Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Tọa đàm cúm mùa và những điều cần biết về vắc xin ngừa cúm

Trong chương trình tư vấn ngày 8/6, PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, TS.BS Trần Anh Tuấn và ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn giải đáp nhiều thông tin hữu ích như: Cúm mùa nguy hiểm như thế nào? Làm sao phân biệt cảm và cúm? Vì sao cúm mùa nguy hiểm với người lớn tuổi, người bệnh mạn tính? Lợi ích và hiệu quả của vắc xin ngừa cúm?

Trong vai trò chủ tọa, PGS Nguyễn Thy Khuê - Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM là người đưa ra các câu hỏi để các chuyên gia cùng thảo luận về virus cúm, bệnh cúm mùa và vắc xin phòng cúm - một căn bệnh tưởng rất quen thuộc nhưng lại chưa được thông tin nhiều ở Việt Nam.

Trong 70 phút phát sóng, chương trình nhận được hơn 100 câu hỏi trên Fanpage và gần 150 câu hỏi trong hệ thống của website AloBacsi cho thấy nhu cầu được biết về cúm mùa rất lớn. Nhiều khán giả khi xem đã để lại bình luận bày tỏ sự ngạc nhiên "không ngờ cúm lại nguy hiểm như vậy", đồng thời cảm ơn các chuyên gia vì "những thông tin cung cấp rất chi tiết, bổ ích" và cảm thấy may mắn khi được biết "cúm mùa hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm chủng vắc xin cúm hàng năm".

AloBacsi xin trân trọng cảm ơn 4 chuyên gia của Hội Y học TPHCM và mời quý độc giả cùng theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm:

Cúm thường xuất hiện vào thời gian nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Xin chào các chuyên gia. Mở đầu cuộc trò chuyện hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem ở Việt Nam, dịch cúm thường xuất hiện vào thời điểm nào trong năm? Tỷ lệ người mắc bệnh cũng như  tỷ lệ tử vong trực tiếp do cúm là bao nhiêu? Con số này có khác so với những nước tiên tiến như Mỹ?

Tọa đàm cúm mùa và vắc xin cúm mùaPGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê - Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: Bình thường các nước trên thế giới, cúm mùa xảy ra vào mùa thu, mùa đông. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời tiết thường thay đổi, nên cúm không tập trung vào 2 mùa này như các nước vùng ôn đới, mà thường bộc phát và tăng lúc chuyển mùa, như tháng 3-4-5, tháng 7-8.

Theo thống kê của thế giới, mỗi năm chúng ta có hàng triệu bệnh nhân mắc cúm, tỷ lệ tử vong tại Mỹ do cúm mùa dao động từ 0,5-1% với số lượng người tử vong là 20.000-50.000 vào năm 2019. Đó là con số khá lớn. Ở những nước khác, như Đức, có khoảng 10.000 người tử vong năm 2019, con số này tương đương ở Pháp.

Ở Việt Nam, số lượng mắc cúm mỗi năm theo thống kê là từ 800.000 - 900.000 bệnh nhân. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tương đối, chúng ta chưa có mạng lưới điều tra dịch tễ học một cách chính xác, khách quan. Nếu chúng ta có mạng lưới điều tra tốt từ tuyến cơ sở đến trung ương, thì số lượng người mắc cúm ở Việt Nam cũng không phải là ít. Với tỷ lệ tử vong 0,5-1% thì con số ở Việt Nam là từ vài ngàn người đến cả chục ngàn người tử vong liên quan trực tiếp tới cúm, đặc biệt là những người lớn tuổi và có bệnh lý mạn tính kèm theo.

Ví dụ, cúm thường là nguyên nhân khởi phát ở người thường hay mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, hô hấp, hoặc những người trên 60-65 tuổi, nguy cơ tử vong sẽ tăng rất cao so với người trẻ. Cũng giống như dịch COVID-19 đang diễn ra, số lượng người tử vong trên 70 tuổi cao hơn hẳn, gấp nhiều lần so với người dưới 50 tuổi.

Bệnh cúm ở trẻ em có gì khác biệt?

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: BS Ngọc có nhắc đến những người mắc bệnh mạn tính, trong dịch cúm mùa 2018-2019 ở Mỹ, theo thống kê số người nhập viện, hơn 47% có bệnh tim mạn tính, và hơn 30% có bệnh đái tháo đường. Do đó, đây là những người có nguy cơ cao khi nhiễm cúm sẽ phải nhập viện nhiều hơn và dễ có biến chứng nặng hơn. Còn về trẻ em thì như thế nào? TS.BS Tuấn sẽ cho biết những thông tin cụ thể liên quan đến BV Nhi đồng 1?

TS.BS Trần Anh Tuấn: Với bệnh cúm, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần quan tâm. Thứ nhất, các cháu được xếp vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Theo một nghiên cứu của Mỹ đã được công bố, trẻ em chưa tới tuổi đi học, khoảng 40% sẽ bị virus cúm tấn công và mắc bệnh. Khi tới tuổi đi học, cứ 3 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc cúm.

Thứ hai, khi đã mắc cúm, các cháu sẽ bị bệnh nặng hơn và có thể xảy ra biến chứng và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí ý khoa hàng đầu Hoa Kỳ JAMA, người ta thống kê tỷ lệ tử vong trong 10 năm gần đây tại Mỹ cho thấy ở trẻ em, các trường hợp tử vong đa số rơi vào các cháu nhỏ, đặc biệt là dưới 2 tuổi. Do đó, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới đối tượng này.

Thứ ba, bệnh diễn tiến rất nhanh. 60-70% các trường hợp tử vong xảy ra chỉ trong 7 ngày sau khi các cháu nhiễm trùng, và nguyên nhân được ghi nhận là các cháu không được chủng ngừa cúm.

Trẻ em cũng là đối tượng cần lưu ý trong vấn đề lây truyền bệnh cúm, nhất là khi nói về phương diện bệnh học. Nếu các cháu bị bệnh cúm, thời gian mắc bệnh và thải virus cúm ra ngoài kéo dài hơn người lớn, do đó khả năng lây lan là nhiều hơn. Mặt khác, ở trẻ em, các cháu chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, thành ra khả năng lây là cao hơn. Hơn nữa, khi bị bệnh, các cháu không biết tự chăm sóc, bởi vậy chính các cháu sẽ lây bệnh cúm cho người khác.

Vì vậy, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần quan tâm khi vào mùa cúm.

Bệnh cúm gây nguy cơ như thế nào với người mắc bệnh mạn tính?

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Những người mắc bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen mãn tính, viêm phế quản mạn, khi mắc bệnh cúm sẽ có nguy cơ như thế nào?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: COPD là bệnh lý mạn tính và ngày càng nặng dần. Đặc điểm của COPD là tắc nghẽn và phá hủy đường hô hấp. Bản thân bệnh gây giảm miễn dịch tại chỗ - hàng rào chống đỡ sự xâm nhập của các tác nhân vi sinh vật, trong đó có cúm. Do đó, không lạ gì khi COPD mỗi năm có nhiều đợt cấp, trong đó, hết phân nửa các trường hợp cấp là do virus, trong đó có tới 25-28% là do virus cúm. Do đó, khả năng làm bệnh nhân đợt cấp COPD nặng lên và gây nhập viện, tử vong chiếm ¼ trường hợp do virus cúm. Như vậy, nếu bệnh nhân nhập viện và suy hô hấp, thở máy thì tỷ lệ tử vong là 50% đối với bệnh nhân COPD.

Vì vậy, cúm là tác nhân quan trọng trong cộng đồng. Bên cạnh ý thức của người dân, nhiều khi bác sĩ cũng chưa có ý thức chủng ngừa cúm cho bệnh nhân của mình. Bác sĩ là một trong những đối tượng được chỉ định chủng ngừa cúm để bảo vệ bản thân đồng thời bảo vệ cho bệnh nhân của mình. Bác sĩ là đối tượng lây trung gian giữa bệnh nhân này và bệnh nhân khác.

Hen suyễn ở mức độ nhẹ hơn, tuy nhiên đợt cấp hen đôi khi rất nặng nếu kiểm soát không tốt và làm cho đợt cấp hen thường xuyên hơn, mất kiểm soát và dẫn đến những đợt hen nặng hơn về sau.

Cúm mùa ảnh hưởng đến người bệnh hô hấp thế nàoPGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TPHCM

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Người mắc bệnh tim mạch mạn tính nếu mắc cúm, nguy cơ biến cố cấp tính về tim mạch, như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não sẽ gia tăng. Đối với người tiểu đường, mặc dù nguy cơ lây nhiễm không khác người bình thường, nhưng một khi đã bị nhiễm cúm thì việc trở nặng khá nhanh như trẻ em, tức là ngay cả khi đường huyết ổn định vẫn có thể biến chứng sang viêm phổi, viêm phế quả, viêm tai, viêm xoang…

Những tình trạng này trong trường hợp bình thường không diễn tiến nhanh, nhưng trên người đái tháo đường diễn tiến rất nhanh trong vài ngày, dẫn đến bệnh trầm trọng hoặc chuyển qua những biến chứng cấp tính như tăng áp suất thẩm thấu, nhiễm toan ceton. Chính vì vậy, đây là một vấn đề rất quan trọng và nghĩ đến việc chủng ngừa. Nhưng trước khi chủng ngừa, có một câu hỏi đặt ra: có phải virus SARS và MERS khi suy yếu sẽ trở thành virus cúm mùa, hay virus cúm mùa là một chủng khác?

ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn: Virus cúm mùa ngay cả bản thân tên của nó cho thấy đây là virus lưu hành hàng năm. Đối với tất cả các bệnh truyền nhiễm, vắc xin là “công cụ” phòng chống hiệu quả nhất. Khi dịch SARS-CoV-2 đang xảy ra, chúng ta thấy rõ ràng điều được mong chờ nhất là vắc xin. Vấn đề không có vắc xin như hiện tại đã gây quá nhiều xáo trộn.

Vấn đề virus SARS-CoV-2 về sau có trở thành cúm mùa hay không hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu và chúng ta vẫn phải theo dõi. Trước đây có dịch H1N1 - đại dịch cúm, trong quá trình theo dõi tiếp thì nó chuyển thành cúm mùa. Tuy nhiên khẳng định lần nữa là cho đến hiện tại chúng ta chưa thể nói được điều gì về virus SARS-COV-2 mặc dù về triệu chứng bệnh tương tự cúm mùa.

Chúng ta phòng ngừa cúm mùa sẽ mang lại một số hiệu quả trên bệnh cúm cũng như các bệnh mạn tính mà các chuyên gia đã nêu, còn hiệu quả trên SARS-CoV-2 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: Riêng virus SARS năm 2002-2003 chúng ta đã thấy đợt bộc phát rất nhanh và cấp tính, thời gian ủ bệnh ngắn,, tỷ lệ tử vong cao, do đó chúng ta dễ phát hiện những ổ dịch đã được khu trú. Trong thời gian khá ngắn (6 tháng-1 năm) chúng ta đã kiểm soát được. Cũng như virus MERS, mặc dù tỷ lệ tử vong khá cao (từ 30-40%) nhưng đến nay 2 virus dường như không còn thấy xuất hiện hằng năm.

Riêng SARS-CoV-2 chúng tôi rất lo lắng bởi thời gian ủ bệnh dài, tầm ảnh hưởng khá nhiều. Những bệnh nhân không triệu chứng có số lượng lớn (70-80%), do đó khả năng lây lan âm thầm và bộc phát trở lại hằng năm là điều không tránh khỏi. Vì vậy chúng ta cần hết sức đề phòng tới vấn đề vệ sinh, phát hiện sớm, cách ly như chúng ta đã làm từ trước đến nay.

Hiện nay làn sóng tái nhiễm ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí ở Mỹ cũng cảnh báo mùa thu-đông năm tới có thể bùng phát, và có thể virus này tái diễn hàng năm không thể ngăn chặn, giống như virus cúm A/H1N1, đầu tiên là đại dịch, và trở thành mùa, và hiện nay số lượng trên toàn thế giới phải tính từ vài triệu đến vài chục triệu, số lượng người chết cúng tính bằng triệu chứ không ít.

Vì sao phải tiêm ngừa cúm mỗi nămBốn vị chuyên gia trong chương trình tọa đàm

Cách phân biệt cảm và cúm

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Làm thế nào để phân biệt giữa cảm và cúm, vì hai bệnh có thể xảy ra cùng thời điểm lúc giao mùa? Các biện pháp dân gian như xông, cạo gió có hiệu quả với cúm hay không?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: Khoảng 99% người Việt ta hay nói chung là cảm cúm, và khi nói tới cảm thì bệnh khá sơ sài, thông thường, do đó đôi khi mặc định cúm cũng như vậy, vì vậy ý thức về cúm còn ít quan trọng, không đặt đúng vị trí. Thực ra cúm là bệnh nguy hiểm, có thể gây viêm phổi và tử vong.

Virus cảm có 200-300 chủng, không gây tử vong, đa phần gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, triệu chứng tại chỗ và toàn thân tương đối nhẹ, ngắn. Ví dụ, bệnh nhân đau họng, sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, đau nhức mình mẩy, nhiều khi không cần uống thuốc; hoặc cạo gió, xông như y học phương Đông có thể hết bệnh.

Cúm thì ngược lại, đó là bệnh lý nguy hiểm, bị cả đường hô hấp trên nhưng có thể lan xuống hô hấp dưới và gây viêm phổi, đôi khi là viêm phổi gây chết người mà chúng ta gọi là cúm ác tính. Ngoài ra nó còn gây suy hô hấp cấp nguy kịch, tiến triển và có thể gây suy đa cơ quan. Cách đây khoảng 20 năm có một đồng nghiệp đàn anh của tôi cũng bị cúm ác tính gây phù não, viêm cơ tim, phù phổi, tổn thương thận, tổn thương gan, trong vòng chỉ 2 ngày đã tử vong.

Tỷ lệ tử vong do cúm hiện nay là 0.5-1%, cứ khoảng 100 người sẽ có 1 người chết bởi cúm. Đặc biệt những người có bệnh phổi mạn tính hay tiểu đường tỷ lệ tử vong gấp 2-5 lần so với người khỏe mạnh; những người có bệnh nền vừa tim vừa phổi tỷ lệ tử vong rất cao, gấp 20-40 lần so với người bình thường.

Cúm có biểu hiện đau nhức mình mẩy nặng hơn, suy nhược nhiều, sốt cao. Vì vậy việc phân biệt rất quan trọng, và khi đã xuất hiện các triệu chứng tại chỗ, toàn thân, phải đi khám bác sĩ để có chế độ theo dõi đặc biệt. Dĩ nhiên, việc chủng ngừa cúm rất quan trọng, có tác dụng bảo vệ từ 95-98%. Vì vậy một liều chích ngừa cúm khoảng hơn 200.000 đồng đã bảo vệ sức khỏe chúng ta. Ngoài việc phân biệt trên lâm sàng, mọi người phải ý thức cúm là cúm, cảm là cảm và không nên dùng cảm cúm.

Đối với các bệnh đường hô hấp, xông là một biện pháp hữu hiệu. Những tinh dầu kích thích tăng tiết đường hô hấp, phế quản giãn ra giúp dễ ho và đào thải virus, đồng thời có chất kháng viêm nhẹ. Do đó xông mang tính chất vừa hưng phấn vừa tốt cho sự thanh lọc đường hô hấp, vừa có tác dụng giãn mạch, tháo mồ hôi, làm cho triệu chứng toàn thân hồi phục nhanh bên cạnh việc uống thuốc.

Với cạo gió, chưa có nghiên cứu đối chứng song song giúp phân biệt những người mắc bệnh có cạo gió và không có cạo gió. Mọi người có thể tham khảo chuyên khoa đông y để hiểu rõ hơn về vấn đề kinh lạc, cạo gió trúng kinh huyệt giúp khai thông và cải thiện sức khỏe. Đó cũng là yếu tố góp phần vào việc hồi phục nhanh nếu chúng ta bị cảm hoặc bị cúm.

TS.BS Trần Anh Tuấn: Cảm là bệnh thông thường do Rhinovirus, khác với cúm là do virus cúm, hai tên khác nhau hoàn toàn và bệnh cũng khác. Có thể phân biệt thế này, cảm là bệnh nhẹ, sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Nhưng cúm thì khác, diễn tiến rất đột ngột, sốt cao, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, những triệu chứng này gợi ý cúm trên thực hành nếu không phải chuyên khoa.

Riêng về trẻ em thì có một số triệu chứng đặc biệt, chẳng hạn ở trẻ sẽ xuất hiện một số dấu hiệu bệnh nặng như quấy khóc, bỏ bú, bú kém, không uống được nước; một số trẻ có dấu hiệu co giật. Về điều trị, dân gian có nhiều phương thuốc và hiệu quả đã được kiểm chứng mấy ngàn năm. Nhưng về trẻ em, biện pháp xông không được khuyến khích, bởi khi ngồi trong môi trường nóng, nguy cơ các cháu bỏng rất cao; trong các tinh dầu thêm vào có một số loại có tác dụng phụ đối với trẻ em.

Cúm mùa ở trẻ emTS.BS Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam

Về cạo gió, giác hơi, không nên dùng trong nhi khoa. Chúng ta biết cạo gió sẽ để lại trên mình các cháu những vết bầm. Việt Nam vẫn là nước lưu hành bệnh sốt xuất huyết. Nếu bé được cạo gió bầm người rất khó phân biệt những triệu chứng sốt xuất huyết xuất hiện. Do đó không khuyến cáo sử dụng cạo gió ở bệnh nhân sốt dù nghi ngờ cúm hoặc các bệnh hô hấp khác.

Vắc xin cúm có tác dụng như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Chúng ta đã thấy những ảnh hưởng của cúm lên người lớn, trẻ em và những nguy hại của nó. Vấn đề phòng ngừa là quan trọng nhất. Xin hỏi chuyên gia Viện Pasteur về vắc xin chích ngừa cúm mùa. Vắc xin là gì? Có bao nhiêu loại văc xin? Ở Việt Nam đã có những loại nào, khả năng bảo vệ khi chích ngừa và khả năng đáp ứng của người được chủng ngừa cúm sẽ ra sao?

ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn: Bản chất vắc xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể để tạo ra kháng thể. kháng nguyên là những tác nhân chúng ta muốn phòng ngừa nhưng đã được làn suy yếu, không còn khả năng gây bệnh, vẫn giữ được khả năng kích ứng cơ thể để tạo đáp  ứng bảo vệ; hoặc kháng nguyên đã được làm chết và đưa vào cơ thể để tạo miễn dịch, kháng thể. Ngày nay kháng nguyên đã tiến tới những công nghệ mới hơn, không hoàn toàn là con virus đó, mà tinh chế, chọn lọc một phần hoặc vỏ, hoặc protein, AND được cấy vào vector để nhân lên và kích ứng cơ thể tạo miễn dịch.

Vắc xin cúm là một trong những vắc xin hiện tại trên thị trường có mặt đầy đủ tất cả các dạng của công nghệ vắc xin, từ vắc xin sống giảm độc lực ở các nước Âu Mỹ thường dùng là dạng xịt, cho tới vắc xin bất hoạt, thậm chí tiểu đơn vị vắc xin dạng mảnh theo công nghệ protein. Trong thành phần vắc xin cúm mùa có 2 chủng cúm A và 1-2 chủng cúm B tùy loại vắc xin tam giác hay tứ giác.

Chủng cúm A thường gây lo ngại nhất và có thể gây đại dịch, bởi trải qua lịch sử giám sát, những đại dịch thường xuất phát từ chủng cúm này. Cúm A không chỉ gây bệnh trên người mà còn trên gia cầm, động vật hoang dã. Một khi nó đột biến và lây sang cho người sẽ gây đại dịch. Cụ thể nhất là trận đại dịch lớn nhất cúm A/H1N1 vào năm 1918 làm 50-100 triệu người tử vong. Gần đây, dịch cúm A/H5N1, H1N1 đều xảy ra bởi cúm A. Đó không phải là điều ngẫu nhiên trong các chủng cúm mùa hiện tại có chủng cúm A/H1N1. Chủng A thứ hai là H3N2. Chủng này từng gây dịch năm 1968.

Chủng B thường gây dịch trên người so với chủng cúm A.

Những điều cần biết về tiêm vắc xin cúm mùaThS.BS Nguyễn Trọng Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM

Hiện tại ở Việt Nam, trên thị trường đang có vắc xin chủng cúm A dạng bất hoạt và lịch tiêm tùy theo độ tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi tiêm 2 liều, người lớn tiêm 1 liều.

Vắc xin cúm mùa nghĩa là chủng cúm thay đổi hằng năm theo mùa. Sự thay đổi tùy theo khuyến cáo của WHO đưa ra hằng năm, cuối tháng 3 và cuối tháng 9 tùy theo các khu vực khác nhau.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Thực tế, với tình huống vừa chích ngừa cúm mà phải chích ngừa thêm một bệnh khác như trẻ em phải chích ngừa nhiều bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng (gần 12 loại vắc xin, chưa kể những vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng), hay người lớn cũng có trường hợp đang trong dịch cúm thì bị chó cắn phải chích ngừa dại thì có thể chích ngừa 2 vắc xin cùng lúc hay không?

ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn: Như tôi đã trình bày, vắc xin cúm có nhiều dạng (sống, giảm độc lực, bất hoạt, tinh chế…). Trẻ từ 1-6 tháng tiêm bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan Hib, trên 6 tháng thì tiêm vắc xin sởi, viêm não Nhật Bản, phế cầu… Cúm có chỉ định tiêm từ 6 tháng tuổi, và có thể khẳng định vắc xin cúm có thể tiêm đồng thời với những vắc xin này. Tuy nhiên khi tiêm thì phải tiêm khác vị trí, để đảm bảo lan tỏa miễn dịch tốt hơn. Ví dụ: Trẻ dưới 1 tuổi đã tiêm một vắc xin ở đùi bên này thì vắc xin cúm tiêm ở đùi bên kia; trẻ trên 12 tháng có thể tiêm trên vai…

Do đó, vắc xin cúm không chống chỉ định khi tiêm cùng với những vắc xin khác, chỉ trừ trường hợp bệnh nhân đó có chống chỉ định với vắc xin cúm thôi.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Với những người bị bệnh mạn tính, mặc dù biết cần phải chích ngừa cúm nhưng nhiều người vẫn không đi chích ngừa. Trong công việc của mình, BS Ngọc đã khuyên các bệnh nhân của chuyên khoa Hô hấp đi chích ngừa cúm như thế nào, và guidline trên thế giới đã cho biết gì về vấn đề này?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: Guideline trên thế giới dành cho bệnh hen, COPD và những bệnh phổi mạn tính khác và CTC của Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến khích chủng ngừa cúm hằng năm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao. Với bệnh nhân hô hấp, chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân về lợi ích của chủng ngừa cúm so với chi phí bỏ ra là rất lớn, kể cả vấn đề giảm con số tử vong. Có thể nói chi phí bỏ ra 1 đồng nhưng lợi ích là 1000 đồng. Khoảng 90% bệnh nhân đã đồng ý chích ngừa cúm.

Như BS Tuấn có đề cập là chích ngừa cho trẻ em lại giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở người lớn; hoặc trong nhà có 1 người bị COPD thì người thân chủng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của người bệnh.

Rõ ràng trong dịch COVID-19 cũng vậy, đừng nghĩ là mình khỏe mạnh, đi ra đường chơi thoải mái rồi về lây virus cho người lớn trong nhà. Do đó, chúng ta cần quan tâm đến việc chủng ngừa để bảo vệ sức khỏe của ông bà cha mẹ mình, đây cũng là hành động hết sức nhân văn.

Tại khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi cũng khuyên các nhân viên y tế nên chích ngừa cúm để bảo vệ sức khỏe của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân. Thật không nên nếu bản thân nhân viên y tế lại lây bệnh cúm cho bệnh nhân của mình, do đó nhân viên y tế là đối tượng nên tự nguyện chích ngừa cúm.

Ảnh hưởng của cúm mùa lên bệnh nhân tim mạch

Tác dụng phụ và cách xử trí sau khi chích ngừa vắc xin cúm cho trẻ

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Xin tiếp lời BS Ngọc là đối với bệnh tim mạch thì tất cả các hiệp hội đều khuyến cáo chích ngừa cúm, coi như một phòng ngừa thứ phát của các biến cố như đột quỵ tim mạch (VD nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não). Người bệnh tim mạch cần chích loại vắc xin cúm bất hoạt, mà vắc xin cúm ở Việt Nam chỉ có loại bất hoạt nên chúng ta không cần suy nghĩ chọn lựa.

Với bệnh đái tháo đường, trong guideline cũng khuyến cáo nên chích ngừa cúm, thậm chí hằng năm phải chích ngừa phế cầu chùm, vì sau khi bị cúm thì viêm phổi do phế cầu chùm gây nên tỷ lệ tử vong cao.

Lợi ích của vắc xin cúm là như vậy nhưng khi chích có thể xảy ra một số vấn đề, nhất là trên trẻ em. Xin BS Tuấn cho biết những vấn đề có thể xảy ra sau khi chích ngừa cúm trên trẻ em, chúng ta phải có hành động gì để ngăn ngừa? Ngoài ra, trẻ em cũng có thể đang bị bệnh, hoặc bệnh bẩm sinh như thiếu G6PD chẳng hạn. Như vậy việc chích ngừa cúm sẽ như thế nào?

TS.BS Trần Anh Tuấn: Trước tiên, chúng ta biết tác dụng phụ của vắc xin cúm là tối thiểu vì đang dùng vắc xin bất hoạt, tác dụng phụ này thường chỉ xảy ra trong 1-2-3 ngày sau khi tiêm và đa phần nhẹ thôi: các cháu có thể sưng đau chỗ tiêm một chút, sốt một chút và đa phần là tự khỏi. Còn tác dụng phụ nặng nề rất hiếm gặp. Thực tế có những em bé sau khi chủng ngừa 1 tuần mới sốt, người nhà cứ nghĩ sốt do chủng ngừa mà bỏ quên những bệnh khác.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế hiện nay cũng như trên thế giới, ngoài việc các cháu được khám trước khi chủng ngừa thì sau khi tiêm thì bé nên nán lại tại cơ sở tiêm ngừa 30 phút, trong suốt thời gian đó nên ở ngay tại phòng tiêm chủng chứ các bố mẹ đừng ẵm con mình đi chơi chỗ khác. Nếu thấy con mình có biểu hiện: bé tự nhiên khó chịu, khó thở, xanh tái, co giật bất thường thì phải báo ngay với nhân viên y tế để can thiệp chống sốc kịp thời.

Một hai ngày sau khi về nhà cha mẹ vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe con mình: nhiệt độ ra sao, nhịp thở thế nào, có chơi đùa lanh lợi hay không, các sinh hoạt khác có bình thường hay không, vị trí tiêm như thế nào, có sưng nhức nhiều hay không, có phát ban hay không… nếu có thì đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp.

Đau hay sốt sau chích ngừa đa phần là nhẹ và có thể cho bé uống paracetamol vì nó an toàn và hiệu quả. Trường hợp đau nhức chỗ tiêm thì ngoài việc cho uống paracetamol để giảm đau thì có thể áp dụng biện pháp vật lý là chườm lạnh. Lưu ý là không chườm nóng, bôi dầu, đắp khoai tây hay bôi những chất lạ lên vị trí tiêm, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Đối với vắc xin cúm thì thiếu men G6PD hoàn toàn không có chống chỉ định. Còn nếu các cháu đang bị bệnh khác thì nên tiêm hay không? Trên nguyên tắc nếu các cháu đang bị bệnh cấp tính nặng, phải nhập viện, ưu tiên giải quyết bệnh cấp tính thì không nên chủng ngừa vào thời điểm đó, tập trung chữa trị cho khỏe trước đã.

Ngược lại, nếu các cháu bị bệnh cấp tính (sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy…) nhưng mức độ nhẹ thì đây không phải là chống chỉ định của chủng ngừa, vẫn có thể chích ngừa cho bé như bình thường. Thực tế có những cháu bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu, bị bệnh hoài nên để kiếm được thời điểm vàng chủng ngừa cho các cháu rất là hiếm; cho nên nếu chúng ta cầu toàn quá, đợi em bé thật khỏe mới chủng ngừa thì không bao giờ được. Và như thế, nguy cơ các cháu bị những bệnh nhiễm trùng trong đó có cúm, sởi là rất lớn.

Hội Y học TPHCM phối hợp với AloBacsi giao lưu trực tuyến về cúm mùa

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Còn các bé dị ứng với trứng hay có cơ địa dị ứng thì việc chích ngừa có gây nguy hiểm gì không ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn: Chúng ta cần phân biệt cơ địa dị ứng. Cơ địa dị ứng là khi bệnh nhân có 1 trong 3 bệnh sau: chàm (eczema), viêm mũi hay viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn. Người có cơ địa dị ứng không phải là chống chỉ định với chủng ngừa cúm. Ngược lại, bệnh hen suyễn còn được khuyên nên chích ngừa cúm, vì người bệnh hen suyễn dễ mắc cúm và khi mắc dễ bị bệnh nặng hơn.

Cá biệt là dị ứng trứng, đây là vấn đề được bàn cãi khá nhiều trên mạng. Chúng ta biết trong quá trình sản xuất vắc xin có công đoạn cấy virus cúm trên phôi trứng gà nhưng thật ra nồng độ ovalbumin rất ít, thậm chí bây giờ đa số chúng ta sử dụng vắc xin bất hoạt, hầu như không có hoặc rất ít gây dị ứng.

Cho nên về phương diện khoa học thì tất cả những hướng dẫn về chủng ngừa trên thế giới như của Hoa Kỳ, Canada, Úc… đều có nói dị ứng trứng không phải chống chỉ định tuyệt đối của chủng ngừa, nếu dúng vắc xin bất hoạt. Chỉ có điều phải thận trọng là nếu bệnh nhân thật sự có phản ứng phản vệ với trứng, ăn trứng xong bệnh nhân bị sốc hoặc khó thở thì khuyến cáo là bắt buộc phải cẩn trọng. Trường hợp này nên: lựa chọn vắc xin bất hoạt, phải tiêm ở cơ sở y tế, và được theo dõi sát sau khi tiêm.

Tuy nhiên trên thực tế, các nhà sản xuất vì lý do an toàn thì họ khuyến cáo không chủng ngừa vắc xin cúm trong trường hợp dị ứng trứng nặng. Chứ còn về phương diện khoa học thì đây không phải là chống chỉ định tuyệt đối.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: Với người lớn thì cũng như trẻ em, sau khi chủng ngừa cúm thì chúng ta theo dõi phản ứng tại chỗ. Chúng ta cảnh giác nhất với những phản ứng phản vệ hoặc giống phản vệ. Do đó chúng tôi cũng khuyên bệnh nhân lưu lại tại cơ sở y tế trong 30 phút, theo dõi huyết áp và nhịp tim. Sau khi theo dõi đã an toàn rồi thì về nhà không còn vấn đề gì lo ngại nữa.

Tuy nhiên đối với bệnh nhân hen đôi khi có những phản ứng chậm, do đó chúng ta lưu ý các triệu chứng của hen, đôi khi chỉ xảy ra trùng lắp chứ không phải do phản ứng với thuốc hay tá dược liên quan tới cơn hen. Với những bệnh nhân nhạy cảm nên lưu ý vấn đề này.

Tỷ lệ phản ứng tại vị trí tiêm cũng có thể kéo dài 1-2 ngày. Trường hợp mệt mỏi có thể uống panadol thông thường, còn lại các sinh hoạt đều bình thường hết.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê: Tóm lại vắc xin ngừa cúm mang lại nhiều lợi ích, nguy hiểm rất hiếm và tác dụng phụ thì không đáng kể. Như vậy cần phải chích ngừa vắc xin cúm. Thời gian chích ngừa vào khoảng tháng 4, tháng 5, khả năng bảo vệ có thể kéo dài 1 năm, và mỗi năm chích 1 lần.

Những vắn xin hiện tại ở Việt Nam là loại tam giá và bất hoạt, nhưng theo như người dân nói, phải đến Viện Pasteur mới có được vắc xin chích cúm mùa tốt. Nhiều người ở những tỉnh xa cũng muốn đến đây để chích vắc xin cúm. Xin hỏi ý kiến của ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn về vấn đề này, đồng thời cho quý khán thính giả được biết những nơi nào ngoài Viện Pasteur có thể đến để chích ngừa, đảm bào vắc xin tin cậy, có tác dụng bảo vệ tốt?

ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn: Trước khi trả lời câu hỏi của cô, tôi xin bổ sung thêm ý của các chuyên gia vừa nêu, đó là tiêm vắc xin cúm đồng thời có được hay không, hay đang bệnh có tiêm ngừa được không. Chúng ta đều biết rằng nên tiêm vắc xin ở thời điểm khỏe mạnh và hoàn toàn chủ động. Thứ hai, bản chất vắc xin là giải pháp bảo vệ, không gây nguy cơ ảnh hưởng đến các đối tượng, cho nên những lo ngại về chống chỉ định tiêm vắc xin đã được nghiên cứu kỹ càng, trong từng trường hợp có phân cấp rõ ràng, ví dụ như những người dị ứng cũng không hoàn toàn chống chỉ định, bởi việc lựa chọn giữa tiêm và không tiêm thì rõ ràng lợi ích của tiêm sẽ nhiều hơn.

Quy định của Bộ Y tế cũng có nói là nên đến các cơ sở có đầy đủ thiết bị chuyên khoa để tiêm và có biện pháp can thiệp kịp thời nếu xảy ra sự cố. Tóm lại vắc xin vẫn là giải pháp hiệu quả trong phòng chống bệnh truyền nhiễm.

ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng - Viện Pasteur TPHCM

Trở lại với câu hỏi của cô, có một thực tế đó là, chúng ta biết bệnh cúm, dịch cúm, vắc xin cúm, tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm hiện tại, ngay cả trong cán bộ y tế còn thấp. Cách đây khoảng 2-3 năm, điều tra thống kê cho thấy tỷ lệ tiêm phòng cúm dưới 15%. Tất cả các nước đều có chiến lược khuyến cáo tiêm phòng cúm. Ngay tại Việt Nam cũng có những kế hoạch chích ngừa. Cúm mùa có 5 nhóm nguy cơ cần tiêm phòng:

- Trẻ dưới 5 tuổi;

- Người trên 65 tuổi;

- Nhân viên y tế;

- Phụ nữ mang thai;

- Nhóm đối tượng có bệnh lý mạn tính.

Từ năm 2018, nước ta đã có chiến lược tiêm phòng cúm và chọn đối tượng đầu tiên là nhân viên y tế được tiêm miễn phí. Đây cũng là bước đi để phủ rộng tiêm ngừa vắc xin cúm trong cộng đồng.

Về các địa điểm tiêm chủng, không chỉ riêng Viện Pasteur mà tất cả các trung tâm tiêm chủng trước khi triển khai tiêm ngừa đều phải đăng ký và được Sở Y tế thẩm định đạt an toàn tiêm chủng. Vắc xin dùng trong tiêm chủng, dù là của Tiêm chủng Mở rộng hay dịch vụ đều phải trải qua các đợt kiểm tra, thẩm định để được đánh giá an toàn, đáp ứng miễn dịch trên người Việt, sau đó mới đưa vào sử dụng. Vì vậy, vắc xin dù ở cơ sở y tế nào cũng phải đạt tiêu chí về an toàn và hiệu quả.

Vấn đề quan trọng là chúng tôi luôn tư vấn cho khách hàng hiểu rõ về tính chất vắc xin, hướng dẫn và đề nghị hợp tác trong khai báo thông tin sức khỏe để tiến hành khám sàng lọc chi tiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm có chỉ định đúng và tiêm phòng mang lại hiệu quả. Sau khi tiêm, chúng tôi luôn khuyến cáo phụ huynh (nếu tiêm ngừa cho trẻ) hợp tác và tuân thủ trong việc theo dõi 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm, cũng như 8-12 tiếng sau khi về nhà, nếu có vần đề gì có thể liên lạc lại để chúng tôi hỗ trợ kịp thời.

Người dân hoàn toàn có thể đến bất kỳ cơ sở tiêm chủng nào, miễn là đạt chứng nhận của cơ quan y tế địa phương, vắc xin đạt yêu cầu.

Sự nguy hiểm của cúm mùa và cách phòng ngừaBốn chuyên gia nhận thư cảm ơn của Hội Y học TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X