Mối hiểm nguy của bệnh lý cúm mùa và bệnh do virus hợp bào hô hấp gây ra
Theo thống kê, ước tính cúm mùa gây ra khoảng 1 triệu ca tử vong trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh trên người lớn khoảng 5 - 10% và khoảng 20 - 30% trên trẻ em. Bên cạnh đó, những trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp, khi lớn tuổi sẽ có nguy cơ, triệu chứng liên quan đến khó thở, hen phế quản.
1. Tại Việt Nam, gánh nặng của cúm mùa ra sao?
Trước tiên, xin nhờ PGS.TS Lê Thị Anh Thư chia sẻ thêm về những gánh nặng mà bệnh lý cúm mùa gây ra tại Việt Nam? Đặc biệt, cúm mùa thường nặng nề trên những nhóm người nào?
PGS.TS Lê Thị Anh Thư trả lời: Cúm mùa còn gọi là bệnh cảm cúm, là những bệnh đơn giản (bệnh vặt) có thể tự khỏi. Cúm mùa và các bệnh viêm đường hô hấp do virus khác là một gánh nặng lớn cho cộng đồng trên toàn cầu.
Theo thống kê, ước tính cúm mùa gây ra khoảng 1 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Tỷ lệ mắc bệnh trên người lớn khoảng 5 - 10% và khoảng 20 - 30% trên trẻ em. Điều này làm giảm số ngày làm việc, giảm hiệu quả công việc và học tập.
Trong bối cảnh thời tiết đang lạnh dần ở phía Bắc và miền Trung Việt Nam, đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và bùng phát thành các đợt dịch. Đặc biệt, ở những nơi tập trung đông người như các trường học, học sinh, sinh viên sẽ khiến virus cúm lây lan và phát tán nhiều hơn.
2. Cúm là bệnh gì?
Trước khi đi vào những thông tin chuyên sâu về cúm thì xin TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết cúm là gì?
TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng có tính chất cấp tính, do virus cúm gây nên. Bệnh có thể lây lan rất mạnh và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thường gặp ở trẻ em và người già. Đặc biệt, những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, bệnh cúm sẽ diễn biến theo mùa, có những thời điểm số ca bệnh tăng lên rất cao.
3. Bệnh cúm mùa đang gia tăng, lây lan dịch ở mầm non, tiểu học thế nào?
Mùa Đông đang đến và nhiệt độ đang khá lạnh, và đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Xin hỏi BS, liệu đang có phải là mùa của bệnh cúm mùa gia tăng? Và bác sĩ nhận xét như thế nào về nguy cơ lây lan dịch ở các trường mầm non, trường tiểu học?
TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Sau nhiều năm tham gia nghiên cứu, giám sát về bệnh cúm nhận thấy rằng, bệnh cúm thường có tính chất theo mùa. Trong năm có 2 thời điểm số ca mắc cúm tăng rất cao là tháng 9 đến tháng 11 và khoảng tháng 3 đến tháng 5.
Với bệnh cúm, nguy cơ lây lan rất cao, đặc biệt ở những môi trường tập trung đông người như các lớp học, văn phòng, tòa nhà chung cư,… Ví dụ, trong lớp học có một em bé mắc cúm hay di chuyển ở chỗ đông người như thang máy có một người mắc cúm, khi ho hoặc hắc hơi thì số lượng virus thải ra không khí sẽ rất nhiều. Hầu như những người trong phạm vi nhỏ như vậy sẽ bị nhiễm virus cúm.
4. Bệnh cúm mùa thường tấn công vào nhóm người nào?
Bệnh cúm mùa sẽ thường tấn công vào những đối tượng nào thưa bác sĩ?
TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Trên thực tế, tất cả mọi người kể cả trẻ em, người trưởng thành, người già (65 tuổi trở lên) đều có nguy cơ mắc cúm, tuy nhiên sẽ có khác nhau về diễn biến bệnh.
Ví dụ, các em nhỏ mắc cúm, thường biểu hiện lâm sàng khá nặng và nhiều biến chứng. Hoặc những nhóm người trên 65 tuổi, đặc biệt là những người có bệnh lý nền thường có biến chứng rất nặng và biểu hiện lâm sàng nặng nề hơn so với nhóm người trưởng thành khỏe mạnh.
Đối với nhóm người trưởng thành khỏe mạnh đôi khi có thể sốt, ho, hắc hơi, chảy mũi nhưng các biểu hiện sẽ nhanh chóng hết hơn là nhóm trẻ nhỏ, người cao tuổi.
5. Các biến chứng nguy hiểm của cúm mùa và cảnh báo dấu hiệu bệnh trở nặng?
Một bệnh dễ bắt gặp hoặc dễ lây lan như cúm mùa, bên cạnh những triệu chứng thường gặp liệu cúm mùa có gây ra những biến chứng nghiêm trọng không thư bác sĩ? Và những dấu hiệu nào cho thấy bệnh đang trở nặng và nên được quan tâm ngay lập tức?
TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Bệnh cúm cũng như các bệnh nhiễm trùng khác, khi mắc sẽ có những diễn biến khác nhau theo từng độ tuổi, cơ địa của từng người.
Ví dụ, trẻ dưới 10 tuổi sẽ có những biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, đặc biệt có những trường hợp viêm não hoại tử rất nặng có thể tử vong trong thời gia ngắn.
Đối với nhóm người từ 65 tuổi trở lên sẽ có một số biến chứng khác như nhiễm cúm làm kích hoạt cơn hen cấp tính, hen phế quản, co thắt phế quản (là bệnh lý trước đây đã kiểm soát tốt nhưng khi mắc cúm lại kích hoạt một đợt mới).
Bên cạnh đó, nhóm người từ 65 tuổi trở lên sau khi mắc cúm sẽ làm mất mốc vận động trước đây. Ví dụ, ở người có bệnh lý tim mãn tính, bệnh lý phổi mãn tính, trước đây có thể vận động được 1 tiếng buổi sáng thì sau khi mắc cúm thời gian vận động bình thường sẽ giảm đi rất nhiều. Một số trường hợp sẽ có những bội nhiễm vi khuẩn, cả người già và trẻ em ở Việt Nam hiện nay hầu hết do vi khuẩn phế cầu, đây là vi khuẩn điều trị khá khó khăn.
Giống với biểu hiện lâm sàng của các bệnh khác, nếu chỉ nhiễm virus cúm đơn thuần, không có các biến chứng, biểu hiện bội nhiễm, nhiễm trùng thêm vi khuẩn khác thì thông thường một người mắc bệnh có thể ho, sốt, hắc hơi, chảy mũi trong vòng vài ngày.
Trường hợp có biến chứng, những người mắc cúm sẽ rất mệt, vận động hằng ngày giảm đi rõ rệt so với trước khi mắc bệnh, cảm thấy mệt mỏi, tức ngực, một số trường hợp bắt đầu đỡ sốt sau đó có triệu chứng sốt trở lại hoặc có những cơn khò khè, khó thở.
Xem thêm: Cảnh báo những sai lầm ba mẹ hay mắc khi con bị cúm mùa, viêm đường hô hấp trên
6. Virus cúm lây truyền qua đường nào, đã có thuốc điều trị chưa?
Với những mối hiểm nguy như vậy thì nhờ TS.BS Đỗ Thiện Hải chia sẻ thêm về đường lây truyền của virus cúm và cách chúng ta chẩn đoán sớm và phòng ngừa như thế nào?
TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Virus cúm có thể lây lan rất dễ dàng qua đường hô hấp. Nghĩa là một người mắc cúm khi thở, ho, hắc hơi đều thải virus vào môi trường không khí xung quanh.
Đã có những nghiên cứu ước tính rằng tỷ lệ tấn công khoảng 90%. Trong những phạm vi môi trường chật hẹp như lớp học, hội nghị nhỏ, thang máy, gia đình đông người, nếu có 1 người mắc cúm thì sau khi hắc hơi có khoảng 90% số người trong môi trường đó sẽ bị nhiễm virus cúm.
Có thể thấy, khả năng lây lan của cúm rất mạnh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc người trên 65 tuổi. Những nhóm người này, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi việc mắc bệnh đã giảm đi khá rõ nên nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn rất nhiều.
Trước đây, khi mắc cúm không có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã có một số thuốc được chỉ định điều trị. Các thuốc này có tác dụng làm giảm sự nhân lên của virus từ đó là giảm nồng độ của virus trong đường hô hấp, tiếp theo là làm giảm các triệu chứng cũng như các biến chứng.
Tuy nhiên có một số vấn đề liên quan đến việc chỉ định đó, sau một số năm sử dụng, đến bây giờ các thuốc chỉ định điều trị kháng virus cúm tốt nhất là được chỉ định trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên (sốt, viêm đường hô hấp). Do đó, muốn có chỉ định điều trị hiệu quả phải chẩn đoán rất sớm, thậm chí ngay từ những ngày đầu tiên.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã công nhận sử dụng các test nhanh tìm kháng nguyên để chẩn đoán bệnh trong điều kiện dịch bệnh đang lưu hành hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nghĩa là một bệnh nhân mới có triệu chứng viêm đường hô hấp trên, sống trong khu vực có người mắc cúm hoặc tiếp xúc với người mắc cúm thì có thể sử dụng các test nhanh để chẩn đoán.
Đây cũng là cơ sở cho việc chỉ định các thuốc kháng virus sớm, thậm chí vài tiếng từ khi có triệu chứng đầu tiên. Những trường hợp sử dụng thuốc sớm hiệu quả sẽ cao hơn.
Đối với phòng ngừa sẽ có 2 phương án: Phương án thứ nhất là sử dụng vắc xin để phòng bệnh và tiêm nhắc lại hằng năm; Phương án thứ hai là chẩn đoán sớm để khi lớp học có trẻ mắc cúm sẽ cho trẻ nghỉ học và cách ly tương đối tại nhà để làm giảm khả năng lây lan cho các em bé khác. Tại mỗi gia đình, nếu có người già, người mắc bệnh lý nền, khi có một thành viên rong gia đình mắc cúm và chẩn đoán sớm trong vòng 12 - 24 giờ đầu tiên hoàn toàn có thể cách ly tương đối để hạn chế lây lan.
7. Virus RSV làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 15 lần ở trẻ sơ sinh so với virus cúm
Với cái tên bệnh hô hấp do virus RSV khá xa lạ với mọi người. Thì nhờ BS Hiệp chia sẽ thêm bệnh hô hấp do virus RSV là gì ạ?
ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Thời tiết giao mùa, ngoài bệnh cúm còn rất nhiều bệnh hô hấp khác do virus khác như virus hợp bào, adenovirus… gây ra. Trong đó, virus hợp bào hô hấp gây tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi, đối với trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 15 lần so với virus cúm.
Đây là một tác nhân quan trọng trong thời điểm giao mùa gây ra các bệnh lý hô hấp, làm tăng chi phí điều trị, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên. Do đó, việc chẩn đoán nhanh là rất cần thiết.
Trong thời gian vừa qua, từ tháng 10/2023, địa bàn thành phố gia tăng rất cao tỷ lệ các bệnh nhi mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Chính vì vậy, UBND Thành phố đang cố gắng tăng cường khả năng chẩn đoán sớm các bệnh lý đường hô hấp, từ đó hóp phần điều trị sớm, tránh bùng phát các đợt dịch bệnh.
8. Ở Việt Nam virus RSV gây bệnh vào mùa nào?
Thường với loại bệnh này, thì dịch tễ học như thế nào, hay hiểu một cách đời thường là sẽ phát triển ở khu nào trên thế giới và tình hình ở Việt Nam ra sao thưa bác sĩ?
ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Cũng như virus cúm, virus hợp bào hô hấp lây nhiễm qua không khí và đường tiếp xúc. Sau khi tiếp xúc với người bệnh và sờ tay lên mắt, mũi, miệng sẽ có thể lây nhiễm.
Dịch tễ bệnh của bệnh hợp bào hô hấp giống với bệnh cúm, sẽ chia thành các vùng Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Nam bán cầu diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm và Bắc bán cầu diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Đối với những nước gần vùng xích đạo như Việt Nam có thể diễn tiến từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Do đó, vấn đề lây nhiễm bệnh có thể rải rác trong năm như bệnh cúm và gây ra những đợt dịch rất phức tạp. Ngoài bệnh cún chúng ta cần chú ý để chẩn đoán, điều trị sớm các bệnh lý do virus hợp bào hô hấp gây ra.
9. Ai dễ mắc bệnh do virus RSV gây ra?
Với những triệu chứng và biến chứng nguy hiểm như vậy, thì đối tượng nào dễ nhiễm virus RSV hay nói cách khác đối tượng nguy cơ cao của RSV là đối tượng nào?
ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Nhóm người nguy cơ mắc bệnh lý hợp bào hô hấp cũng giống với bệnh lý cúm. Là những người suy giảm miễn dịch, trẻ em nhỏ dưới 6 tháng, trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc nhẹ cân, trẻ có bệnh lý mãn tính suy giảm miễn dịch như còi xương, béo phì.
Ngoài ra, người lớn trên 65 tuổi có bệnh nền; một số người có bệnh lý mãn tính như hen phế quản hoặc tiếp xúc với khói bụi như hút thuốc lá cũng là một yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ nhiễm virus hợp bào hô hấp.
10. Triệu chứng thường gặp và biến chứng nặng của RSV ra sao?
Các triệu chứng thường gặp và biến chứng nặng của RSV ra sao? Liệu những biến chứng của RSV có đáng lưu tâm và ảnh hưởng sâu sắc đến người bệnh?
ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Triệu chứng của bệnh do virus hợp bào hô hấp tương tự với triệu chứng của virus cúm hoặc adenovirus virus. Thông thường bệnh nhân có thể sốt, ho, sổ mũi, đau rát họng và dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Test nhanh giúp chẩn đoán sớm bệnh do virus RSV.
Biến chứng đáng lưu tâm của bệnh, ngoài triệu chứng đường hô hấp trên có thể gây ra các bệnh lý đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, đôi khi có những biến chứng nặng nề hơn như suy hô hấp, tràn khí màn phổi.
Nghiên cứu cho thấy trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp khi lớn tuổi sẽ có nguy cơ, triệu chứng về khó thở, hen phế quản. Vì vậy, đây là bệnh lý đáng lưu tâm, chúng ta phải chẩn đoán và điều trị sớm.
11. Test nhanh phát hiện virus RSV là gì, hiệu quả ra sao?
Nhờ BS Hiệp chia sẻ những phương pháp chẩn đoán của virus RSV là gì? Và lợi ích của việc chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm nhanh ra sao?
ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Để chẩn đoán bệnh cần có các bước như: vùng dịch tễ học (vùng đang sinh sống) có dịch bệnh liên quan đến virus hợp bào hô hấp; các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trên; kèm theo các xét nghiệm để chẩn đoán nhanh virus hợp bào hô hấp; ngoài ra, có một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, X-quang phổi để đáng giá biến chứng do virus hợp bào hô hấp gây ra.
Việc chẩn đoán sớm luôn luôn đem lại lợi ích để kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm gây ra cho người bệnh.
Chia sẻ về Chuỗi chương trình trò chuyện cùng chuyên gia với chủ đề “NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ MỐI HIỂM NGUY VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHẨN ĐOÁN SỚM CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM THƯỜNG GẶP” với sự phối hợp giữa Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ, Ngành hàng chẩn đoán nhanh Abbott và Kênh Truyền thông - Tư vấn Sức khỏe AloBacsi, PGS.TS Lê Thị Anh Thư cho biết: “Với tuân chỉ lấy người bệnh làm trung tâm, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ luôn mong muốn có chương trình hỗ trợ người dân trong việc quản lý sức khỏe của mình một cách tốt nhất. Với sự hưởng ứng và phản hồi tốt của cộng đồng, bệnh nhân, trong lần phát đầu tiên với chủ đề “Mối hiểm nguy của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cách thức chẩn đoán nhanh, điều trị”, cho thấy cộng đồng có mối quan tâm sâu sắc đến bệnh cảnh sốt xuất huyết, tay chân miệng nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung. Điều này cho thấy chuỗi chương trình “NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ MỐI HIỂM NGUY VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHẨN ĐOÁN SỚM CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM THƯỜNG GẶP” đang đi đúng hướng, đúng thời điểm. Hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích trong công tác phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm”. |
>>> Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin và những thông tin cần biết về tiêm ngừa cúm mùa
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Thị Anh Thư, TS.BS Đỗ Thiện Hải, ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ và Ngành hàng chẩn đoán nhanh Abbott Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình