Hotline 24/7
08983-08983

Mất ngủ và rối loạn tâm thần kinh: Tiếp cận toàn diện trong chẩn đoán, điều trị

Theo khảo sát tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, có 1/3 trường hợp y bác sĩ ngoại trú mắc phải triệu chứng mất ngủ, 1/3 trường hợp ngưng thở và tắc nghẽn khi ngủ ở đội ngũ nhân viên nội trú, tình trạng vừa làm vừa buồn ngủ chiếm 45,2% ở các nhân viên điều dưỡng… Đây là những thực trạng được các chuyên gia đề cập trong chuyên đề “Cá thể hóa trong điều trị bệnh lý rối loạn giấc ngủ”.

Chuyên đề trên nằm trong 14 phiên của Hội nghị khoa học Kỹ thuật thuộc Hội nghị khoa học thường niên 2023 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức vào ngày 28/7 vừa qua. Phiên báo cáo đã đề cập về vấn đề bệnh lý giấc ngủ thường bị bỏ qua hiện nay.

Các chuyên gia báo cáo trong chuyên đề này nhấn mạnh, tại Việt Nam, chuyên ngành giấc ngủ còn mới, chưa được đưa vào chương trình giảng dạy, nhiều bệnh viện chưa có phòng khám về bệnh lý giấc. Do vậy, theo các chuyên gia, việc nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như đánh động cho đội ngũ nhân viên y tế về sự tồn tại của y học giấc ngủ là cần thiết.

Khảo sát, đánh giá thực trạng về gánh nặng bệnh lý giấc ngủ

Mở đầu hội nghị với chủ đề “Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá thực trạng Gánh nặng bệnh lý về giấc ngủ tại bệnh viện Nhân dân Gia Định”, 3 bác sĩ trẻ là BS Phan Duy Tùng, BS Trần Gia Bảo và BS Trần Đình Hậu đã có bài báo cáo chung về 3 nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ tháng 04-06/2023.

Ba bài báo cáo đã đưa ra một bức tranh so sánh trên cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế trong bệnh viện về mức độ tương đồng cũng như tỷ lệ rối loạn giấc ngủ. Theo đó, những rối loạn về bệnh lý giấc ngủ thường gặp theo phân loại rối giấc ngủ của quốc tế được chia thành 6 nhóm lớn. Bao gồm mất ngủ, căng thẳng quá mức, rối loạn hô hấp khi ngủ, rối loạn cử động khi ngủ, rối loạn nhận thức ngủ và rối loạn cảm giác ngủ.

BS.Phan Duy Tùng, BS.Trần Gia Bảo và BS.Trần Đình Hậu

Trong nghiên cứu đầu tiên về đánh giá tỷ lệ người bệnh có nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trên đối tượng người bệnh nội trú, BS Phan Duy Tùng cho biết, tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là vấn đề rối loạn hô hấp thường gặp nhất. Khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các kết cục bất lợi như tăng nguy cơ tai nạn xe cộ gấp 3 lần, nguy cơ tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, khởi phát OSA ở những bệnh nhân sau phẫu thuật,…

Để chẩn đoán và xác định được bệnh nhân khởi phát tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các bác sĩ đã sử dụng STOP-Bang là một loại công cụ tầm soát đơn giản, được kiểm định rộng rãi và áp dụng nhiều nhất. Ngoài ra, đa ký hô hấp/đa ký giấc ngủ cũng là một phương tiện vàng trong chẩn đoán bệnh. Nghiên cứu cũng đã áp dụng đa ký hô hấp để xác định những bệnh nhân mắc OSA trong số những người có nguy cơ

BS Phan Duy Tùng nhận định: “Sau nghiên cứu đầu tiên đã cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nội trú có nguy cơ mắc OSA được xác định bằng bộ câu hỏi là 49,6%. Khi khẳng định lại bằng đa ký hô hấp, trong số những người có nguy cơ, tần suất OSA ước đoán là 29,8%.

Từ kết luận, chúng tôi đã có thể đi đến kiến nghị, tần suất OSA gần 50% là khá cao. Do đó, cần ứng dụng đẩy mạnh bộ câu hỏi đơn giản STOP-Bang. Bệnh viện cần triển khai đa ký hô hấp và đa ký giấc ngủ để khẳng định chẩn đoán các trường hợp nguy cơ”.

Nghiên cứu thứ hai về tỷ lệ mất ngủ trên bệnh nhân khám ngoại trú tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Hầu hết mọi người đều đã trải qua giai đoạn mất ngủ, hậu quả của việc mất ngủ gây ảnh hưởng đến trí nhớ, học tập, năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.

Tình trạng mất ngủ có thể là do bệnh nhân không đủ thời gian để ngủ hoặc ngủ không đủ sâu. Mất ngủ cấp tính có thể ảnh hưởng 30-50% trong nhóm bệnh nhân thực hiện nghiên cứu và mạn tính ảnh hưởng 5-10% dân số. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, chi phí điều trị bệnh lý mất ngủ trên 5,5 triệu lượt bệnh khám ngoại trú/năm có thể tiêu tốn từ 30-170 tỷ USD.

Qua đó, BS.Trần Đình Hậu cho biết: “Để chẩn đoán mất ngủ cần dựa trên thăm hỏi bệnh sử lâm sàng và nhật ký giấc ngủ, tiêu chuẩn ở bệnh nhân là bắt đầu than phiền về mất ngủ và ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày.

Tuy nhiên, các phương pháp chẩn đoán hiện tại rất khó tiếp cận, cần phải tiêu tốn chi phí và có thể lập đi lập lại nhiều lần. Đó là lý do vì sao cần phải có một bộ câu hỏi, sàng lọc những nhóm đối tượng và phân tầng những nhóm nguy cơ mất ngủ để có hướng tiếp cận sớm từ ban đầu, đưa ra những chẩn đoán và can thiệp, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh”.

Thang điểm ISI đã được áp dụng trong nghiên cứu này. Qua đó cho thấy: “Tỷ lệ theo mức độ nặng dựa trên thang điểm ISI đã cho thấy mặc dù là khảo sát ngẫu nhiên nhưng có tới 1/3 nhóm dân số nghiên cứu có vấn đề về liên quan đến giấc ngủ từ mức độ trung bình đến nặng. Tuổi là đặc điểm khác biệt giữa nhóm có mất ngủ và không mất ngủ”.

Kiến nghị đặt ra sau nghiên cứu là cần phải có những sàng lọc cho bệnh nhân để có khảo sát ban đầu trên nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mất ngủ và tạo điều kiện can thiệp kịp thời ngay từ đầu để phát hiện ra và đạt được chất lượng ngủ tốt cho bệnh nhân.

Nghiên cứu thứ ba được trình bày là về tỷ lệ buồn ngủ ngày quá mức ở điều dưỡng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Vấn đề buồn ngủ ngày quá mức được định nghĩa là do khó duy trì trạng thái tỉnh táo vào ban ngày, ảnh hưởng đến 20% dân số, tác động của tình trạng này sẽ dẫn đến trường hợp sai sót trong nghề nghiệp. Các nghiên cứu đa phần trên dân số chung và trên các nhân viên y tế đều có nhiều khác biệt.

Mục tiêu nghiên cứu là xác định được tỷ lệ điều dưỡng buồn ngủ ngày quá mức dựa theo thang điểm buồn ngủ Epworth tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Thứ hai là là khảo sát các yếu tố liên quan.

BS.Trần Gia Bảo nhấn mạnh: “Qua nghiên cứu, kết luận tỷ lệ buồn ngủ ngày quá mức dựa theo thang điểm buồn ngủ Epworth ở điều dưỡng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định là 45,2%. Các yếu tố liên quan đến buồn ngủ ngày quá mức được ghi nhận là tuổi, sử dụng rượu bia ít nhất một lần mỗi tuần, có bệnh lý đi kèm, có nuôi con nhỏ từ 2-6 tuổi và làm việc theo ca kép”.

Hạn chế trong ba nghiên cứu là tự đánh giá chủ quan mức độ buồn ngủ trong các tình huống ban ngày. Nghiên cứu thiết kế cắt ngang không đủ thiết lập các mối quan hệ nhân quả. Các báo cáo là tự nguyện, có thể là không sẵn lòng báo cáo hành vi như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hay tiền sử bệnh lý tâm thần kinh.

Mất ngủ và các bệnh lý về tâm thần kinh, tiếp cận và điều trị như thế nào là hiệu quả?

Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Mất ngủ và rối loạn tâm thần kinh: Tiếp cận toàn diện trong điều trị mất ngủ”, ThS.BS Lê Nguyễn Thị Phương - Nguyên Giảng viên bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tình trạng thiếu ngủ ban ngày chỉ là một vấn đề đánh giá trong ngắn hạn, nhưng hậu quả về dài hạn của mất ngủ khá nặng nề. Hệ thống điều hòa giấc ngủ và thức tỉnh sẽ liên quan hoặc trùng lập với các hệ thống điều chỉnh cảm xúc và hành vi trong bộ não của con người.

Trong giấc ngủ bình thường của con người sẽ được chia thành 2 loại, đầu tiên là giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh (REM), trong giai đoạn này sẽ thường xuyên xảy ra chuyển động của mắt và được gọi là giấc ngủ nghịch lý. Hai là giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM), đặc trưng bởi việc giảm hoạt động trong các sóng của điện não.

“Đối với các ứng dụng lâm sàng và nghiên cứu, giấc ngủ thường được tính điểm trong khoảng thời gian 30 giây, bao gồm các giai đoạn của giấc ngủ được xác định bằng ba thông số là điện não, điện mắt và điện cơ” - ThS.BS Lê Nguyễn Thị Phương nhấn mạnh.

ThS.BS Lê Nguyễn Thị Phương – Nguyên Giảng viên bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Dược TPHCM

Đối với lượng giấc ngủ bình thường của con người, lượng giấc ngủ trong đêm sẽ khác nhau giữa từng cá nhân và tuổi tác. Người trưởng thành cần khoảng 7-9 tiếng ngủ mỗi đêm để có thể hoạt động tối ưu vào ban ngày. Đối với người trên 65 tuổi chỉ cần từ 7-8 tiếng, do giấc ngủ của người lớn tuổi sẽ ngắn lại. Một số ít cá thể có thể ngủ tầm khoảng 6 tiếng, một số khác có thể ngủ trên 12 tiếng.

Triệu chứng mất ngủ có thể là một bệnh lý độc lập, đi kèm với rối loạn tâm thần. Nhưng mất ngủ cũng có thể là triệu chứng của rối loạn tâm thần. Trước khi phân loại đó là một rối loạn mất ngủ độc lập, bệnh nhân cần phải khám xem đó có phải là triệu chứng của các rối loạn tâm thần hay không. Một ứng dụng điều trị dễ dàng và hiệu quả đó là đánh giá xem bệnh nhân có mắc phải trầm cảm và rối loạn lo âu ban đầu hay không, có thể thử bắt đầu điều trị ở nhóm bệnh nhân này khoảng 3-6 tháng, nếu không hiệu quả có thể chuyển đổi chuyên khoa. 

Có 90% bệnh nhân rối loạn trầm cảm có biểu hiện mất ngủ. Mất ngủ cũng có thể là yếu tố nguy cơ của trầm cảm và sẽ có tác động hai chiều ở trường hợp này. Tự tử có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó mất ngủ cũng là một yếu tố nguy cơ. Đối với những bệnh nhân gặp sang chấn, mất ngủ cũng có thể diễn ra sau 1 năm. Chính vì vậy việc điều trị mất ngủ cũng có thể giúp phòng ngừa rối loạn tâm thần.

Chuyên gia nhấn mạnh, trong mất ngủ cấp, nên giải quyết vấn đề gây stress, dùng thuốc ngắn hạn như Diazepam 5mg kết hợp tá dược đủ 1 viên. Khuyến cáo nên tránh cho bệnh nhân sử dụng trên 14 ngày để tránh gây nghiện. Đối với trường hợp mất ngủ mạn, các nhóm thuốc được chấp thuận là nhóm off-label, nhóm OCD và các nhóm thực phẩm chức năng.

Có thể sử dụng bảng vệ sinh giấc ngủ để áp dụng cũng như tư vấn cho bệnh nhân về  những việc nên và không nên trong sinh hoạt để đảm bảo về chất lượng giấc ngủ một cách tốt nhất.

Phát triển đơn vị chẩn đoán và điều trị bệnh lý giấc ngủ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Kết thúc phiên báo cáo với chủ đề “Định hướng phát triển đơn vị chẩn đoán và điều trị bệnh lý giấc ngủ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định”, ThS.BS Lê Khắc Bảo - Giảng viên bộ môn Nội - Đại học Y Dược TPHCM, Chủ tịch Chi hội Y học Giấc ngủ TPHCM cho biết, để nâng cao trong các phương pháp cần xây dựng đơn vị chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ. Có ba việc để thúc đẩy cho việc phát triển đơn vị điều trị về các bệnh lý giấc ngủ, việc đầu tiên là đầu tư về con người, hai là đầu tư về các trang thiết bị và cuối cùng là đầu tư về quy trình.

ThS.BS Lê Khắc Bảo – Giảng viên bộ môn Nội – Đại học Y Dược TPHCM

Về phát triển con người, cần học hỏi các chuyên gia hàng đầu bên ngoài, phát triển và đào tạo các nhân tố tâm huyết tại chỗ. Kế hoạch đặt ra cho việc phát triển con người là cần phải học hỏi đi đôi thực hành, sau đó đúc kết lại những kinh nghiệm của bản thân, cuối cùng là chuyển giao công nghệ cho những nơi khác. Học hỏi từ những việc đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao và từ tổng quát đến chuyên sâu.

Định hướng đầu tư phát triển về quy trình, cần tiếp thu có chọn lọc từ các khuyến cáo uy tín, cải tiến liên tục các phương pháp dựa trên chứng cứ thực tế. Kế hoạch đặt ra là áp dụng quy trình khép kính Plan - Do - Check - Act trong phương pháp điều trị. Đi từng bước trong điều trị, đầu tiên là nâng cao nhận thức, tiếp đó là tầm soát bệnh tật, sau cùng là chẩn đoán xác định và điều trị tích cực.

Cuối cùng là định hướng về phát triển trang bị, cần đầu tư có trọng điểm từng bước một và chú trọng việc “lấy ngắn nuôi dài”. Kế hoạch đặt ra là hợp tác các cơ sở để chuyển bệnh và đặt máy. Đầu tư xây dựng phòng ốc, trang bị các thiết bị cơ bản và nâng cao.

ThS.BS Lê Khắc Bảo bày tỏ kỳ vọng đặt ra mục tiêu: “Đưa Bệnh viện Nhân dân Gia Định là cơ sở tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh lý giấc ngủ hàng đầu tại TPHCM và Việt Nam trong thời gian 3-5 năm tới. Đầu tư cho con người là cơ bản, lấy học tập từ chuyên gia và học tập qua trải nghiệm làm căn bản. Áp dụng quy trình chuẩn được các tổ chức nghề nghiệp uy tín khuyến cáo có cải biên phù hợp điều kiện thực tế. Đầu tư trang bị từng bước dựa trên phản hồi từ cộng đồng bệnh nhân”.

Chủ tọa chụp hình lưu niệm cùng các báo cáo viên

>>> Liệu pháp mới trong chăm sóc, trị liệu lĩnh vực sản phụ khoa, gây mê hồi sức, đột quỵ

>>> Những điểm mới trong điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam

>>> Thuyên tắc phổi: Cập nhật phương pháp mới và những điểm cần lưu ý trong điều trị

>>> Hội nghị khoa học thường niên 2023 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định: Những dấu son “đầu tiên” thú vị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X