Hotline 24/7
08983-08983

Ngày Đột quỵ thế giới 2022: Cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người nguy cơ bị đột quỵ

Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, trong khi đó căn bệnh này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng. Trong bài viết này, TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội Thần kinh Tổng quát, Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ đưa ra những thông tin hữu ích về cách nhận biết và xử trí đúng khi cấp cứu đột quỵ, mời quý bạn đọc theo dõi!

1. Ý nghĩa của Ngày đột quỵ thế giới là gì?

Trước khi bắt đầu chương trình, nhờ BS chia sẻ thêm về ý nghĩa của Ngày đột quỵ thế giới? Năm 2022, trong Ngày đột quỵ thế giới, chiến dịch toàn cầu tập trung vào những vấn đề gì, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Như chúng ta đã biết, bệnh lý đột quỵ não thường gây ra biến chứng tàn phế, thậm chí khả năng dẫn đến tử vong là rất cao. Hiện, tỷ lệ tử vong của đột quỵ gây ra đã đứng hàng đầu trong tất cả các bệnh lý. Những người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ cũng phải chịu hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Các nghiên cứu cho thấy, trong tháng đầu tiên, tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não tử vong chiếm khoảng 8 - 12%. Đối với những bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não, tỷ lệ này lên đến 37 - 38%. Đặc biệt, 30% những người sống sót sau đột quỵ sẽ bị tàn phế nặng nề, không thể tự chăm sóc bản thân và phải hoàn toàn lệ thuộc vào người thân trong gia đình.

30% còn lại là bị di chứng tàn phế mức độ trung bình. Người ta thấy rằng, trong nhóm đó, 50% bệnh nhân hoàn toàn không thể hồi phục lại được tình trạng sức khỏe như trước đây. Có thể thấy, tỷ lệ đột quỵ đang ngày càng gia tăng và hậu quả để lại rất nặng nề.

Nhận thấy tầm quan trọng của bệnh đột quỵ, Hội Đột quỵ Thế giới đã quyết định chọn ngày 29/10 hằng năm làm ngày Đột quỵ thế giới nhằm mục đích giúp cho tất cả người dân trên thế giới nhận thức về căn bệnh nguy hiểm này, từ đó biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Mỗi năm, Hội Đột quỵ Thế giới sẽ đưa ra các chiến dịch toàn cầu khác nhau. Trước đây, chiến dịch toàn cầu là “đột quỵ nhỏ nhưng hậu quả to” hoặc chiến dịch “thời gian là vàng”. Trong năm 2022, tiếp nối những mục đích giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc nhận biết các triệu chứng đột quỵ và nhanh chóng đưa người bệnh tới bệnh viện để cấp cứu, chiến dịch năm nay mà Tổ chức Đột quỵ Thế giới đưa ra đó là “thời gian vài phút có thể cứu sống được một mạng người”.

Chương trình tư vấn với TS.BS Đinh Vinh Quang diễn ra đúng Ngày Đột quỵ thế giới 2022 (29/10), nhận được sự quan tâm của đông đảo khán thính giả gần xa

2. Bệnh đột quỵ nguy hiểm thế nào?

Đột quỵ là một trong những căn bệnh gây chú ý nhất trong thời gian vừa qua, với những sự cố, câu chuyện đáng tiếc liên tục xảy ra. Nhờ BS cung cấp thêm thông tin cho khán thính giả hiểu rõ hơn:

- Bệnh đột quỵ nguy hiểm như thế nào? Vì sao ngày nay căn bệnh này xảy ra trên cả người trẻ?

- Tình trạng căn bệnh này ở Việt Nam hiện nay ra sao, có thay đổi như thế nào so với thời gian trước đó?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Như đã đề cập, bệnh đột quỵ gây ra tỷ lệ tử vong rất cao. Bên cạnh đó, những người sống sót sau đột quỵ phải gánh chịu hậu quả tàn phế rất nặng nề.

Hơn nữa, đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, những người bệnh thường bị đột quỵ sau 60 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ người bệnh đột quỵ dưới 40 tuổi có thể lên tới 5 - 6% trong tổng số các bệnh nhân bị đột quỵ.

Đặc biệt, tỷ lệ người dân bị đột quỵ đang ngày càng gia tăng. Trong năm 2010, đối với người trên 25 tuổi, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Nhưng từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ bị đột quỵ đã tăng lên, cứ mỗi 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ. Do đó, nhận thức của người dân là rất quan trọng. Người dân cần biết được cách phòng ngừa, cũng như biết được cách nhận biết, cấp cứu đúng đắn để giúp người bệnh không rơi vào tình trạng tàn phế và tử vong.

3. Những yếu tố nào đóng vai trò then chốt trong điều trị đột quỵ?

Để bệnh nhân có thêm một cơ hội được quay trở về với cuộc sống, gia đình, theo BS trong cấp cứu, điều trị đột quỵ những yếu tố nào đóng vai trò then chốt ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Các yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc cấp cứu đột quỵ chính là chúng ta phải nhận biết được các dấu hiệu, triệu chứng của đột quỵ.

Khi bắt gặp người thân trong gia đình, bạn bè hay bất cứ người nào bị đột quỵ xảy ra thì chúng ta phải nhận diện được những triệu chứng của đột quỵ, sau đó lập tức đưa người bệnh cấp cứu ở những cơ sở y tế có khả năng cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt. Bởi nếu chúng ta không nhận biết được các triệu chứng của đột quỵ thì sẽ làm chậm trễ thời gian gian cấp cứu đột quỵ.

4. Dấu hiệu điển hình nào giúp chỉ điểm đột quỵ?

Chủ đề hôm nay AloBacsi muốn nhấn mạnh đó là “Sức mạnh của nhận thức và hành động”. Liên quan đến vấn đề nhận thức, trước tiên xin hỏi BS, đột quỵ có những dấu hiệu nào nhận diện ạ? Trong đó, dấu hiệu nào là điển hình nhất chỉ điểm đó là đột quỵ ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Các dấu hiệu của đột quỵ tương đối đơn giản, thường xảy ra một cách đột ngột với các triệu chứng như: mặt bị méo lệch qua một bên, người bệnh đang ăn uống gì đó thì đồ ăn sẽ bị rớt xuống; tay hoặc chân hoặc cả tay chân bệnh nhân bị yếu liệt; nói khó hoặc là thậm chí là không nói được.

Đây là 3 triệu chứng rất đặc trưng của bệnh đột quỵ. Bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường nhưng bỗng dưng xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng này hoặc xảy ra đồng thời cả 3 triệu chứng thì đây chính là dấu hiệu báo động bệnh nhân đã bị đột quỵ.

5. Làm sao phân biệt triệu chứng đột quỵ với những bệnh lý khác?

Chóng mặt, xây xẩm, tê yếu tay chân hay méo miệng cũng có khả năng xảy ra ở những bệnh lý khác. Vậy làm sao để phân biệt đó là đột quỵ hay một tình trạng sức khỏe khác? Nhất là nhiều người thường “đổ lỗi” cho trúng gió khi xảy ra những dấu hiệu này ạ.

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Chúng ta phải nhận diện được 3 triệu chứng chính của đột quỵ là méo miệng, nói khó và yếu liệt tay chân. 3 dấu hiệu này xảy ra một cách rất đột ngột, khác với các triệu chứng xảy ra trong những bệnh lý khác.

Ví dụ như bệnh nhân tiếp xúc với lại môi trường lạnh thì tất nhiên sẽ có biểu hiện tê yếu. Hoặc những bệnh nhân mắc bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, thì thường sẽ bị tê bàn chân hoặc có cảm giác tay chân yếu. Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện này thường diễn tiến từ từ và không xảy ra một cách rất đột ngột giống như bệnh đột quỵ. Bởi đột quỵ là bệnh xảy ra với tính chất là nhanh và đột ngột. Đó cũng chính là lý do người ta đặt tên cho căn bệnh là “đột quỵ”.

6. Điểm mặt các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ

Một thông tin cho rằng, tỷ lệ người dân nắm được những yếu tố nguy cơ đột quỵ trong cộng đồng còn thấp. Thông qua chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ lại một lần nữa: Các yếu tố sức khỏe như người có bệnh nền huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu hay yếu có nguy cơ nào khác liên quan đến bệnh đột quỵ là gì?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Các yếu tố như huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu là những yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh đột quỵ. Ngoài những yếu tố này, còn có các bệnh lý khác cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ như béo phì, thừa cân và rối loạn mỡ máu.

Bệnh nhân có tình trạng xơ vữa động mạch là nhóm có nguy cơ cao nhất gây ra đột quỵ. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, rung nhĩ… có thể gây ra tình trạng đột quỵ.

Người bệnh cao huyết áp nếu không tuân thủ điều trị tốt cũng có thể dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, người mắc các bệnh lý về máu (như đa hồng cầu, bệnh lý máu ác tính, viêm nhiễm mạch máu…); bệnh lý về nội tiết (như đái tháo đường) cũng là những yếu tố gây ra đột quỵ.

Cho nên, nếu bạn có một trong những yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ thì phải đến các cơ sở y tế, gặp các bác sĩ chuyên về điều trị đột quỵ để tầm soát và dự phòng đột quỵ một cách thích hợp.

7. Vì sao cấp cứu đột quỵ được ví như “cuộc chạy đua với thời gian”?

Vấn đề nhận thức liên quan đến “thời gian vàng” cũng rất quan trọng đối với người đột quỵ.

- Nhờ BS cho biết, vì sao cấp cứu đột quỵ được ví như “cuộc chạy đua với thời gian”?

- “Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ là bao nhiêu giờ? Cột mốc thời gian này được tính như thế nào ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Tế bào não của chúng ta rất quý giá, chỉ cần vài phút không được cung cấp oxy, tế bào não sẽ chết đi. Người ta thấy rằng, mỗi một giây trôi qua, nếu cấp cứu đột quỵ chậm trễ thì sẽ có tới 32.000 tế bào não chết đi. Như vậy, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi và sẽ không thể hồi phục.

Chính vì thế, thời gian trong cấp cứu đột quỵ là rất quan trọng. Chúng ta phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đó cũng là lý do mà cấp cứu đột quỵ cũng giống như “cuộc chạy đua với thời gian”.

“Thời gian vàng” trong đột quỵ được tính từ lúc người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Ví dụ như bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường thì bị yếu tay chân ngay lúc 10 giờ 30 sáng, sau đó bệnh nhân bị méo miệng, lơ mơ thì thời gian vàng được tính từ lúc xảy ra triệu chứng đầu đến lúc họ được cấp cứu.

8. NÊN và KHÔNG NÊN làm gì khi cấp cứu đột quỵ?

Vậy khi gặp người đột quỵ, chúng ta cần xử trí như thế nào để tiết kiệm “thời gian vàng” cho bệnh nhân ạ? Đâu là những điều nên làm và đâu là những sai lầm chúng ta cần tránh thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Nguyên tắc đầu tiên là chúng ta phải nhận diện được 3 triệu chứng chứng của đột quỵ, từ đó nhanh chóng đưa người bệnh tới bệnh viện và không vì bất cứ lý do gì mà trì hoãn việc cấp cứu.

Một số những sai lầm mà chúng ta thường gặp đó là nghĩ rằng người thân không phải bị đột quỵ mà bị trúng gió rồi sơ cứu bằng cách cạo gió, giác hơi, châm cứu, chích máu ở đầu ngón tay, ngón chân.

Trên thực tế, những phương pháp dân gian này hoàn toàn không có tác dụng điều trị cho người bệnh. Ngược lại, việc cấp cứu sai cách còn vô tình làm chậm trễ thời gian cấp cứu của người bệnh.

Tốt nhất, khi phát hiện được người thân của mình bị đột quỵ, hãy nhanh chóng đưa họ vào bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất.

9. Nên đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu bằng phương tiện gì?

Phương tiện đưa người bệnh đột quỵ đến bệnh viện tốt nhất là gì thưa BS? Trong trường hợp không gọi được cấp cứu, taxi, không có xe gia đình thì có thể vận chuyển bằng xe máy không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Tất nhiên, phương tiện tốt nhất để đưa người bệnh đến cơ sở y tế là xe cấp cứu. Song, không phải lúc nào cũng sẽ có đội xe cứu thương sẵn sàng để chở bệnh nhân. Vì vậy, chúng ta sử dụng bất cứ phương tiện nào có thể, miễn làm sao đưa người bệnh cơ sở có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất càng sớm càng tốt.

10. Xử lý thế nào khi người bệnh bị đột quỵ khi đang ăn uống?

Nhờ BS giải thích kỹ hơn: Vì sao khi sơ cứu người đột quỵ không được cho người bệnh ăn uống, kể cả uống thuốc? Nếu bệnh nhân bị đột quỵ trong tình huống đang ăn uống, vậy xử lý như thế nào mới đúng ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Nếu bệnh nhân đang ăn uống mà bị đột quỵ cách tốt nhất là chúng ta nên tạm thời ngưng không cho người bệnh ăn nữa. Đồng thời, nên đặt bệnh nhân nằm ở một nơi thoáng mát ở tư thế nằm nghiêng. Bởi thức ăn còn ở đường thực quản trong vùng hầu họng của bệnh nhân rất dễ rơi vào đường thở, gây ra tình trạng viêm hô hấp do hít phải những thức ăn của bệnh nhân. Việc đặt bệnh nhân nằm nghiêng của một bên còn giúp tránh trường hợp bệnh nhân nôn ói trào ngược vào đường thở dẫn đến tình trạng viêm phổi hít.

Tiếp đến, chúng ta phải nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện và không nên dùng bất cứ các biện pháp điều trị dân gian nào. Kể cả khi thấy huyết áp bệnh nhân cao cũng không nên dùng thuốc hạ huyết áp. Bởi đột quỵ có 2 loại là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm tới 80% các trường hợp đột quỵ, xảy ra khi mạch máu não bị tắc, lúc này tất cả những tế bào não do mạch máu này nuôi dưỡng sẽ bị thiếu máu nuôi dẫn đến thiếu oxy. Do đó, nếu chúng ta dùng các thuốc hạ áp cho người bệnh sẽ làm hạ huyết áp, khiến lưu lượng máu lên nuôi các tế bào não kém đi khiến cho tình trạng thiếu oxy não trầm trọng hơn.

11. Những tiến bộ trong điều trị đột quỵ hiện nay?

Hiện nay, bệnh đột quỵ có những tiến bộ nào trong điều trị, thưa BS? Nếu bệnh nhân đến được trong thời gian vàng, khả năng phục hồi sau đột quỵ ra sao?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Trước đây, khi chưa có các phương pháp điều trị tái thông mạch máu, tỷ lệ hồi phục người bệnh rất là thấp (<40 %).

Tuy nhiên, từ khi có các phương pháp tiên tiến như thuốc tiêu sợi huyết, lấy huyết khối bằng dụng cụ… thì tỷ lệ thành công rất cao, đôi khi lên tới hơn 80%. Vì thế, tỷ lệ bệnh nhân hồi phục và quay trở lại cuộc sống như trước khi bị đột quỵ là khá cao.

Phần 2: Ngày Đột quỵ thế giới 2022: Cần hành động ngay hôm nay để phòng ngừa đột quỵ

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng NattoEnzym - Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X