Hotline 24/7
08983-08983

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin và những thông tin cần biết về tiêm ngừa cúm mùa

Thời điểm giao mùa là giai đoạn bệnh cúm mùa bùng phát mạnh nhất, đặc biệt là những loại virus cúm A, là một trong những tác nhân gây ra bệnh cúm mùa hàng năm và có thể trở thành dịch. Tiêm ngừa vắc xin là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và lây lan cho cộng đồng.

1. Đã tiêm ngừa phế cầu liệu có cần tiêm thêm vắc xin cúm không?

Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi đã tiêm ngừa mũi phế cầu, vậy bây giờ có cần tiêm ngừa thêm vắc xin cúm không hay phế cầu cũng bảo vệ tôi trước bệnh cúm mùa? Xin cảm ơn BS.

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Một nguyên tắc cần lưu ý, không chỉ riêng với loại virus cúm, ở tất cả những loại vắc xin khác, khi được chỉ định tiêm ngừa phòng bệnh nào sẽ phòng ngừa đặc hiệu cho loại bệnh đó. Ví dụ vắc xin phế cầu sẽ phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu gây ra, vắc xin cúm sẽ phòng ngừa được các tình trạng nhiễm virus cúm.

Chính vì vậy, nên sử dụng những loại vắc xin phòng bệnh đặc hiệu theo đúng từng trường hợp bệnh lý. Ví dụ khi đã tiêm vắc xin phế cầu nhưng khi đến mùa dịch cúm, người bệnh vẫn nên tiêm ngừa thêm vắc xin cúm đầy đủ. Vì hai loại vắc xin này phòng ngừa cho 2 dạng bệnh lý do các tác nhân gây bệnh hoàn toàn khác nhau.

2. Việc tiêm ngừa vắc xin phòng cúm có thật sự hiệu quả?

Thưa BS, em đã tiêm ngừa cúm. Nhưng gần đây em vẫn bị ho, sổ mũi, giọng đặc nghẹt y như bị cúm. Như vậy có phải do vắc xin cúm mùa không có hiệu quả không? Vì sao đã tiêm ngừa cúm nhưng vẫn bị ốm ạ?

ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Trong thời điểm chuyển mùa như hiện nay, triệu chứng của đường hô hấp trên như đã chia sẻ, có thể là nguyên nhân của rất nhiều loại virus. Ngoài nguyên nhân do virus cúm còn có những tác nhân khác như là virus hợp bào hô hấp, Adenovirus hoặc virus á cúm,… Chính vì vậy, trường hợp của bạn thính giả trên có thể là do nhiễm những loại virus khác ngoài cúm.

Không biết bạn thính giả trên đã tiêm ngừa trong thời gian bao lâu, nhưng ở vắc xin cúm cần được tiêm nhắc lại mỗi năm một lần. Trong trường hợp tiêm vắc xin cúm nhưng thời gian tạo kháng thể chưa đủ 2 tuần, bạn vẫn có thể nhiễm bệnh. Ngoài những chủng tiêm ngừa trong vắc xin cúm, thông thường sẽ có 2 loại chủng là virus cúm A/H1N1 và A/H3N2. Nếu nhiễm những chủng virus khác ngoài hai loại trên, vẫn có thể gây ra những triệu chứng tương tự như cúm.

3. Tiêm ngừa cúm mùa có giúp phòng ngừa được cảm lạnh và những bệnh về đường hô háp khác không?

BS ơi cho em hỏi, tiêm ngừa cúm mùa có giúp phòng ngừa cảm lạnh và những bệnh đường hô hấp khác không ạ? Em 22 tuổi, muốn tiêm ngừa nhưng không biết nên tiêm loại nào trước, loại nào sau? Mong được BS hướng dẫn thêm ạ.

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Trên thực tế, như đã biết vắc xin phòng bệnh cúm sẽ phòng ngừa các trường hợp bệnh lý do virus cúm gây ra. Bệnh cúm là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm đường hô hấp trên. Sau khi mắc cúm, người bệnh sẽ gặp một số biến chứng liên quan đến tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp.

Ví dụ như bội nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi rất nặng hoặc sau khi mắc cúm sẽ kích hoạt một đợt hen phế quản cấp. Do vậy, nếu như người bệnh sử dụng vắc xin phòng cúm sẽ không mắc các bệnh lý về đường hô hấp.

4. Vắc xin cúm có thể tiêm kết hợp cùng các loại vắc xin khác không?

Nhờ BS tư vấn thêm giúp tôi, vắc xin cúm có thể tiêm cùng vắc xin nào và không nên tiêm cùng loại vắc xin nào? Tôi đã tiêm vắc xin phế cầu cách đây 2 tháng, hiện đang trong liệu trình tiêm vắc xin ngừa dại vì bị chó cắn. Như vậy có được tiêm cúm không hay cần cách nhau bao lâu? Xin cảm ơn BS.

ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Vắc xin cúm có thể phối hợp với tất cả các loại vắc xin khác để tiêm ngừa cùng nhau. Nếu tình trạng sức khỏe của bạn hiện tại ổn định và không có bất kỳ vấn đề về đợt cấp của một bệnh bệnh lý nào khác, có thể tiêm ngừa ngay tại thời điểm hiện tại để có những đáp ứng miễn dịch tốt bảo vệ cơ thể khỏi bệnh cúm trong thời gian sau này.

5. Thời điểm nào là thích hợp nhất để tiêm ngừa vắc xin cúm?

Thưa BS, tôi muốn hỏi về thời điểm nào tiêm vắc xin cúm là thích hợp nhất ạ? Ở Việt Nam, thường khi nào thì các cơ sở y tế có vắc xin cúm mùa mới ạ? Khi đến tiêm ngừa, làm sao để người tiêm nhận diện được đó là vắc xin cúm mùa mới hay của mùa cũ?

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Ở một quốc gia có khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam, trong quá trình làm việc nhiều năm liên quan đến các bệnh lý nhiễm trùng, chúng tôi thấy rằng ở thời điểm hiện tại, có thể tiêm vắc xin cúm ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Trên thực tế, bệnh cúm lưu hành quanh năm, không thể đợi đến lúc dịch xuất hiện hay có nhiều ca bệnh mới đi tiêm ngừa. Do thời điểm từ lúc được tiêm ngừa đến khi có được kháng thể bảo vệ, một người bình thường mất tối thiểu khoảng 2-4 tuần. Chính vì vậy, khi có điều kiện, người dân nên đi tiêm ngừa cúm sớm để phòng bệnh.

Thông thường, vắc xin cúm sẽ được cập nhật hàng năm theo các chủng gây bệnh mới nhất. Khi người dân đến các trung tâm tiêm ngừa, thường vắc xin được sử dụng sẽ là những loại đã được sản xuất với các chủng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

6. Có nên tiêm ngừa vắc xin trước thời điểm hẹn tiêm nhắc lại trong trường hợp về vắc xin mới không?

Năm nay em tiêm ngừa cúm vào tháng 8, BS có ghi lịch hẹn tiêm nhắc lại vào tháng 8/2024. Em có thắc mắc là, trong trường hợp về vắc xin mới trước thời điểm tháng 8, vậy em có được tiêm ngừa trước lịch không hay phải đúng tháng 8 mới được tiêm ạ?

ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Do Việt Nam nằm ở vùng gần xích đạo nên có những chủng cúm của cả Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Mùa cúm ở nước ta sẽ trải đều trong năm, vì vậy người dân nên tiêm ngừa trước mùa cúm khoảng từ 2-4 tuần để có miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Tuy nhiên, vẫn có thể tiêm ngừa vào bất kỳ thời điểm nào trong mùa cúm, điều này vẫn sẽ có hiệu quả bảo vệ cơ thể trước virus gây bệnh. Chính vì vậy, nếu có loại vắc xin mới bạn có thể tiêm ngừa trước thời điểm tháng 8 nếu tình trạng sức khỏe cho phép.

7. Ở những người có tiền căn bệnh nền có nên tiêm ngừa cúm ngay hay phải đợi đến khi nào?

Thưa BS, em đang trong đợt viêm mũi dị ứng, có tiền căn hen suyễn nhưng hiện được kiểm soát tốt. Giờ em có nên tiêm ngừa vắc xin cúm luôn được không hay phải đợi đến khi nào ạ?

 TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Nhiều báo cáo và nghiên cứu từ những bệnh nhân ở Việt Nam cũng như một số quốc gia khác trên thế giới có bằng chứng cho thấy khi cơ thể có tiền căn bệnh nền, trong đó có bệnh hen phế quản đã được kiểm soát tốt nhưng nếu mắc cúm, hoàn toàn có thể kích hoạt một đợt hen phế quản mới và thường rất nặng nề.

Vì vậy, những trường hợp có bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, hô hấp, đặc biệt là những trường hợp hen phế quản hoặc những trường hợp viêm phế quản mãn tính, phổi mãn tính. Bệnh nhân nên sử dụng vắc xin phòng bệnh cúm hàng năm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Hội Y học dự phòng Việt Nam.

TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương

8. Những loại vắc xin cúm hiện nay khác nhau thế nào và nên tiêm loại vắc xin nào để đạt hiệu quả cao?

Trên thị trường tôi thấy có nhiều loại vắc xin quá, nào là tam giá - tứ giá, rồi vắc xin bất hoạt, tái tổ hợp, vắc xin sống giảm độc lực. Nhờ BS giải thích thêm giúp tôi: các loại vắc xin cúm khác nhau thế nào? Mỗi loại phù hợp với những ai? Nên tiêm loại vắc xin nào để hiệu quả cao, ít tác dụng phụ?

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Xin khẳng định với các bạn thính giả, khi vắc xin đã được phép lưu hành trên thị trường, có nghĩa là hiệu quả bảo vệ cơ thể phải ở mức khá cao, thông thường rơi vào khoảng 70% đến trên 80%. Loại vắc xin bất hoạt hay tái tổ hợp không phải là vấn đề quan trọng để lựa chọn.

Với tâm lý một người đi tiêm vắc xin, tôi nghĩ rằng, vấn đề tạo miễn dịch để phòng bệnh là một điều quan trọng. Một vấn đề khác, quan trọng không kém cũng cần được quan tâm là các phản ứng sau khi tiêm, bạn sẽ nhận được tư vấn từ những nhân viên y tế tại phòng tiêm. Lúc này, có thể  xem loại vắc xin nào thông thường, đảm bảo được hiệu quả phòng bệnh và ít xuất hiện các phản ứng sau tiêm là những cơ sở để lựa chọn vắc xin phù hợp.

Bản chất của những loại vắc xin là đầu tiên không gây bệnh sau khi tiêm ngừa, thứ hai là đều có hiệu quả bảo vệ khá tốt.

Xem thêm: Tọa đàm cúm mùa và những điều cần biết về vắc xin ngừa cúm

9. Tiêm ngừa cúm sẽ khiến cơ thể nhiễm cúm trước để tạo miễn dịch, điều này có đúng không?

Tôi nghe nói tiêm vắc xin cúm sẽ làm cho mình bị cúm trước để tạo miễn dịch. Điều này có đúng không ạ? Thực hư thông tin: tiêm cúm gây mắc bệnh cúm phải hiểu sao cho đúng? Mong BS tư vấn để tôi hiểu rõ thêm.

ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Vắc xin cúm là một dạng thuốc sinh học được các nhà khoa học nghiên cứu để đưa những loại vi khuẩn đã bị bất hoạt hoặc chết vào trong cơ thể. Do đó, khi tiêm vào cơ thể sẽ không gây ra bệnh như cúm.

Khi loại vắc xin này được tiêm vào, cơ thể sẽ nhận biết đây là một tác nhân gây bệnh, nhưng lúc này, vi khuẩn đã được bất hoạt và làm chết trước đó. Như vậy, đối với hệ miễn dịch đang khỏe mạnh, hoàn toàn có thể xử lý và tiêu diệt được những tác nhân gây hại. Quá trình này sẽ giúp cho cơ thể sẽ tạo được hệ miễn dịch.

Cần khoảng 2 tuần để tạo ra hệ miễn dịch, trong quá trình xử lý những tác nhân đưa vào cơ thể có thể gây ra những triệu chứng như sốt, đây là biểu hiện tạo kháng thể cho cơ thể. Sau quá trình này, người được tiêm ngừa sẽ có một cơ thể có bộ nhớ những loại vi khuẩn gây hại. Khi những chủng vi khuẩn có trong vắc xin xâm nhập vào trong cơ thể, lúc này cơ thể sẽ có những kháng thể chống lại vi khuẩn và tránh nhiễm bệnh.

10. Thời gian bảo vệ của vắc xin phòng ngừa bệnh cúm sau khi tiêm đạt hiệu quả trong bao lâu?

Năm nay tôi đã bị cúm mùa được xác định bằng xét nghiệm tại bệnh viện vào tháng 7 năm nay. Tôi không muốn trải qua cảm giác bị bệnh như vậy một lần nào nữa. Vậy qua năm mới 2024 tôi mới được chích ngừa cúm mùa phải không hay thời điểm nào thì thích hợp với người đã từng mắc cúm như tôi? Xin cảm ơn BS.

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Các nghiên cứu cho thấy rằng, sau khi tiêm vắc xin, thời gian bảo vệ tốt nhất là trong vòng khoảng 6-9 tháng. Đối với những trường hợp mắc cúm tự nhiên có thể mang lại cho người bệnh những kháng thể, nhưng thường sẽ không bền vững. Vì vậy, sau khoảng 3 tháng tính từ thời điểm mắc bệnh, có thể hoàn toàn sử dụng vắc xin để phòng bệnh.

Nếu trong thời điểm chuẩn bị đến giai đoạn giao mùa, chính là lúc số ca mắc bệnh cúm ở trong cộng đồng tăng nhanh, lúc này nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao. Trước thời điểm xuất hiện các dịch bệnh, nếu có điều kiện, có thể sử dụng lại tiêm ngừa vắc xin cúm để phòng bệnh.

11. Khả năng bảo vệ của vắc xin liệu có giảm hoặc mất hiệu quả khi trong cơ thể có virus ủ bệnh?

Thưa BS, trong lớp em gần đây các bạn thay nhau ho, sốt, sổ mũi như bị cảm. Em thì chưa bị nhưng có tiếp xúc với mọi người, liệu giờ em tiêm ngừa cúm thì có được không ạ? Lỡ em tiêm ngừa cúm nhưng trong lúc đó cơ thể đang ủ virus thì có làm giảm hoặc mất hiệu quả của vắc xin?

ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Trong thời điểm giao mùa, đây là một tình huống rất thường gặp của rất nhiều bạn thính giả đã phải trải qua. Triệu chứng bạn mô tả ở trên có thể là biểu hiện của bệnh cúm nhưng cũng có thể bị cảm do những loại virus khác gây ra. Chính vì vậy, nếu tình trạng sức khỏe của bạn không có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh cúm, bạn có thể đi tiêm ngừa.

Điều quan trọng nhất là bạn nên phòng ngừa cho chính bản thân và hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Bạn nên rửa tay thường xuyên, tránh đưa tay lên mắt mũi miệng sẽ rất dễ bị lây bệnh. Bạn có thể đi khám bác sĩ để kiểm tra về các vấn đề sức khỏe có đủ điều kiện để tiêm ngừa. Thực hiện tiêm ngừa sớm để tạo kháng thể miễn dịch bảo vệ kịp thời.

12. Những người mắc bệnh mạn tính có cần lưu ý gì khi đi tiêm ngừa không?

Khi tiêm ngừa cúm có cần phải ngưng các thuốc đang điều trị không, thưa BS? Em bị tăng huyết áp vô căn có sử dụng thuốc theo đơn của BS. Và khi tiêm ngừa trên những người mắc bệnh mạn tính thì có lưu ý gì không ạ?

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Ở thời điểm hiện tại, các loại vắc xin cúm được sử dụng trên thị trường Việt Nam tương đối lành tính. Các khuyến cáo cho thấy, đặc biệt là ở những bệnh lý nền nên tiêm phòng vắc xin cúm. Một trong những nguyên tắc để có chỉ định hay không chỉ định tiêm ngừa, cần lưu ý hai vấn đề sau.

Đầu tiên là chống chỉ định của nhà sản xuất, nếu nhà sản xuất không có chống chỉ định ở những trường hợp bệnh lý của bạn, lúc này có thể yên tâm và tiêm ngừa vắc xin. Thứ hai là trong quy định của bộ Y tế Việt Nam, trong những trường hợp được chỉ định tiêm chủng, nếu không có bất kỳ biểu hiện suy chứng năng của cơ quan nào, bạn có thể tiêm được vắc xin. Nếu đảm bảo được cả hai tiêu chí trên, bạn hoàn toàn có thể sử dụng vắc xin.

13. Trường hợp đang điều trị lao phổi nên ưu tiên tiêm loại vắc xin nào?

Em đang điều trị lao phổi. Khi nào thì em có thể tiêm ngừa vắc xin cúm mùa, thưa BS? Với trường hợp của em thì nên ưu tiên tiêm loại vắc xin nào để hiệu quả, an toàn ạ? Em xin cảm ơn BS.

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Một người đang trong quá trình điều trị lao phổi, nếu được điều trị ổn định, các biểu hiện trên lâm sàng không có tình suy hô hấp, không xuất hiện tình trạng suy chức năng gan. Trong những trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể tiêm ngừa vắc xin, không cần chờ thời gian điều trị trong bao lâu, vẫn dựa trên nguyên tắc có chỉ định từ nhà sản xuất.

Nếu tiền sử bệnh lý bạn không bị suy hô hấp, không bị suy tuần hoàn, không bị rối loạn  chức năng đông máu, hoàn toàn có thể tiêm ngừa vắc xin. Như đã chia sẻ, các loại vắc xin đang lưu hành trên thị trường Việt Nam điều có hiệu quả bảo vệ khá tốt từ 70% đến trên 80%.

14. Có cần làm xét nghiệm kiểm tra trước khi tiêm ngừa vắc xin cúm không?

Trước khi tiêm ngừa cúm mùa có cần phải xét nghiệm gì không, thưa BS? Em bị COPD, muốn đưa mẹ đi tiêm ngừa nhưng rất ngại việc thăm khám, làm xét nghiệm, sợ mất thời gian mà lại không được tiêm ngừa. Mong BS cho em lời khuyên ạ. Em cảm ơn BS rất nhiều ạ.

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Trong tất cả các trường hợp chỉ định tiêm vắc xin, không có bất kỳ yêu cầu nào về xét nghiệm bệnh cúm hay các bệnh lý khác. Khi đến các trung tâm tiêm chủng, các bác sĩ sẽ có bảng kiểm để khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa.

Ví dụ nếu không có tình trạng suy hô hấp, rối loạn đông máu có biểu hiện trên lâm sàng, bạn có thể hoàn toàn yên tâm tiêm ngừa và không có yêu cầu xét nghiệm hay yêu cầu khám chuyên khoa đặc biệt nào khác.

15. Việc lựa chọn vắc xin tiêm ngừa nên dựa trên những tiêu chí nào?

Em ở quê, không có các cơ sở tiêm ngừa lớn như TPHCM hay Hà Nội. Em muốn tiêm ngừa thì đến đâu, thưa BS? Em tham khảo thì thấy vắc xin cúm có nhiều loại mà giá cả cũng khác nhau. Có phải vắc xin càng đắt càng tốt hay sẽ lựa chọn loại vắc xin cúm dựa trên những tiêu chí nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp trả lời: Hiện nay có rất nhiều loại vắc xin, có loại tái tổ hợp, vắc xin đa giá - tam giá - tứ giá. Những loại vắc xin tam giá và tứ giá do thành thành phần có chứa nhiều chủng về cúm nên chi phí có thể chênh lệch so với các loại vắc xin khác. Ví dụ vắc xin về tam giá, thành phần có 2 loại chủng cúm A và 1 loại chủng cúm B. Ở vắc xin tứ giá sẽ có 2 loại chủng của cúm A và 2 chủng của cúm B.

Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy về độ an toàn và hiệu quả của 2 loại vắc xin này đều như nhau. Nhưng theo tôi, ở vắc xin tứ giá có 2 chủng cúm B, có thể bảo vệ cơ thể thêm 1 loại chủng cúm giúp kháng virus tốt hơn.

Hiện nay, trên tất cả các tỉnh thành đều có trung tâm y tế, các cơ sở tiêm chủng có đủ điều kiện và chứng chỉ uy tín về tiêm ngừa. Bạn có thể đến những nơi mình cảm thấy tin tưởng để tiêm ngừa, không nên quá lo sợ sẽ gây gián đoạn cho việc tiêm ngừa và ảnh hưởng đến việc tạo miễn dịch sớm trong thời gian chuyển mùa gần đây.

16. Người bị dị ứng với các loại thực phẩm như trứng, sữa, tôm, cua khi tiêm ngừa vắc xin cúm có gia tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ không?

Thưa BS, có phải dị ứng trứng, sữa hoặc các sản phẩm từ sữa thì không được tiêm ngừa vắc xin cúm mùa phải không ạ? Em nghe nói là nếu bị dị ứng các thực phẩm này thì sẽ làm gia tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ, thậm chí là phản vệ khi tiêm vắc xin cúm. Em lo quá, mong nhận được lời khuyên từ BS ạ.

TS.BS Đỗ Thiện Hải trả lời: Trên thị trường Việt Nam hiện nay chỉ có một loại vắc xin được khuyến cáo nếu dị ứng với trứng, không nên tiêm ngừa vắc xin. Nhưng với các loại vắc xin khác, đều không có khuyến cáo về trường hợp này.

Nếu dị ứng với các loại thực phẩm, trong đó có sữa và tôm, cua, trong những trường hợp này có thể tiêm ngừa nhưng cần được theo dõi cẩn thận trong vòng 48 giờ kể từ khi tiêm. Một số trường hợp dị ứng nặng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có phòng tiêm và có thể ở lại bệnh viện theo dõi trong vòng 24-48 giờ để đảm bảo an toàn.

>>> Mối hiểm nguy của bệnh lý cúm mùa và bệnh do virus hợp bào hô hấp gây ra

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Thị Anh Thư, TS.BS Đỗ Thiện Hải, ThS.BS Nguyễn Văn Hiệp, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ và Ngành hàng chẩn đoán nhanh Abbott Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X