Hotline 24/7
08983-08983

Mùa tựu trường, đề cao cảnh giác với COVID-19, đừng quên viêm họng ở trẻ

Một năm học mới bắt đầu trong bối cảnh đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp. Trong khi một số địa phương phải học online, thì nhiều tỉnh thành bước đầu cho học sinh đến trường. Bên cạnh niềm vui tựu trường của con trẻ thì các bậc phụ huynh lại bồn bề nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và cả những bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm họng dễ bùng phát khi thời tiết giao mùa.

1. Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em bị viêm họng cấp thì nên được chăm sóc thế nào? Trong điều trị, dinh dưỡng có cần lưu ý gì không ạ? Nhất là khi trẻ đi học, có cần xin nghỉ trong thời gian này, vì nếu nghỉ thì khó theo kịp bạn bè. (Thanh Thảo - nguyenthanhthao65…@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn: Trong câu hỏi này, tôi cần tách bạch 2 nhóm viêm họng khác nhau. Trong đó, viêm họng cấp tính do virus là phổ biến nhất, chiếm đến 70-80%, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh.

Còn lại khoảng 20-30% nguyên nhân gây viêm họng cấp có thể do vi khuẩn. Trong đó đáng chú ý nhất là liên cầu khuẩn, chúng được tìm thấy ở khoảng 15% các trường hợp bị viêm họng cấp, chủ yếu ở trẻ trên 5 tuổi.

Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi lẽ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Viêm họng cấp do liên cầu khuẩn khi vào họng sẽ “liếm” qua khớp, “đớp” vào tim và khi đã vào đến cơ quan trọng yếu này nó sẽ không chịu nhả ra, để lại biến chứng thấp tim, khiến trẻ mắc các bệnh van tim hậu thấp - gánh nặng ảnh hưởng sức khỏe suốt đời.

Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

• Không nên lạm dụng kháng sinh điều trị viêm họng cấp do virus để tránh các hệ lụy đáng tiếc do thói quen này gây ra. Đồng thời đối với các bác sĩ không để “xổng” các trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn để tránh biến chứng nguy hại cho trẻ.

• Các bậc phụ huynh cần biết rằng, viêm họng cấp do virus hay liên cầu khuẩn đều có triệu chứng giống nhau đó là sốt nhẹ đến sốt cao, đau họng… do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý trong quá trình chăm sóc để kịp thời đưa ra các xử trí kịp thời.

• Đối với trường hợp viêm họng cấp do virus thường gặp ở đại đa số các trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, khởi phát chậm, ngoài triệu chứng sốt (thậm chí có trẻ không bị sốt), đau họng thì còn kèm theo các dấu hiệu khác mà viêm họng do liên cầu khuẩn không có, đó là sổ mũi, ho, viêm kết mạc mắt, tiêu chảy, loét miệng. Thường mắc ở trẻ dưới 3 tuổi và bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt.

• Ngược lại, viêm họng do liên cầu khuẩn khởi phát rất đột ngột, sốt rất cao nhưng không ho, đặc biệt tình trạng đau họng rất rõ ràng, dễ gặp ở trẻ trên 5 tuổi (đặc biệt là giai đoạn trẻ từ 5-15 tuổi, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi rất ít khi gặp phải). Bên cạnh đó, trong viêm họng do liên cầu khuẩn có một triệu chứng rất đặc biệt, đó là trẻ sẽ bị sưng hạch góc hàm (vùng gần cổ). Khi bác sĩ khám quan sát trong họng, nhất là khu vực amidan sẽ thấy những hốc có màu trắng, lưỡi hơi dơ (trong khi trẻ viêm họng do virus thường không có triệu chứng này), không loét miệng.

• Tuy nhiên, để phân biệt rạch ròi thì tốt nhất các bậc phụ huynh phải đưa con đi khám bác sĩ để đánh giá toàn diện. Một số trường hợp cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Về vấn đề điều trị:

• Viêm họng cấp tính do virus phần lớn chỉ điều trị triệu chứng là chủ yếu. Chẳng hạn, dùng thuốc có thành phần paracetamol khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, vừa có tác dụng hạ sốt vừa giúp giảm đau họng.

• Nếu trẻ ho đờm, tốt nhất là dùng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn và phù hợp với mỗi lứa tuổi.

• Trẻ đau họng sẽ kéo theo một số hệ lụy, đáng lưu ý nhất là lười ăn, biếng ăn. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này mẹ nên chế biến món ăn mềm, loãng hơn bình thường để con dễ nuốt, chia thành nhiều bữa nhỏ.

• Đặc biệt, đừng để trẻ mất nước, hãy cho uống nước ngay cả khi không khát, đây là “vũ khí” quan trọng giảm ho, đau họng cho con yêu.

Khi con có dấu hiệu của bệnh hô hấp nói chung và viêm họng nói riêng, tốt nhất nên đưa đi khám, qua đó sẽ biết được mức độ nặng nhẹ của bệnh, cách chăm sóc, theo dõi các biểu hiện trở nặng và cân nhắc việc có nên cho trẻ nghỉ học hay không.

Nếu trẻ vẫn tiếp tục đến trường thì cha mẹ cần thông báo tình hình bệnh và toa thuốc với nhân viên y tế học đường để thuận tiện chăm sóc khi trẻ ở trường. Các thầy cô cũng cần chú ý trẻ khi sinh hoạt, ăn uống, tránh để bị nhiễm lạnh. Gia đình và nhà trường cần có sự liên lạc tốt để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời khi xảy ra tình huống bất ngờ.

TS.BS Trần Anh Tuấn hiện là bác sĩ cao cấp, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi Việt Nam.

2. Viêm họng nếu được chăm sóc tốt thì bao lâu sẽ khỏi bệnh, chấm dứt hoàn toàn các triệu chứng thưa BS? Những dấu hiệu nào thì em cần đưa con đi khám, gặp bác sĩ, vì dịch bệnh này em không muốn đưa bé đến bệnh viện chút nào cả? Em cảm ơn ạ. (Thanh Vy - vythanhdl…@gmail.com).

TS.BS Trần Anh Tuấn: Thông thường, khi trẻ bị viêm họng do virus sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trên thực tế nếu đến ngày thứ 7 mà triệu chứng của con không thuyên giảm thì cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám đầy đủ.

Hoặc nếu trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên và liên tục 2-3 ngày cần đưa trẻ đi khám bệnh. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang diễn tiến nặng hơn mắc một căn bệnh khác, chẳng hạn như sốt xuất huyết cũng có triệu chứng tương tự, nếu không cảnh giác chúng ta có thể “mắc lừa”. Mặt khác, nếu có dấu hiệu nặng hơn như đau họng đến mức khó không ăn uống, ngủ li bì không lay dậy được, sốt co giật… hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

3. Dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay thì cha mẹ cần dự trữ các loại thuốc nào để đề phòng trẻ bị viêm họng mùa này, thưa BS? (Hoàng Minh Anh - hoanganh54…@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn: Dịch COVID-19, việc giãn cách xã hội có thể sẽ khiến chúng ta gặp khó khăn khi tiếp cận các cơ sở y tế để mua thuốc. Vì vậy, trong thời điểm này ngoài vấn đề duy trì hệ thống tư vấn y tế như điện thoại di động, kênh thông tin… thì mỗi gia đình cần trang bị một số loại thuốc cơ bản để điều trị triệu chứng.

Chẳng hạn, trong tủ thuốc gia đình cần có thuốc hạ sốt thành phần paracetamol, vì đây là dạng an toàn và hiệu quả cho trẻ em. Đồng thời, nên chuẩn bị thêm một số loại thuốc ho, tốt nhất là có thành phần từ thảo dược an toàn, như Cozz Ivy.

4. Trẻ mới chỉ rát họng, ho đờm nhẹ vài tiếng trong ngày, có thể sử dụng sản phẩm Cozz Ivy để điều trị được không ạ? (Trần Hoài Nam - Quận 12, TPHCM)

TS.BS Trần Anh Tuấn: Nếu trẻ chỉ mới chớm đau họng, bạn nên ngưng ngay việc uống nước lạnh, nước đá, thay vào đó là dùng nước lọc thông thường, nếu có điều kiện thời gian thì cho con uống nước trà ấm và loãng giúp làm dịu họng, giảm ho cho trẻ.

Với trẻ lớn hơn, từ 5 tuổi trở lên bạn có thể cho con súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc dùng dung dịch nước muối tự pha (lấy một ¼ - ½ muỗng cà phê muối pha trong 250ml nước sạch) đều được. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này, nhưng theo kinh nghiệm thực tế của nhiều nhà chuyên môn thì đây là giải pháp có thể áp dụng được và an toàn.

Khi trẻ bị ho có đờm, việc sử dụng CozzIvy với thành phần lá thường xuân cũng phù hợp. Theo thông tin từ nhà sản xuất, thuốc này có thể sử dụng cho trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên. Với liều lượng khuyến cáo nếu bé dưới 5 tuổi nên uống nửa muỗng cà phê (2,5ml) 1 lần và 3 lần 1 ngày. Còn bé trên 5 tuổi trở lên thì 1 lần sử dụng 5ml, 3 lần 1 ngày.

4. Trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại, cần làm gì để điều trị dứt điểm thưa BS? Sắp đến ngày đi học, tôi cần trang bị cho con những gì để phòng ngừa bệnh hiệu quả ạ? (Diệu Linh - linhle09…@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn: Bình thường, trẻ em dưới 5 tuổi dù sức khỏe đầy đủ, sống trong môi trường sạch sẽ thì một năm vẫn sẽ bị viêm đường hô hấp từ 5-8 lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chúng ta biết rằng bên ngoài có rất nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau, hàng trăm, hàng ngàn virus, vi khuẩn tấn công vào trẻ độ tuổi này chưa có sức đề kháng nên rất dễ mắc bệnh.

Qua mỗi lần mắc bệnh, cơ thể của trẻ sẽ sinh ra và tích lũy kháng thể, tạo sức đề kháng để các bé vượt qua ngưỡng 5 tuổi thì số lần mắc bệnh đường hô hấp, số lần bị ho giảm đi đáng kể. Đó là trường hợp bình thường.

Còn nếu trẻ sống trong điều kiện bất lợi, chẳng hạn như nhà cửa chật chội, đông đúc, vệ sinh không được tốt, đặc biệt nếu trong nhà sử dụng bếp than củi cùng với những yếu tố xấu từ môi trường như hít khói thuốc lá thụ động thì con số này còn lớn hơn rất nhiều.  Ngay cả trong trường hợp cơ thể trẻ có khiếm khuyết nhất định, chẳng hạn như suy dinh dưỡng, thiếu một số vi chất chất dinh dưỡng, có dị tật bẩm sinh khác nhau như bị tim, não... thì khả năng này đương nhiên sẽ tăng hơn.

Quay trở lại trường học khi dịch bệnh phức tạp, cha mẹ nên trang bị cho con khẩu trang, dung dịch rửa tay nhanh (Ảnh minh họa)

Trong thời tiết dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay, khi con trẻ quay lại trường học, cha mẹ nên:

• Trang bị khẩu trang vải, tránh đeo khẩu trang y tế chuyên dụng có kích thước to và chất liệu thô. Tốt nhất là lựa chọn loại có kích thước phù hợp, màu sắc và họa tiết bắt mắt để trẻ thích thú hơn với việc đeo khẩu trang.

• Hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay từ khi ở nhà, có như vậy trẻ mới hình thành thói quen này ở bất kỳ đâu, kể cả khi đến trường. Rửa tay không chỉ có lợi ích trong việc phòng ngừa các bệnh đường hô hấp mà hữu hiệu với cả các bệnh tiêu hóa khác. Lưu ý, cần chọn loại dung dịch sát khuẩn phù hợp với làn da mỏng manh, dễ tổn thương của trẻ.

• Hướng dẫn con vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Bỏ thói quen cho tay lên miệng, ngoáy mũi.

• Với trường hợp trẻ đến trường khi đang bị bệnh thì cần chọn trang phục phù hợp, nếu thời tiết nắng nóng nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không nên mặc quá nhiều lớp áo khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và dễ bị nhiễm lạnh trở lại; nếu thời tiết trở lạnh thì cha mẹ cần mặc cho trẻ quần áo đủ ấm.

• Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cũng là việc cần thiết với trẻ nhỏ. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung hoa quả, thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ.

• Vấn đề quan trọng và không thể thiếu đó là chủng ngừa. Ngoài những loại vắc xin bắt buộc thông thường, cha mẹ nên cho trẻ chủng ngừa thêm 2 loại khác là cúm và phế cầu. Đây là 2 tác nhân gây bệnh đường hô hấp thông thường và gây nhiều biến chứng.

Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X