Hotline 24/7
08983-08983

Người phụ nữ mắc hội chứng lạ: “Chạm tay vào nước cũng đau buốt đến bật khóc”

Bất cứ khi nào rửa tay, đi xe máy hay chạm vào nước, chị N.V.A. 47 tuổi, ở Phú Thọ, đều phải chịu đựng cơn đau buốt, tê bì đến mức tím tái các đầu ngón tay. Tình trạng kỳ lạ kéo dài nhiều tháng khiến chị không thể sinh hoạt bình thường, đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm được nguyên nhân.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi được thăm khám kỹ lưỡng và làm các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ thuộc khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực xác định bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud, một rối loạn gây co thắt mạch máu nhỏ ở bàn tay, ngón tay khi gặp lạnh hoặc căng thẳng, dẫn đến thiếu máu cục bộ, gây cảm giác đau nhức, tím tái và lạnh buốt.

Theo BS.CK2 Hán Văn Hòa - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người trực tiếp thực hiện điều trị, đây là một trường hợp điển hình của Raynaud nặng, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống của bệnh nhân. Bàn tay thường xuyên tím tái, trắng bệch, gần như mất cảm giác khi chạm nước.

Hình ảnh bàn tay của người bệnh bị tím tái, ngón tay trắng nhợt mỗi khi chạm vào nước (ảnh: BVCC)

Sau đó, nữ bệnh nhân được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt hạch giao cảm ngực hai bên nhằm loại bỏ sự chi phối quá mức của thần kinh giao cảm, giúp giảm co thắt mạch máu.

Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, chỉ sau 24 giờ, bàn tay bệnh nhân ấm lên rõ rệt, không còn tím tái, đau buốt như trước. Chị A. được theo dõi thêm vài ngày và xuất viện trong tình trạng ổn định, sinh hoạt trở lại bình thường.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bàn tay của người bệnh (ảnh: BVCC)

Theo BS.CK2 Hán Văn Hòa, phẫu thuật nội soi cắt hạch giao cảm là kỹ thuật ít xâm lấn, hiệu quả cao, giúp cải thiện nhanh tình trạng thiếu máu ngoại vi, hạn chế các biến chứng nguy hiểm như loét hoặc hoại tử đầu ngón tay.

Hội chứng Raynaud có thể bị bỏ qua vì triệu chứng ban đầu dễ nhầm với tê lạnh thông thường. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho mô, gây loét hoặc thậm chí hoại tử.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là nữ giới trong độ tuổi 30-60, nếu có dấu hiệu tê bì, tím tái đầu ngón tay, đau nhức khi chạm nước lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết, cần đi khám chuyên khoa tim mạch - lồng ngực hoặc nội mạch máu ngoại vi để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X