Những ai có nguy cơ cần đi tầm soát đột quỵ?
Đột quỵ có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Theo BS.CK2 Đặng Nhất Tâm – Phòng khám Bernard Healthcare, các kỹ thuật, máy móc hiện đại có thể giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, từ đó chủ động phòng ngừa, giảm biến chứng do bệnh gây ra.
1. Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?
Nhờ BS giải thích rõ hơn, đột quỵ nguy hiểm ra sao và để lại những hậu quả, biến chứng như thế nào đối với sức khỏe? Nguyên nhân gây đột quỵ là gì, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm - Chuyên khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ, Bernard Healthcare trả lời: Đột quỵ là một bệnh khá phổ biến với người cao tuổi và người có yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, uống rượu bia, ít tập thể dục...).
Đây là bệnh lý thuộc chuyên khoa thần kinh. Bệnh đột quỵ gây tổn thương não, xuất phát từ tổn thương ở mạch máu nuôi não. Cơ quan nào trong cơ thể cũng được nuôi bởi những mạch máu. Mạch máu bị tổn thương ở cơ quan nào sẽ gây ra triệu chứng của cơ quan đó.
Đột quỵ não cũng như thế. Khi mạch máu bị tắc nghẽn hay vỡ, vùng não thực hiện chức năng sẽ xuất hiện các triệu chứng.
Ví dụ, bệnh nhân bị tổn thương vùng vận động sẽ bị cơn đột quỵ yếu tay chân. Bệnh nhân bị tổn thương mạch máu vùng ngôn ngữ sẽ không nói chuyện được. Bệnh nhân bị tổn thương mạch máu vùng thức tỉnh sẽ lâm vào hôn mê.
Chính vì thế, đột quỵ rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế, thậm chí tử vong. Đến thời điểm hiện tại, thống kê trên toàn thế giới cho thấy đột quỵ cùng những bệnh lý về tim mạch, ung thư là các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, tàn phế.
2. Đột quỵ não và tai biến mạch máu não là một
Xin hỏi BS, đột quỵ và tai biến mạch máu não có giống nhau không?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Đột quỵ não và tai biến mạch máu não là một. Đột quỵ não là thuật ngữ được dùng trong y khoa; tai biến, tai biến mạch máu não là từ phổ thông được dùng trong đời sống.
3. Trúng gió có phải đột quỵ?
Xin hỏi BS, làm thế nào để phân biệt đột quỵ và trúng gió?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Từ “trúng gió” có phần hơi mơ hồ. Khi một người bị ngất xỉu hay có cơn tím tái, ú ớ, lay gọi không đáp ứng, mọi người thường gọi đó là trúng gió.
Tuy nhiên, tình trạng trúng gió có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau như chóng mặt, rối loạn tiền đình, hôn mê, bệnh lý động kinh co giật... Vì thế trong y khoa tránh sử dụng từ “trúng gió” do mô tả mơ hồ, không thể gợi ý một bệnh cảnh chính xác.
4. Đa phần các trường hợp đột quỵ không có dấu hiệu báo trước
Nhiều người vẫn xem đột quỵ là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ”. Liệu có những dấu hiệu nào báo trước để biết được bản thân có nguy cơ bị đột quỵ, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Đột quỵ hiểu theo nghĩa đen là đột ngột ngã quỵ. Những người bị đột quỵ thường có yếu tố nguy cơ nền mà chưa phát hiện. Đa phần các bệnh nhân đều không có triệu chứng báo trước.
Nhưng khoảng 20 - 30% bệnh nhân đột quỵ có triệu chứng báo trước khoảng vài ngày đến 1 tuần: chóng mặt thoáng qua, méo miệng thoáng qua, tê tay chân thoáng qua. Đây gọi là các cơn thoáng thiếu máu não, biểu hiện tình trạng mạch máu của bệnh nhân đã bị tổn thương, nhạy cảm từ trước. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân bị đột quỵ trong thời gian tới.

6. Ai có nguy cơ đột quỵ cao hơn?
Thưa BS, những người nào có nguy cơ đột quỵ cao hơn bình thường?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Những người có yếu tố nguy cơ bị đột quỵ là tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu (mỡ trong máu), bệnh lý về đông cầm máu, một số bệnh lý bẩm sinh. Bên cạnh đó còn có những người hút thuốc lá, từng có bệnh lý về xơ vữa mạch máu. Những ai từng bị đột quỵ, xác suất bị đột quỵ một lần nữa cũng cao hơn.
Những nguyên nhân hiếm gặp hơn là bệnh lý ung thư gây rối loạn đông máu. Phụ nữ đang dùng thuốc ngừa thai hay hormone thay thế cũng có thể gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.
7. Đột quỵ trẻ hóa do đâu?
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới năm 2022, mỗi năm có đến 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó có khoảng 16% bệnh nhân trẻ tuổi (15 - 49 tuổi). Số ca tử vong mỗi năm vào khoảng 6,5 triệu, trong đó 6% là người trẻ.
Xin BS giải thích thêm, vì sao đột quỵ có sự trẻ hóa như hiện nay?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Ngày càng nhiều người trẻ mang nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn, chẳng hạn người trẻ bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, lười vận động, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh...
Cũng có nhiều người trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như hội chứng chuyển hóa, các bệnh lý đông cầm máu.
Ở người trẻ có một số nguyên nhân, yếu tố nguy cơ đặc thù như dùng chất kích thích và chất gây nghiện, gây co thắt mạch máu, tăng sinh mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ.
Một dạng đột quỵ ở người trẻ cần được lưu ý, có liên quan đến dị dạng mạch máu. Tình trạng này xuất hiện ở não từ khi mới sinh hoặc xuất hiện khi đã trưởng thành. Khi có một yếu tố nguy cơ nào đó như tăng huyết áp hoặc bị chấn thương đầu, mạch máu bị vỡ gây bệnh lý đột quỵ.
Các bệnh lý nền, các yếu tố nguy cơ nêu trên có thể giải thích cho việc ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ.
8. Chủ động tầm soát để phòng ngừa đột quỵ
Nhờ BS hướng dẫn thêm về những cách phòng ngừa đột quỵ ạ.
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Ông bà ta thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, điều này cực kỳ chính xác với bệnh lý đột quỵ. Thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới năm 2019 ghi nhận, 90% bệnh nhân đột quỵ nằm trong 10 nhóm nguy cơ hoàn toàn có thể biết trước và có thể tầm soát, phòng ngừa được.
Ngoài các bệnh lý như đã chia sẻ, có những nguyên nhân liên quan đến vấn đề tinh thần. Stress, trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài có thể làm tăng tỷ lệ đột quỵ. Hội Đột quỵ Thế giới đã đưa ra thông điệp năm 2019 một cách rõ ràng và mạnh mẽ rằng cộng đồng phải chủ động tầm soát để biết được nguy cơ của mỗi cá nhân, từ đó có phương án phòng ngừa tốt nhất các khả năng bị đột quỵ trong tương lai.

8. Các phương pháp tầm soát đột quỵ?
Xin hỏi BS, y học hiện nay có những phương pháp nào có thể tầm soát nguy cơ đột quỵ?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Hiện nay có rất nhiều biện pháp tầm soát đột quỵ hiện đại như chụp MRI não với xung tân tiến, thu được những hình ảnh vô cùng chi tiết ở não cũng như các mạch máu não. Nhờ đó, bác sĩ nhận tháy các tổn thương từ sớm, những tổn thương có liên quan tới đột quỵ về sau.
Bệnh nhân sẽ được tư vấn về nguy cơ đột quỵ, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa ít tốn kém nhưng chính xác, hiệu quả.
Siêu âm Doppler là phương pháp khảo sát các mạch máu nuôi não, đánh giá chất lượng mạch máu.
Ngoài ra còn có các biện pháp thăm khám của bác sĩ chuyên khoa đột quỵ cũng như xét nghiệm các chất trong máu như mỡ trong máu, lipid, cholesterol, các chất thể hiện phản ứng viêm, phản ứng đông cầm máu của bệnh nhân.
Bệnh nhân trẻ hay bệnh nhân mắc bệnh lý di truyền đặc biệt có thể thực hiện các xét nghiệm máu liên quan đến nguyên nhân hiếm gặp.
Tóm lại, có rất nhiều xét nghiệm cũng như phương thức hình ảnh học khác nhau để tầm soát nguy cơ đột quỵ trên bệnh nhân. Gần đây phổ biến phương pháp tầm soát những bệnh lý về tim vì trong bệnh đột quỵ có những nguyên nhân trực tiếp từ tim.
Bệnh nhân được đo điện tim liên tục để khảo sát nhịp tim, từ đó tầm soát nguyên nhân đột quỵ, nhất là ở những người trẻ.
9. Bác sĩ Bernard Healthcare hướng dẫn dự phòng khi phát hiện nguy cơ đột quỵ
Tại Bernard Healthcare có trường hợp nào tầm soát và phát hiện được yếu tố nguy cơ, giúp bệnh nhân tránh được những tổn hại về sức khỏe chưa, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Hệ thống y khoa chuyên sâu quốc tế Bernard đã có gần như đầy đủ các biện pháp, phương thức tầm soát mà tôi vừa chia sẻ. Bernard Healthcare có nhiều trường hợp phát hiện nguy cơ đột quỵ qua tầm soát.
Có trường hợp bệnh nhân bị rối loạn lipid máu rất cao, đến mức trong y khoa gọi là tăng lipid máu kháng trị hoặc tăng lipid máu di truyền. Tầm soát sẽ giúp bệnh nhân này phát hiện kịp thời và được lên kế hoạch điều trị sớm.
Có trường hợp bệnh nhân chụp MRI não, phát hiện những tổn thương tiền đột quỵ như xơ vữa mạch máu, hẹp mạch máu, túi phình mạch máu não... Dù bệnh nhân chưa bị đột quỵ, chưa có triệu chứng cảnh báo đột quỵ nhưng đã có nguy cơ đột quỵ về sau. Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh - Đột quỵ của Bernard Healthcare sẽ lên kế hoạch để bệnh nhân thay đổi lối sống, cải thiện tình trạng xơ vữa mạch máu.
10. Những trường hợp nào nên tầm soát đột quỵ?
Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ tại Bernard Healthcare sẽ phù hợp với những ai, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Theo khuyến cáo y khoa, các gói tầm soát đột quỵ dành cho những trường hợp bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu... hoặc những người lười vận động, hút thuốc lá nhiều, thường xuyên uống rượu bia.
Những người trong gia đình có tiền căn đột quỵ trước 65 tuổi cũng nên đi tầm soát sớm.
11. Hướng dẫn sơ cấp cứu bệnh nhân đột quỵ
Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào: khi đang làm việc, đang tắm, thậm chí đang ngủ. Nhiều người cũng lúng túng không biết xử trí ra sao nếu chính mình hoặc người thân bị đột quỵ. Nhờ BS chia sẻ thêm, trong tình huống đó chúng ta cần phải làm gì? Những sai lầm nào cần tránh trong quá trình sơ cấp cứu cho người bị đột quỵ?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Khi gặp trường hợp bị đột quỵ, chúng ta cần hết sức bình tĩnh để xử lý. Đầu tiên, cần ổn định bệnh nhân, không để họ bị té ngã. Nếu bệnh nhân có cơn co giật hoặc bị hít sặc, hãy dùng khăn hoặc gạc để lấy thức ăn ra, tránh nguy cơ hít sặc thêm.
Dìu bệnh nhân một cách nhẹ nhàng và an toàn. Cần đưa bệnh nhân đến cấp cứu càng sớm càng tốt. Đến bệnh viện sớm 1 phút sẽ có lợi cho việc cứu sống bệnh nhân thêm 1 phần.
Về nguyên tắc, mỗi phút trôi qua, bệnh nhân bị đột quỵ sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Đến bệnh viện sớm sẽ giúp ích cho quá trình điều trị, phục hồi tế bào não. Đồng thời, khả năng bệnh nhân quay lại với cuộc sống bình thường cũng cao hơn rất nhiều.

12. Phòng ngừa đột quỵ tái phát
Làm sao để có thể phòng ngừa đột quỵ tái phát, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Khi một người bị đột quỵ, mạch máu và não của họ đã có tổn thương. Do đó, nguy cơ bị tổn thương một lần nữa cao hơn rất nhiều.
Bệnh nhân sau đột quỵ cần tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, dùng thuốc điều trị lâu dài các bệnh lý nền, điều trị các yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Bệnh nhân cần xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.
Quan trọng nhất, phải tuân theo phác đồ điều trị và theo dõi diễn tiến bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
13. Cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng phòng ngừa đột quỵ
Hiện nay, không khó để tìm trên thị trường các sản phẩm được gắn mác phòng chống đột quỵ. Xin hỏi BS, thực hư về tác dụng của những sản phẩm này thế nào, có thực sự chống được đột quỵ không?
BS.CK2 Đặng Nhất Tâm trả lời: Đúng là hiện nay trên thị trường có nhiều loại “thuốc” được quảng cáo với công dụng phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ được công nhận là thực phẩm chức năng hỗ trợ chống xơ vữa mạch máu ở một mức độ nào đó.
Nếu muốn sử dụng các sản phẩm này để dự phòng, người dân cần đi khám và có ý kiến của bác sĩ chuyên về đột quỵ. Đôi khi, sản phẩm có thể có tác dụng phụ gây hại cho người dùng, do đó phải cực kỳ cẩn trọng khi sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Đặc biệt, đối với các sản phẩm được bán qua mạng xã hội, vấn đề nguồn gốc xuất xứ, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trong chuyên ngành đột quỵ vẫn có những loại thuốc chính thống để điều trị và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Đối với bệnh đột quỵ, việc uống thuốc gì, dùng thực phẩm chức năng gì, điều trị và phòng ngừa ra sao đều phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ.
Do vậy, cần nhận diện đúng yếu tố nguy cơ của mỗi người bằng cách khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, nếu cần thiết có thể thực hiện khám chuyên sâu tầm soát đột quỵ. Đó là yếu tố cốt lõi để giúp mọi người phòng ngừa bệnh lý đột quỵ về sau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình