Mỗi ngày 1.000 trẻ nhiễm HIV ra đời
Tuy thuốc ngừa lây HIV từ mẹ sang con đã có từ lâu, nhưng mỗi ngày trên thế giới vẫn có hơn 1.000 trẻ sinh ra mang căn bệnh này trong người.
Lý do một phần do hệ thống y tế thiếu hụt, một phần do nhiều phụ nữ mang thai không hề hay biết mình bị nhiễm HIV.
Nhưng ngay cả khi hai điều kiện trên được đáp ứng, vẫn phải trông chờ vào sự nỗ lực của người phụ nữ.
Không có gì phải xấu hổ
Khi Babalwa Mbono hay tin mình dương tính HIV vào một ngày cuối năm 2002, cô rất hoang mang. Xã hội Nam Phi còn kỳ thị người nhiễm HIV. Làm sao để báo tin này cho chồng và gia đình? Làm sao để bảo vệ đứa bé? Làm sao để bảo vệ mình? “Có quá nhiều câu hỏi mà tôi không thể trả lời”, Mbono nói.
Mbono nói chuyện trong hội nghị chống lây truyền HIV từ mẹ sang con, với sự tham gia của UNAIDS, WHO và UNICEF
Nhưng với sự giúp đỡ về y học và tinh thần của một tổ chức cộng tác với UNICEF tại địa phương, cô đã vượt cạn thành công, cả trên giường sinh lẫn ngoài đời. Đứa con chào đời an toàn, không bị lây nhiễm, cả đứa tiếp theo cũng vậy. Cô được chỉ dẫn làm sao để sống chung với HIV và làm sao để nói cho mọi người biết. Cô trở thành một điển hình và tình nguyện giúp đỡ các phụ nữ có cùng hoàn cảnh như mình.
Tháng trước Mbono được mời nói chuyện trước các phái đoàn đến từ khắp nơi trên thế giới tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. “Các con tôi ra đời nhờ chương trình chống lây truyền HIV từ mẹ sang con, chúng đều HIV âm tính”, cô nói trong tiếng vỗ tay của mọi người.
Chỉ cần đến trạm y tế một lần
Khó khăn của Malekena George lại nằm ở chỗ khác. Mang thai tám tháng và sống chung với HIV, cô phải mất đến 5 tiếng để từ nhà đến trạm y tế gần nhất. Đứa con đầu lòng đã chết khi 13 tháng tuổi. Cô không muốn đứa con tiếp theo cũng như vậy. Nhưng cô không biết mình có đủ sức quay lại lần nữa hay không.
George trên đường về, mang theo hi vọng về chương trình chống lây truyền HIV trọn gói
Cho dù đã đảm bảo trạm y tế nào cũng cấp phát thuốc HIV, cũng như huấn luyện các y tá làm công việc này, người nhiễm bệnh ở châu Phi vẫn khó tiếp cận cái họ cần. Ở một quốc gia như Lesotho, nơi cứ 4 người thì có 1 người sống chung với HIV, thì nhu cầu càng cấp bách.
Chính quyền Lesotho do đó đã thiết kế một chương trình phòng chống trọn gói để các bà mẹ như George mang về nhà. Có thuốc ngăn virus và trụ sinh cho người mẹ, cho em bé, có chỉ định rõ ràng dùng bao nhiêu, khi nào, trước hay sau khi sinh. Sáng kiến này hi vọng sẽ giảm được nhiều ca sinh nở nhiễm HIV ở Lesotho. Nếu thành công sẽ nhân rộng ra nhiều nước khác.
Tiếng kêu dành cho ai nữa?
Ở khu vực cận Sahara, nơi HIV/AIDS hoành hành dữ dội nhất, có chừng 4 triệu người trẻ từ 15-24 tuổi sống chung với HIV. Phụ nữ trẻ ở đó có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn nam giới cùng độ tuổi 2-4 lần. Nhưng chỉ có 43% trong số họ được test HIV. Trong số các phụ nữ mang thai nhiễm HIV, chỉ có 58% nhận được thuốc chống lây truyền từ mẹ sang con, mặc dù giá thuốc không cao.
Một nghiên cứu ở Bostwana của Trường Sức khỏe cộng đồng Harvard cho thấy thuốc chống lây truyền HIV từ mẹ sang con thành công đến 99% trường hợp. Nhưng nhiều nguyên nhân khiến giải pháp không đến được tay người cần.
Với sự thất bại của UNAIDS, Ủy ban phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc, trong việc đạt được 13 tỉ USD gây quỹ, có thể thấy phía trước vẫn còn nhiều trẻ em và bà mẹ đánh mất cơ hội sống còn.
Tuy vậy UNAIDS vẫn giữ mục tiêu làm sao để đến năm 2015 không còn ca lây truyền HIV từ mẹ sang con.
AloBacsi.vn
Theo Tuổi Trẻ
Theo Tuổi Trẻ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình