Hotline 24/7
08983-08983

Nhìn màu sắc nước mũi để dự đoán viêm mũi dị ứng, viêm hô hấp trên do nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, nhiễm nấm

Khi trẻ gặp các vấn đề về hô hấp thường sẽ xuất hiện triệu chứng nước mũi, dịch mũi, chảy mũi…. Có thể dựa vào màu sắc nước mũi để chẩn đoán bệnh lý khác nhau. Mời bạn đọc AloBacsi tham khảo bài viết dưới đây với sự tư vấn của BS Đỗ Thành Đông - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Một số bệnh phỏng đoán được qua dịch mũi

Trước tiên, xin hỏi BS, dịch nước mũi và màu sắc nước mũi có thể cho chúng ta biết những vấn đề gì về sức khỏe của trẻ?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Dịch nước mũi là một biểu hiện dễ thấy, có thể giúp chúng ta phỏng đoán, tiên đoán một số bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm hô hấp trên do các nguyên nhân nhiễm trùng, nhiễm siêu vi hay nghi ngờ dị vật mũi.

Trạng thái và màu sắc của dịch nước mũi

Dịch nước mũi của trẻ có thể biểu hiện qua những trạng thái nào? Tương tự, màu sắc của nước mũi thay đổi như thế nào, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Dịch nước mũi có thể biểu hiện từ trạng thái lỏng đến đặc quánh, màu sắc từ trắng trong, trắng đục, vàng, xanh, hồng đỏ và xám đen.

Dịch nước mũi trắng trong không đáng lo ngại

Dịch nước mũi có trạng thái và màu sắc như thế nào thì cho thấy sức khỏe của trẻ vẫn tốt, mặc dù có biểu hiện ho, sổ mũi nhẹ?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Nếu bạn nhỏ có biểu hiện ho, sổ mũi tuy nhiên dịch nước mũi có màu trắng trong và loãng, không có biểu hiện sốt, vẫn hoạt bát, sinh hoạt bình thường thì phụ huynh không cần quá lo lắng.

Dịch nước mũi trắng trong còn góp phần bao vây virus, tống xuất virus ra ngoài.

Dịch nước mũi có màu là biểu hiện cho thấy trẻ cần được thăm khám

Dịch nước mũi và màu sắc nước mũi như thế nào sẽ phán ánh sức khỏe của trẻ đang trong tình trạng không tốt, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Khi nước mũi của trẻ có màu trắng đục, vàng, xanh, hồng đỏ, xám đen, phụ huynh hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra biện pháp điều trị.

Tăng tiết bạch cầu để bao vây vi khuẩn

Tại sao dịch nước mũi của trẻ lại có màu vàng, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Khi trẻ bị nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng, cơ thể sẽ tăng tiết bạch cầu tại khoang mũi hay những vị trí nhiễm trùng trên đường hô hấp để bao vây vi khuẩn.

Nước mũi chảy ra có màu vàng chính là do bạch cầu tăng tiết.

Dịch mũi màu hồng, đỏ, nâu là dấu hiệu chảy máu đường hô hấp

Những màu sắc như đỏ hồng, nâu đỏ của dịch mũi phản ánh tình trạng gì ở trẻ? Do đâu mà dịch nước mũi lại có những màu sắc như vậy?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Những màu sắc như hồng, đỏ, nâu là biểu hiện có chảy máu đường hô hấp. Phần lớn trường hợp dịch nước mũi màu hồng hay đỏ là do trầy niêm mạc mũi và mới chảy máu.

Gỉ mũi hoặc nước mũi có lợn cợn màu nâu chứng tỏ đó là máu cũ đã chảy từ trước nhưng mới được tống xuất ra.

Biểu hiện nhiễm nấm khoang mũi

Nguyên nhân dịch mũi có màu xám đen là gì và màu sắc này cảnh báo điều gì về vấn đề sức khỏe của trẻ, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Dịch mũi màu xám đen rất ít khi gặp nhưng đáng lo lắng. Đây là biểu hiện nhiễm nấm ở khoang mũi.

Nấm đọng lại tại vị trí bị tổn thương và gây nhiễm nấm khoang mũi. Dịch mũi bao vây nấm khiến dịch tiết có màu xám đen.

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống để bảo vệ hệ hô hấp của trẻ

Trong thời tiết giao mùa như hiện nay, số lượng trẻ mắc các bệnh về hô hấp tăng cao. Để bảo vệ vùng mũi họng của trẻ, tránh bị cảm, sốt, phụ huynh cần phải làm gì, thưa BS?

BS Đỗ Thành Đông trả lời: Trong thời điểm giao mùa, bệnh lý hô hấp gia tăng nhanh và tỉ lệ trở nặng phải nhập viện cũng cao. Để chăm sóc tốt cho đường hô hấp của trẻ, cần mang áo ấm, choàng khăn cổ cho trẻ khi nhiệt độ giảm xuống.

Nhớ mang khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh không khí lạnh tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mũi cũng như tránh được khói bụi.

Mặt khác, cần tập cho trẻ có thói quen vệ sinh các nhân. Súc miệng ít nhất 2 lần mỗi ngày (trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy) để làm sạch vùng khoang miệng, tránh được nhiều bệnh lý tai mũi họng.

Vật dụng trong nhà và xung quanh nhà phải đảm bảo sạch sẽ. Cần tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì đó là tác nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tai mũi họng. Chăn, gối, nệm cần phải được giặt ít nhất 2 lần/tuần bằng nước nóng thì mới loại được các vi sinh vật nhỏ bám vào cũng như các dị nguyên gây viêm mũi dị ứng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X