Hotline 24/7
08983-08983

Liệu pháp mới trong chăm sóc, trị liệu lĩnh vực sản phụ khoa, gây mê hồi sức, đột quỵ

Hội nghị Khoa học Điều dưỡng 2023 do Bệnh viện Nhân dân Gia định tổ chức sáng 28/7/2023 tại Hội trường B, đã đề cập đến đến việc áp dụng hiệu quả các kiến thức và liệu pháp mới trong chăm sóc, trị liệu và thực hành lâm sàng ở các lĩnh vực như: sản phụ khoa, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức…

Những kiến thức quan trọng về chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu

Mở đầu hội nghị với chủ đề “Khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh của sản phụ tại bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2022”, CNĐD. Phạm Thị Út Nhỏ - Khoa Bệnh lý sơ sinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 47% trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết có đường dẫn truyền từ rốn và 21% các trường hợp trẻ đến khám vì lý do khác có kèm nhiễm trùng rốn.

CNĐD. Phạm Thị Út Nhỏ - Khoa Bệnh lý sơ sinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Cho thấy, nhiễm trùng rốn và phương pháp chăm sóc rốn trẻ sơ sinh cần được quan tâm. Nếu không được chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách, rất dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Nữ điều dưỡng cho biết thêm, để đảm bảo an toàn chăm sóc rốn, WHO đã đưa ra các phương pháp chăm sóc rốn sạch cho trẻ bao gồm: Rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ; giữ rốn luôn khô ráo và thoáng khí; quấn tã dưới rốn; tránh bôi vào rốn trẻ các dung dịch không sạch; không băng rốn; cho trẻ bú mẹ sớm và thường xuyên, để bé thừa hưởng kháng thể có trong sữa non, tăng khả năng chống nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo và căn cứ trên quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, nên mở kẹp rốn sau sinh từ 24 - 48 giờ, khi mặt rốn đã khô; tắm, lau người hoặc chăm sóc rốn không làm ảnh hưởng đến rốn, nhưng sau đó cần vệ sinh bộ phận này với nước muối và để khô thoáng; kiểm tra hàng ngày các dấu hiệu nhiễm trùng rốn.

Các dấu hiệu tại chỗ như vùng da xung quanh rốn bị sưng đỏ, rốn chảy dịch kéo dài, có mùi hôi, chảy mủ hoặc máu liên tục, khó cầm. Một số dấu hiệu toàn thân như sốt cao li bì và bú kém.

Qua phân tích nghiên cứu và khảo sát trên tất cả các bà mẹ có con đang nằm tại Khoa Bệnh lý sơ sinh từ tháng 6 - 12/2023 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, CNĐD Phạm Thị Út Nhỏ cho biết, tỷ lệ bà mẹ có kiến thức đúng về chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đạt 62%, 74,5% các bà mẹ có thái độ hợp tác trong thực hành chăm sóc rốn trẻ sơ sinh. Có mối liên quan về thái độ hợp tác và kiến thức về chăm sóc rốn trẻ sơ sinh giữa các bà mẹ có trình độ học vấn (p<0,05).

CNĐD Phạm Thị Út Nhỏ đề ra kiến nghị, cần tăng cường các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe về kiến thức và thực hành chăm sóc rốn trẻ sơ sinh. Trong các buổi truyền thông, nên nhấn mạnh vào những nội dung về dung dịch rửa rốn, nguy hiểm tiềm ẩn khi băng kín rốn, các dấu hiệu nhiễm trùng rốn.

Nên lặp lại các hình thức và phương pháp khác nhau để củng cố kiến thức của bà mẹ, thay đổi thái độ, hành động, hình thành thói quen cho mẹ, đảm bảo mẹ có thể thực hành chăm sóc rốn đúng cách sau khi xuất viện.

Đồng thời, xây dựng chương trình giáo dục sức khỏe phong phú, đa dạng hơn bằng những video, hình ảnh minh họa dễ hiểu. Nên thảo luận bình đẳng, tăng tính chủ động của các bà mẹ khi đặt câu hỏi.

Cùng đề cập về việc chăm sóc mẹ và bé sau sinh, trong chủ đề “Tỷ lệ trẻ tiếp tục được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh trên những phụ nữ sinh con tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2022”, CNHS. Nguyễn Thị Xuyến - Khoa Sanh Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở thời điểm này hoàn toàn phù hợp và có lợi hơn so với việc cho trẻ ăn bổ sung trước thời điểm trẻ tròn 6 tháng tuổi.

CNHS. Nguyễn Thị Xuyến - Khoa Sanh Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ sớm 1 giờ đầu sau sinh. Nên cho ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, sau đó, tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc hơn.

CNHS. Nguyễn Thị Xuyến nhấn mạnh, nuôi con bằng sữa mẹ rất quan trọng, không chỉ đối với trẻ mà còn cả với các mẹ.

Về phía trẻ, giúp con phát triển hài hòa, chống suy dinh dưỡng, chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính sau này như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường…

Về phía mẹ, giúp tử cung co hồi tốt, đề phòng băng huyết sau sinh, giảm thiếu máu, thiếu sắt, chậm có thai lại do ức chế quá trình buồng trứng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng so với những người không nuôi con bằng sữa mẹ. Bên cạnh đó, còn giúp gắn bó tình cảm của mẹ và con.

Vị báo cáo viên cho biết thêm, để các bà mẹ thuận lợi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, Chính phủ Việt Nam đã thay đổi Luật lao động, nâng chế độ nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng. Về phía Bộ Y tế, đã đưa đánh giá nuôi con bằng sữa mẹ vào đánh giá chất lượng của bệnh viện (tiêu chí 1.3).

Theo hộ sinh Nguyễn Thị Xuyến, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã thành lập ban điều hành nuôi con bằng sữa mẹ, nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, đẩy mạnh truyền thông tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Từ đó, tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian nằm viện đạt trên 95%.

Qua khảo sát 380 ca nghiên cứu trong nhóm tuổi trung bình từ 18-35 tuổi, CNHS. Nguyễn Thị Xuyến kết luận, tỷ lệ trẻ sinh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định được tiếp tục nuôi, bú sữa mẹ hoàn toàn đến hết 6 tháng đầu sau sinh trong năm 2022 đạt 45%.

Các yếu tố liên quan đến tỷ lệ trẻ được tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn đến hết 6 tháng đầu sau sinh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2022 bao gồm: trình độ học vấn, nghề nghiệp, nuôi con 6 tháng đầu ở lần sinh trước và ở nhà cùng con trong 6 tháng đầu (O < 0,05).

Báo cáo viên cũng đề ra kiến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Nhấn mạnh các vấn đề về cơ chế tiết sữa, chú trọng vào các bà mẹ sinh con lần đầu, chưa từng cho con bú mẹ hoàn toàn ở lần sinh trước.

Liệu pháp mới về sử dụng âm nhạc trong gây tê tủy sống

Một liệu pháp mới, lạ trong điều trị phẫu thuật - “Hiệu quả của liệu pháp âm nhạc đối với lo lắng trong phẫu thuật ở bệnh nhân gây tê tủy sống” của ThS.ĐD Phạm Vũ Ánh Nguyệt - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã gây sự tò mò của ban chủ tọa và người tham dự.

ThS.ĐD Phạm Vũ Ánh Nguyệt cho biết, gây tê tủy sống là phương  pháp vô cảm giúp bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, với phương pháp vô cảm này, bệnh nhân sẽ không mất tri giác mà hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật.

Điều đó có thể gây cho bệnh nhân sợ đau, sợ biến chứng do quá trình đi kim nhiều lần; bệnh nhân còn cảm nhận được âm thanh và tác động lên cơ thể do phẫu thuật thuật viên hoặc dụng cụ va chạm, tiếng monitor. Họ cũng có thể nghe được sự trao đổi của ekip phẫu thuật. Từ đó sẽ tiềm ẩn mối lo lắng trong phẫu thuật.

ThS.ĐD Phạm Vũ Ánh Nguyệt - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Thạc sĩ Ánh Nguyệt nhấn mạnh, khi lo lắng trong phẫu thuật xuất hiện, nếu không kiểm soát tốt sẽ có nhu cầu chuyển sang phương pháp vô cảm khác là gây mê, nhu cầu tăng sử dụng an thần và có thể tác động lên hệ thần kinh giao cảm cho bệnh nhân. Từ đó, tăng nguy cơ bệnh tim, huyết áp…

Một trong những liệu pháp giúp giảm lo lắng trong phẫu thuật chính là âm nhạc. Liệu pháp này giúp chuyển sự chú ý của bệnh nhân ra khỏi âm thanh phòng mổ và những cuộc trao đổi của ekip phẫu thuật. Đồng thời, ổn định nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và có thể tăng SpO2. Liệu pháp nghe nhạc còn giúp tăng sự thoải mái của bệnh nhân về cuộc phẫu thuật.

Sự kiện quan trọng vào ngày 4/11/2019, Bệnh viện Từ Dũ đã áp dụng mô hình “Nghe nhạc trong lúc gây tê tủy sống mổ lấy thai”. Qua đó, nhận thấy tầm quan trọng về việc kiểm soát và loại bỏ lo lắng trong phẫu thuật. Âm nhạc chính là một can thiệp không cần dùng thuốc nhưng vẫn đem lại hiệu quả, chi phí thấp và an toàn. Tuy nhiên, âm nhạc vẫn còn đóng vai trò mới mẻ, chưa có nghiên cứu nào về nghe nhạc trên bệnh nhân gây tê tủy sống.

Sau khi phân tích nghiên cứu trên 88 bệnh nhân, ThS.ĐD Phạm Vũ Ánh Nguyệt cho biết, có 100% bệnh nhân lo lắng trước phẫu thuật. Sau khi nghe nhạc, nhóm nghe nhạc có mức độ lo lắng giảm (p = 0,044). Còn nhóm không nghe nhạc, mức độ lo lắng không thay đổi (p = 0,096).

Sau khi cho bệnh nhân nghe nhạc, tần số tim giữa 2 nhóm cũng khác biệt (p = 0,003). Trong đó, giới nữ có liên quan tỷ lệ lo lắng trước phẫu thuật nhiều hơn (p = 0,014).

Nữ điều dưỡng kiến nghị, nên sử dụng âm nhạc như một lựa chọn giảm lo lắng trong phẫu thuật với gây tê tủy sống. Cần có các nghiên cứu mở rộng, sâu hơn về hiệu quả âm nhạc bằng các công cụ đo mức độ lo lắng khác nhau. Cho bệnh nhân lựa chọn âm nhạc yêu thích trong buổi thăm khám tiền mê.

Hiệu quả của desflurane trong gây mê hồi sức phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa cấp

Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Đánh giá sự ổn định huyết động và chất lượng tỉnh mê của người bệnh sử dụng desflurane trong phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa cấp”, ThS.ĐD Nguyễn Thị Thu Thúy - Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa do viêm ruột thừa cấp có thể ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn. Việc sử dụng desflurane có thể duy trì mê êm, dễ kiểm soát độ mê nhanh, giúp tỉnh mê nhanh chóng, ít ảnh hưởng đến huyết động.

ThS.ĐD Nguyễn Thị Thu Thúy - Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Qua nghiên cứu trên 64 người bệnh gây mê bằng desflurane trong phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, ThS.ĐD Nguyễn Thị Thu Thúy nhận định, desflurane có hiệu quả duy trì mê tốt, ổn định huyết động trong giai đoạn duy trì mê với 100% người bệnh có điểm PRST nhỏ hơn 2.

Desflurane cho chất lượng tỉnh mê tốt, ít tác dụng phụ, thời gian tỉnh mê trung bình khoảng 6,6 phút. Thời gian rút nội khí quản trung bình là 7,4 phút. Tỷ lệ bị kích thích sau tỉnh mê chiếm 6,3%.

Chất lượng hồi tỉnh sau gây mê trong phẫu thuật cắt trực tràng

Với chủ đề “Khảo sát chất lượng hồi tỉnh của người bệnh sau phẫu thuật cắt đại trực tràng nội soi tại khoa GMHS Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2023”, CNĐD. Nguyễn Ngọc Quế Thanh - Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, hồi tỉnh sau gây mê được định nghĩa là tình trạng người bệnh mở mắt tự nhiên hoặc kích thích đơn giản và nhận thức được môi trường xung quanh.

Hồi tỉnh sau gây mê được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn sớm là từ khi ngưng cung cấp thuốc mê đến 1 giờ sau gây mê. Giai đoạn trung gian là trong vòng 6 giờ sau gây mê. Giai đoạn trễ là từ 6 giờ sau gây mê đến vài ngày sau mổ.

CNĐD. Nguyễn Ngọc Quế Thanh - Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Qua trình bày phân tích nghiên cứu trên 47 trường hợp điều trị phẫu thuật nội soi cắt đại - trực tràng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ tháng 4/2021 đến tháng 5/2022. Thu thập dữ liệu bằng các phương pháp quan sát trực tiếp, dùng bảng điểm Aldrete và thước đo sau (VAS), QoR-40. CNĐD. Nguyễn Ngọc Quế Thanh đưa ra nhận định, thời gian thức tỉnh sau phẫu thuật trung bình là 16,9 phút. Điểm Aldrete tại thời điểm 1 và 2 giờ lần lượt là 9 và 9,7; điểm sau (VAS) trung bình giảm dần từ 1 giờ là 5,7 cho đến thời điểm 6 giờ là 2,3.

Tỷ lệ nôn và buồn nôn sau phẫu thuật rất thấp (2,1%) và không có trường hợp hạ thân nhiệt. Điểm QoR-40 tại thời điểm 6 giờ, hậu phẫu ngày 1 và 3 lần lượt là 166,2, 173,6 và 180.

Theo đó, báo cáo viên đưa ra kiến nghị, cần có các nghiên cứu đoàn hệ để xác định mối liên quan giữa chương trình hồi phục sớm sau mổ và chất lượng hồi tỉnh. Đồng thời, mở rộng nghiên cứu trên các loại phẫu thuật khác.

Rối loạn nuốt tăng gấp 2,8 lần ở người có tiền sử đột quỵ

Tiếp tục với bài báo cáo “Đánh giá rối loạn nuốt ở bệnh nhân đột quỵ cấp bằng thang điểm GUSS tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2022”, CNĐD. Lư Ngọc Huyền - Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), tại biến mạch máu não là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây tử vong và cũng là nguyên nhân chính gây tàn phế. Trong đó, nhồi máu não chiếm 56%, xuất huyết não chiếm 44%.

Rối loạn nuốt là một trong những biến chứng thường gặp sau đột quỵ, chiếm 23-65%. Rối loạn nuốt làm gia tăng nguy cơ tử vong hoặc các biến chứng về hô hấp, tàn phế, trầm cảm… kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng gánh nặng cho người bệnh.

 CNĐD. Lư Ngọc Huyền - Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Chính vì vậy, việc sàng lọc và tầm soát rối loạn nuốt vô cùng cần thiết và quan trọng. Thời gian khuyến cáo thực hiện sàng lọc rối loạn nuốt là 24 giờ tính từ thời điểm nhập viện. Việc xác định tỷ lệ rối loạn nuốt và các yếu tố liên quan giúp ích cho thực hành lâm sàng.

Nữ báo cáo viên cho biết, hiện nay có rất nhiều phương pháp đánh giá rối loạn nuốt. Tuy nhiên, để lựa chọn phương pháp thích hợp, điều quan trọng là chúng ta cần biết các thành phần thức ăn khi làm test. Hầu hết các phương pháp đều bắt đầu từ thức ăn lỏng như nước và đa số có vấn đề ở thức ăn lỏng cao hơn loại thức ăn sệt.

Phương pháp đánh giá thang điểm GUSS có ưu điểm dễ làm, đáng tin cậy để xác định rối loạn nuốt và nguy cơ sặc; giúp phân chia mức độ rối loạn và đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp với người bệnh.

Qua trình bày phân tích quá trình thực hiện nghiên cứu trên 150 bệnh nhân bị đột quỵ cấp, điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ tháng 12/2022 - 4/2023, CNĐD. Lư Ngọc Huyền kết luận, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn nuốt chiếm 40,7%. Đánh giá mức độ theo thang điểm GUSS, bệnh nhân ở mức độ nặng (0-9 điểm) chiếm 4,7%, mức độ trung bình (10-14 điểm) chiếm 10,7% và mức độ nhẹ (15-19 điểm) chiếm 25,3%.

Điều dưỡng Ngọc Huyền cho biết thêm, các yếu tố liên quan đến tình trạng rối loạn nuốt bao gồm: thời gian nằm viện tăng thêm một ngày, tình trạng rối loạn nuốt sẽ tăng 19%; bệnh nhân có tiền sử đột quỵ, khả năng bị rối loạn nuốt tăng gấp 2,8 lần; khi NIHSS tăng thêm 1 điểm thì khả năng xảy ra rối loạn nuốt tăng 39%; mRs tăng thêm 1 điểm thì khả năng rối loạn nuốt tăng 2,2 lần; nhóm bệnh nhân đột quỵ tàn phế có mRS lớn hơn 2, khả năng xảy ra rối loạn nuốt tăng 7,82 lần so với nhóm bệnh nhân không bị tàn phế mRS nhỏ hơn 2. Khi GCS nhỏ hơn 12, khả năng xảy ra rối loạn nuốt tăng 67% so với nhóm GCS bằng 15.

Thông qua đó, CNĐD. Lư Ngọc Huyền đã đưa ra kiến nghị tại phiên báo cáo, bệnh nhân đột quỵ cần được đánh giá rối loạn nuốt một cách thường quy và trong thời gian sớm nhất. cần chú ý tình trạng rối loạn nuốt cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như: có tiền sử nhồi máu não, NIHSS lớn hơn 4 điểm; mRS lớn hơn 3 điểm và GCS bé hơn 12 điểm.

Tiêm insulin không đúng cách có thể giảm hiệu quả và gây phản ứng có hại

CNĐD. Lê Ngọc Nhung - Khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục với chủ đề “Khảo sát kiến thức tiêm insulin của người bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định”.

Báo cáo viên cho biết, đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính, có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế năm 2015, Việt nam có khoảng 3,5 triệu người mắc căn bệnh này. Mỗi người cần thay đổi lối sống, dùng thuốc đường uống và sử dụng insulin.

CNĐD. Lê Ngọc Nhung - Khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Theo một nghiên cứu năm 2020 của Vũ Thùy Linh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người bệnh có kiến thức về tiêm insulin chỉ ở mức thấp 28.6%. Việc tiêm insulin không đúng cách có thể giảm hiệu quả của thuốc, gây ra một số phản ứng có hại. Để giảm thiểu các phản ứng có hại và phát huy hiệu quả điều trị của thuốc, người bệnh cần nắm vững kiến thức và thực hành tiêm insulin đúng cách.

CNĐD. Lê Ngọc Nhung chia sẻ, qua khảo sát trên 123 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho thấy có 57,58% tỷ lệ người có kiến thức đúng về insulin, 37,12% biết bảo quản thuốc, nữ giới và những người được bác sĩ hướng dẫn tiêm có kiến thức thấp về insulin.

Trong thực hành tiêm insulin, 82,46% người bệnh có kiến thức tiêm insulin bằng lọ tiêm và 74,67% người bệnh có kiến thức đúng khi dùng bằng bút tiêm.

Từ kết quả nghiên cứu, điều dưỡng Ngọc Nhung kiến nghị đến các bác sĩ cần hướng dẫn người bệnh rõ ràng và hiệu quả hơn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, mở rộng các câu lạc bộ nhằm giáo dục người bệnh các kiến thức về insulin, thực hành tiêm insulin. Đặc biệt bước bảo quản thuốc và người bệnh là nữ giới, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh đái tháo đường.

Áp dụng hiệu quả phương pháp mới trong phục hồi chức năng sau đột quỵ

ThS Nguyễn Mai Ngọc Đoan - Bộ môn Vật lý trị liệu Trường Đại học Y Dược TPHCM  nối tiếp với bài báo cáo “Hiệu quả can thiệp phục hồi chức năng từ xa cho người bệnh sau đột quỵ giai đoạn phục hồi sớm”.

Chuyên gia cho biết, bệnh nhân sau đột quỵ có rất nhiều vấn đề như yếu liệt nửa người, khuyết tật vận động, phải phụ thuộc trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ADLs). Chính vì vậy, việc phục hồi chức năng cho những người sau đột quỵ đóng vai trò quan trọng, cần bắt đầu sớm và thực hiện liên tục.

ThS Nguyễn Mai Ngọc Đoan - Bộ môn Vật lý trị liệu Trường Đại học Y Dược TPHCM

Nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Mai Ngọc Đoan đã tiến hành chương trình phục hồi chức năng từ xa. Cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng bằng cách sử dụng công nghệ và mạng viễn thông. Đây là chương trình được sử dụng để mở rộng chăm sóc trong và sau giai đoạn cấp tính.

Nghiên cứu được tiến hành trên 32 đối tượng với công cụ đo lường là chỉ số Barthel, EQ5D-5L. Phương pháp được tổ chức theo hình thức phục hồi chức năng từ xa với 80 video bài tập, có 245 buổi tập trực tuyến, mỗi buổi 60 phút (3 buổi/tuần và tập trong 12 tuần).

Qua nghiên cứu, thạc sĩ Nguyễn Mai Ngọc Đoan kết luận, phục hồi chức năng từ xa tác động hiệu quả lên khả năng thực hiện hoạt động sinh hoạt hàng ngày; giúp gia tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những bệnh nhân là nữ giới, lớn tuổi, bị xuất huyết não, mức độ phục hồi khả năng hoạt động sau đột quỵ sẽ kém hơn.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đưa ra kiến nghị, trong lĩnh vực nghiên cứu, với những cỡ mẫu lớn hơn, cần có nhóm đối chứng và tiếp tục tìm hiểu giai đoạn phục hồi chức năng tiếp theo. Bên cạnh đó, tìm hiểu thêm các đặc tính khác như: thời gian nằm viện, vùng não bị tổn thương, thời gian bắt đầu tập luyện.

Còn với điều trị phục hồi chức năng, nên áp dụng can thiệp phục hồi chức năng từ xa khi cần thiết và phù hợp với bối cảnh.

Cùng đề cập đến phục hồi chức năng sau đột quỵ với chủ đề Xác định mối liên quan giữa khả năng đi bộ 2 phút ở người bệnh đột quỵ có khả năng đi độc lập trong giai đoạn cấp với chức năng và chất lượng cuộc sống trong giai đoạn bán cấp và mạn”, ThS Nguyễn Thanh Duy - Phó Trưởng Bộ môn Vật lý trị liệu, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật vận động và ảnh hưởng khả năng di chuyển. Để đo được độ di chuyển của người đột quỵ, thường sử dụng thử nghiệm đi bộ 6 phút (6MWT). Tuy nhiên, thử nghiệm này khá tốn thời gian nên chỉ có 11% nhân viên y tế sử dụng phương pháp trên.

Thay vào đó, phương pháp đi bộ 2 phút có mối liên quan cao đến đi bộ 6 phút, có thể đánh giá được khả năng đi bộ của người bệnh đột quỵ. Nhưng tại Việt Nam chưa có nghiên cứu đánh giá về khả năng đi bộ 2 phút ở người bệnh đột quỵ trong giai đoạn cấp, cũng như đánh giá mối liên quan giữa khả năng di chuyển trong giai đoạn cấp với hoạt động, tham gia, chất lượng cuộc sống trong giai đoạn bán cấp và mạn của người bệnh đột quỵ tại Việt Nam, có khả năng di chuyển sớm (người bệnh đột quỵ nhẹ).

 ThS Nguyễn Thanh Duy - Phó Trưởng Bộ môn Vật lý trị liệu, Trường Đại học Y Dược TPHCM

Phân tích về đề tài nghiên cứu, thạc sĩ Thanh Duy chia sẻ, nghiên cứu được tiến hành thực hiện trong 1 năm (6/2022-6/2023) trên các bệnh nhân đột quỵ giai đoạn cấp, có khả năng đi độc lập đang điều trị nội trú tại khoa Nội thần kinh.

Sau phân tích và trình bày kết quả, vị chuyên gia kết luận, nhóm nghiên cứu đã xác định được quãng đường thử nghiệm 2 phút của người bệnh đột quỵ trong giai đoạn cấp là: Trung bình (ĐLC) quãng đường đi là 2 phút của người bệnh tham gia nghiên cứu lần 1 đạt 99,5m và lần 2 là 108m.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn nhận thấy mối tương quan trung bình giữa thử nghiệm đi bộ 2 phút với khả năng di chuyển (ABILOCO), mức độ hoạt động (ACTIVLIM), chất lượng cuộc sống (EQ 5D5L) (r = 0,47; 0,56; 0,67).

Qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, ThS Nguyễn Thanh Duy đã đề xuất áp dụng thử nghiệm phương pháp đi bộ 2 phút đánh giá khả năng di chuyển cho người bệnh đột quỵ để có khả năng đi lại sớm. Tham khảo sử dụng các thang đo ABILOCO, ACTIVLIM, PM Scale, EQ 5D5L để đánh giá thêm ở người bệnh đột quỵ trong giai đoạn bán cấp và mạn.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định trao hoa và thư cảm ơn đến đoàn chủ tọa

Hội nghị Khoa học Điều dưỡng nằm trong hoạt động của Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên năm 2023 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, được tổ chức vào 2 ngày: 28/07/2023 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và 29/07/2023 tại Khách sạn LOTTE SAIGON.

Sáng 28/7/2023, Hội nghị Khoa học Điều dưỡng diễn ra thành công, thu hút hơn 200 người tham dự trực tiếp cùng 9 bài báo cáo hấp dẫn của báo cáo viên đến từ bệnh viện Nhân dân Gia Định, Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

>>> Hội nghị Khoa học Kỹ thuật thường niên 2023 - Bệnh viện Nhân dân Gia định: Nâng cao vai trò, vị thế của điều dưỡng trong công tác y tế

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X