Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn, kiêng gì?
Theo ước tính, tại Việt Nam có hơn 7 triệu người đang bị mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Việc lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp sẽ giúp giảm các triệu chứng kho chịu do bệnh gây ra và giúp hạn chế những biến chứng.
Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch dạ dày gồm có acid, pepsin lẫn thức ăn trào ngược lên thực quản gây khó chịu cho người bệnh. Thức ăn có tác động trực tiếp đến hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Vì vậy, để hạn chế triệu chứng trào ngược, cần thiết lập thực đơn ăn uống hợp lý. Trong đó, vấn đề nên ăn, kiêng gì là một điều rất quan trọng đối với người bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài những yếu tố nguy cơ như béo phì, hút thuốc, mang thai, hoặc sử dụng một số loại thuốc điều trị hen suyễn, thuốc kháng histamine, giảm đau, an thần… thì chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân rất quan trọng.
I. Những loại thực phẩm người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn
Người bệnh ngay khi xuất hiện các dấu hiệu trào ngược dạ dày cần đến bệnh viện thăm khám để được điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng cần được chú trọng vì nó có thể tác động trực tiếp đến quá trình điều trị.
1. Yến mạch
Bột yến mạch không chỉ tốt cho tim mà nó còn có thể hấp thụ acid dạ dày, là lựa chọn tuyệt vời để kiểm soát các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Yến mạch nguyên hạt chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao như chất xơ hòa tan, protein, acid béo không bão hòa, vitamin, khoáng chất và các hợp chất hóa học thực vật khác.
Beta-glucan trong yến mạch là một chất xơ hòa tan có tác dụng điều chỉnh cách hấp thụ chất lỏng từ đường tiêu hóa. Nó tạo thành một chất giống như gel khi trộn với nước. Dung dịch này bao phủ dạ dày và đường tiêu hóa. Lớp phủ này cung cấp vi khuẩn tốt trong ruột.
Do đó ăn yến mạch thường xuyên sẽ giúp cung cấp năng lượng cho vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột, dẫn đến tiêu hóa tốt hơn và giảm thiểu các triệu chứng đầy hơi, khó chịu ở dạ dày, thực quản.
Người bệnh có thể chế biến yến mạch thành nhiều món khác nhau cho bữa sáng như: cháo yến mạch, súp yến mạch, yến mạch trộn sữa chua Hy Lạp…
2. Ngũ cốc nguyên hạt
Một trong những cách để kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản là ăn nhiều bữa nhỏ để tránh gây áp lực lên cơ thắt thực quản dưới. Một bát ngũ cốc nhỏ là một cách tốt để giải quyết vấn đề này vào buổi sáng. Tuy nhiên cần lưu ý chọn loại ngũ cốc nguyên hạt, không đường hoặc rất ít đường.
Nên sử dụng sữa hạnh nhân thay vì sữa bò để tránh làm nặng thêm các triệu chứng trào ngược acid. Để tăng thêm vị ngọt và protein, bạn có thể trộn thêm một ít trái cây và các loại hạt cắt nhỏ.
3. Trứng luộc
Nhiều người băn khoăn liệu trứng có thể gây ra các triệu chứng trào ngược hay không. Tuy nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào từng cá nhân, cách chế biến trứng và số lượng ăn.
Một số người nhận thấy ăn lòng đỏ trứng hơi khó chịu hơn nhưng hầu hết đều ổn với lòng trắng trứng. Lòng trắng trứng có hàm lượng protein cao và ít chất béo.
Cách tốt nhất là tránh trứng chiên trong bơ hoặc dầu. Nên chọn trứng trứng luộc chín là phù hợp nhất kèm theo uống một tách trà gừng để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
4. Sữa chua và trái cây
Mặc dù sữa giàu chất béo thường gây trào ngược nhưng nhiều người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản vẫn có thể dung nạp được sữa chua ít béo và không béo. Sữa chua làm từ nguồn thực vật như sữa chua hạnh nhân cũng tốt.
Sữa chua không chỉ làm dịu thực quản bị kích thích mà còn cung cấp men vi sinh hỗ trợ đường tiêu hóa. Thêm trái cây có hàm lượng acid thấp và ít đường như đào, táo, chuối, thanh long…
Xem thêm: Người bệnh viêm gan B nên kiêng gì?
5. Các loại hạt
Nhiều loại hạt cung cấp chất xơ, chất dinh dưỡng và có thể giúp hấp thụ acid dạ dày. Hạnh nhân, đậu phộng, hạt chia và hạt lanh đều là những lựa chọn lành mạnh.
6. Trà gừng
Gừng là gia vị có đặc tính chống viêm nổi tiếng và đã được sử dụng từ rất lâu để điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa. Bạn nên thêm gừng vào các món ăn hoặc hãm thành trà.
Một trong những lợi ích của trà gừng được nhiều người biết đến là nhanh chóng làm giảm cảm giác buồn nôn và có lợi cho hệ tiêu hóa, cải thiện triệu chứng đầy hơi, khó tiêu hiệu quả.
Cách đơn giản nhất là dùng gừng tươi 10g, rửa sạch, đập dập, thêm nước đun sôi hoặc cho vào ấm pha trà, đổ nước sôi pha hãm trong 10 phút là có một tách trà buổi sáng giúp làm dịu đường tiêu hóa suốt cả ngày.
II. Những loại thực phẩm người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên tránh
1. Thực phẩm chứa nhiều chất béo
Trong điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung, trào ngược dạ dày nói riêng, việc tiêu thụ các thức ăn chứa chất béo độc hại như đồ chiên rán, bơ, phô mai, sốt kem… luôn được các bác sĩ khuyến cáo hạn chế tối đa. Loại thực phẩm này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, làm tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới và gây ra trào ngược.
2. Thực phẩm chua, chứa nhiều acid
Axit tự nhiên có trong một số loại trái cây có vị chua như: cam. quýt, bưởi… cũng có thể làm tăng tiết axit dạ dày. Người bệnh không cần tránh hoàn toàn nhưng cần cân nhắc tần suất ăn để không làm tăng nặng tình trạng trào ngược.
3. Cà phê, bia rượu, đồ uống có ga
Không chỉ làm tăng tiết axit dạ dày, các loại đồ uống này còn có thể gây giãn cơ vòng thực quản dưới, tiền đề cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nguy cơ càng cao khi người bệnh tiêu thụ càng nhiều.
4. Các loại gia vị nồng, gắt
Tính nóng từ các loại gia vị như chanh, tỏi, ớt, tiêu, bạc hà… có thể kích thích niêm mạc dạ dày thực quản gây cảm giác nóng rát. Thói quen ăn nhiều gia vị cũng có thể tăng nặng các triệu chứng bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.
5. Đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường
Đồ ăn chứa nhiều chất ngọt sẽ làm mất chức năng tiêu viêm của acid omega-3. Từ đó, vết viêm loét ngày càng nặng hơn. Ngoài ra, đường chứa nhiều năng lượng, khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động quá tải, gây hại cho dạ dày.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình