnh bằng khám mắt định kỳ một lần/năm, khi thấy mắt mờ hoặc cha mẹ phát hiện mắt con mình bị mờ, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Võng mạc tiểu đường
Bệnh gây mù là do tổn hại các mạch máu nhỏ ở võng mạc, hắc mạc và thị thần kinh, gây xuất huyết, xuất tiết, thiếu máu ở võng mạc và thị thần kinh.
Điều trị: bằng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.
Phòng ngừa: phát hiện sớm và điều trị tốt bệnh tiểu đường, khám mắt định kỳ sáu tháng hoặc một năm/lần, hoặc theo yêu cầu của bác sĩ khi đã bị bệnh tiểu đường. Phát hiện bệnh tiểu đường bằng cách khám sức khỏe định kỳ một lần/năm.
Bệnh võng mạc tăng huyết áp
Gây mù do tổn hại các mạch máu nhỏ ở mắt, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, thiếu máu võng mạc, phù thần kinh mắt.
Điều trị: chữa kịp thời bệnh tăng huyết áp.
Phòng ngừa: tự đo huyết áp tại nhà. Khi có nghi ngờ bị tăng huyết áp phải đi khám nội khoa, khám sức khỏe tổng quát một lần/năm.
Lé
Lé nếu xảy ra trong giai đoạn phát triển thị giác (trước 12 tuổi), có thể gây nhược thị dẫn đến khiếm thị, mù.
Điều trị: đeo kính, tập nhược thị nếu có và phẫu thuật.
Phòng ngừa: phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Đục thủy tinh thể
Gây mù nếu đục thủy tinh thể xảy ra trong giai đoạn phát triển thị giác (trước 12 tuổi).
Điều trị: phẫu thuật, tập nhược thị nếu có.
Phòng ngừa: khi thấy mắt mờ phải đi khám mắt hoặc khám mắt định kỳ một lần/năm.
Viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc nặng do chấn thương mắt và nhiễm trùng sẽ gây mù lòa do làm mờ đục môi trường trong suốt của mắt.
Điều trị: ghép giác mạc khi loét lành sẹo. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được chỉ định phương pháp điều trị này.
Phòng ngừa: khi mắt bị đỏ, đau nhức, nhìn mờ phải đi khám, không tự mua thuốc nhỏ mắt, tránh làm chấn thương mắt, phải đi khám ngay.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình