Hotline 24/7
08983-08983

Người mẹ nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời khả năng lây truyền sang con là 0%

Tầm soát bệnh về HIV, viêm gan B, giang mai cho phụ nữ mang thai có ý nghĩa quan trọng. Trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu kỳ và trước khi mang thai, phụ nữ nên tầm soát các bệnh truyền nhiễm này để được chẩn đoán kịp thời, hạn chế rủi ro, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sau này và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Đề cập sơ bộ đến những con số về Viêm Gan B - HIV - Giang Mai, PGS.TS Lê Thị Anh Thư cho biết:

- Mỗi năm, Việt Nam có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con khoảng 30 - 40%.

- Tỷ lệ nhiễm virus gây bệnh viêm gan B trên phụ nữ mang thai ở nước ta chiếm khoảng 10 - 20% và 90% trẻ sinh ra từ các bà mẹ không được phát hiện, kiểm soát tốt bệnh có thể lây truyền căn bệnh này.

- Tương tự, tình trạng lây nhiễm bệnh giang mai từ mẹ sang con cũng đáng lo ngại, với tỷ lệ khoảng 40 - 70%.

Thông qua những con số này, PGS.TS Lê Thị Anh Thư mong muốn nhắn gửi đến cộng đồng và đặc biệt những phụ nữ chưa và đang mang thai nên tầm soát chặt chẽ viêm gan B - HIV - giang mai, để các em bé được sinh ra khỏe mạnh, có một nền tảng sức khỏe tốt.

1. Bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con là gì và bệnh nào có khả năng lây truyền phổ biến nhất?

Hiện nay, còn nhiều người nhầm lẫn, bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con là những bệnh di truyền, tức là truyền từ đời này sang đời khác. Nhờ BS giải thích cho khán thính giả hiểu thêm:

- Bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con được hiểu chính xác như thế nào, thưa BS? 

- Trong đó, đâu là những bệnh có khả năng lây truyền từ mẹ sang con phổ biến nhất ạ?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Bệnh lý về lây truyền khác với bệnh lý về di truyền. Thứ nhất, bệnh lý di truyền liên quan đến hệ gen của cha mẹ truyền cho con, cháu và có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Bệnh lý di truyền phần lớn do cha hoặc mẹ có gen lặn, khi mang thai trở thành gen trội và thể hiện bệnh lý di truyền cho thế hệ sau. Thông thường các bệnh lý này là bệnh không lây như thalassemia, ung thư máu, ung thư vú,… Vấn đề dự phòng khá khó khăn, chỉ khi phát hiện sớm mới có thể dự phòng.

Bệnh lý lây truyền có thể truyền bệnh do virus hoặc vi trùng,… Khi cha mẹ mắc bệnh truyền nhiễm như giang mai, HIV, viêm gan B,… không được phát hiện sớm có thể truyền bệnh cho con trong quá trình mang thai hoặc lúc chuyển dạ, lúc sinh. Tuy nhiên, bệnh lý lây truyền có thể phát hiện, phòng ngừa và điều trị khỏi, hạn chế tối đa việc lây truyền cho trẻ khi mang thai.

2. Viêm gan B - HIV và giang mai là bệnh gì?

Để bắt đầu chủ đề ngày hôm nay, xin được hỏi ThS.BS Ngô Văn Út định nghĩa bệnh viêm gan B - HIV và giang mai là gì?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: HIV là hội chứng gây suy giảm miễn dịch ở người do nhiễm phải virus HIV. Các virus này chủ yếu tấn công vào tế bào miễn dịch của cơ thể đặc biệt là tế bào lympho (lympho CD4). Khi nhiễm virus làm hệ thống miễn dịch giảm xuống và người bệnh có thể mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng cơ hội nặng, thậm chí tử vong.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 2 tỷ người mắc viêm gan siêu vi B. Trong đó, có khoảng 400 triệu người nhiễm viên gan siêu vi B mạn. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.

Khi cơ thể nhiễm virus viêm gan B, virus sẽ tấn công vào các tế bào chủ yếu là tế bào gan và nhân lên làm tế bào bị viêm và hoại tử.

Viêm gan B mạn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn của viêm gan B mạn còn tương đối thấp. Mục tiêu chính là ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan B, phát hiện sớm, theo dõi và điều trị khi có chỉ định để ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan và suy gan.

ThS.BS Ngô Văn Út - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Giang mai là bệnh truyền nhiễm do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan. Khi người bệnh nhiễm xoắn khuẩn này, ban đầu là nhiễm trùng cấp tính, sau đó có thể dẫn đến nhiễm trùng mạn tính. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, đặc biệt là phụ nữ mang thai sẽ lây truyền từ mẹ sang con.

Tại nước ta, thống kê hàng năm của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, bệnh giang mai chiếm khoảng 2 - 5% tổng số các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Tóm lại, viêm gan B - HIV và giang mai là bệnh truyền nhiễm do virus, vi trùng gây nên. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác và dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3. Ngoài viêm gan B, loại viêm gan nào có khả năng lây truyền từ mẹ sang con?

Ngoài viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con như BS đã chia sẻ thì trong các bệnh viêm gan còn lại, loại nào có khả năng lây truyền từ mẹ sang con nữa, thưa BS?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Ngoài viêm gan B, một số viêm gan khác cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ, đặc biệt là viêm gan siêu vi C, nếu không được phát hiện và điều trị sẽ mang mầm bệnh và lây truyền trong lúc mang thai.

Virus viêm gan có nhiều loại: viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, viêm gan D, viêm gan E,… Một số virus như viêm gan E sẽ tự khỏi và tự hồi phục sau giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Còn lại virus viêm gan B, viêm gan C có khoảng 10 - 15% dẫn đến giai đoạn mãn tính, thậm chí dẫn đến xơ gan, ung thư gan hoặc tử vong do hoại tử tế bào gan.

4. Viêm gan B - HIV - giang mai lây truyền từ tuần thai bao nhiêu và qua con đường nào?

Về viêm gan B - HIV và giang mai, sự lây truyền các căn bệnh này trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra từ tuần thai nào và lây qua con đường nào là chủ yếu ạ? Nguy cơ nào sẽ thúc đẩy khả năng lây truyền từ mẹ sang con gia tăng, thưa BS?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Mặc dù HIV do virus suy giảm miễn dịch mắc phải gây ra; viêm gan do virus có ái lực với tế bào gan và giang mai do xoắn khuẩn gây ra. Tuy nhiên, 3 bệnh này có các điểm chung về đường lây truyền (lây qua đường tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con).

Người mẹ mang thai khi bị nhiễm một trong 3 tác nhân này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi ở bất kỳ giai đoạn nào. Đối với virus HIV nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ lây truyền cho trẻ có thể lên đến 45%. Ngược lại, nếu người mẹ được điều trị và theo dõi, tỷ lệ sẽ rất thấp, thậm chí 0%.

Bệnh có thể lây truyền ở bất kỳ giai đoạn nào (trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối), tuy nhiên giai đoạn lây nhiễm cao nhất là lúc chuyển dạ và lúc sinh vì bé có thể tiếp cận với máu của người mẹ. Nếu người mẹ có HIV tải lượng cao, không được điều trị thích hợp, đặc biệt phát hiện muộn nguy cơ lây truyền sẽ rất cao.

Đối với virus viêm gan siêu B, trong giai đoạn mang thai nếu nhiễm bất cứ tác nhân nào cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể làm thai bị dị dạng,… 3 tháng giữa gây yếu thai hoặc 3 cuối thai kỳ làm thai bị suy. Đặc biệt có thể lây truyền cho trẻ trong quá trình chuyển dạ và quá trình sinh.

Bệnh giang mai có thể ảnh hưởng trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên, xoắn khuẩn giang mai nếu phát hiện sớm và điều trị dự phòng kịp thời, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con hầu như 0%, trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh. Ngược lại, người mẹ mắc giang mai không được điều trị đúng sẽ lây cho trẻ trong quá trình mang thai, đặc biệt là quá trình chuyển dạ.

5. Trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B - HIV và giang mai sẽ ra sao?

Nhờ BS Ngô Văn Út chia sẻ thêm về mối nguy hiểm của trẻ sơ sinh khi nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B sẽ ra sao thưa BS?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch ở trẻ. Do virus HIV tấn công vào các tế bào miễn dịch của cơ thể, mà hệ thống miễn dịch của trẻ chưa vững vàng. Ngoài ra, có thể dẫn đến dị dạng thai, thai lưu, thai chết trong tử cung của mẹ trước khi sinh ra.

Trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV hệ miễn dịch sẽ suy giảm nhanh hơn và nhiễm trùng cơ hội gây sốt kéo dài, nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy kéo dài,… làm sức khỏe trẻ bị suy kiệt và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ.

Đối với người bị giang mai, trong giai đoạn mang thai nếu không được phát hiện có thể làm thai bị dị dạng, thai yếu dẫn đến thai lưu trước khi chuyển dạ. Ngoài ra, có thể làm tình trạng nhiễm trùng của trẻ diễn tiến nhanh, kéo dài hoặc dị tật bẩm sinh (giang mai bẩm sinh). Nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng, thậm chí tử vong.

Virus viêm gan B có thể gây dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai yếu, khi sinh và chuyển dạ có thể lây cho trẻ. Khi trẻ bị nhiễm viêm gan siêu vi B, nếu không can thiệp sớm sẽ là gánh nặng cho gia đình, sức khỏe của trẻ và gáng nặng về kinh tế. Cần theo dõi trẻ trong thời gian dài, vì đôi khi virus tồn tại suốt đời trong cơ thể trẻ, nếu không theo dõi sát có thể dẫn đến viêm gan B mạn, xơ gan hoặc ung thư gan sớm khi trưởng thành.

6. Vì sao phải làm xét nghiệm viêm gan B - HIV và giang mai cho phụ nữ có thai?

Với những chia sẻ của BS Ngô Văn Út, chúng ta đều thấy được sự nguy hiểm to lớn của các căn bệnh viêm gan B - HIV và giang mai. Vậy thì xin thưa BS Út, tại sao chúng ta lại cần phải làm xét nghiệm viêm gan B - HIV và giang mai cho phụ nữ có thai ạ?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: HIV lây truyền chủ yếu qua: Đường tình dụcĐường máu như dùng chung bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ dùng trong y tế có dính máu của người nhiễm HIV, dùng chung dao cạo, kim xăm trổ, xăm lông mày, kim châm cứu, có vết thương hở tiếp xúc với máu của người bị nhiễm HIV; Lây từ mẹ sang con, virus HIV có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh qua 3 con đường: nhau thai, nước ối - dịch âm đạo - máu của mẹ dính vào niêm mạc hoặc vết thương hở của bé, lây qua sữa mẹ.

Vì vậy, cần tầm soát để phát hiện sớm bệnh lý về HIV để có phương pháp cho người mẹ, để hạn chế lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh giang mai lây truyền chủ yếu qua: Đường tình dục (90%), đa số các cách quan hệ tình dục không an toàn đều là nguyên nhân lây bệnh; Lây truyền do tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc; Lây từ mẹ sang con nếu phụ nữ mang thai không được tầm soát, phát hiện sớm để có phương án dự phòng thì có thể xoắn khuẩn giang mai sẽ lây cho trẻ trong quá trình mang thai - chuyển dạ - sau khi sinh.

Viêm gan siêu vi B là virus có ái lực với tế bào gan. Nếu người mẹ vô tình nhiễm viêm gan siêu vi B mà không có phương án theo dõi dự phòng sẽ lây truyền cho con. Bên cạnh việc lây truyền qua đường máuđường tình dục, vấn đề lây truyền từ mẹ sang con chiếm phần rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bé sau này.

Tóm lại, người mẹ trong lúc mang thai, vấn đề tầm soát bệnh về HIV, viêm gan B, giang mai có ý nghĩa quan trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ mang lại hệ lụy cho trẻ sau này và là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, phải làm xét nghiệm cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ.

7. Xét nghiệm, tầm soát sớm viêm gan B - HIV và giang mai đem lại lợi ích gì?

Những chia sẻ trên đây của BS Ngô Văn Út cũng đã tổng quát giúp chúng ta hiểu được định nghĩa về các bệnh viêm gan B - HIV và giang mai, con đường lây lan, và mối hiểm nguy của bệnh nói chung và dành cho trẻ nhỏ nói riêng. Từ đó, nêu bật lên vai trò việc tầm soát và phòng ngừa. Và để có thể giúp người dân và cộng đồng dễ nhớ hơn, một lần nữa, xin phép được nhờ BS Ngô Văn Út chia sẻ những lợi ích chính của việc xét nghiệm, tầm soát sớm Viêm gan B - HIV và Giang mai từ mẹ sang con?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Tầm soát để phát hiện sớm và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đối với bệnh HIV, giang mang, viêm gan B có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, tầm soát sớm để có phương án dự phòng và điều trị kịp thời.

Thứ hai, hạn chế tối đa nguy hiểm lây truyền cho trẻ. Nếu người mẹ không được chẩn đoán, phát hiện HIV tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ trong quá trình mang thai, cũng như sau sinh là 15 - 45%. Trường hợp phát hiện sớm, tỷ lệ này sẽ giảm rõ rệt có thể dưới 2%, thậm chí 0%. Đối với giang mai, nếu người mẹ được tầm soát sớm trong 3 tháng đầu của thai kỳ và được điều trị (giang mai có thuốc điều trị khỏi), khi bé sinh ra có thể không mắc bệnh.

Thứ ba, khi trẻ sinh ra không mắc bệnh là an ủi rất lớn về tinh thần, cũng như lợi ích về kinh tế, hạn chế nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, người mẹ khi mang thai cần lưu ý tầm soát và phát hiện sớm để dự phòng lây nhiễm cho trẻ.

8. Việc chẩn đoán, tầm soát sớm bằng các xét nghiệm nhanh viêm gan B - HIV và giang mai từ mẹ sang con đóng vai trò như thế nào?

Và đến với câu hỏi cuối cùng cùng của phần chia sẻ những thông tin về bệnh và chuẩn bị bước sang phần hỏi đáp cùng quý thính giả, xin phép được hỏi BS Ngô Văn Út về vai trò của các xét nghiệm nhanh trong việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm các bệnh Viêm gan B - HIV và Giang mai từ mẹ sang con như thế nào ạ?

ThS.BS Ngô Văn Út trả lời: Việc chẩn đoán, tầm soát sớm bằng test nhanh đối với bệnh HIV, viêm gan B và giang mai có lợi ích rất lớn. Thứ nhất, trả kết quả nhanh, trong thời gian ngắn có thể biết được kết quả. Thứ hai, giúp chẩn đoán nhanh và sớm để tiếp cận xử trí, dự phòng kịp thời.

Thứ ba, nếu phát hiện bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, sớm, hiệu quả cao, giảm ảnh hưởng từ việc lây truyền cho con sau này. Thứ tư, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con giảm đến mức tối đa, có thể bằng 0 nếu điều trị thích hợp. Thứ năm là lợi ích về kinh tế, cũng như tinh thần, hạn chế chi phí điều trị và chi phí theo dõi trẻ sau khi sinh.

Trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu kỳ, trước khi mang thai, phụ nữ nên tầm soát các bệnh HIV, viêm gan B, giang mai bằng test nhanh để chẩn đoán kịp thời, hạn chế rủi ro, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sau này.

>>> Người mẹ nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B: Khi nào mang thai an toàn, theo dõi trẻ ra sao sau sinh?

Trân trọng cảm ơn các chuyên gia và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Ngành hàng Chẩn đoán nhanh Văn phòng đại diện công ty Abbott Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X