Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa loãng xương?

Loãng xương được xem là bệnh thầm lặng vì không gây ra triệu chứng, nên mọi người thường ít quan tâm. Tuy nhiên, đến giai đoạn muộn của bệnh nó có thể gây ra tình trạng gãy xương. Hãy cùng ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan tìm hiểu kỹ hơn về vấn để này để học cách phòng ngừa nhé!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vì sao loãng xương là kẻ giết người thầm lặng?

Đầu tiên, xin bác sĩ cho biết loãng xương là bệnh gì và vì sao nó lại được coi là kẻ giết người thầm lặng?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Loãng xương là tình trạng suy giảm khối lượng xương và thoái hóa cấu trúc xương khiến xương giòn, mỏng và dễ gãy. Tuy nhiên, trong quá trình loãng xương ngoài khối xương mất dần đi và cấu trúc xương bị xuống cấp thì hoàn toàn không gây ra triệu chứng gì. Do đó, đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh nên nó được coi là bệnh thầm lặng.

Dù là thầm lặng nhưng quy mô của bệnh lại rất lớn. Một nghiên cứu của chúng tôi thực hiện tại TPHCM cho thấy cứ trong 3 người phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người mắc bệnh loãng xương. Còn ở nam giới thì tỉ lệ này là 1/5, nghĩa là 5 người nam trên 50 tuổi thì có 1 người mắc bệnh này.

Các bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp thì tỉ lệ bệnh nhân mắc chỉ chiếm khoảng 10-18%, thấp hơn nhiều so với loãng xương.

2. Biến chứng khi bị loãng xương

Điều gì xảy ra đối với cơ thể nếu chẳng may bị loãng xương? Về việc điều trị và phục hồi hoàn toàn có dễ dàng? Có phải là nếu bị loãng xương thì dễ gây ra chuỗi các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Loãng xương được xem là bệnh thầm lặng vì không gây ra triệu chứng, chính điều này khiến chúng ta ít quan tâm đến bệnh. Tuy nhiên, đến giai đoạn muộn của bệnh thì sẽ xảy ra biến chứng là gãy xương và đưa đến một loạt hệ quả nghiêm trọng.

Khi bị loãng xương, xương trong cơ thể bị xuống chất lượng và gần như tất cả các xương đều bị gãy. 3 vị trí thường gãy nhất là cột sống, cổ xương đùi và xương cẳng tay. Khi gãy xương, một loạt hệ quả nghiêm trọng sẽ xảy ra.

Đầu tiên là tăng nguy cơ tử vong. Đây là điều mà ít người biết đến. Khi bị gãy cổ xương đùi sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên rất nhiều lần so với người không gãy xương do loãng xương. Và khoảng 30% sẽ tử vong trong vòng 1 năm đầu. Tỷ lệ còn tăng cao hơn ở nam giới.

Không chỉ tăng nguy cơ tử vong, khi bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi sẽ mất khả năng vận động. Nhưng nếu bệnh nhân được điều trị tối đa thì vẫn có khả năng hồi phục. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, khoảng 50% bệnh nhân sau khi bị gãy cổ xương đùi phải nhờ đến sự chăm sóc của người khác.

Đối với gãy xương cột sống, bệnh nhân sẽ có tình trạng đau đớn rất nhiều. Một số bệnh nhân còn bị chèn vào rễ thần kinh, gây tình trạng đau đớn kéo dài, mãn tính. Ngoài ra, còn làm cho người bệnh gắn liền với tình trạng rối loạn như lo âu, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống trầm trọng. Không chỉ vậy, sau khi gãy xương 1 lần, những xương còn lại sẽ tăng nguy cơ gãy xương tái phát 3-5 lần.

Ngoài ra, gãy xương do loãng xương còn tăng nguy cơ mắc các bệnh nội khoa khác như bệnh về tim mạch, hô hấp.

Nếu như bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị kịp thời thì có thể ngăn ngừa được tất cả những biến chứng nguy hiểm này. Và nếu tuân thủ điều trị, bệnh nhân sẽ có lại được một bộ xương chắc khỏe.

Chúng ta nhớ rằng bộ xương của cơ thể là một khối sống, có đặc điểm sẽ thay đổi từ từ. Vì vậy, điều trị loãng xương không giống như điều trị cao huyết áp. Việc điều trị loãng xương phải kéo dài, khoảng 3-5 năm thì mới thấy được hiệu quả khi đi đo mật độ xương.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục LanThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

3. Độ tuổi và nguyên nhân gây loãng xương?

Nhiều người thường nghĩ, loãng xương là bệnh người già. Vậy trên thực tế, loãng xương có gặp ở các đối tượng trẻ hơn hay không? Nó bắt đầu từ độ tuổi nào? Nguyên nhân do đâu?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Loãng xương có 2 trường hợp: loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.

Trường hợp loãng xương nguyên phát thì theo thời gian. Nghĩa là các tế bào của xương thoái hóa theo tuổi, dẫn đến tình trạng loãng xương theo tuổi, gặp ở cả nam và nữ. Riêng với phụ nữ, sau tuổi mãn kinh sẽ thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen khiến mật độ xương giảm nhanh. Và đây là nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc loãng xương ở nữ gần như gấp 3 nam giới.

Loãng xương thứ phát có thể xảy ra ở mội đối tượng mắc các bệnh làm ảnh hưởng đến chuyển hóa xương như các bệnh về tuyến giáp, suy thận, suy gan. Ngoài ra, một số thuốc cũng có thể làm xương xuống cấp như corticoid. Khi sử dụng corticoid kéo dài thì nguy cơ tăng loãng xương rất nhiều lần dù là người trẻ hay già.

Loãng xương thứ phát phụ thuộc hoàn toàn vào bệnh chính của bệnh nhân. Giả sử, nếu bệnh nhân mắc suy thận, kể cả trẻ em, thì hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng xương xuống cấp do suy thận. Đối với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính phải sử dụng corticoid kéo dài như hội chứng thận hư ở trẻ em phải dùng corticoid liều cao, kéo dài thì vẫn có khả năng loãng xương. Như vậy, khi bệnh lý xảy ra ở độ tuổi nào thì loãng xương có thể xảy ra ở độ tuổi đó.

4. Phương pháp điều trị loãng xương

Loãng xương ở người trẻ tuổi là vấn đề khá nghiêm trọng, nó ảnh hưởng khá lớn đến vận động, sinh hoạt vì họ thường là lao động chính trong gia đình. Vậy thưa bác sĩ, chúng ta nên đối mặt với căn bệnh thế nào? Việc điều trị có những phương pháp nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Tất cả các bệnh lý dẫn đến loãng xương đều được cảnh báo nguy cơ gãy xương. Như vậy, các bệnh nhân khi mắc các bệnh lý đã nêu trên và phải sử dụng thuốc như corticoid sẽ được phát hiện loãng xương sớm bằng việc đo mật độ xương định kỳ.

Nếu như bệnh nhân được chẩn đoán có nguy cơ loãng xương và gãy xương do loãng xương thì cần bổ sung canxi, vitamin D, có chế độ tập luyện hợp lý để ngăn ngừa được tình trạng loãng xương.

5. Phòng ngừa loãng xương bằng cách nào?

Bệnh có thể dự phòng được không hay đây là căn bệnh "tiền định" cho mỗi người? Chúng ta nên dự phòng từ bao nhiêu tuổi là hợp lý?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Đối với bệnh nhân mắc các bệnh sẽ dẫn đến loãng xương thứ phát thì việc bổ sung canxi, vitamin D sẽ đồng hành cùng thời điểm điều trị bệnh.

Để phòng ngừa loãng xương nguyên phát thì phải được thực hiện trong bụng mẹ. Vì bộ xương của con người được hình thành từ trong bào thai và phát triển dần lên. Khi sinh ra, bộ xương của cơ thể chưa hoàn chỉnh, sau đó, mật độ xương sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của cơ thể. Mật độ xương sẽ đạt được đỉnh ở độ tuổi từ 25-30 tuổi, và duy trì một thời gian ngắn. Sau 50 tuổi, mật độ xương giảm dần theo tuổi tác. Đặc biệt, ở nữ sau mãn kinh, tình trạng mật độ xương sẽ giảm nhanh.

Như vậy, khi còn trẻ, chúng ta cần bổ sung thành tố để tạo bộ xương khỏe mạnh, đạt đỉnh tốt đa ở độ tuổi 25-30. Khi đã đạt đỉnh tốt đa, chúng ta cần duy trì để làm chậm tốt đa tốc độ mất xương. Khi đó, sẽ không phải lo lắng về nguy cơ loãng xương.

Nếu như bộ xương không đạt được chất lượng cao và tốc độ mất xương nhanh thì sau 50 tuổi cơ thể sẽ rơi vào tình trạng loãng xương.

Ngoài ra, chúng ta cần tránh các yếu tố ảnh hưởng đến xương như lạm dụng rượu bia, thuốc lá.

6. Vai trò và thực phẩm chứa Vitamin D3, MK7

Vitamin D3, MK7 đóng vai trò như thế nào trong việc hấp thụ và chuyển hóa canxi vào xương? MK7 có trong những thực phẩm nào?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

3 thành tố quan trọng, không thể tách rời khi phòng ngừa và điều trị loãng xương là bổ sung canxi, vitamin D và vận động. Canxi và vitamin D phải đi đôi với nhau. Khi bổ sung đầy đủ vitamin D sẽ giúp hấp thu tốt cannxi ở đường ruột. Khi canxi được đưa vào trong máu, vitamin D tác động lên các thụ thể giúp canxi đi vào trong xương, tạo nên bộ xương khỏe mạnh. Đó là vai trò rất quan trọng của vitamin D.

Bản chất của MK7 là một chất hóa học của vitamin K2. Nghiên cứu cho thấy vitamin K2 có vai trò quan trọng đến 2 tế bào trong chu chuyển xương để hình thành ra sức khỏe xương. Đó là tế bào tạo xương và tế bào hủy xương. Vitamin K2 tác động, thúc đẩy tế bào tạo xương và ức chế tế bào hủy xương, giúp quá trình tạo xương mạnh lên và quá trình hủy xương giảm xuống.

Tuy nhiên, chứng cứ về vai trò của vitamin K2 không mạnh. Vì vậy những hướng dẫn, khuyến cáo trên thế giới và tại Việt Nam chỉ công nhận các loại thuốc có hiệu quả thật sự trong điều trị loãng xương như vitamin D, canxi; các thuốc trị loãng xương như nhóm bisphosphonate.

Như vậy, vitamin K2 hay MK7 chỉ được xem là chất phụ trợ trong quá trình điều trị loãng xương. Chúng ta có thể bổ sung vitamin K2 từ nguồn tự nhiên như rau xanh.

7. Đối tượng cần dự phòng loãng xương

Những đối tượng nào dễ có nguy cơ và cần phải dự phòng loãng xương thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Trong các nghiên cứu thì luôn chú ý tới nhóm đối tượng nguy cơ mắc loãng xương để nhóm đối tượng này ngăn ngừa. Nhóm đối tượng nguy cơ bao gồm:

  • Người trên 50 tuổi.
  • Phụ nữ sau mãn kinh.
  • Người có cân nặng thấp.
  • Người ít vận động, ngồi làm việc trong văn phòng nhiều, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Người ăn uống thiếu canxi, vitamin D.
  • Người có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị gãy xưỡng do loãng xương.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X