Hotline 24/7
08983-08983

Ngứa kéo dài cả năm kèm sụt cân, người phụ nữ phát hiện nhiễm sán dây chuột

Một người phụ nữ ở Hà Nội thường xuyên bị ngứa, vết ngứa lan rộng kèm các triệu chứng tiêu hóa, sụt cân. Khi đến khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương kiểm tra, người này bất ngờ phát hiện nhiễm sán dây chuột.

Từ năm 2023, bà N.T.H (61 tuổi, ngụ Đan Phượng, Hà Nội), thường xuyên bị ngứa, cảm giác như kim đâm, sau đó da thâm tím lại, bong vảy... Người phụ nữ đã đi chữa trị bằng nhiều phương pháp nhưng chỉ giảm ngứa, sau một thời gian lại tái phát.

Gần đây, vết ngứa lan rộng, bà H. lại chán ăn, rối loạn tiêu hóa, sụt cân nên đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm mẫu phân bệnh nhân có trứng sán Hymenolepis diminuta - bệnh sán dây chuột.

ThS.BS Văn Thị Thơ - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, cho biết bệnh sán dây chuột do 2 loài sán là Hymenolepis nana (bệnh sán dây lùn) và Hymenolepis diminuta (bệnh sán dây nhỏ) gây nên.

Bà H. bị ngứa lan rộng, không có dấu hiệu giảm kèm ăn kém, rối loạn tiêu hóa, sụt cân (Ảnh: BVCC)

Người mắc sán dây chuột do nuốt phải trứng sán dây nhỏ có trong ngũ cốc đã nấu sẵn, các loại thực phẩm, nước uống hoặc bàn tay có nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng chưa trưởng thành có trong các loại động vật gặm nhấm (chuột), động vật chân đốt như gián hoặc mọt cám có trong ngũ cốc… Ngoài ra, người mắc bệnh này chưa điều trị cũng chính là nguồn lây bệnh.

Tại Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp bị nhiễm sán. Tuy nhiên, bệnh diễn biến âm thầm nên bệnh nhân thường bỏ qua.

Khi người bệnh vô tình nuốt phải trứng sán hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm sán, trong vòng 10 ngày sẽ phát triển thành sán. Chúng gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới…

Đôi khi, bệnh nhân có dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chóng mặt, co giật. Chính vì biểu hiện như vậy, người bệnh thường nhầm với bệnh lý về đường tiêu hóa và các tình trạng bệnh lý khác.

Qua trường hợp trên, ThS.BS Văn Thị Thơ khuyến cáo người dân:

- Rửa tay bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh và thay tã; trước khi chuẩn bị thức ăn.

- Thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh chung, đặc biệt là trẻ em.

- Khi đi du lịch đến các quốc gia có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao hơn, hãy rửa, gọt vỏ hoặc nấu tất cả rau và trái cây sống bằng nước an toàn (nước khử trùng, chẳng hạn nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc) trước khi ăn.

- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ xung quanh nơi ở và nơi làm việc, ăn chín uống sôi, đậy kín thức ăn để ngăn chặn chuột, côn trùng xâm nhập.

- Không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X