Nhận biết dấu hiệu biến chứng tiểu đường ở da và cách điều trị
Bệnh da do tiểu đường là một trong những biến chứng tiểu đường thường gặp. Biểu hiện thường gặp nhất là những mảng tăng sắc tố da hoặc đốm ở trước cẳng chân. Tổn thương da do đái tháo đường lành tính, có thể tự biến mất sau nhiều năm, nhất là khi kiểm soát tốt đường huyết.
I. Bệnh da do biến chứng tiểu đường là gì?
Bệnh da do tiểu đường là một trong những biến chứng đái tháo đường thường gặp, gây ra các vấn đề về da phổ biến nhất ở người bệnh tiểu đường. Bệnh da do tiểu đường đặc trưng bởi các sang thương da tróc vảy, lõm nhẹ, thường có màu hơi đỏ hoặc nâu nhạt, hình tròn hoặc bầu dục và thường xuất hiện ở mặt trước cẳng chân (gặp ở 30% người bệnh tiểu đường).
II. Bệnh da do tiểu đường thường xuất hiện ở nhóm người nào?
Có đến hơn 50% bệnh nhân tiểu đường có các vấn đề về da. Mặc dù bệnh da do tiểu đường phổ biến ở những người trên 60 tuổi nhưng thực tế bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính và chủng tộc. Người già, những người có đường huyết kiểm soát kém hoặc mắc bệnh từ 10 - 20 năm là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh da do đái tháo đường.
III. Bệnh da do tiểu đường thường có những dấu hiệu nào?
A. Dấu gai đen
Gai đen đặc trưng bởi các mảng sẫm màu xuất hiện ở vùng nếp nhăn trên cơ thể như cổ, nách hoặc bẹn, đôi khi cũng xuất hiện trên bàn tay, khuỷu tay hoặc đầu gối.
Nguyên nhân là do kháng insulin và cũng có thể là biểu hiện của tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2. Đặc biệt, biến chứng tiểu đường ở da này phổ biến hơn ở người béo phì.
B. Teo da
Bệnh teo da do tiểu đường là một biến chứng về hệ thống mạch máu nhỏ đến nuôi da, gây nên những thay đổi trên da biểu hiện bằng các mảng sần, màu đỏ đến nâu nhạt, hình tròn hoặc hình bầu dục. Những đốm nâu này thường dễ gây nhầm lẫn với đồi mồi, thường xuất hiện ở ống cẳng chân, không gây đau, không lan rộng cũng không gây ngứa.
C. Hoại tử mô mỡ ở da
Hoại tử mô mỡ ở da là một trong các biến chứng tiểu đường ở da phổ biến ở phụ nữ. Biểu hiện ban đầu là các nốt sưng nhỏ như mụn nhọt, sau tiến triển thành những mảng da sưng tấy và cứng. Cuối cùng, chúng tạo nên các mảng da màu vàng, đỏ hoặc nâu, có thể gây ngứa và đau.
D. Bóng nước tiểu đường
Bóng nước tiểu đường là tổn thương tự phát trên chân, đôi khi ở tay của bệnh nhân tiểu đường. Các vết này nhìn có vẻ đáng sợ nhưng không đau, thường tự lành.
E. U vàng phát ban
U vàng phát ban là một biến chứng tiểu đường lành tính ở da, với thành phần trong u là lipid hoặc chất béo lắng đọng. U vàng thường xuất hiện ở mông, vai, chân hay tay của người bệnh.
Nguyên nhân là do lượng chất béo chất béo trung tính và cholesterol trong máu tăng cao.
F. Xơ cứng và dày mô
Xơ cứng và dày mô có biểu hiện ban đầu là da xơ cứng, dày lên như sáp ở bề mặt mu bàn tay và các kẽ ngón tay khiến các khớp này trở nên cứng và khó cử động. Vùng da xơ cứng và dày lên sẽ tiếp tục lan rộng nếu đường huyết không được kiểm soát.
Tình trạng này phổ biến hơn ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có lượng đường trong máu cao.
G. Nhiễm trùng da
Ai cũng có thể bị nhiễm trùng da, gây viêm ngứa, sưng đỏ và đau. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường có xu hướng bị nhiễm trùng da cao hơn do lượng đường trong máu cao là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đồng thời nhiễm trùng da ở bệnh nhân tiểu đường thường lâu lành hơn người bình thường.
H. Nhiễm nấm
Giống như nhiễm trùng, nhiễm nấm không phải là một biến chứng tiểu đường ở da đặc trưng mà có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường thường có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn.
Tình trạng nhiễm nấm trên da thường xảy ra ở những vùng nếp gấp trên cơ thể và vùng da thường xuyên ẩm ướt. Nhiễm trùng âm đạo cũng là một trong những dạng nhiễm nấm phổ biến ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường.
I. Da khô ngứa
Da khô ngứa là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Đây đồng thời cũng là tiền đề gây ra những biến chứng khác trên da.
Tình trạng này có thể xuất phát từ nguyên nhân lưu thông máu kém. Đồng thời, đường máu cao khiến cơ thể mất nước, dẫn tới da khô.
Xem thêm: Nhiễm trùng da - “Kẻ thù giấu mặt” của bệnh nhân tiểu đường
IV. Điều trị bệnh da do biến chứng tiểu đường theo phương pháp nào?
Các tổn thương da do bệnh tiểu đường gây ra là những thương tổn lành tính, thường không cần điều trị đặc hiệu.
Ngoại trừ nhiễm trùng da do vi khuẩn và vi nấm cần điều trị bằng: Thuốc kháng sinh và kháng nấm; chăm sóc vết thương mỗi ngày
Các bệnh da do đái tháo đường còn lại có xu hướng tự biến mất sau vài năm nhưng có thể cần một thời gian dài, đặc biệt là khi đường huyết được kiểm soát tốt.
Do đó, biện pháp hiệu quả nhất để điều trị bệnh da do tiểu đường là kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng cách: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm tốt cho sức khỏe; ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế ăn chất đường bột, mỡ động vật; sử dụng chất đạm và dầu từ thực vật; tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để duy trì cân nặng lý tưởng và cải thiện hiệu quả tình trạng đề kháng insulin.
Ngoài ra, các vùng da bị tổn thương cũng nên được giữ ẩm, tránh tình trạng cọ xát hay chấn thương làm bệnh nghiêm trọng hơn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình