Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ bầu đã biết hết các xét nghiệm cần làm trong 9 tháng 10 ngày chưa?

Lần đầu tiên mang trong mình một sự sống nhỏ bé, có quá nhiều điều mẹ cần tìm hiểu và học tập. BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ sẽ giúp các mẹ bầu gỡ rối về các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thực hiện trong mỗi giai đoạn của thai kỳ.

Gia đình nào cũng mong muốn sinh ra một đứa con khỏe mạnh và thông minh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Để làm được điều đó, mẹ bầu cần ghi nhớ 4 điều:

  • Thứ nhất, khám thai, tiêm ngừa theo chỉ định.
  • Thứ hai, thực hiện đầy đủ các cận lâm sàng cần thiết như xét nghiệm máu, siêu âm hoặc làm các chẩn đoán hình ảnh kèm theo với mục đích tìm hiểu thai kỳ liệu có nguy cơ mắc bệnh sửa chữa được hay không thể sửa chữa được (liên quan yếu tố di truyền, ví dụ như hội chứng Down…) từ đó, tư vấn hướng xử trí phù hợp.
  • Thứ ba, tuân thủ chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ tư vấn. Tùy mỗi cơ thể người mẹ, nếu có bệnh nền thì bác sĩ sẽ hướng dẫn các thực phẩm nên và không nên ăn, hoặc trong trường hợp thiếu chất dinh dưỡng sẽ đề nghị bổ sung thêm cho đầy đủ.
  • Thứ tư, tuân thủ chặt chẽ việc theo dõi sức khỏe thai định kỳ

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ những bí quyết để chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh với các mẹ bầu trong buổi hội thảo "Để con hơn tôi"

Thai kỳ phát triển qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được gọi là tam cá nguyệt, một tam cá nguyệt tương đương với 13 tuần hoặc ba tháng lịch. Mỗi giai đoạn sẽ có lịch thăm khám thai cũng như các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra sự phát triển của bé con.

Tam cá nguyệt đầu đừng bỏ lỡ thời điểm vàng: 11 đến 13 tuần 6 ngày

Khi có các dấu hiệu gợi ý mang thai như mệt mỏi bất thường, đau ngực, buồn nôn, chậm kinh 1 tuần, thử thai lên 2 vạch… các chị em nên thực hiện việc thăm khám thai lần đầu tiên, không nên đợi chờ đến khi thai đủ 3 tháng mới bắt đầu đi khám. Vì đã có những trường hợp mẹ bầu bỏ lỡ thời gian khám thai, chỉ đến khi nhập viện do đau bụng dữ dội mới biết là thai ngoài tử cung.

Do đó, việc khám thai đầu tiên là rất quan trọng để thực hiện chẩn đoán thai, định tuổi thai, xác định số lượng thai (thai đơn, thai đôi…), kiểm tra vị trí thai, tim thai. Một số bất thường trong phụ khoa cũng sẽ kịp thời phát hiện ngay trong lần khám thai đầu tiên mà trước đó mẹ bầu hoàn toàn không biết, chẳng hạn như khối thịt dư trong cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, thậm chí là ung thư cổ tử cung…

Trong giai đoạn này, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy, siêu âm khảo sát bất thường hình thái thai 3 tháng đầu để kịp thời phát hiện ra những bất thường của thai. Chẳng hạn như bệnh lý thai vô sọ sẽ khiến em bé bị khiếm khuyết trong quá trình phát triển của não và hộp sọ. Đây là một trong những bệnh lý có thể phát hiện từ sớm và thường những trường hợp như vậy không thể giữ thai được. Bên cạnh đó, nhờ có siêu âm bác sĩ cũng sẽ truy tìm được những bất thường về tim, não của thai nhi, phát hiện kịp thời sự sống của thai nhi là đang phát triển hay trứng trống, thai ngừng phát triển.

Một vấn đề quan trọng trong tam cá nguyệt đầu tiên mà mẹ bầu rất cần ghi nhớ. Từ lúc 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày được gọi là “thời điểm vàng” để làm các xét nghiệm tầm soát bất thường về số lượng nhiễm sắc thể hay còn gọi là tầm soát lệch bội giúp phát hiện các dị tật thai nhi được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Trong đó, ở Việt Nam hiện nay đã có xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT) - một tiến bộ vượt bậc của tiền sản, làm giảm tỉ lệ phải can thiệp thủ thuật xuống đáng kể. Mặc dù đã du nhập vào nước ta từ 15 năm trước nhưng hiện nay giá thành vẫn còn rất cao, khoảng 5 - 6 triệu đồng/ test.

Do mặt bằng kinh tế nên chưa triển khai thường quy đại trà cho xét nghiệm NIPT, thay vào đó hiện tại các cơ sở y tế vẫn có xét nghiệm Combined test để sàng lọc một số bất thường về di truyền. Với phương pháp này, các chuyên gia sẽ lấy máu của người mẹ và tính toán nguy cơ cho đứa bé có thể mắc các lệch bội, trong đó có các loại bất thường nhiễm sắc thể được quan tâm và phổ biến nhất là 13, 18, 21, giới tính X.

Ngoài ra, 3 tháng đầu thai kỳ bác sĩ còn chỉ định làm một số xét nghiệm thường quy để biết thai phụ có mắc bệnh tiểu đường hay không. Thực tế, nhiều chị em phụ nữ không biết rằng mình đang bị tiểu đường và thường phát hiện tình cờ nhờ lần đi khám thai lần đầu tiên này. Tình huống này gọi là thai và tiểu đường, khác với bệnh lý tiểu đường cho do thai kỳ gây ra.

Đồng thời, tam cá nguyệt thứ nhất cũng là thời gian lý tưởng để tầm soát các bệnh lý nền có thể ảnh hưởng đến bào thai như cường giáp, bệnh thận, cao huyết áp, tim mạch, ung thư… Từ đó, bác sĩ sẽ kịp thời lên phương án điều chỉnh cho mẹ bầu, vì rất nhiều bệnh nội khoa có sẵn của mẹ sẽ bị nặng lên khi có thai hoặc chính nó sẽ làm cho giai đoạn thai kỳ trở nên tệ hại hơn.

Các việc cần làm trong tam các nguyệt đầu tiên mẹ cần nhớ

Tam cá nguyệt thứ 2: đừng ngó lơ xét nghiệm dung nạp đường

Lịch khám thai trong tam cá nguyệt thứ 2 sẽ được bác sĩ hướng dẫn trong lần khám thai ở tam cá nguyệt thứ nhất. Ở giai đoạn này có thể khám mỗi 2 tuần, 4 tuần hoặc 6 tuần.

Trong tam cá nguyệt thứ 2, khi đi khám các bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp cho thai phụ. Đồng thời, cảnh báo về sự xuất hiện của những hội chứng có thể đe dọa tính mạng của người phụ nữ đó là tăng huyết áp thai kỳ (hay thường gọi là tiền sản giật).

Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể chuyển sang sản giật và dẫn đến những tình huống nặng cho mẹ như xuất huyết não hoặc cho bé như chào đời non tháng, thậm chí là tử vong do thai chậm phát triển trong tử cung.

Đó là lý do trong giai đoạn này, các bác sĩ thường sẽ dặn dò các sản phụ về việc nhận biết một số dấu hiệu như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt thì phải đến bệnh viện ngay, trước khi kết luận rằng đây là những triệu chứng của rối loạn tiền đình hay do cảm cúm.

Nếu trong tam cá nguyệt đầu tiên các sản phụ có “giai đoạn vàng” thì trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ vào lúc 14-21 tuần được gọi là “giai đoạn bạc” để tầm soát các dị tật dành cho những chị em nào đã bỏ qua thời điểm 11 - 13 tuần 6 ngày.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung để kiểm tra xem mẹ bầu có bị hở eo tử cung hay không, nhằm ngăn chặn nguy cơ sinh non, sảy thai to. Nhất là trên những sản phụ có tiền sử sinh non, sảy thai to ở tuổi thai 20, 28 tuần.

Đặc biệt, trong 20 - 24 tuần là thời điểm bắt buộc thực hiện khảo sát siêu âm hình thái học của thai nhằm phát hiện ra những bất thường của thai về mặt hình thể ngoài. Nếu trên hình ảnh phát hiện bất thường, bác sĩ có thể đề nghị chọc ối, lấy tế bào từ thai nhi bong ra rớt vào trong nước ối và đi tìm bất thường bội nhiễm sắc thể.

Chân dung vị "nữ tướng" của Bệnh viện Từ Dũ - người có hơn 30 năm gắn bó với bệnh viện phụ sản tuyến đầu của phía Nam. Trước khi đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc năm 2014, BS Mỹ Nhi đã kinh qua vị trí Trưởng khoa Phẫu thuật nội của bệnh viện.

Một xét nghiệm không thể bỏ qua trong tam cá nguyệt thứ 2 đó là xét nghiệm dung nạp đường, thực hiện tại thời điểm 24-28 tuần của thai kỳ. Đây là xét nghiệm đã được Bộ Y tế ban hành quyết định bắt buộc phải thực hiện trong việc chăm sóc sức khỏe cho tất cả các mẹ bầu. Theo đó, các chị em sẽ được thử máu 3 lần, lần 1 thực hiện lúc đói vào buổi sáng sau khi đã nhịn ăn trong vòng 8-12 giờ trước đó. Lần thứ 2 và thứ 3 được thực hiện tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống một ly nước đường.

Nếu xét nghiệm dung nạp đường dương tính, bác sĩ sẽ lên lịch để người phụ nữ theo dõi đường huyết cụ thể, chẳng hạn như các biến động đường huyết trong ngày, sự thay đổi qua các ngày khác nhau. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn dinh dưỡng, có thể yêu cầu cắt giảm chế độ ăn nhiều đường, điều chỉnh lối sống để ổn định đường huyết. Vì nếu đường huyết không kiểm soát tốt (bất ổn đường huyết, dao động lên xuống thường xuyên) có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thai chết lưu.

Theo thống kê, hiện nay cứ 7 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị rối loạn dung nạp đường. Thực tế, các ông bố bà mẹ đừng quá kỳ vọng đứa trẻ của mình mập mạp như võ sĩ sumo, nặng đến 4-5kg, vì đó là những em bé có bất thường. Trong biểu đồ tăng trưởng của thai, nếu ở tuổi thai 35-36 tuần mà vượt bách phân vị thứ 90 thì coi chừng đường huyết của người mẹ đang kiểm soát không tốt.

Một công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015 cho thấy rằng có khoảng 21 triệu trẻ em được sinh ra từ người mẹ bị tiểu đường, trong đó có 85% trẻ sẽ trở về bình thường, nhưng có đến 25% những đứa trẻ sẽ phát triển thành bệnh lý tiểu đường thực sự trong vòng 10-15 năm sau đó.

Cuối cùng, chích ngừa là một vấn đề quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn này. Hiện nay theo trào lưu, đã có những trường hợp sinh thuận tự nhiên hoặc nhiều chị em từ chối tiêm ngừa trong thai kỳ và sau khi sinh vì cho rằng những thành phần trong vắc xin có thể gây độc hoặc dị ứng, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé.

Xin khẳng định với các mẹ bầu và gia đình, trong y khoa việc chích ngừa hoàn toàn có lợi và người thụ hưởng chính là bản thân và con của mình. 6 tháng đầu đời, bé hoàn toàn không có kháng thể để chống chọi với môi trường đầy bất trắc bên ngoài. Vì vậy, chỉ có một cách duy nhất là dựa vào kháng thể từ mẹ truyền cho con. Mẹ tiêm vắc xin có thể sinh ra kháng thể, không chỉ giúp mẹ mà còn mang lại lợi cho con chống lại những bệnh có thể mắc trong quá trình sinh đẻ hoặc trong những ngày đầu như uốn ván chẳng hạn.

Trong tương lai có thể Bộ Y tế Việt Nam sẽ thay đổi chiến lược chích ngừa cho các phụ nữ mang thai để chúng ta có tiếng nói chung với cộng đồng bầu trên toàn cầu thông qua việc ủng hộ cho việc chích ngừa Tdap.

Đây là vắc xin có thể phòng ngừa cả bạch hầu, ho gà và uốn ván. Thay vì chích 2 mũi uốn ván ở người chưa sinh lần nào hoặc 1 mũi đối với phụ nữ đã từng sinh thì có thể sẽ thay đổi chiến lược, ví dụ ở những thai phụ chưa tiêm ngừa trước đó sẽ chích 1 mũi uốn ván tại thời điểm sau tuần lễ thứ 16 trở đi và mũi thứ 2 sẽ chích kèm với Tdap.

Hiện các chuyên gia đang kỳ vọng điều này có thể thực hiện trong tương lai, vì mang lại lớn ích lớn cho cả mẹ và bé.

Các mẹ có thể lưu lại hình ảnh này để nhớ lịch khám thai, siêu âm trong tam cá nguyệt thứ 2 nhé!

Tam cá nguyệt thứ 3 đừng bỏ quên khảo sát nhau và dây rốn

Trong tam cá nguyệt thứ 3, việc khám thai sẽ dày đặc hơn có thể là 2 tuần, 4 tuần và mỗi tuần vào tháng cuối của thai kỳ. Thậm chí, nếu đã quá ngày dự sinh, lịch khám có thể là mỗi 2-3 ngày.

Ở giai đoạn này, các bác sĩ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những khảo sát bất thường về thai, vì có những bệnh lý không xuất hiện ở tuần tuổi 28 hoặc 30 mà có thể phát hiện khi ở tuần tuổi 34, 35. Ví dụ như nhiễm trùng bào thai, tình trạng này có thể gây ra phù nhau thai. Em bé sẽ sinh ra sẽ có tràn dịch màng bụng, màng tim, màng phổi, bánh nhau rất dày, thậm chí khi bánh nhau này có thể nặng hơn trọng lượng của bé.

Như vậy, tại thời điểm này, các chuyên gia sẽ khảo sát về thai, nhau và lượng nước ối. Trong đó, một khảo sát cực kỳ quan trọng là nhau và dây rốn, qua đó giúp dự kiến các nguy cơ xảy ra biến chứng của nhau tiền đạo, nhau cài răng lược ở thai phụ có sẹo mổ trên tử cung (mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung,...), mạch máu tiền đạo, dây rốn bám màng cực dưới... đe dọa tính mạng thai nhi khi vào chuyển dạ.

Chẳng hạn, đối với nhau tiền đạo có thể được xác định khi ở tuần thai thứ 32-33. Hoặc đối với nhau cài răng lược, đây là tình huống bánh nhau có thể xuyên thấu cơ tử cung, đi thẳng vào bọng đái. Trong một số trường hợp thai kỳ có thể bị nhau tiền đạo đi kèm với nhau cài răng lược và sản phụ có thể tử vong trong bệnh cảnh chảy máu không cầm được do không nhận biết từ sớm.

Vì lý do này, Liên đoàn Sản phụ khoa quốc tế năm 2018 khuyến cáo đối với tất cả các phụ nữ có thai bất kể là 1, 2 hay 3 lần mổ trong tất cả các thai kỳ đi khám thai cần phải được biết rằng có nhau tiền đạo, nhau cài răng lược hay không. Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lên tiếng, cần phải có biện pháp để làm giảm tỷ lệ mổ lấy thai lần đầu nhằm góp phần giảm tỷ lệ nhau cài răng lược - một vấn đề gây tử vong cho sản phụ nghiêm trọng.

Hoặc đối với mạch máu tiền đạo là hiện tượng các mạch máu cuống rốn của thai nhi chạy ngang qua hoặc nằm gần với lỗ mở của cổ tử cung. Các mạch máu này nằm trong màng, không được bảo vệ bởi dây rốn hay nhau thai. Do đó, nếu tình trạng này không được phát hiện kịp thời, trong quá trình chuyển dạ nếu chẳng may màng ối vỡ mạch máu này sẽ đứt và trẻ có thể tử vong ngay lập tức. Thường những sản phụ bị mạch máu tiền đạo cần mổ lấy thai vào thời điểm ước khoảng 34 - 35 tuần, không để đến 39 - 40 tuần tuổi giống như thai kỳ bình thường.

Trong tam cá nguyệt thứ 3 bác sĩ sẽ đề nghị các chị em làm xét nghiệm GBS để biết mẹ có nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B hay không. Điều này liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn sơ sinh. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì tại thời điểm chuyển dạ sinh, người phụ nữ sẽ lập tức được sử dụng kháng sinh dự phòng lây truyền mẹ - con, giúp giảm nguy cơ lây qua cho trẻ sơ sinh, tránh nguy cơ nhiễm trùng thậm chí tử vong có thể xảy ra nếu trẻ bị nhiễm GBS.

Ngoài ra, các chị em sẽ cần làm các xét nghiệm đánh giá sức khỏe thai vào những tuần trong tháng cuối của thai kỳ, ví dụ như sẽ đo nhịp tim thai cơn gò, nhịp tim thai cử động thai… Đây là những bằng chứng cho biết nên tiếp tục kéo dài thai kỳ hay buộc phải chấm dứt thai kỳ ngay lập tức.

Trong tháng cuối của thai kỳ, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn thai phụ tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ cũng như chuẩn bị sức khỏe và tâm lý cho cuộc vượt cạn.

Và đây là những chuyện cần làm trong tam cá nguyệt thứ 3

Mời bạn đọc đón xem bài viết tiếp theo: Dấu hiệu quan trọng nhận biết mẹ bầu sắp chuyển dạ

Phương Nguyên - AloBacsi (ghi)
Trích trong: Hội thảo “Để con hơn tôi”

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X