Hotline 24/7
08983-08983

Người mẹ nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B: Khi nào mang thai an toàn, theo dõi trẻ ra sao sau sinh?

ThS.BS Nguyễn Văn Út - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, người mẹ nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B hoàn toàn có cơ hội sinh con khỏe mạnh nếu được điều trị, dự phòng tốt. Điều quan trọng là mẹ cần trao cơ hội tầm soát sớm, từ đó giúp bác sĩ xây dựng chiến lược điều trị, theo dõi xuyên suốt để con được chào đời an toàn, tương lai khỏe mạnh.

1. Mẹ mắc bệnh viêm gan B, HIV, giang mai, có cơ hội sinh con khỏe mạnh?

Lo lắng lớn nhất của các chị em phụ nữ đó là: người mẹ nhiễm HIV, giang mai, viêm gan (đặc biệt là viêm gan B) có thể sinh con khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh? Cơ hội này cao hay thấp?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Hậu quả của người mẹ khi bị nhiễm virus viêm gan B - HIV - Giang mai có thể lây truyền cho trẻ nếu không được chẩn đoán, điều trị dự phòng sớm, tỷ lệ lây sang cho trẻ sẽ rất cao. Tuy nhiên, đối với virus viêm gan siêu vi B, nếu người mẹ được phát hiện và tầm soát sớm, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ cần có các phương án điều trị dự phòng tốt và theo dõi sớm về vấn đề sức khỏe của thai nhi.

Có thể hoàn toàn dự phòng được vấn đề lây sang cho trẻ và sinh ra một đứa trẻ không bị nhiễm viêm gan siêu B. Nhiễm xoắn khuẩn giang mai cũng vậy, nếu được phát hiện sớm và điều trị, tỷ lệ lây lan sang cho trẻ hầu như gần bằng 0. Đối với HIV, nếu người mẹ được điều trị dự phòng tốt, theo dõi sát, trong lúc chuyển dạ cẩn thận không để xảy ra các vấn đề tổn thương trẻ, cũng như tiếp xúc với những tác nhân nguy cơ trong quá trình chuyển dạ lúc sinh, tỷ lệ lây cho trẻ sẽ thấp.

Đối với người mẹ nhiễm HIV có phương pháp dự phòng và điều trị kịp thời, các mẹ nên yên tâm và không nên lo lắng quá nhiều về vấn đề mình nhiễm tác nhân gây bệnh, đặc biệt là virus viêm gan B và con sẽ bị nhiễm bệnh. Vấn đề quan trọng là người mẹ có tầm soát trong quá trình mang thai và đặc biệt là tầm soát sớm.

Nếu tầm soát sớm trong quá trình mang thai và có phương án theo dõi sức khỏe của người mẹ, đặc biệt là có chỉ định dự phòng và theo dõi trẻ trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh, có thể sinh ra một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm viêm gan siêu vi B.

2. Việt Nam đã triển khai chiến lược nào để dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con?

Với những hiểm nguy to lớn của Viêm Gan B - HIV - Giang Mai cho người dân, cộng đồng và xã hội, vậy hiện nay nước ta đã áp dụng những chiến lược - giải pháp nào trong việc bảo vệ mẹ và bé trước các bệnh lây truyền này, thưa BS?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Từ 2018 đến 2030, Bộ Y tế cũng như chính quyền nhà nước đã đưa ra những quyết định, kế hoạch giải quyết triệt để các bệnh lý viêm gan B, HIV, giang mai lây truyền từ mẹ sang con. Đồng thời cũng đưa ra hướng dẫn cho cán bộ ngành y tế, sản phụ tầm soát, triển khai các kỹ thuật nhằm phát hiện sớm viêm gan B, HIV, giang mai, từ đó có phương án dự phòng sớm, kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.

3. Trước khi mang thai, người phụ nữ nên làm xét nghiệm gì để phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ mẹ sang con?

Thực tế, nhiều phụ nữ không biết mình mắc giang mai, HIV, viêm gan. Theo BS, trước khi mang thai, người phụ nữ cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm gì để sàng lọc - phát hiện sớm, nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con ạ?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trước khi dự định mang thai nên khám tổng quát hoặc xét nghiệm tầm soát các tác nhân gây bệnh. Ngoài xét nghiệm các bệnh cơ bản, có thể thực hiện thêm các xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Đặc biệt là HIV, giang mai, viêm gan siêu vi B. Đây là vấn đề rất thiết thực.

Hiện nay có các loại test nhanh rất thuận lợi, cho kết quả trong thời gian ngắn với mức độ chính xác cao. Tại hầu hết các cơ sở y tế đều được trang bị test nhanh này. Các chị em có thể đến khám và có chỉ định làm xét nghiệm. Qua đó, có phương án theo dõi - điều trị phù hợp.

Chẳng hạn như, với bệnh viêm gan siêu vi B, nếu qua xét nghiệm cho thấy chưa mắc bệnh, chưa có kháng thể thì có thể tiêm ngừa trước khi mang thai. Tương tự, với bệnh giang mai nếu được phát hiện trước khi mang thai có thể điều trị khỏi hoàn toàn theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, sau đó mang thai trẻ sẽ không mắc bệnh.

Ngoài ra, nếu bệnh HIV phát hiện sớm sẽ giúp lên phương án điều trị và mang thai, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con hiệu quả. Các chị em tuân thủ đúng theo lộ trình như chuyên gia đề ra, tỷ lệ lây truyền này sẽ thấp và trẻ sinh ra có cơ hội hoàn toàn khỏe mạnh.

4. Xét nghiệm sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ có an toàn cho mẹ và bé?

Với những phụ nữ chưa khám tiền sản, đã mang thai, liệu có cách nào để sàng lọc những bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV, giang mai, viêm gan?

- Xét nghiệm sàng lọc trong thai kỳ tốt nhất là nên thực hiện vào thời điểm nào là tốt nhất và mang lại kết quả chính xác nhất?

- Các xét nghiệm này có an toàn cho mẹ và thai nhi, thưa BS?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Với phụ nữ mang thai chưa xét nghiệm tiền sản thì nên khám - xét nghiệm càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tốt hơn nữa là ngay là sau khi trễ kinh, đi khám thai lần đầu tiên để sàng lọc các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, trong đó có viêm gan B, giang mai và HIV.

Tại thời điểm này, người phụ nữ sẽ được làm test nhanh với độ nhạy, độ đặc hiệu cao để có phương án thích hợp. Nếu không phát hiện các bệnh lý này cũng giúp người mẹ yên tâm hơn trong thai kỳ. Ngược lại, nếu chẳng may có bệnh thì cũng được điều trị sớm, phương án dự phòng kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con. Ở giai đoạn sau 3 tháng đầu thai kỳ có thể sẽ tăng nguy cơ cho em bé, mặc dù khi đó vẫn có can thiệp nhưng sẽ không tốt bằng trong tam cá nguyệt đầu tiên. Các xét nghiệm này an toàn với sức khỏe người mẹ.

5. Điều trị HIV, giang mai đến khi nào mới an toàn để mang thai?

Trong trường hợp phát hiện nhiễm HIV, Giang Mai trước khi mang thai, người phụ nữ sẽ được điều trị như thế nào, thưa BS? Điều trị đến khi nào mới có thể mang thai an toàn?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Khi người phụ nữ phát hiện nhiễm HIV thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa, qua đó xây dựng liệu trình cụ thể, kiểm tra bệnh lý ở giai đoạn nào. Tùy mỗi giai đoạn, hiệu quả điều trị sẽ khác nhau. Ví dụ trong giai đoạn sớm, điều trị sớm, tải lượng virus được ức chế đến mức dưới ngưỡng phát hiện, người phụ nữ có thể thực hiện kế hoạch mang thai và uống thuốc điều trị, dự phòng. Đồng thời, khi mang thai sẽ được theo dõi sát sao, khám thai định kỳ, tuân thủ điều trị… Điều này đòi hỏi sự phối hợp các chuyên khoa, đặc biệt là chuyên khoa Truyền nhiễm và chuyên khoa Sản.

Khi người phụ nữ được kiểm soát tốt, tuân thủ các hướng dẫn sẽ giúp hạn chế tối đa cho trẻ trong khi mang thai và sơ sinh. Ngược lại, nếu không được kiểm soát tốt do không tuân thủ điều trị, tải lượng virus còn cao thì người phụ nữ không nên mang thai, bởi vì khi đó kết quả dự phòng lây truyền từ mẹ qua bé sẽ thất bại.

Tóm lại, đối với phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh nếu tuân thủ điều trị tốt, theo dõi sát, kết hợp tốt việc điều trị HIV và khám thai định kỳ, phòng ngừa lây truyền cho con.

6. Trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV, giang mai sẽ được theo dõi, làm xét nghiệm gì?

Em bé được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV, Giang Mai sẽ được chăm sóc, theo dõi như thế nào? Có cần làm các xét nghiệm sau sinh để xác định có bị lây bệnh từ mẹ?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Với người mẹ nhiễm HIV, mặc dù dự phòng tốt, lộ trình điều trị hiệu quả, song khi trẻ chào đời vẫn cần có kế hoạch theo dõi và làm xét nghiệm cho trẻ. Tuy nhiên, trên những trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV cần thực hiện bằng RT-PCR để phát hiện gen của virus, không sử dụng xét nghiệm miễn dịch, bởi vì phần lớn những trẻ này có mang trong người kháng thể chống lại HIV trong giai đoạn đầu, thường là 18 tháng đầu đời của trẻ.

Sau khi sinh, trẻ cần được xét nghiệm RT-PCR càng sớm càng tốt. Sau đó, trẻ sẽ được theo dõi thêm 1 tháng - 3 tháng - 6 tháng và đến 18 tháng. Tùy theo mức độ tuân thủ của người mẹ mà có lộ trình theo dõi trẻ sau sinh phù hợp.

Ngoài ra, với trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV cũng được khuyến cáo hạn chế cho bé bú sữa mẹ. Vì trong quá trình bú, trẻ có thể vô tình cắn vú của mẹ, gây chảy máu và lây truyền bệnh cho bé. Nghiên cứu cho thấy, người mẹ nhiễm HIV nuôi con cho bú bình thì nguy cơ lây cho trẻ sau này thấp hơn.

Với người mẹ nhiễm xoắn khuẩn giang mai điều trị khỏi trong quá trình mang thai, trẻ sinh ra cũng được theo dõi bằng các xét nghiệm, có thể là bằng RT-PCR để tìm trực tiếp xoắn khuẩn giang mai hoặc theo dõi sát sao qua các biểu hiện của trẻ (ví dụ như sốt, sang thương trên da vùng miệng…).

Tóm lại, trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV hay xoắn khuẩn giang mai, viêm gan B cũng phải có phương án theo dõi thích hợp để phát hiện sớm, cho dù đã được dự phòng tốt trong quá trình mang thai, để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.

7. Thời điểm thích hợp trẻ được thực hiện các xét nghiệm để xác định tình trạng viêm gan B - đáp ứng kháng thể là khi nào?

Trẻ được sinh ra từ người mẹ mắc viêm gan B, liệu trình tiêm huyết thanh và vắc xin phòng ngừa viêm gan B như thế nào?

- Vì sao cần cả huyết thanh lẫn vắc xin? Trong trường hợp chỉ được tiêm huyết thành thì khả năng bảo vệ được bao nhiêu?

- Thời điểm nào trẻ cần được làm các xét nghiệm để xác định tình trạng viêm gan B - đáp ứng kháng thể và đó là những xét nghiệm gì?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Cơ chế gây bệnh của virus viêm gan siêu vi B là khi một người bị nhiễm virus viêm gan B, sau khi xâm nhập vào máu, virus sẽ đi đến nơi có ái lực cao là tế bào gan. Sau khi xâm nhập vào tế bào gan, virus viêm gan B sẽ đi vào trong nhân tế bào và nhân lên thành những chuỗi mới, tổng hợp thành virus mới khi thoát ra khỏi nhân. Mượn những vật liệu di truyền của cơ thể để nhân lên những loại virus mới, nhiễm sang những tế bào gan khác và có thể làm tổn thương đến gan.

Chính vì vậy, khi người mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B, xét nghiệm định lượng, nồng độ virus âm tính là do chu trình nhiễm virus viêm gan siêu vi B có một giai đoạn virus xâm nhập vào tế bào nhân của gan và không đi ra máu. Điều này được xem như một thể ngủ và cho ra kết quả định lượng âm tính. Khi xét nghiệm viêm gan nằm trong giới hạn bình thường, tuy nhiên, đến một giai đoạn nào đó, virus sẽ bùng phát trở lại, ra tế bào gan và gây tình trạng viêm gan cấp trong quá trình người mẹ mang thai.

Khi nhiễm viêm gan B trong quá trình mang thai, người mẹ sẽ có một lộ trình theo dõi và điều trị dự phòng nếu có chỉ định. Đặc biệt, sau khi sinh, đứa trẻ cũng cần được theo dõi theo khuyến cáo của các chuyên gia. Đầu tiên, ở người mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B sau sinh, bắt buộc phải đưa trẻ tiêm ngừa vắc xin viêm gan siêu vi B theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

Thứ hai, trẻ phải được tiêm theo mũi Globulin miễn dịch để trung hòa loại virus viêm gan siêu vi B, đề phòng tình trạng nhiễm virus viêm gan siêu vi B trong quá trình mang thai cũng như trong lúc sinh. Đây là một hiệu quả kép vừa diệt được Globulin miễn dịch, vừa diệt được những tác nhân hiện hữu. Vắc xin sẽ tạo ra kháng thể để sau này chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đối với người mẹ nhiễm virus viêm gan siêu vi B có lộ trình theo dõi, trẻ sinh ra thường sẽ được tiêm một lượt hai loại vắc xin, một là mũi vắc xin phòng ngừa viêm gan siêu vi B, hai là Globulin miễn dịch để tăng mức độ phòng ngừa hay lây truyền cho trẻ trong lúc sinh cũng như là theo dõi sau khi sinh.

Đặc biệt sau khi sinh cần theo dõi trẻ và thực hiện xét nghiệm lâm sàng như men gan, định lượng nồng độ virus,... Để tăng cường sức khỏe cho trẻ sau sinh và tránh tình trạng lây nhiễm từ mẹ sang con cần theo dõi và tiêm Globulin miễn dịch để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc phòng ngừa tác nhân gây hại hiện hữu.

8. Trường hợp nào về bệnh nhân mắc các bệnh Viêm Gan B - HIV - Giang Mai truyền từ mẹ sang con khiến bác sĩ nhớ nhất?

Trong quá trình hành nghề, có những trường hợp nào về các bệnh Viêm Gan B - HIV - Giang Mai truyền từ mẹ sang con để lại trong BS những ấn tượng sâu sắc không ạ?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Một trường hợp khiến tôi nhớ nhất là bệnh nhân nữ khoảng hơn 30 tuổi, nhập viện trong tình trạng chuyển dạ sinh. Sau khi nhập viện, các bác sĩ thực hiện tầm soát viêm gan siêu vi B - HIV - Giang mai cho bệnh nhân, kết quả xét nghiệm cho thấy kháng thể dương tính với HIV.

Các bác sĩ sản khoa đã liên hệ với tôi để hội chẩn, trong trường hợp này, đầu tiên, bệnh nhân chuyển dạ vẫn để sinh bình thường. Thứ hai là gửi mẫu xét nghiệm lại, phần lớn những mẹ bầu khi vào viện sẽ được thực hiện test kháng nguyên và kháng thể. Để xác định chính xác người mẹ có bị nhiễm HIV hay không cần gửi mẫu qua CDC để khẳng định thêm một lần cuối.

Do đó, việc theo dõi cần thực hiện song song. Đầu tiên là theo dõi trẻ sau khi sinh, thứ hai là gửi mẫu xét nghiệm để khẳng định lại người mẹ có nhiễm bệnh hay không. Trong thời gian chờ kết quả, trẻ sinh ra cần được liên hệ với nơi điều trị dự phòng từ mẹ sang con để theo dõi và điều trị dự phòng.

Trong trường hợp phát hiện nhiễm HIV được phát hiện tình cờ ở giai đoạn chuyển dạ. Giai đoạn này cần được xử trí đảm bảo trong quá trình sinh luôn giữ nguyên tắc hạn chế tối đa sang thương cho mẹ và trẻ. Trẻ sinh ra bên cạnh mũi tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng nên cho trẻ uống thuốc dự phòng để phòng ngừa trường hợp điều trị muộn.

May mắn trong trường hợp này, sau khi nhận được kết quả từ CDC cho kết quả khẳng định lại là âm tính, có thể là một phản ứng chéo của người mẹ trong quá trình xét nghiệm. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính, vấn đề điều trị dự phòng sẽ được ngưng lại.

9. Việc phát hiện, điều trị và kiểm soát sớm mang lại giá trị ra sao trong phòng ngừa các bệnh Viêm Gan B - HIV - Giang Mai cho trẻ?

Cuối cùng, nhờ BS nhấn mạnh một lần nữa: Phòng ngừa lây truyền HIV, giang mai, viêm gan từ mẹ sang con đóng vai trò quan trọng như thế nào? Việc phát hiện và điều trị, kiểm soát sớm mang lại giá trị ra sao trong phòng ngừa những căn bệnh này lây truyền cho trẻ?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Viêm gan siêu vi B - HIV - Giang mai là những bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, chính vì vậy nếu có điều kiện, trước khi mang thai nên chủ động tầm soát để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời, hạn chế những gánh nặng về sau cho trẻ và phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con. Thăm khám và thực hiện test nhanh để phát hiện những tác nhân gây bệnh, vừa phát hiện sớm vừa hạn chế về chi phí về xử lý những gánh nặng về sau đối với trẻ.

Việc thực hiện test nhanh phát hiện sớm viêm gan siêu vi B - HIV - Giang mai mang lại những lợi ích rất tốt cho người mẹ trong lúc mang thai. Thứ nhất là phát hiện sớm và có kết quả tức thời sau khi test (khoảng 2-3 tiếng sau khi lấy mẫu). Thứ hai, phát hiện sớm những bệnh lây truyền từ mẹ sang con để có những định hướng xử lý và phòng ngừa tốt nhất. Thứ ba, sau khi phát hiện bệnh sớm người mẹ sẽ có một phương hướng điều trị tốt, có một chiến lược dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Thứ tư, khi được chẩn đoán và phát hiện bệnh, người mẹ có thể tiếp cận với chuyên gia sớm hơn để nhận được những lời khuyên và định hướng điều trị tốt nhất. Thứ năm, khi phát hiện bệnh sớm sẽ hạn chế được chi phí theo dõi và điều trị, đặc biệt hạn chế tối đa về mặt ảnh hưởng tinh thần cho trẻ khi không may bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

>>> Người mẹ nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời khả năng lây truyền sang con là 0%

Trân trọng cảm ơn các chuyên gia và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Ngành hàng Chẩn đoán nhanh Văn phòng đại diện công ty Abbott Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Chương trình Nâng cao nhận thức về mối hiểm nguy và lợi ích của việc chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm thường gặp do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, phối hợp cùng Ngành hàng Chẩn đoán nhanh Văn phòng đại diện công ty Abbott Việt Nam. Chương trình được phát sóng trên hệ thống các kênh của AloBacsi và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ.

Chuỗi chương trình gồm 4 buổi chia sẻ, diễn ra từ tháng 11 đến tháng 12 năm nay. Chương trình sẽ cập nhật những kiến thức hữu ích về các bệnh truyền nhiễm thường gặp như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm mùa, Viêm Gan B - HIV - Giang Mai truyền từ mẹ sang con, v.v.

Mời quý khán giả theo dõi các chương trình đã thực hiện:

Kỳ 1: Mối hiểm nguy của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cách thức chẩn đoán nhanh, điều trị

Kỳ 2: Mối hiểm nguy và tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm cúm mùa và các bệnh đường hô hấp cho đối tượng học sinh - sinh viên

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X