Hotline 24/7
08983-08983

Nhớ nhớ quên quên ở người trẻ, điều trị cách nào?

Tưởng chừng như căn bệnh "nhớ nhớ, quên quên" chỉ xảy ra ở người già. Thì nay, trong xã hội hiện đại, gặp ở người trẻ vừa qua ngưỡng 30 không còn là chuyện hiếm. Vì sao bạn còn trẻ nhưng đã mắc chứng giảm trí nhớ? Tình trạng hay quên có gì khác nhau giữa trẻ và già?... Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK2 Tống Mai Trang - Khoa Thần kinh, BV DHYD TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Suy giảm trí nhớ là gì?

Nhiều người vẫn nghĩ “Suy giảm trí nhớ” như là chứng hay quên. Hiểu như vậy có đầy đủ chưa, thưa BS?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Trí nhớ là một chức năng cốt lõi của bộ não. Với người trẻ trí nhớ có thể học tập, người ở độ tuổi lao động nếu trí nhớ tốt sẽ giúp làm việc tốt hơn. Đối với người già trí nhớ giúp nhớ thời gian uống thuốc đúng giờ. Khi trí nhớ bị ảnh hưởng gần như hoạt động của con người (ở một độ tuổi nào đó) đều phải nhờ người khác nhắc nhở.

Bên cạnh trí nhớ, bộ não còn rất nhiều chức năng khác như:

- Chức năng tập trung chú ý.

- Chức năng lên kế hoạch.

- Chức năng ngôn ngữ diễn đạt.

Tất cả chức năng này cùng với trí nhớ sẽ giúp chúng ta có một đáp ứng hoàn chỉnh với môi trường sống. Từ đó tạo nên hiệu suất, năng suất làm việc. Do đó, nếu nói về lĩnh vực của bộ não mà chỉ nói đến trí nhớ thì chưa phải là tất cả. Chúng ta cần quan tâm đến các chức năng khác vì nó sẽ phản ánh sức khỏe của bộ não.

2. Có phải càng lớn tuổi, trí nhớ càng giảm sút?

Bộ não của chúng ta được hình thành từ hàng trăm tỷ tế bào thần kinh. Nhưng sau tuổi 25, có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị chết đi mỗi ngày mà không có sự sinh sản thêm. Do vậy, càng lớn tuổi, trí nhớ càng giảm sút?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Mỗi một người khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh. Sau 25 tuổi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh chết đi.

Mặc dù con số rất kinh khủng nhưng các nhà khoa học đã cho thấy, với tốc độ lão hóa tự nhiên thì số lượng tế bào thần kinh còn lại ở người lớn tuổi (ví dụ người 70, 80 tuổi) vẫn có thể độc lập trong cuộc sống hằng ngày với những tế bào thần kinh còn lại nếu không có những bệnh lý đặc biệt gây chết tế bào thần kinh một cách ồ ạt.

Điều này có được là do chức năng của bộ não không đơn thuần phụ thuộc vào số lượng tế bào thần kinh mà còn phụ thuộc vào sự kết nối giữa các tế bào thần kinh (gọi là mạng lưới thần kinh). Đây là lý do mọi người thường khuyên nên học tập suốt đời. Vì quá trình học tập, tìm hiểu kiến thức mới sẽ làm mạng lưới thần kinh trở nên chằng chịt hơn. Như vậy, dù có chết tế bào thần kinh thì những tế bào còn lại với mạng lưới thần kinh chằng chịt vẫn đảm nhiệm được hoạt động sống cơ bản hằng ngày.

3. Suy giảm trí nhớ xảy ra ở những người nào?

Có một thực tế, khi nói đến suy giảm trí nhớ, nhiều người vẫn nghĩ: chỉ xảy ra đối với người già và đó là chuyện tất nhiên? Phân tích của BS về quan niệm này?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên không phải ai lớn tuổi cũng mắc bệnh giảm trí nhớ. Việc giảm trí nhớ hay không phụ thuộc vào mạng lưới thần kinh. Nếu người lớn tuổi có học vấn cao (quá trình học tập nhiều) thì khi lớn tuổi dù tế bào thần kinh chết nhưng với mạng lưới thần kinh còn lại vẫn đủ để thực hiện hoạt động sống hằng ngày.

Để hình thành trí nhớ gồm nhiều yếu tố:

- Tập trung lấy dữ liệu

- Sau đó bộ não sẽ lưu trữ

- Cuối cùng dữ liệu được lưu trữ trên những vùng não chuyên biệt.

Ví dụ:

- Trí nhớ liên quan đến phần thị giác sẽ lưu trữ ở vùng não về thị giác.

- Trí nhớ liên quan đến ngôn ngữ sẽ được lưu trữ ở vùng ngôn ngữ.

- Những trí nhớ về kinh nghiệm điều hành, quản lý sẽ lưu trữ ở vùng não chuyên về vấn đề này.

Chức năng nghề nghiệp khác nhau sẽ làm phát triển những vùng não khác nhau. Để trí nhớ được tốt thì tất cả quá trình phải hoàn thiện. Bao gồm việc tập trung, mã hóa thông tin và truy xuất thông tin. Do đó nếu một trong những thành tố này bị ảnh hưởng đều gây giảm trí nhớ, không đơn thuần là việc chết tế bào.

4. Có phải suy giảm trí nhớ đang có dấu hiệu trẻ hóa?

Theo những nghiên cứu gần đây tỉ lệ giới trẻ mắc chứng này là 14%. Rõ ràng, suy giảm trí nhớ càng ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Con số này nói lên điều gì, thưa BS?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Không chỉ người lớn tuổi mà ai trong cuộc đời cũng từng trải qua chuyện nhớ nhớ quên quên. Nhưng ở người lớn tuổi thường gặp hơn, dẫn đến hình thành vấn đề. Trong thời gian gần đây, bác sĩ ghi nhận rất nhiều bạn trẻ đến khám về việc giảm trí nhớ, đặc biệt là sau giai đoạn hậu COVID-19. Để có một trí nhớ tốt bao gồm rất nhiều thành tố, không đơn thuần là một bộ não tốt.

Cụ thể, chúng ta cần phải có sự tập trung tốt để lấy dữ liệu, sau đó bộ não thực hiện nhiệm vụ ghi nhớ. Hãy tưởng tượng như chúng ta gõ máy tính trên văn bản word, sau đó bấm phím lưu để máy tính lưu lại. Bộ não của chúng ta cũng giống máy tính, chỉ thực hiện chức năng lưu. Người nhập dữ liệu rất quan trọng nếu nhập đầy đủ, phong phú thì trí nhớ ở phần sau mới tốt.

Đa số người trẻ quên tập trung, chú ý nhiều hơn (đây là một khâu trong quá trình hình thành trí nhớ). Đặc điểm cuộc sống của người trẻ có thể hối hả, stress, căng thẳng dẫn đến khả năng trầm tĩnh, tập trung bị ảnh hưởng. Ở người lớn tuổi hay quên nguyên nhân chủ yếu do tế bào não bộ chết, hư. Giống như khi máy tính hư, nhập dữ liệu rất đầy đủ nhưng bấm lưu không được dẫn đến tình trạng quên.

5. Biểu hiện suy giảm trí nhớ ở người già và người trẻ khác nhau thế nào?

Như vậy, suy giảm trí nhớ không còn là chuyện của riêng ai. Trên thực tế, trí nhớ giảm sút có nhiều biểu hiện khác nhau? Và biểu hiện này có khác nhau ở người già, ở người trẻ?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Ở người trẻ khi cảm thấy bị quên sẽ chủ động đến khám trí nhớ, tìm hiểu nguyên nhân. Trong khi người già đến khám các triệu chứng về trí nhớ đa số do người nhà dẫn đi, rất ít khi các cụ tự đến khám.

Đặc điểm cuộc sống của người trẻ cần sử dụng trí nhớ nhiều cho công việc. Khi trí nhớ giảm sút sẽ phát hiện ngay vì chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống giảm nên phải đến khám để cải thiện tình hình. Theo quan niệm dân gian người già mới bị quên nên khi người trẻ quên sẽ cảm thấy bất thường và đi khám.

Đa số các cụ ở độ tuổi về hưu, xử lý công việc giảm nếu có quên đôi chút cũng không ảnh hưởng đến người khác. Cùng với quan điểm “già là phải quên”, đây là lý do người lớn tuổi bị quên đến khám rất trễ. Đến khi người nhà nhận thấy các cụ gần đây có vẻ xa lạ, không còn như trước nên đưa đi khám.

Khi đến phòng khám hai thái cực cũng khác nhau. Người trẻ rất lo lắng về triệu chứng hay quên của mình và than phiền rất nhiều. Trong khi các cụ đến khám về vấn đề trí nhớ lại rất vô tư, họ có thể vừa nói xong quên ngay nhưng lại rất vui, trong khi người nhà đầy lo lắng.

6. Những yếu tố nào dẫn đến suy giảm trí nhớ?

Các yếu tố như môi trường, căng thẳng, stress, hậu COVID-19 có góp phần cho tình trạng suy giảm trí nhớ?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Để trí nhớ hình thành tốt có nhiều yếu tố. Đầu tiên là khâu lấy dữ liệu, thu thập và mã hóa thông tin càng đầy đủ sẽ giúp ghi nhớ tốt hơn. Chúng ta thường nghe ông bà cha mẹ nói với con cháu là “con học phải hiểu thì mới dễ nhớ”. Hiểu là việc mã hóa thông tin một cách khoa học, những dữ kiện xung quanh điều mình muốn nhớ là một mạng lưới. Như vậy chi tiết cần ghi nhớ cồng kềnh hơn sẽ lưu vào bộ não dễ hơn. Sau đó chất liệu lưu trữ như ngôn ngữ, thị giác không gian, lập kế hoạch,… sẽ được lưu trữ lên những vùng não chuyên biệt.

Mỗi người có một bộ gen khác nhau, có người nhạy với thông tin về thị giác, có người nhạy với thông tin về âm thanh hoặc thông tin về quản lý thì vùng não ở đó sẽ phát triển hơn. Sau khi lưu trữ, gen có ưu thế về vùng não nào thì quá trình truy xuất thông tin vùng não đó có thể nhanh nhạy hơn người khác. Đây là quá trình vừa luyện tập, vừa có thể xem là năng khiếu. Mọi người bình thường đều có thể thực hiện một chu trình trí nhớ cơ bản. Người có khả năng ghi nhớ siêu phàm còn thuộc vào năng khiếu giải thích của bộ gen di truyền.

Sau giai đoạn COVID-19 gần như bệnh viện nào cũng có phòng khám hậu COVID-19 để giải quyết vấn đề rất lớn của xã hội. Sau COVID-19 một số người có bệnh lý liên quan đến hô hấp. Đặc biệt những triệu chứng liên quan đến thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ hoặc giảm trí nhớ là những triệu chứng thường gặp, đứng thứ hai sau hô hấp. Do đó phòng khám thần kinh rất đông bệnh nhân.

Về mặt sinh lý bệnh, COVID-19 có liên quan mật thiết đến tế bào thần kinh để gây ra các triệu chứng này. Khi nhiễm COVID-19 đường nhiễm đầu tiên là qua đường hô hấp, virus sẽ xâm nhập vào trong khoang mũi hầu họng. Khoang mũi hầu họng này có đường liên hệ rất mật thiết với não qua những dải hành khứu, từ đó virus xâm nhập vào bộ não của chúng ta.

Khi một vật lạ xâm nhập vào cơ thể, lập tức hệ thống miễn dịch sẽ sinh ra chất kháng thể để chống lại những vật lạ này. Vô tình sự phản ứng quá mạnh mẽ, làm não sinh ra rất nhiều đáp ứng viêm. Những đáp ứng viêm này tác động vào nhu mô não bình thường tạo ra các triệu chứng lo âu, mất ngủ, giảm trí nhớ,…

7. Giảm trí nhớ hậu COVID-19 có tăng nặng lên theo thời gian?

Và liệu những biểu hiện này có tăng tiến theo thời gian?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: May mắn là giảm trí nhớ hậu COVID-19 có thể giới hạn được. Quan trọng trong quá trình diễn tiến có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hay không.

Giảm trí nhớ hậu COVID-19 là một triệu chứng rất thường gặp sau nhiễm COVID-19. Có các triệu chứng hay quên như tập trung khó, tìm từ diễn đạt khó hoặc gần đây làm việc sắp xếp điều hành khó,… Những triệu chứng này nếu thoáng qua sau khi ngủ nghỉ hoặc có chế độ sinh hoạt hợp lý hơn như ăn uống, rời khỏi công việc một thời gian quay lại và thấy mọi thứ bình thường thì có thể không cần đi khám vì triệu chứng này tự giới hạn.

Tuy nhiên nếu thấy những triệu chứng này ngày càng nhiều và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là công việc thì nên đến bác sĩ thăm khám. Vì bản chất đây là một bệnh, mà bệnh thì phải có bác sĩ tư vấn, có phác đồ điều trị và đánh giá sau đó về hiệu quả. Cụ thể tại Bệnh viện Đại học Y dược, triệu chứng giảm trí nhớ hậu COVID-19 rất nhiều. Ban giám đốc đã thiết lập chương trình tư vấn cho công nhân viên trong bệnh viện về căn bệnh này.

8. Suy giảm trí nhớ có liên quan gì đến Alzheimer?

Suy giảm trí nhớ có khả năng sẽ chuyển thành bệnh Alzheimer?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Bệnh alzheimer bản chất là một bệnh học khác, do những mảng lão hóa trong não phát triển tăng dần và dẫn đến chết tế bào thần kinh. Giảm trí nhớ hậu COVID-19 là một phản ứng miễn dịch quá mức và giảm dần theo thời gian. Tùy vào nguyên nhân suy giảm trí nhớ như thế nào mà tiên lượng và kết cục khác nhau.

Để một người chuyển từ giai đoạn bình thường qua sa sút trí tuệ có một giai đoạn trung gian gọi là suy giảm nhận thức nhẹ. Đây là một giai đoạn nếu nhận biết sớm và can thiệp sớm, tùy vào nguyên nhân chúng ta sẽ có khoảng 40% thành công trong việc kéo người bệnh ở giai đoạn chuyển tiếp quay trở về trạng thái nhận thức bình thường nếu loại bỏ hết những yếu tố nguy cơ mà mình biết được của căn bệnh.

Tầm soát và phát hiện bệnh sớm trong nhóm bệnh giảm trí nhớ rất quan trọng. Vì chúng ta có 40% các yếu tố gây suy giảm nhận thức có thể điều chỉnh được đã được khoa học chứng minh và rất dễ can thiệp.

9. Suy giảm trí nhớ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, tinh thần?

Trở lại câu chuyện suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi, rõ ràng, tình trạng suy giảm trí nhớ thật sự là những tổn thương âm thầm, cho tới khi chúng ta nhận ra người thân của chúng ta trở nên xa lạ. Nếu không được quan tâm sớm, điều trị ngay từ giai đoạn sớm, sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân? Cụ thể?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Đôi lúc có những ông cụ, bà cụ lớn tuổi trở nên xa lạ với chính con cái hoặc con cái xa lạ với ông bà cụ là tình huống thường gặp ở phòng khám. Khi hỏi bệnh sử, đa số quá trình diễn tiến của ông cụ, bà cụ lớn tuổi thường khoảng 2 - 3 năm, rất ít trường hợp biểu hiện trong vòng 6 tháng đã được đưa đi khám.

Như đã phân tích, việc ông bà cụ lớn tuổi ở giai đoạn nghỉ hưu nếu quên một chút cũng không quá ảnh hưởng hoặc chính quan điểm “già là phải quên” nên khi vừa quên một chút rất ít người đặt vấn đề. Đến khi nhận thấy vấn đề ngày càng nặng, so sánh ông bà của mình với những ông bà lớn tuổi khác trong họ hàng hoặc hàng xóm láng giềng cùng độ tuổi nhưng không giống như vậy. Lúc này chúng ta mới đặt vấn đề liệu có phải đó là bệnh lý hay không và đưa ông bà đi khám.

Trong lĩnh vực này, việc quan trọng nhất của chúng ta là hãy chủ động phát hiện. Khi thấy người thân trong gia đình có biểu hiện quên nên đưa đi khám cho đến khi bác sĩ có kết luận ngược lại “quên là hiện tượng lão hóa tự nhiên” thì hãy dừng lại.

Ngược lại chúng ta nên bắt đầu điều trị ngay vì việc điều trị sớm khi tế bào thần kinh chưa chết nhiều sẽ có rất nhiều phương pháp điều trị. Ngoài sử dụng thuốc còn có những bài tập để kích thích não làm cho mạng lưới thần kinh nhiều lên. Có thể tế bào vẫn chết nhưng mạng lưới thần kinh còn đảm bảo thì vẫn tự lo được các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.

Hiện nay ở Bệnh viện Đại học Y Dược và một bệnh viện khác có phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ. Đây là một phương pháp rất mới chỉ áp dụng được cho trường hợp sa sút trí tuệ giai đoạn sớm hoặc suy giảm nhận thức nhẹ.

10. Loại thuốc nào có thể giúp cải thiện tình trạng này?

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào được chứng minh có thể điều trị suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, BS có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc tăng tuần hoàn máu não, giúp cải thiện tình trạng này được không, thưa BS?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị hết bệnh (về mặt y học gọi là thuốc biến đổi bệnh) cho dòng bệnh giảm trí nhớ, alzheimer. Tuy nhiên chúng ta có những nhóm thuốc gọi là điều trị, cải thiện triệu chứng của bệnh. Trong những bệnh lý nội khoa mãn tính nói chung việc này rất thường gặp. Ví dụ chúng ta không thể điều trị hết bệnh tăng huyết áp và tiểu đường mà chỉ có thể kiểm soát căn bệnh.

Hãy thay đổi quan niệm với dòng bệnh giảm trí nhớ. Mục tiêu là kiểm soát căn bệnh ở mức độ tốt nhất. Có thể bệnh vẫn còn tuy nhiên với mức độ và giai đoạn bệnh sẽ có những phương pháp làm cho người bệnh ở khả năng tối ưu nhất của chức năng não.

Một giáo sư đưa hình ảnh nóc nhà có rất nhiều lỗ thủng và ánh sáng chiếu vào, đây là hình ảnh vui nhưng rất đúng trong lĩnh vực điều trị sa sút trí tuệ. Nghĩa là có rất nhiều yếu tố để chúng ta can thiệp. Không đơn thuần tập trung vào việc có những mảng lão hóa gây chết tế bào thì diệt hoặc tách mảng lão hóa đó ra người bệnh sẽ hết bệnh. Chúng ta phải kết hợp nhiều yếu tố bao gồm:

- Sử dụng thuốc

- Các phương pháp không dùng thuốc

- Tập thể dục

- Dinh dưỡng và dinh hoạt hợp lý.

Một nghiên cứu rất nổi tiếng trong lĩnh vực sa sút trí tuệ là nghiên cứu Finger đã áp dụng lý thuyết này. Nghĩa là ngoài việc sử dụng thuốc những người bệnh này phải tuân thủ chế độ ăn hợp lý, tập luyện bộ não, tập luyện thể dục. Trên nhóm bệnh nhân đa can thiệp, đa điều trị kết quả sẽ tốt hơn hẳn nếu chỉ tập trung vào việc uống thuốc hoặc tập luyện bộ não.

11. Nên quan tâm thế nào với người suy giảm trí nhớ?

Suy giảm trí nhớ, “hãy quan tâm từ hôm nay”, đó là thông điệp mà chương trình muốn chuyển tải đến mọi người. Nhưng quan tâm như thế nào? Có thể làm gì cho người thân của mình như là người đồng hành?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Nền y tế của chúng ta trong khoảng 10 năm trở lại đây quản lý các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, thậm chí ung thư rất tốt. Vì chủ yếu có những phương pháp phát hiện chủ động như khám sức khỏe tổng quát. Doanh nghiệp thường có quy định bắt buộc tầm soát khám sức khỏe cho nhân viên trong công ty. Vô tình trong những đợt tầm soát khám sức khỏe đó phát hiện ra những bệnh lý tìm ẩn chỉ mới bắt đầu biểu hiện bất thường trên những chỉ số sinh hóa, chưa biểu hiện về mặt triệu chứng trên cơ thể (như vậy can thiệp sẽ tốt hơn).

Với dòng bệnh giảm trí nhớ cũng vậy, chúng ta biết rằng việc giảm trí nhớ ở người lớn tuổi rất thường gặp. Cụ thể trên 65 tuổi, có khoảng 5% các cụ bị mắc căn bệnh này. Chúng ta hãy chủ động, đừng để bị động. Nghĩa là, những cụ lớn tuổi (trên 65 tuổi) có những yếu tố nguy cơ gây suy giảm nhận thức chẳng hạn như bệnh lý về mạch máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền căn trong gia đình có người giảm trí nhớ. Chúng ta nên chủ động đưa các cụ đi kiểm tra định kỳ, giống như bộ kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Đặc biệt trong lĩnh vực trí nhớ khi kiểm tra rất đơn giản không cần chụp phim, lấy máu, hoàn toàn không tốn nhiều chi phí. Chúng ta có thể đến những cơ sở chuyên sâu để khám với bác sĩ và làm bộ test. Qua bộ test này, phần nào giúp chúng ta biết được chức năng nhận thức đang như thế nào và theo dõi qua từng năm. Chẳng hạn năm nay với bộ test này mình có khả năng hoàn thành 80% thì theo độ tuổi năm sau cũng ở mức 80% hoặc 75% là mức chấp nhận được. Nếu giảm xuống khoảng 70%, đây là dấu hiệu cảnh báo sớm. Bác sĩ sẽ quan tâm ngay để xem thực sự có bệnh lý hay yếu tố khách quan nào làm giảm khả năng nhận thức ở thời điểm đó. Chỉ bằng cách này mới phát hiện sớm căn bệnh và can thiệp kịp thời.

12. Nên lựa chọn thuốc hỗ trợ thiếu máu não ra sao?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hỗ trợ thiếu máu (hỗ trợ tuần hoàn máu não), cải thiện trí nhớ, nhận thức. Chọn lựa như thế nào để an toàn và hiệu quả? Lời khuyên của BS?

BS.CK2 Tống Mai Trang trả lời: Về dùng thuốc chúng ta có 2 loại nhóm thuốc là:

- Thuốc kê đơn: Phải có đơn của bác sĩ, tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt về phác đồ điều trị và theo dõi tác dụng phụ. Thường bác sĩ mới có quyền cho và nhà thuốc bán theo đơn.

- Thuốc không kê đơn: Là những nhóm thuốc nhà thuốc có thể bán mà không có đơn của bác sĩ để giải quyết tình trạng ban đầu như ho, cảm, sốt,…

Thông thường nhóm thuốc hỗ trợ tuần hoàn não đa số rơi vào nhóm thuốc không kê đơn. Nghĩa là người bệnh có thể dễ dàng mua ở bất kỳ nhà thuốc nào.

Những nghiên cứu nhóm thuốc hỗ trợ tuần hoàn não thường là nhóm liên quan đến chiết xuất từ cây bạch quả (ginkgo biloba). Không chỉ từ lá bạch quả mà “chiết xuất” là từ cây bạch quả chiết xuất ra đúng thành phần có lợi và tối thiểu những thành phần gây hại. Như vậy chiết xuất đó mới thực sự có hiệu quả trong lĩnh vực điều trị về trí nhớ.

Khi thực hiện nghiên cứu bao giờ cũng sử dụng chiết xuất lá của cây bạch quả (ginkgo biloba), không dùng từ ginkgo biloba hoặc cây bạch quả. Đây là chi tiết cần quan tâm vì khi sử dụng đúng loại mới có tác dụng. Để chiết xuất đúng thành phần hàm lượng có ích cũng như tối thiểu những hàm lượng gây hại thường phải có quy trình nghiêm ngặt để ra đúng tỷ lệ.

Do đó, khi mua các loại tuần hoàn não cụ thể là ginkgo biloba, cần quan tâm đến những thành phần ghi trên hộp thuốc và có thể hỏi ý kiến bác sĩ loại này đã phù hợp hay chưa. Tránh mua các loại lá cây bạch quả hoặc ginkgo biloba tràn lan trên thị trường, có thể sẽ không hiệu quả như mong muốn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X