Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ tái phát đột quỵ trong mùa nắng nóng

Khoảng 30% người bị đột quỵ lần đầu sẽ bị tái phát bệnh. Những người tái phát đột quỵ sẽ có nguy cơ tàn phế và tử vong cao hơn người bị đột quỵ lần đầu. Vào mùa nắng nóng thì nguy cơ tái phát đột quỵ sẽ tăng hơn so với bình thường.

Vậy làm sao để kiểm soát và ngăn ngừa cơn đột quỵ tái phát, mời quý vị khán giả cùng lắng nghe chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM).

1. Nguy cơ và hậu quả của tái phát đột quỵ

Thưa bác sĩ, vì sao người đã bị đột quỵ thường có nguy cơ tái phát? Tỷ lệ này như thế nào ở Việt Nam?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Theo thống kê, người bị đột quỵ lần đầu có 30% nguy cơ tái phát cơ đột quỵ. Bởi vì người đã bị đột quỵ thì yếu tố nguy cơ của họ vẫn còn và đôi khi yếu tố nguy cơ này sẽ tiến triển nặng hơn theo thời gian. Do đó, nguy cơ tái phát đột quỵ vẫn còn. Việc điều trị phòng ngừa là vấn đề phải kéo dài suốt đời.

Tuy nhiên, đột quỵ có thể xảy ra trong một tình huống hoặc bối cảnh nào đó, ví dụ như trong thời điểm nửa đêm rạng sáng, liên quan đến gắng sức hoặc trong thời tiết nắng.

Tỷ lệ đột quỵ của Việt Nam cũng xấp xỉ với thế giới và tỷ lệ đột quỵ tái phát là 30%.

Người bệnh sẽ phải đối mặt với những hậu quả nào nếu đột quỵ tái phát?

Người bị đột quỵ tái phát có tỷ lệ tử vong cao hơn so với người đột quỵ lần đầu, bởi những lần đột quỵ tái phát sẽ nặng hơn lần đột quỵ đầu. Người bị đột quỵ tái phát sẽ có nguy cơ tàn phế cao hơn người bị đột quỵ lần đầu. Ví dụ, khi một người bị đột quỵ lần đầu thì những khiếm khuyết thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn, khi bị đột quỵ lần hai thì sẽ mắc thêm những khiếm khuyết thần kinh khác và những khiếm khuyết này có thể sẽ không hồi phục hoàn toàn.

Như vậy, những khiếm khuyết thần kinh đó sẽ chồng lên nhau, khiến nguy cơ tàn phế của người bệnh rất cao. Tôi xin nhấn mạnh là nguy cơ tàn phế, bởi mối lo của đột quỵ không phải là tử vong mà là tàn phế.

Vào mùa nắng nóng thì nguy cơ tái phát đột quỵ sẽ tăng hơn so với bình thường

2. Nguy cơ tái phát đột quỵ mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng đổ lửa như hiện nay liệu có phải là mối nguy của những người có tiền sử bị đột quỵ thưa BS? Vì sao?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Một số thống kê cho thấy rằng đột quỵ tăng cao vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè - giai đoạn thời tiết bắt đầu nắng nóng. Tuy nhiên, sự thay đổi ca bệnh đột quỵ theo mùa không quá nổi trội. Do đó, trong thời tiết nắng nóng, ngoài khả năng tăng nguy cơ đột quỵ tái phát hoặc đột quỵ do có yếu tố nguy cơ thì người đó còn có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt, hay còn gọi là sốc nhiệt.

Nếu không được xử trí kịp thời, sốc nhiệt cũng gây ra tổn thương tế bào thần kinh, tổn thương não bộ cũng giống như trường hợp đột quỵ.

3. Trong thời tiết nắng nóng, cần lưu ý gì để ngăn ngừa tái phát đột quỵ?

Không chỉ là người đã từng bị đột quỵ mà ngay cả những người có cơn thiếu máu não thoáng qua cũng cần cảnh giác khi trời nóng bức. Xin hỏi, họ cần lưu ý gì (trong sinh hoạt, dinh dưỡng, thuốc men…) trong thời tiết này để ngăn ngừa đột quỵ cơn đột quỵ thực sự?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Người đã từng bị đột quỵ hoặc những người có cơn thiếu máu não thoáng qua, tức là những người bị khiếm khuyết thần kinh sau đó hồi phục hoàn toàn và người đó nghĩ rằng mình may mắn và bệnh đã được giải quyết hoàn toàn. Tôi xin trả lời là không phải như vậy.

Về bản chất cơn thiếu máu não thoáng qua cũng là cơn đột quỵ. Người bị cơn thiếu máu não thoáng qua có nguy cơ rất lớn bị cơn đột quỵ thực sự trong vòng 1 tuần đầu tiên. Những người bị cơn thiếu máu não thoáng qua đã hồi phục về triệu chứng thì cũng cần điều trị dự phòng như một trường hợp đột quỵ thực sự.

4. Dấu hiệu tái phát đột quỵ

Dấu hiệu điển hình tái đột quỵ mà bản thân người bệnh cũng như gia đình cần biết là gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Những dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ tái phát hay cơn đột quỵ lần đầu đều giống nhau. Đó là sự xuất hiện đột ngột của những triệu chứng thần kinh, thường gặp là méo miệng, thay đổi về ngôn ngữ như nói lớ, không hiểu lời hoặc không phát âm được, yếu nửa người, chóng mặt, không đi lại được. Đó là những dấu hiệu của cơn đột quỵ lần đầu cũng như đột quỵ tái phát.

“Thời gian vàng” còn ý nghĩa đối với những người bị đột quỵ tái phát không thưa BS?

Thời gian vàng” hoàn toàn có ý nghĩa như đột quỵ lần đầu. Khi bị đột quỵ tái phát, “thời gian vàng” là thời gian để cứu những phần não chưa bị tổn thương hoàn toàn. Bởi vì khi mạch máu bị tắc bởi cục huyết khối thì một phần não bị chết đi, nhưng phần lớn tế bào não trong “thời gian vàng” sẽ không hoạt động nhưng chưa bị hoại tử, tức là chưa hoàn toàn chết.

Khi chúng ta giải quyết cục máu đông, tái lưu thông mạch máu thì sẽ giúp cho những tế bào não chưa bị hoại tử sẽ hồi phục lại và triệu chứng của bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.

5. Cách sơ cứu cho người tái phát đột quỵ

Việc sơ cấp cứu những người tái phát đột quỵ có khác biệt so với người bị đột quỵ lần đầu tiên?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Đối với người bị đột quỵ tái phát thì sơ cấp cứu phải được thực hiện cẩn thận và tích cực hơn, vì khi bị đột quỵ tái phát sẽ nặng hơn đột quỵ lần đầu. Những biện pháp sơ cứu ban đầu sẽ giúp cho bệnh nhân an toàn và phải nhanh chóng yêu cầu được hỗ trợ y tế để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều trị được đột quỵ cấp.

Ví dụ như bệnh nhân đang bị đột quỵ ngoài đường hoặc ở tư thế không an toàn thì phải đưa bệnh nhân đến nơi an toàn và giữ bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng khi có nôn ói.

Chúng ta cần tránh những biện pháp không an toàn, sẽ khiến bệnh nhân mất thời gian vàng điều trị. Một số thao tác không thích hợp như cạo gió, cắt lễ, vắt chanh vào miệng, nhéo vào nhân trung để bệnh nhân tỉnh lại.

6. Lưu ý khi tầm soát cho người đã bị đột quỵ

Có nhiều người cho rằng, đã bị đột quỵ thì không cần phải tầm soát vì như vậy chỉ tốn kém thêm mà không có hiệu quả. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Với người đã bị đột quỵ thì vấn đề sau đó là điều trị để kiểm soát yếu tố nguy cơ và điều trị dự phòng đột quỵ tái phát. Trong quá trình chúng ta điều trị dự phòng thì bệnh nhân phải được theo dõi định kỳ ở cơ sở y tế và bởi một bác sĩ điều trị đột quỵ. Trong quá trình điều trị và theo dõi đó, người bác sĩ sẽ thực hiện nhiều biện pháp khảo sát, đánh giá nguy cơ bị đột quỵ trên bệnh nhân đó cao hay thấp. Đó là biện pháp tầm soát để đánh giá nguy cơ đột quỵ của bệnh nhân.

Từ những đánh giá này, người bác sĩ mới có biện pháp thích hợp để làm giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.

Việc tầm soát đột quỵ ở người đã từng bị đột quỵ có khác gì so với người bình thường không ạ? Những xét nghiệm người bệnh cần làm sau đột quỵ là gì, tần suất thực hiện ra sao?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Một người có yếu tố nguy cơ mạch máu với người đã bị đột quỵ rồi thì việc kiểm soát, đánh giá, điều trị dự phòng sẽ càng tích cực và thường xuyên hơn. Ví dụ người bị đột quỵ có tình trạng xơ vữa mạch máu não hoặc bị hẹp mạch não thì người này cần phải được theo dõi tình trạng này định kỳ. Hoặc một người bị đột quỵ do rung nhĩ hoặc bệnh lý tim mạch thì người này cần được xét nghiệm, đánh giá tim mạch thường xuyên, từ đó đưa ra những hướng điều trị thích hợp.

Tóm lại người bị đột quỵ rồi so với người chưa bị đột quỵ thì việc đánh giá và điều trị sẽ mang ý nghĩa tích cực hơn.

Đối với những người bị đột quỵ thì sẽ tùy vào nguyên nhân gây ra đột quỵ đó mà sẽ có những tầm soát, theo dõi, đánh giá thích hợp. Ví dụ một người bị đột quỵ do xơ vữa mạch thì sẽ đánh giá tình trạng xơ vữa mạch, nếu tình trạng xơ vữa nhẹ thì khoảng 6 tháng - 1 năm sẽ đánh giá 1 lần. Nếu tình trạng xơ vữa nặng thì thời gian đánh giá sẽ gần hơn. Hoặc trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ do bệnh tim (rung nhĩ, van tim,...) thì sẽ đánh giá tình trạng tim trong 6 tháng - 1 năm, tùy mức độ bệnh nặng hay nhẹ.

Ngoài ra, những bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông quá liều thì sẽ gây ra tình trạng chảy máu và việc kiểm tra định kỳ ở những bệnh nhân này sẽ thường xuyên hơn, có thể 1 tuần hoặc 2 tuần.

7. Lời khuyên của bác sĩ dành cho người đã từng bị đột quỵ

Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho những người đã từng bị đột quỵ để giúp họ phòng ngừa căn bệnh này ạ? Người thân, gia đình đóng vai trò ra sao và nên làm gì để giúp người bệnh kiểm soát, phòng ngừa đột quỵ tái phát?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Với người từng bị đột quỵ thì chúng ta phải kiểm soát tốt những yếu tố nguy cơ đã được xác định. Bệnh nhân phải điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông thích hợp để ngừa đột quỵ tái phát.

Ngoài ra, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi, sinh hoạt phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ. Chúng ta có thể sử dụng một số dược phẩm hỗ trợ giúp cơ thể hồi phục những cơ quan đã bị tổn thương hoặc dễ bị tổn thương.

Vai trò của người thân rất quan trọng trong việc giúp người bệnh kiểm soát, phòng ngừa đột quỵ tái phát. Bởi vì những người đã bị đột quỵ thì đôi khi họ bị mất nhận thức, rối loạn về cảm xúc và có thể không tuân thủ điều trị. Người thân có vai trò hỗ trợ về tinh thần và thể chất đối với người đã từng bị đột quỵ.

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng NattoEnzym - hỗ trợ làm tan cục máu đông, giúp ngừa đột quỵ nguyên liệu Nhật Bản của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X