Hotline 24/7
08983-08983

Người làm bếp phải nâng niu những xương khớp nào?

Theo ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan, với các động tác liên quan đến việc nấu nướng thì phần cổ tay, các ngón tay sẽ phải sử dụng nhiều. Nếu đứng lâu thì 2 vị trí chịu lực nhiều nhất là cột sống và khớp gối.

alobacsi ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

1. Người làm bếp dễ bị đau các khớp xương nào?

a. Người làm bếp thường phải đứng lâu, điều này có thể gây ra những bệnh xương khớp nào ạ?

Nếu ở tư thế đứng lâu thì chúng ta có thể hình dung ra được 2 vị trí chịu lực nhiều nhất đó là cột sống và khớp gối. Cũng chính khớp gối là nơi xảy ra bệnh lý khá quen thuộc đó là thoái hóa khớp gối và thoái hóa cột sống. Trước khi thoái hóa cột sống thì sẽ có tình trạng được gọi là đau lưng cơ năng, rất hay gặp ở những người làm bếp, những người làm văn phòng

b. Các động tác tay như băm, dùng máy đánh bột, máy đánh trứng… có thể dẫn đến nguy cơ bệnh gì đối với cổ tay, thưa BS?

Với các động tác liên quan đến việc nấu nướng thì phần cổ tay cũng như các ngón tay sẽ phải sử dụng nhiều. Khi các khớp tăng sử dụng sẽ có một loạt các phản ứng xảy ra liên quan đến các bệnh lý như: hội chứng ống cổ tay.

Ngoài ra với các động tác phải sử dụng ngón tay cái nhiều như: cầm, nắm nhiều thì có thể sẽ ảnh hưởng đến nhóm gân duỗi của ngón tay cái lúc này một bệnh lý xuất hiện được gọi là hội chứng De Quervain (viêm gân dạng dài ngón cái).

Cũng ở ngón cái nếu sử dụng nhiều thì có thể sẽ gặp phải tình trạng viêm của bao gân ngón tay, bệnh lý của ngón tay bật, ngón tay lò xo, ngón tay cò súng; không chỉ gặp ở ngón cái mà còn có thể gặp ở các ngón tay khác nếu sử dụng nhiều.

Đây là các bệnh lý liên quan đến người nội trợ hoặc những ai làm công việc mà phải sử dụng bàn tay nhiều.

c. Với nhiều gia đình ở nông thôn, người làm bếp vẫn thường ngồi xổm, động tác này gây hại cho những khớp xương nào ạ?

Ở động tác đứng nhiều thì khớp gối là một trong những khớp phải chịu lực. Khi bạn ngồi xổm thì một lần nữa khớp gối được xem là bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Một nghiên cứu được thực hiện tại TP HCM cho thấy tình trạng của thoái hóa khớp gối chiếm tới từ 30-50% ở cả nam và nữ trên 40 tuổi - một tần suất cao và điều này cho thấy đây chính là một gánh nặng bệnh tật cho toàn xã hội. Cũng từ nghiên cứu này cho thấy ngồi xổm cũng như béo phì chính là yếu tố nguy cơ của bệnh thoái hóa khớp gối.

2. Độ cao của bàn bếp nên tính toán như thế nào?

Theo BS, độ cao của bàn bếp nên tính toán như thế nào là vừa phải với người đứng bếp ạ?

Chiều cao của mỗi người mỗi khác nhau, vì thế việc xây dựng không gian bếp ở mỗi gia đình sẽ phải dựa trên đầu bếp chính của gia đình đó để từ đó thiêt kế gian bếp cho phù hợp.

Để có thể hạn chế những tác hại của việc đứng lâu ảnh hưởng lên cột sống, bạn phải có một tư thế chuẩn - nghĩa là: 2 dái tai, vai, xương chậu phải trên một đường thẳng. Như vậy nếu gian bếp quá cao thì 2 cánh tay sẽ phải đưa lên cao cũng có thể ảnh hưởng đến khớp vai. Ngược lại nếu như bếp quá thấp, bạn sẽ phải cúi lom khom như vậy sẽ ảnh hưởng lên cả cột sống cổ và cột sống lưng.

Để có thể đứng ở tư thế chuẩn và có thể làm bếp được thì cần phải thực hiện việc đo đạc gian bếp cho phù hợp với mỗi người đầu bếp. Hoặc nếu trong gia đình có nhiều người với nhiều chiều cao khác nhau thì chúng ta sẽ có những cách khắc phục khác nhau ví dụ như: dùng thêm bệ kê thấp cho người có chiều cao khiêm tốn, xây cho phù hợp với người có chiều cao cao hơn.

Ở trường hợp khi gian bếp quá thấp, người đầu bếp phải đứng khom người xuống mới làm được thì có dùng ghế ngồi để hạ chiều cao xuống và vẫn phải giữ được tư thế chuẩn đó là dái tai, vai, xương chậu trên một đường thẳng khi làm việc.

3. Dùng nồi, chảo chống dính có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Có thông tin rằng, các chất bền màu vải (axit perfluorooctanoic (PFOA) và acid perfluorooctanesulfonic (PFOS)) và chất chống dính (nhựa teflon) ở lòng nồi, chảo làm tăng nguy cơ loãng xương ở người thường xuyên sử dụng. BS có ý kiến như thế nào về thông tin này ạ?

Một loạt các chất này được gọi là chất phủ bề mặt, và nó có một đặc điểm chung đó là rất ổn định (khó bị phá vỡ và phân hủy); chính vì tính chất này nên các chất phủ bề mặt này sẽ được sử dụng nhiều trong công nghệ để làm vải, thảm, bao bì, các bao nhựa chứa, quan trọng là các chất phủ trên các loại chảo để làm chảo không dính mà nhiều nhà vẫn hay xài.

Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây đó là các chất này có hại hay không? Do đặc điểm như vậy nên các chất này được lạm dụng trong công nghiệp, một loạt các nghiên cứu gần đây cảnh báo các chất này nếu như với nồng độ cao thì có thể gây ra một số bệnh, trong đó 2 bệnh được đề cập nhiều nhất đó là ung thư và bệnh tim mạch. Hoàn toàn không thấy vấn đề của loãng xương; các chất này không hề thấy có nguy cơ khiến ta mắc các bệnh xương khớp đặc biệt là bệnh loãng xương.

Tuy nhiên mối liên quan giữa các chất này với 2 bệnh ung thư được đề cập nhiều nhất (ung thư tinh hoàn và ung thư tuyến giáp) thì cũng chưa được khẳng định vì hầu hết người ta chỉ thấy có nguy cơ.

Một loạt các nghiên cứ cho thấy ở những người sống gần các nhà máy, các khu công nghiệp mà trong quy trình sản xuất có sử dụng các chất phủ bề mặt này, thì nồng độ các chất này trong máu của những người dân sống ở vùng này cao hơn bình thường và sức khỏe có thể bị tổn thương. Do đó cảnh báo ở các nước phát triển người ta hạn chế đưa những chất này vào công nghiệp.

Ở Việt Nam vẫn còn sử dụng những chất này đặc biệt là chảo không dính, như vậy để có thể bảo vệ sức khỏe mỗi người cần nhìn nhận về chảo không dính này như thế nào? Các nghiên cứu cho thấy nếu như bạn dùng các hóa chất này ở mức độ quy định; đồng thời trong quá trình nấu nướng không để nhiệt độ quá cao thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhưng nếu như bạn dùng những loại chảo có nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo chất lượng thì chất phủ có thể bị phân hủy trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao từ đó có thể gây tác hại; do đó không nên sử dụng hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc.

4. Người làm bếp nên áp dụng bài tập như thế nào để bảo vệ sức khỏe xương khớp?

Với người làm bếp phải đứng lâu, ngồi xổm, dùng động tác tay nhiều… thì họ nên áp dụng bài tập như thế nào để bảo vệ sức khỏe xương khớp, thưa BS?

Trước khi nhắc đến những bài tập đặc biệt thì cần phải có những tư thế sinh hoạt đúng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

  • Đầu tiên là tư thế chuẩn: dù ngồi hay đứng thì dái tai, vai và chậu hông phải trên một đường thẳng.
  • Thứ hai: không ở một tư thế quá lâu; giả sử như khi ngồi chế biến thực phẩm hoặc khi ngồi nấu bếp thì không quá 30 phút; cứ mỗi 30 phút trôi qua bạn nên đổi tư thế một lần.
  • Thứ ba: giả sử như chúng ta phải đứng lâu thì đừng để áp lực dồn lên khớp gối và cột sống nhiều, nghĩa là khi đứng nên có một cái bệ để gác một chân lên trong khoảng 15 hoặc 20 phút bỏ chân này xuống gác chân khác lên; như vậy mới có thể giảm tải được lực đè lên cột sống cũng như đè lên khớp gối.

Ngồi xổm là một yếu tố nguy cơ của bệnh lý thoái hóa khớp – đây cũng là một trong những bệnh lý rất hay gặp ở người Việt Nam. Để phòng tránh bệnh thoái hóa khớp chúng ta cần thay đổi vị trí làm việc của mình, thay vì ngồi xổm dưới đất thì bạn nên ngồi trên ghế cao để bảo đảm an toàn không có những yếu tố nguy cơ của bệnh.

Khi đã bảo đảm hết tất cả các tư thế sinh hoạt hàng ngày của mình chuẩn rồi thì khi đó chúng ta mới có thể nhắc đến việc luyện tập. Khi bạn chưa có bệnh mà nếu muốn phòng ngừa thì bất kì bài tập nào giúp cho cử động tất cả các khớp, cơ trong cơ thể (giúp máu lưu thông) đều tốt cho việc bảo vệ sức khỏe của cơ xương khớp từ yoga, erobic, đạp xe đạp, bơi lội, … đều khuyến khích cần làm dành cho người nội trợ.

5. Người đầu bếp bao lâu nên đi khám sức khỏe một lần và cần kiểm tra gì?

Với công việc nội trợ - dù chúng ta mang lại sức khỏe, niềm vui cho những người trong gia đình nhưng chính bản thân sẽ không có khả năng không có thời gian tham gia các hoạt động của xã hội để giao tiếp nhiều. Như vậy những người làm nội trợ đơn thuần rất dễ bị tình trạng ức chế tâm lý và cũng rất dễ mắc các bệnh mãn tính từ việc ức chế tâm lý này.

Như tất cả các ngành nghề khác người nội trợ cần quan tâm đến sức khỏe của mình, cần có thêm những hoạt động khác ngoài việc quanh quẩn trong góc nhà góc bếp, đồng thời nên đi kiểm tra sức khỏe định kì.

Ngoài cơ xương khớp ra thì các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường thì bạn cũng đều có thể dễ mắc. Nếu như bạn không nấu ăn mà phải tiếp xúc với nhiều khói, nhiều chất chiên xào trong quá trình nấu nướng thì một loạt các bệnh lý về đường hô hấp trên cũng như rối loạn chuyển hóa rất dễ xảy ra.

6. Lời khuyên của bác sĩ dành cho người nội trợ

Chúng ta cần ghi nhận nội trợ như là một thiên chức của đa phần các chị em phụ nữ, đem lại sức khỏe cũng như hạnh phúc trong gia đình. Như vậy chúng ta cần có sự quan tâm hỗ trợ, nghĩa là các thành viên trong gia đình cần phải cùng nhau tham gia vào các công việc trong gia đình đừng dồn hết gánh nặng lên vai cho một người.

Đồng thời, bản thân chúng ta khi làm công việc nội trợ cũng cần quan tâm đến sức khỏe của mình; vì chính bạn phải có sức khỏe thì mới mong mang đến sức khỏe cho người khác.

Bằng những phương pháp đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, những bài tập thể dục đơn giản để có thể tránh được các tổn thương cơ xương khớp của bạn thì bên cạnh đó cần quan tâm đến thời gian nghỉ ngơi, các thực phẩm hàng ngày cần chế biến làm sao để phù hợp với sức khỏe (healthy) có như vậy không chỉ bảo vệ được sức khỏe của chúng ta mà còn bảo vệ được cho cả gia đình.

Hiền Thục - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X