Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tim mạch cần lưu ý gì trong chế độ ăn hằng ngày?

Kiểm soát trọng lượng cơ thể, các yếu tố nguy cơ và có chế độ ăn uống hợp lý là những nguyên tắc quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh lý tim mạch.

1. Kiểm soát trọng lượng cơ thể

Hiện nay, khoa học đã chứng minh béo phì là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch. Đồng thời sự phân bố mỡ trong cơ thể cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng, người béo bụng có nguy cơ cao nhất. 

Để đánh giá mức độ béo phì, người ta dựa vào chỉ số BMI, được gọi là chỉ số khối, tính bằng trọng lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao (kg/m2). Những người béo phì ảnh hưởng đáng kể tới suy tim, nguy cơ suy tim tăng gấp đôi ở những bệnh nhân béo phì (BMI ≥ 30kg/m2) so với người không béo phì. 

Vì vậy người có cân nặng cao hơn sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với người có cân nặng thấp. Nên giảm cân là rất cần thiết đối với người béo phì và duy trì cân nặng ở mức BMI từ 18,5 đến 24,9 kg/m2.

Để có thể giảm cân người béo phì cần có chế độ ăn kiêng hợp lý và tập luyện phù hợp cho từng cá nhân. Giảm năng lượng nhập vào là phương pháp chính trong điều trị béo phì. Một chế độ ăn với năng lượng giảm từ 500 - 1000 kcal trong ngày giúp làm giảm từ 0,5 - 1,0 kg trong vòng 1 tuần. Các khuyến nghị gần đây khuyên nên giảm mức năng lượng nhập vào ở mức độ vừa phải nhằm giảm cân từ từ, cho đến khi đạt được và duy trì cân bằng nặng lượng để duy trì cân nặng mong muốn.

2. Chế độ ăn cho người mắc bệnh tim mạch

a. Chất béo

Số lượng và loại chất béo đều quan trọng. Theo khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng tổng lượng chất béo nên từ 15 - 20% tổng năng lượng trong ngày. Tuy nhiên loại chất béo sử dụng quan trọng hơn tổng lượng chất béo. 

Chất béo có hai loại, chất béo bão hòa (còn gọi axit béo no) và chất béo không bão (axit béo không no). Chế độ ăn có nhiều axit béo no (có nhiều trong mỡ, bơ, thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp được chế biến ở nhiệt độ cao) làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Theo các khuyến cáo gần đây lượng acid béo no nên dưới 10% tổng năng lượng.

Trong khi đó axít béo không no làm giảm nguy cơ này. Khi thay thế axit béo no bằng axit béo không no có tác dụng làm giảm nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, năng lượng từ axit béo này không nên vượt quá 10% tổng năng lượng. Vì thế các chuyên gia khuyên mỗi tuần nên có 3 - 5 lần ăn cá, hải sản, thay thế cá cho thịt. Đối với những người không thích ăn cá và hải sản có thể sử dụng dầu cá thiên nhiên mỗi ngày 2 - 3g.

b. Chất đạm

Đạm thực vật có những ảnh hưởng có lợi cho sức khỏe so với đạm động vật, đặc biệt liên quan với tình trạng cholesterol máu. Những nước dùng đạm đậu nành cao có tỷ lệ tử vong do tim mạch thấp hơn so với những nước ăn nhiều đạm động vật. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa lượng đạm đậu nành ăn vào với giảm nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh mạn tính. Các chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ khuyến cáo, để giảm các nguy cơ của bệnh tim mạch nên ăn ít nhất 25g đạm đậu nành/ngày.

c. Chất đường bột (glucid)

Chất đường bột nên chiếm 55 - 60% tổng năng lượng trong ngày.

Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên vỏ không chà xát kỹ như gạo lứt, gạo mầm, lúa mạch, bánh mì nâu, bánh mì đen,... chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng giúp điều hòa huyết áp và tim mạch.

d. Chất xơ

Chất xơ có trong thực phẩm hiện diện ở thành tế bào và những thành phần của thực vật không được tiêu hóa. Một số thành phần xơ có khả năng giữ nước cao và được gọi là xơ tan. Xơ tan có trong các lọai thực phẩm như một số trái cây, nước trái cây (mận, quả mọng), bông cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang, hành. Xơ tan có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. 

Ngoài ra, chất xơ còn gây cảm giác no giúp tránh ăn quá nhiều năng lượng gây tăng cân. Do đó khuyến cáo chung khuyên nên ăn 20 - 35g chất xơ trong ngày.

Xem thêm: Nguy cơ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân tiểu đường

e. Vitamin và chất khoáng

Các vi chất dinh dưỡng như các vitamin và khoáng chất rất cần cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Khi thiếu vitamin B12, B6, axit folic làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu. Nhưng trong chế độ dinh dưỡng hiện nay, hầu hết còn chưa cung cấp đủ các vi chất, vì thế cần được bổ sung các thực phẩm giàu vitamin (từ rau và trái cây).

Ngoài ra các chất chống oxy hóa cũng ảnh hưởng đến quá trình xơ vữa động mạch. Chế độ ăn có nhiều chất chống oxy hóa (vitamin E, vitamin A, vitamin C, selen) có thể giảm tới 20 - 40% nguy cơ bệnh mạch vành.

Bên cạnh đó, các muối khoáng vô cùng quan trọng trong chế độ dinh dưỡng, nhất là trong tim mạch. Natri (từ muối ăn) và các chất điện giải khác đều ảnh hưởng đến huyết áp. Khoảng 50% người tăng huyết áp có nhạy cảm với muối. Giảm lượng Natri giúp phòng ngừa chứng tăng huyết áp và cũng được xem như một phương pháp điều trị bệnh tăng huyết áp. Khuyến cáo gần đây khuyên nên hạn chế lượng muối ăn vào dưới 6g/ngày bằng cách chọn những thức ăn ít muối và hạn chế ăn thức ăn đóng hộp, không ăn kèm muối khi ăn ví dụ như khi ăn trái cây…

Ngược lại, K, Mg, Ca liên quan nghịch với huyết áp. Chế độ ăn đủ các vi chất này giúp làm giảm huyết áp. Có thể tăng cường các chất điện giải trên bằng cách tăng cường ăn lượng rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và các sản phẩm làm từ sữa ít béo.

f. Muối

Lượng muối không quá 5g/ngày. Cần hạn chế ăn mặn, giảm nêm muối, hạt nêm, nước mắm, nước tương.

Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như mắm, cá khô, chả lụa, tương, chao, dưa cà, dưa cải muối, thực phẩm đóng hộp, mì gói,... Không chấm muối khi ăn trái cây. Không dùng nước chấm trong bữa ăn.

3. Thay đổi lối sống

- Tăng cường vận động và luyện tập thể thao phù hợp với tuổi và tình trạng sức khoẻ. Nên vận động 20 - 30 phút/ lần, 3 - 5 lần/ tuần các loại hình vận động nhẹ phù hợp cho bệnh lý tim mạch như đi bộ, đạp xe, bơi lội, thể dục dưỡng sinh, làm việc nhà, chăm sóc cây cảnh,...

- Giảm lo âu và căng thẳng

- Không uống rượu bia

- Không hút thuốc lá.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X