Ngày Đột quỵ thế giới 2022: Cần hành động ngay hôm nay để phòng ngừa đột quỵ
Ngày 29/10 hằng năm được chọn là Ngày Đột quỵ thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh này. Nhân chương trình hôm nay, AloBacsi xin gửi đến thông điệp: Đột quỵ, bạn cần hành động ngay để phòng ngừa, đây là cách tốt nhất để ngăn chặn các biến cố nguy hiểm, cướp đi sinh mạng và niềm hạnh phúc của một gia đình.
Phần 1: Ngày Đột quỵ thế giới 2022: Cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người nguy cơ bị đột quỵ
1. Phòng ngừa đột quỵ như thế nào?
Sau khi nhận thức về bệnh đột quỵ, chúng ta cần hành động cụ thể. Xin hỏi BS, để phòng ngừa đột quỵ, chúng ta có thể làm những gì?
TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý về máu… đều là yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ, trước tiên chúng ta phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này bằng cách tầm soát nhằm phát hiện sớm, và điều trị một cách triệt để, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Song song đó, cần loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít vận động. Đồng thời, giữ cân nặng ở mức trung bình.
TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội Thần kinh Tổng quát, Bệnh viện Nhân Dân 115
2. Thuốc phòng ngừa đột quỵ, có hay không?
Nhiều người tin rằng có thuốc phòng ngừa đột quỵ nên dù rất đắt lên đến hàng triệu đồng cũng mua phòng thủ trong nhà. Một số người khác lại tin vào lời đồn thổi là uống 1 viên An Cung Ngưu hoàng có thể phòng ngừa đột quỵ được 6 tháng hoặc các sản phẩm phòng ngừa đột quỵ trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc nhưng quảng cáo là cam kết phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, không hiệu quả hoàn tiền 100%. Trong chương trình hôm nay, BS có lời khuyên gì cho khán thính giả trước những thông tin này ạ?
TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Xin khẳng định là có thuốc phòng ngừa đột quỵ. Nhưng việc phòng ngừa bằng thuốc nào sẽ tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ của bệnh nhân mắc phải mà bác sĩ sẽ điều trị yếu tố nguy cơ đó. Đây chính là “thuốc phòng ngừa đột quỵ”.
Ví dụ, bệnh nhân bị tăng huyết áp cần uống thuốc để giữ mức huyết áp mục tiêu; bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu, tăng lipid máu cần điều trị bằng các thuốc hạ mỡ máu; bệnh nhân bị tiểu đường cần dùng thuốc để giữ đường huyết trong mức cho phép; người có yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông ở trong lòng tim (bệnh nhân mắc bệnh tim mạch: van tim, suy tim) cần dùng các thuốc kháng đông. Như vậy, các thuốc điều trị tăng huyết áp, điều trị bệnh tiểu đường hay rối loạn lipid máu, thuốc kháng đông đều là “các thuốc phòng ngừa đột quỵ”.
Do đó, chúng ta cần hiểu đúng khía cạnh: Thuốc phòng ngừa đột quỵ không phải là một loại thuốc đặc hiệu mà chính là thuốc để điều trị các yếu tố nguy cơ.
3. Lựa chọn và sử dụng sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ, cần lưu ý gì?
Thực tế thì việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ ngăn ngừa cục máu đông, phòng ngừa đột quỵ là nhu cầu thiết thực hiện nay. Vậy khi lựa chọn người bệnh cần nhớ nguyên tắc gì để đảm bảo hiệu quả và an toàn, thưa BS?
TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Thứ nhất, chúng ta không nên tự ý sử dụng thuốc phòng ngừa đột quỵ, bởi vì đây là công việc của bác sĩ. Bệnh nhân sẽ rất khó để hiểu rõ tất cả các cơ chế gây bệnh đột quỵ cũng như các phương pháp để phòng ngừa, điều trị căn bệnh này. Do đó, các bạn hãy giao lại công việc này cho người thầy thuốc, để khám và phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn (nếu có), từ đó điều trị kịp thời.
Thứ hai, khi phát hiện bản thân mình có yếu tố nguy cơ của đột quỵ thì cần tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, bao gồm cả việc sử dụng thuốc (đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng mục đích) và thay đổi lối sống.
Thuốc là “con dao hai lưỡi”, nếu tùy tiện sử dụng sẽ có nguy cơ gặp các tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc không mong muốn. Do đó, tốt nhất là không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
Ngày nay, phòng ngừa đột quỵ với thành phần từ tự nhiên trở thành xu hướng. Nhân chương trình hôm nay xin nhờ BS chia sẻ một số lưu ý khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để phòng ngừa đột quỵ? Khi sử dụng lâu dài cần tuân thủ nguyên tắc nào để an toàn cho sức khỏe?
TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Tất cả những sản phẩm được gọi là thuốc để điều trị đều phải trải qua quá trình nghiên cứu khắt khe, xác định tác dụng và tác dụng của thuốc, từ đó mới đưa ra khuyến cáo cho người bệnh. Ví dụ với tăng huyết áp sẽ có các loại thuốc phù hợp cho mỗi bệnh nhân; hoặc đối với rối loạn lipid máu, tùy mỗi loại LDL Cholesterol hay Triglyceride sẽ có những thuốc điều trị tương ứng. Do vậy, chúng ta không nên tự ý sử dụng mà cần có kế hoạch điều trị, lựa chọn thuốc phù hợp trên từng bệnh nhân.
4. Những điều cần làm để phòng ngừa đột quỵ tái phát?
Với người có tiền sử đột quỵ, nên phòng ngừa tái phát như thế nào ạ? Trong trường hợp này, bên cạnh việc thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, hiện nay nhiều người lựa chọn sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ từ công ty uy tín. Khi dùng cần lưu ý những gì thưa Bs?
TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Bệnh nhân đã bị đột quỵ, tỷ lệ tái phát rất cao. Theo các nghiên cứu, trong năm đầu tiên, tỷ lệ tái phát có thể lên đến 15% và 40% trong 3 năm. Do đó, mục tiêu của bác sĩ điều trị là hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tái phát cho mỗi bệnh nhân.
Để giảm tỷ lệ này cần điều trị các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ. Ví dụ, một người có bệnh tim mạch gây ra rung nhĩ, nguy cơ hình thành cục máu đông rất cao. Vì vậy, cần phải dùng thuốc kháng đông để ngăn ngừa nguy cơ này. Như vậy, chúng ta điều trị dựa vào cơ chế sinh lý bệnh ở những người có nguy cơ gây ra đột quỵ.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhóm thuốc điều trị phòng ngừa đột quỵ như nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu; nhóm thuốc điều trị rối loạn đông máu; thuốc kháng đông; nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu; nhóm thuốc hạ huyết áp; nhóm thuốc điều trị đái tháo đường… Do đó, trên mỗi bệnh nhân sẽ có chiến lược điều trị thuốc khác nhau, không ai giống ai. Như vậy mới có thể phòng ngừa chính xác, không áp dụng đại trà một loại thuốc cho tất cả mọi người.
5. Đột quỵ: Vài phút có thể cứu sống sinh mạng
TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Đột quỵ rất nguy hiểm. Khi xảy ra, tỷ lệ tử vong rất cao và để lại di chứng tàn phế cũng rất nặng nề, ảnh hưởng đến chính người bệnh cùng gia đình, xã hội. Vì thế, Tổ chức Đột quỵ thế giới đã đưa ra ngày 29/10 là Ngày Đột quỵ thế giới nhằm nhận thức cho người dân trên thế giới về sự quan trọng và nguy hiểm của đột quỵ, từ đó có những hành động cụ thể.
Mỗi năm, Ngày đột quỵ thế giới sẽ thực hiện một chiến dịch. Năm 2022, chiến dịch của Tổ chức Đột quỵ thế giới đặt ra là “Vài phút có thể cứu sống mạng người”, và thông quá đó sẽ nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ, triệu chứng của đột quỵ để thực hiện hành động tương ứng.
Như vậy, một lần nữa xin được nhấn mạnh: Khi có các dấu hiệu của đột quỵ (méo miệng, nói khó và yếu liệt tay chân), cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt bằng mọi phương tiện, giúp cứu sống người bệnh và hạn chế di chứng nặng nề.
Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng NattoEnzym - Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình