Nguy cơ bỏng giác mạc do xông lá lốt
Đau mắt đỏ đang vào mùa dịch. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, thuốc trị đặc hiệu đau mắt đỏ, nhưng nếu tự ý điều trị, bệnh nhân có thể tự rước bệnh vào thân, khiến bệnh nặng thêm.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi mà cần đi khám để được tư vấn, chữa trị đúng cách. ảnh: P. V |
Trốn kĩ vẫn “dính”
“Cẩn thận thế rồi mà em vẫn “dính” chị ạ! Em bị đau mắt đỏ hôm nay là ngày thứ Ba rồi, nhưng đang bầu tuần 8 nên em chẳng dám động đến thuốc gì vì sợ ảnh hưởng đến con. Em cũng ngại đi khám vì sợ còn lây cả bệnh khác”, Hồng Anh (27 tuổi, ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ khi ngồi chờ khám tại phòng khám BV Mắt Trung ương.
Chị Hồng Anh kể, hàng ngày chị chỉ nhỏ nước muối sinh lý Natri clorid 0,9% để vệ sinh mắt với hy vọng bệnh đến kỳ sẽ tự khỏi. “Mẹ chồng em chắc cũng tại sốt ruột, lo cho cháu nên liền về quê ở ngoại thành kiếm cây sống đời (cây lá bỏng), bảo em giã nhỏ đắp lên mắt.
Em hãi lắm nhưng không dám cãi vì sợ bà bảo là “trứng khôn hơn vịt” nên cứ vâng dạ để đấy! Mẹ chồng thấy em lăn tăn không làm, tự tay bà giã cây, trộn trộn, cuốn gạc và tối qua suýt bắt em nằm ra để đắp. Em ngại quá đành thú thật là em sợ nên không chịu để bà đắp cho.
Vậy là bà làm um lên, bảo bao đời nay người ta vẫn chữa như vậy có làm sao! Trước khi giận dỗi xuống nhà, bà còn đe: “Thích thuốc gì thì thuốc, ảnh hưởng đến cháu nhà này thì đừng trách!”. Vậy là hôm nay em ở đây, chờ xem bác sĩ phán thế nào cho hợp chị ạ!”, Hồng Anh thở dài.
Kế cạnh chị Hồng Anh, chị Ngọc Tú (nhân viên ngân hàng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đeo cặp kính đen to sụ để che đi hai mắt đỏ ngầu, cũng đang “dở khóc dở mếu” vì đau mắt đỏ khi mới mang thai được 10 tuần.
Chị chia sẻ: “Cách đây mấy hôm, em thấy người sốt nhẹ, gai rét, đau họng, cảm giác cộm cộm, vương vướng 2 mắt. Hôm qua ngủ dậy, mắt không thể nào mở nổi. Bà ngoại lo em uống thuốc ảnh hưởng thai nên ra chợ mua ngay lá lốt về bắt em xông. Sợ quá, em vội cùng con đến đây khám, chắc xin nghỉ làm luôn đỡ lây cho bà bầu khác trong phòng”.
Theo BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương, đau mắt đỏ đang bước vào dịch nên số người mắc rất cao. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, quan hệ vợ chồng.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…
Tuyệt đối không xông lá lốt, đắp lá bỏng
Tại BV Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt Hà Nội, vài tuần trước ghi nhận rải rác các trường hợp đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) vào khám. Tuy nhiên, từ cuối tuần qua, số khám bùng phát, trung bình đến 300 bệnh nhân tới khám mỗi ngày. Trong đó, nhiều gia đình cả nhà cùng bị đau mắt đỏ. Tại BV Mắt Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ chiếm từ 40-70% số ca bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phụ nữ mang thai cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch nên rất dễ bị lây bệnh.
BS Hoàng Cương cho hay: “Bà bầu không cần phải lo lắng quá nếu bị lây đau mắt đỏ. Nhiễm virus trong thời kỳ thai nghén đều có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên, với các trường hợp đau mắt đỏ, khả năng gây ảnh hưởng đến thai rất thấp. Điều lo lắng nhất là bà bầu dính đau mắt đỏ lại không đi khám bác sĩ mà tự ý dùng thuốc, khi đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi”.
Theo BS Trịnh Bích Ngọc - Phó Giám đốc BV Mắt Hà Nội, thuốc cho phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ không thể kê chung cho cùng đối tượng mà phải tùy từng thời điểm mang thai, khám thực tế từng cá nhân.
Theo BS Hoàng Cương, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, bệnh không khỏi mà còn nặng lên. Nhiều người thường hay mua hai loại thuốc là Clodexa và Nemydexa mà không biết các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt.
Ngoài ra, có trường hợp không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà do vi khuẩn, viêm loét giác mạc thì nhỏ thuốc vào càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Bà bầu tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, cần đi khám ngay, cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên, không dụi tay lên mắt để ngăn chặn bệnh nặng lên và giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo thai phụ, xông lá trầu không hoặc đắp cây lá bỏng để chữa bệnh đau mắt đỏ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng giác mạc. Khi xông hoặc đắp xong, người bệnh có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nghĩ nó có tác dụng chữa bệnh.
Nhưng ngược lại, sau đó mắt sẽ càng sưng, phù nề, đau nhức, thậm chí là chảy máu. Lý do là vì các loại lá này chứa tinh dầu nóng, gây bỏng mắt. BV Mắt Trung ương đã từng tiếp nhận trường hợp người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng vì chữa bệnh bằng các cách dân gian thay vì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Các bác sĩ cho hay, với đau mắt đỏ không nên quá nôn nóng điều trị, bởi cần có thời gian nhất định là 7 – 10 ngày để loại bỏ virus khỏi cơ thể.
Tốt nhất trước mỗi lần nhỏ thuốc mắt cần rửa sạch mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Bệnh nhân nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô. Lưu ý, khi rửa mắt không để đầu thuốc chạm vào mắt để tránh lây lan. Mỗi người bệnh nên dùng một lọ thuốc riêng phòng tránh lây chéo.
Giám sát chặt tại nhà trẻ, trường học
TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: Khả năng đau mắt đỏ phát triển thành dịch. Sở vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương tăng cường công tác điều trị và dự phòng lây lan bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố. Sở yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường bàn khám, nhân lực, trang thiết bị, thuốc… phục vụ khám, điều trị phòng bệnh đau mắt đỏ. Tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh... |
AloBacsi.vn
Theo Thu Nguyên - Gia đình Xã hội
Theo Thu Nguyên - Gia đình Xã hội
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình