Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh lao cần uống thuốc đủ 2 tháng để vi khuẩn lao không còn lây cho người khác

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, vi khuẩn lao rất dễ lây nhiễm nên việc một người phát hiện bản thân mắc bệnh lao là điều bình thường. Quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, uống thuốc ít nhất 2 tháng thì vi khuẩn sẽ không lây nữa.

1. Bệnh lao là gánh nặng y tế toàn cầu

Xin hỏi BS, bệnh lao nguy hiểm như thế nào? Vì sao đến nay đã có đủ công cụ để phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh nhưng lao vẫn là mối đe dọa đến mức WHO cho rằng “bệnh lao trở lại là nguyên nhân giết người hàng đầu vì bệnh truyền nhiễm”, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh lao là một bệnh kinh điển, y khoa đã phát hiện vi khuẩn lao từ rất lâu nhưng đến nay căn bệnh này vẫn là một gánh nặng y tế toàn cầu. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh lao quay lại và là nguyên nhân giết người hàng đầu trong tất cả các bệnh truyền nhiễm.

Nguyên nhân vì bệnh lao lây lan rất âm thầm, từ những người bị lao phổi nhưng không có triệu chứng, người biết bản thân có bệnh nhưng không điều trị hoặc điều trị không tới nơi tới trốn. Những người bệnh này ho, khạc đàm và phát tán ra môi trường xung quanh, khiến người khác hít phải.

Bệnh lao còn có thể làm tổn thương rất nhiều cơ quan, tất cả các cơ quan trên cơ thể đều có thể mắc bệnh lao: từ não, mắt, mũi, họng, đến da, gan, nách, các cơ quan tụy, tạng, đường ruột… Chính những yếu tố đó làm bệnh lao đa dạng, nếu không kịp thời phát hiện sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tử vong.

Về sau có xuất hiện thêm một loại lao kháng thuốc do bệnh hân không điều trị đến nơi đến chốn, uống thuốc không đủ, tạo ra vi khuẩn kháng thuốc. Khi xuất hiện loại vi khuẩn này, gần như tất cả các loại kháng sinh bệnh nhân uống đều không hiệu quả. Lao kháng thuốc cũng trở thành một nguồn lây cho người khác và tiếp tục xuất hiện thêm ca bị lao kháng thuốc khác.

2. Bệnh lao không phát hiện kịp thời và điều trị sai dẫn đến lao kháng thuốc

Một thống kê tại Việt Nam cho thấy, 40% số bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Việc bệnh lao “ẩn mình” trong cộng đồng có thể đưa đến các hệ lụy như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hệ lụy quan trọng của bệnh lao là tiếp tục nguồn lây, phát tán vi khuẩn lao từ người này qua người khác. Sự ẩn mình của bệnh lao khiến bệnh nhân không biết để phòng ngừa, từ đó bệnh tiếp tục phát triển và vi khuẩn lao tồn tại trong cộng đồng rất nhiều, tỷ lệ người mắc mới ngày càng cao.

Thậm chí khi có ca mắc bệnh lao mới nhưng không phát hiện và điều trị sai dẫn đến lao kháng thuốc, đây là hệ lụy quan trọng khi bệnh lao “ẩn mình” trong cộng đồng mà không được phát hiện hết.

3. Bệnh lao lây qua đường hô hấp hoặc ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn lao

Bệnh lao lân lan qua những con đường nào, thưa BS? Khả năng lây lan của bệnh lao ra sao so với những bệnh truyền nhiễm khác ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh lao không phải bệnh dễ lây, đường lây chính của bệnh là người mắc bệnh không được phát hiện. Hô hấp là đường lây chính của bệnh lao, khi người bệnh lao phổi ho, khạc đờm ra ngoài môi trường, vi khuẩn lao sẽ tồn tại trong môi trường một thời gian khá dài, thậm chí một tháng, đặc biệt là khi nằm trong đàm.

Khi quét dọn trong gia đình có người bị bệnh lao, tăng khả năng phát tán vi khuẩn, khiến người khác hít phải. Theo nhiều nghiên cứu, nếu trong nhà có người mắc bệnh lao thì nguy cơ mắc bệnh lao của người thân cao gấp 5 lần so với những người trong gia đình hoặc xung quanh không có người bị bệnh lao.

Ngoài ra, lao có thể lây qua con đường khác như ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn lao, nuốt vào ruột sẽ mắc lao ruột.

4. Những việc cần làm để hạn chế bệnh lao “ẩn mình” trong cộng đồng

Như vậy, để giảm nguồn lây, hạn chế nguy cơ bệnh lao “ẩn mình” trong cộng đồng mà không hay biết, chúng ta cần phải làm gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để giảm nguồn lây, hạn chế nguy cơ bệnh lao “ẩn mình” trong cộng đồng, bản thân mỗi người cần thực hiện 3 việc sau:

Thứ nhất, sàng lọc định kỳ theo lứa tuổi. Ví dụ người lớn cần đi chụp X-quang phổi định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm để sàng lọc lao tiềm tàng. Ngoài ra, nếu làm công việc có khả năng mắc lao hoặc trong môi trường có khả năng nhiều người mắc bệnh lao cũng cần chụp X-quang phổi định kỳ.  

Thứ hai, nếu thấy ho kéo dài cần phải loại trừ khả năng mắc bệnh lao của bản thân.

Thứ ba, nếu trong nhà có người bị lao, phải tích cực phát hiện lao cho tất cả các thành viên khác trong gia đình và những người thường xuyên tiếp xúc với mình. Khi đó mới có thể phát hiện hết những người mắc lao tiềm tàng trong cộng đồng, và thanh toán bệnh lao.

5. Trẻ dưới 5 tuổi được tầm soát, uống thuốc miễn phí nếu người nhà mắc bệnh lao

Những thông tin về bệnh lao khiến nhiều người hoang mang và đặt ra câu hỏi: vậy có nhất thiết phải tầm soát bệnh lao trong cộng đồng? Quan trọng là làm thế nào để phát hiện sớm, từ đó mới chữa tốt để tránh lây lan trong cộng đồng ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc tầm soát bệnh lao trong cộng đồng rất quan trọng, tùy theo lứa tuổi, môi trường sống và ý thức của mỗi người. Ví dụ bản thân nhân viên y tế phải chụp X-quang phổi 6 tháng một lần, đây là quy định của nhà nước về khám sức khỏe.

Y tế cũng đưa ra quy định nếu trong một gia đình có người thân mắc bệnh lao thì tất cả trẻ em dưới 5 tuổi trong nhà phải được tầm soát gấp và uống thuốc ngừa bệnh miễn phí. Như vậy, khi đã có kế hoạch này, đối với những người không nằm trong nhóm nêu trên phải có ý thức nên tầm soát để phát hiện sớm bệnh lao.

6. Những vấn đề cần biết về tiêm ngừa lao phổi

Việc tiêm ngừa lao cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm:

- Lao tiêm ngừa bao nhiêu mũi/ bao nhiêu lần trong trong đời?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc tiêm ngừa lao chỉ được thực hiện ở nhóm trẻ rất nhỏ, sau sinh hoặc tối đa là vài tháng sau sinh. Bên cạnh đó, vắc xin ngừa lao chỉ ngừa được những loại lao nặng như lao toàn thân, lao màng não, không ngừa được các loại lao thông thường. Chính vì vậy bắt buộc tiêm ngừa là điều đúng nhưng sau khi tiêm ngừa mọi người không nên chủ quan, không tầm soát lao hay không làm theo hướng dẫn về việc tầm soát bệnh lao của Bộ Y tế, chỉ tiêm ngừa là không đủ.

- Nhiều người trưởng thành, không thấy dấu hiệu tiêm ngừa lao (sẹo tròn nhỏ trên cánh tay) và cũng không biết đã được tiêm ngừa chưa. Những trường hợp này nên làm gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ lớn hoặc người lớn cảm thấy bản thân chưa được chích ngừa lao sẽ rất khó để chích ngừa. Bởi vì hiện nay rất ít nơi thực hiện chích ngừa lao cho người lớn, nếu muốn chích ngừa phải chứng minh được trong người chưa có vi khuẩn lao vì một số người lớn trong cơ thể đã tồn tại vi khuẩn lao nhưng không biết, đến một thời điểm vi khuẩn sẽ bùng phát.

Do đó, nhóm người này sẽ được xét nghiệm để xem phản ứng lao tố ở da, chứng minh người đó có vi khuẩn lao hay không. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được xét nghiệm máu để kiểm tra một loại chất xuất hiện trong máu có thể chứng minh bệnh nhân đó đã bị nhiễm lao. Nếu hai loại xét nghiệm trên đều âm tính thì bệnh nhân được chích ngừa lao, còn nếu dương tính thì bệnh nhân không cần chích ngừa. 

- Tiêm ngừa vắc xin phế cầu khuẩn, có phòng ngừa được bệnh lao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tiêm ngừa phế cầu không ngừa được bệnh lao. Nhấn mạnh chích ngừa lao không ngừa được lao phổi mà chỉ ngừa được lao màng não và lao nặng. Lao phổi chỉ có thể phòng tránh bằng cách không để hít phải con vi khuẩn lao đó.

7. Nhận biết bệnh lao bằng những dấu hiệu nào?

Các dấu hiệu nào mà chúng ta cần nghĩ ngay đến bệnh lao, thưa BS? Khi có các dấu hiệu này đến đâu xét nghiệm để có kết quả chính xác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh lao là một căn bệnh kinh điển, triệu chứng của bệnh lao từ xưa đến nay được gọi là triệu chứng nhiễm lao chung, ăn uống kém, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm, ho khạc đàm kéo dài.

Tuy nhiên nếu chỉ có một dấu hiệu này sẽ không có giá trị, bệnh nhân lao phải đến cơ sở y tế chụp hình X-quang phổi. Sau đó, nếu X-quang phổi bình thường nhưng triệu chứng vẫn tiếp tục thì nên khám bác sĩ chuyên khoa để tầm soát tiếp tục xem có lao ở cơ quan khác hay không.

8. Lời khuyên cho người bị bệnh lao

Khi mắc bệnh lao nhiều người thường có tâm lý hoang mang, lo lắng và sợ bị kỳ thị. BS có lời khuyên nào cho người bệnh trong trường hợp này ạ!

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu không may một người phát hiện bản thân bị lao là điều bình thường vì vi khuẩn lao tiếp xúc rất dễ, đồng thời loại vi khuẩn này dễ tiềm tàng trong cơ thể mỗi người.

Điều quan trọng là bệnh nhân cần hợp tác điều trị, uống thuốc. Nếu là người lao phổi phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, uống thuốc ít nhất hai tháng để vi khuẩn sẽ không còn lây nhiễm.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng báo cho người nhà, người từng tiếp xúc để đi tầm soát bệnh lao. Có thể bản thân không phải là nguồn lây cho người xung quanh, mà là người bị lây bệnh nhưng phát hiện sớm hơn nguồn lây, vì vậy không nên kỳ thị những người bị lao.

Cần uống thuốc đúng, đủ, tái khám đều, khi đó bản thân sẽ không trở thành nguồn lây của người khác và không tạo ra lao kháng thuốc, từ đó mới giúp được cho cộng đồng và người thân của mình để tránh được bệnh lao.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X