Nghệ An: Bé trai 16 tháng tuổi hóc xương cá vào đường thở phải nhập viện vì nôn ra máu
Một bé trai 16 tháng tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống sau khi hóc 2 mảnh xương cá vào đường thở, gây khò khè, khàn tiếng kéo dài.
Theo lời kể của gia đình, cách đó 4 ngày sau khi trẻ ăn cá thì có nôn ra dịch đờm lẫn máu, sau đó xuất hiện khò khè, khàn tiếng. Gia đình đã cho trẻ đi khám ở phòng khám tư nhân nhưng không thấy có dấu hiệu đỡ nên đã nhập viện để khám và điều trị.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng đã phát hiện dị vật nằm ở đường thở của trẻ. Ekip bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã nhanh chóng tiến hành nội soi gắp dị vật là 2 mảnh xương cá mắc vào vị trí hạ thanh môn của trẻ.
Sau khi xử trí, hiện sức khỏe của trẻ đã ổn định tục được theo dõi toàn tại khoa.

Cảnh báo nguy hiểm do hóc dị vật
Hóc dị vật là một tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ, nhất là trong quá trình ăn uống. Thông thường, khi trẻ hóc dị vật, vật thể lạ có xu hướng mắc kẹt ở thực quản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, một chiếc xương cá nhỏ đã đi lạc vào đường thở của bé, nếu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những nguy cơ như: Tử vong nếu dị vật bít tắc đường thở; gây viêm phù nề làm cho trẻ khó thở tăng dần; một số dị vật sắc nhọn (như trường hợp này) có thể gây thủng khí quản...

Theo ThS.BS Hà Thanh Bình - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khi phát hiện trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ hóc dị vật nào, dù là nhỏ nhất, gia đình cần giữ bình tĩnh và đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được các bác sĩ chuyên khoa can thiệp kịp thời. Việc tự ý cố gắng lấy dị vật ra tại nhà có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn cho đường thở của trẻ.
Để phòng ngừa hóc dị vật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý: Tuyệt đối không cho trẻ dưới 3 tuổi ăn cá còn xương, kể cả xương nhỏ; chế biến kỹ lưỡng, lọc sạch xương trước khi cho trẻ lớn hơn ăn cá. Đặc biệt, không để trẻ ăn trong lúc chơi, cười đùa, chạy nhảy hoặc xem điện thoại; quan sát trẻ trong suốt bữa ăn để phát hiện sớm các dấu hiệu hóc dị vật như: ho sặc, thở rít, tím tái; trang bị kiến thức sơ cứu dị vật đường thở (vỗ lưng, ấn bụng Heimlich) và đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu nghi ngờ hóc.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình