Trẻ nhiễm virus RSV, mẹ Việt cảnh báo: "Đằng sau nụ hôn là cánh cửa bệnh viện"
Lại một lần nữa câu chuyện về những nụ hôn, cái âu yếm của người lớn mang bệnh đến cho trẻ sơ sinh khiến chúng ta phải nâng cao cảnh giác hơn nữa.
Sinh con ra đã là cả một quãng thời gian dài mang nặng đẻ đau nhưng ai cũng biết rằng đó chỉ là khởi đầu cho một hành trình đầy gian nan phía trước. Đặc biệt là mỗi khi con ốm, hành trình đó còn nặng hơn gấp bội phần. Riêng với các bà mẹ, mỗi lần con ốm, nhất là ốm phải đi bệnh viện, đó là những kí ức thực sự ám ảnh mà không người mẹ nào có thể quên.
Với chị Phạm Thúy Quỳnh (29 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội), kí ức về hơn 10 ngày cô con gái bé nhỏ nằm viện điều trị vì nhiễm virus RSV khi mới được 13 ngày tuổi cũng ám ảnh chị đến mức chị gọi đó là "kỷ niệm kinh hoàng mà mỗi lần nhắc đến quần lại ướt đẫm vì sợ".
Những dòng chia sẻ chân thực mà thấm đẫm nước mắt của chị Thúy Quỳnh kể về những ngày con gái nằm viện khi mới sinh được ít ngày tuổi cũng là lời cảnh tỉnh tới các bố mẹ đã, đang và sẽ nuôi con nhỏ rằng: "Đằng sau nụ hôn âu yếm chính là cánh cửa bệnh viện". Ban đầu, con gái chị Quỳnh chỉ có dấu hiệu sốt nhẹ, có mũi. Thời gian phát hiện ốm đến lúc vào viện rất nhanh, nhưng con đã suy hô hấp, viêm phổi và phải thở bằng máy. Bé được chẩn đoán nhiễm virus RSV. Trải qua 1 ngày cấp cứu, 7 ngày cách ly, bé được ghép mẹ và dần dần sức khỏe ổn định thì được xuất viện.
Đằng sau nụ hôn là cánh cửa bệnh viện
Hôm nay chợt xem lại ảnh, tìm lại được những tấm ảnh nhìn thì bình thường nhưng lại là những kỷ niệm kinh hoàng mà mỗi lần nhắc đến quần lại ướt đẫm vì sợ.
Khi mới sinh xong, mình yên chí là con khỏe, bú mẹ ngon lành là cứ thế tiến lên khắc nuôi khắc lớn. Nhưng không ngờ mới 13 ngày tuổi thì con bé lên cơn sốt, hâm hấp người một đêm, khò khè và chảy nước mũi. Mình có kế hoạch trưa hôm sau đưa con đi phòng khám tư một bác sĩ nhi nổi tiếng ở Thanh Xuân. Làm đủ mọi cách con không hết sốt, gần trưa mình gọi điện cho bác sĩ xin lịch khám. Mới hỏi ba câu "Triệu chứng như nào? Có sốt không? Trẻ sơ sinh à?", ông đã bảo: "Đi viện ngay còn kịp!". Hoảng quá, nhà 1 mẹ 2 con, gọi ngay Grab car, trời thì mưa, tay xốc con bé, tay kéo con lớn, vào Bệnh viện Nhi trung ương.
Bé được đưa vào thẳng Khoa cấp cứu chống độc. Nhìn đứa con bé như con chuột nằm đủ thứ dây rợ kim tiêm cắm vào người mà không khóc nổi. Mình gục bây giờ ai chăm hai đứa trẻ con? Chồng đi trực tối mới vào được. Nghĩ phải cứng! Ừ thì cứng!
Bác sĩ chẩn đoán con bé con bị nhiễm virus RSV. Virus này với người lớn dường như vô hại nhưng với trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh thì vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân thường là lây từ người lớn, anh chị em trong nhà bị ho, sổ mũi... gần đứa trẻ hoặc hôn hít vào miệng chúng.
Thế là chuỗi ngày cách ly bắt đầu. Con nằm phòng cách ly. Hoàn toàn không gặp không thăm nom. Mỗi ngày vắt sữa 8 lần gửi vào. Nghĩ thương con ứa nước mắt, đành ăn tống ăn tháo chỉ cầu có sữa vắt gửi vào cho con. Bố mẹ khăn gói thuê hai cái giường trong nhà khách bệnh viện. Cả ngày chỉ có ăn và vắt sữa. Đến 11h trưa hàng ngày chạy lên hội trường nghe ngóng tin tức của con. Mỗi đứa trẻ con được nhận xét tình hình tầm 2 phút. Từng ông bố bà mẹ mắt nhìn vào bác sĩ đọc tên con như nuốt được bác sĩ vào bụng. Mỗi người cầm một cái điện thoại, người ghi âm, người quay lại lúc bác sĩ nhận xét đến con mình. Đoạn video hay ghi âm ấy cả ngày bố mẹ xem đi xem lại đến thuộc lòng. Như vậy thì cảm thấy mình gần con thêm một chút.
Nghe tin của con xong người khóc, người cười. Mình vẫn nhớ như in hàng ngày nghe về con: môi hồng, tim đều, tự thở, con ăn 80ml sữa. Vậy là mừng rơi nước mắt.
Nằm trong nhà khách, mỗi phòng hai ba chục ông bố bà mẹ. Mẹ nào cũng kì cạch cả ngày hết rửa máy hút sữa lại vạch áo nặn bóp. Áo tốc tận cổ chẳng thấy ngại ngần. Cữ này chưa xong cữ khác đã đến. Ăn dồn dập để có sữa thật nhanh. Nhưng bao đêm không ngủ với những đĩa cơm suất nguội ngắt và những lo lắng liên miên làm bao mẹ mất sữa. Vậy là sữa vắt không ra mà nước mắt chảy trước rồi.
Mẹ nào nhà gần thì ăn cơm cháo nhà gửi. Mẹ nào ở xa thôi đành cơm đường cháo chợ qua bữa để có sữa cho con. Vẫn nhớ mãi những mẩu chuyện ngậm ngùi: nay con em ăn được 3ml. Vậy là sống rồi!
Thời gian ấy không được gặp con nhưng không ai dám rời nhà khách một bước vì sợ mình đi là có tin về con. Mà ai nhận được loa gọi gặp con là khóc từ lúc đi đến lúc về. Vì như thế là con chuyển nặng, là gặp để bác sĩ lên tinh thần.
Sợ phát khóc khi gặp con sau 7 ngày cách ly
Qua 7 ngày thì con mình được ghép mẹ. Đến lúc bác sĩ bế con ra, con xanh ngắt, miệng tái bợt, lủng lẳng cái dây xông dán trên mép cắm sâu vào miệng, trán với má toàn những vết băng dính mới bóc đỏ ửng. Người con bé lẩy bẩy như chó con dấp nước. Sợ phát khóc. Nhưng cuộc chiến giờ mới bắt đầu. Chiến đấu với bệnh tật và chiến đấu với các mẹ khác để tranh giường.
Phòng thì ít bệnh nhân thì nhiều. Người xếp hàng xin phòng dịch vụ dài như lá sớ. Thế là đành cắn răng vào phòng bảo hiểm trong thời gian chờ đợi. Phòng bảo hiểm 5 mẹ 2 giường. Vào đây chỉ một mẹ chăm một con, không người nhà, không trợ giúp. Kiệt sức và mệt rũ.
Nhà tắm cả phòng có một cái, người đông, đi đứng lách nhau đi. Thế nên, mẹ nào tắm cứ tắm, bên cạnh mẹ nào đi vệ sinh cứ vệ sinh, mẹ nào giặt cứ giặt. Ai cũng mệt. Ai cũng liêu xiêu. Và hình như ngoài con ra chẳng ai nghĩ được gì nữa. Ai cũng lẳng lặng âm thầm.
Đêm nào thời gian cũng thế. Nhưng đêm trong viện đúng là dài hơn bình thường quá nhiều. Tiếng ọc ọc của máy thở. Tiếng dỗ con cả đêm. Tiếng khóc rền rĩ của bọn trẻ vì sốt, vì mệt. Có đứa trẻ chạy máy thở cả đêm. Mỗi lần ộc lên là cả sữa, cả thuốc, cả dịch, cả máu loang lổ trong ống xông nhìn mà xót ruột thay cho người mẹ.
Mỗi ngày hai lần người nhà đưa cơm qua cửa sổ sát hành lang. Ai cũng cố dán mắt nhìn con thêm vài giây, vài phút. Mẹ nào cũng cố nâng con lên cao cho bố nhìn mặt, vì từ ngày vào ghép mẹ chỉ có mẹ được ở cạnh, ngoài ra người nhà không được vào thăm chứ đừng nói ôm ấp, bế ẵm. Ngày ngày, nhà thì bố, nhà thì bà nằm ngồi chờ đợi giờ đưa cơm để được nhìn thấy con thấy cháu. Kim đồng hồ đúng 10 rưỡi là ùa vào hành lang. Người nhìn qua khe kính, kẻ nhìn qua lỗ dán giấy. Vậy mà cũng chỉ được vài phút là phải ra hết. Lại một tay ôm con một tay xúc cơm...
Chia sẻ câu chuyện của con gái mình, chị Quỳnh muốn nhắc nhở các bố mẹ nên thận trọng khi nhà có trẻ sơ sinh mà người trong nhà có dấu hiệu ho, sổ mũi, viêm họng. Chị Quỳnh cho biết, lúc con gái chị bị ốm, trong nhà chị có mấy người đang sụt sịt và theo chị phán đoán, có thể do người lớn âu yếm hoặc bé ở gần người lớn bị ốm nên đã nhiễm bệnh. "Người bệnh cần tránh tiếp xúc bằng tay, dịch mũi miệng với trẻ, cần đeo khẩu trang khi bế trẻ. Trước khi bế trẻ cần rửa tay bằng dung dịch rửa tay y tế. Và ngay khi trẻ sơ sinh sốt cần đưa ngay tới viện", chị Thúy Quỳnh nhắc nhở.
Theo Leo - Helino
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình