Hotline 24/7
08983-08983

Mách bạn các phương pháp điều trị và dự phòng ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ cần nhận biết và điều trị sớm. Ngoài ra cần phòng ngừa amidan và VA quá phát, ngăn chặn béo phì để tránh hội chứng ngáy và ngưng thở xảy ra. Mời bạn đọc cùng xem những chia sẻ của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên và  BS.CK2 Lâm Hoàng Yến chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Vệ sinh giấc ngủ rất quan trọng để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và sự phát triển của trẻ

Với trẻ ngưng thở khi ngủ, song song với việc điều trị thì phụ huynh cần lưu ý gì để cho con giấc ngủ ngon ạ? Và cha mẹ cần theo dõi giấc ngủ của con như thế nào? Khi đi học thì cần thông báo với nhà trường về các thông tin sức khỏe nào của con, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Khoa thăm dò Chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Chuyên gia đầu tiên về giấc ngủ chính là cha mẹ của trẻ vì họ là ngôi nhà và một tấm gương giúp trẻ noi gương.

Làm gương trong giấc ngủ được khoa học gọi là vệ sinh giấc ngủ, nghĩa là tạo ra giấc ngủ ngon gồm ít nhất 6 điều kiện như sau:

Thứ nhất, có thói quen ngủ tốt, đúng 9 giờ con phải lên giường và tạo thói quen hàng ngày, đúng 6 giờ sáng cả nhà sẽ cùng dậy, như vậy cả nhà đều đi ngủ và thức dậy cùng một giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Nếu tối thứ 6 cả nhà thức muộn, thứ bảy nằm ngủ nướng cả ngày và chủ nhật tiếp tục ngủ nướng đến sáng thứ hai, đó là thói quen không tốt và gia đình phải tập thói quen ngủ, dậy đúng giờ mỗi ngày.

Bên cạnh đó để có giấc ngủ ngon cần có một môi trường ấm áp, dễ chịu, không có tiếng động, có đèn vàng, không có đèn trắng và đặc biệt có một ánh đèn len lỏi trong giấc ngủ gây hại não của con đó là ánh sáng xanh. Vì vậy khuyến cáo tránh xa màn hình ánh sáng xanh gồm điện thoại di động, tivi, ipad… trước khi ngủ 2 giờ. Khi lên giường ánh sáng xanh sẽ không tiêu diệt tế bào não, giúp gia đình có một giấc ngủ tốt nhất có thể. [kiểm tra lại câu này]

 Môi trường ngủ sẽ có ánh đèn, đọc sách cho con trước khi ngủ và có một chiếc mền nặng để có cảm giác bình an, các con thú bông trẻ quen thuộc. Hoặc có thể đi tắm bằng nước ấm trước khi ngủ 2 giờ áp dụng được cả người lớn và trẻ em.

Một chất liệu vô cùng quan trọng được phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19 là thiền. Thiền ở trẻ nghe xa xăm và tâm linh nhưng điều này rất dễ thực hiện, cho con ngồi bên cạnh phụ huynh sau đó tập thở bằng cách bịt một bên mũi, hít vào bằng một bên và thở ra ở bên mũi còn lại, thực hiện luân phiên, khi đó trẻ sẽ rất tập trung.

Có thể tập thở theo hình chữ nhật, hít vào 4 nhịp, thở ra 7-8 nhịp, việc này sẽ giúp mang lại bình yên cho con, giảm stress.

Một vấn đề nữa là phải giải quyết các căng thẳng, lo lắng cho con, nếu nhận thấy sau khi đi học về con không vui thì sau khi tắm, thiền, nếu còn thấy lo lắng hãy công khai giải quyết vấn đề thắc mắc hay căng thẳng trong lòng.

Nhiều gia đình cho con đi học thêm đến 9 giờ tối gây căng thẳng cho con và nói con đi ngủ liền ngay khi về đến nhà, thời điểm này con sẽ khó ngủ. Vì vậy các phương pháp trên sẽ góp phần rất nhiều trong việc vệ sinh giấc ngủ ở trẻ.

Bên cạnh đó, cả nhà cùng làm gương sẽ giúp có giấc ngủ ngon, mang lại sức khỏe cho một ngày làm việc, lao động. Lưu ý tất cả trẻ dưới 17 tuổi cần thiết một giấc ngủ ít nhất kéo dài 7-9 giờ.

Cha mẹ không can thiệp được vấn đề phân mảnh giấc ngủ khi con mắc bệnh thì cha mẹ phải tạo được thói quen về vệ sinh giấc ngủ ngay từ khi trẻ còn khỏe mạnh, đó là giấc ngủ mang lại sự phát triển trí não cần thiết nhất cho mỗi đứa trẻ trong cuộc đời này.

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Khoa thăm dò Chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

2. Gia đình nên kết hợp với nhà trường, thầy cô… theo dõi triệu chứng của trẻ

Khi con bị ngưng thở khi ngủ các bậc phụ huynh nên chia sẻ với thầy cô, nhà trường như thế nào, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Khi nhìn một đứa trẻ trong đêm khó thở, ngủ ngáy nhưng phụ huynh chưa nhận ra, giờ đây cha mẹ đã tập nhận diện được và nhờ các bên hỗ trợ theo dõi. Trong đó, con sẽ đi đến trường, đến hồ bơi, đi gặp bạn bè những nơi đó sẽ giúp cha mẹ.

Ví dụ một đứa nhỏ trong lớp học luôn bị thầy cô than phiền quậy phá, không thuộc bài, mất tập trung… khi đó cô giáo sẽ thông báo với phụ huynh để tiếp nhận, chấp nhận cùng hỗ trợ nhà trường và ba mẹ nhận diện cho con.

Hoặc tình trạng con học kém đi, thường xuyên ngủ gật trong lớp… là những điểm cô giáo có thể thông báo cho gia đình.

Ngoài ra hiện nay một số trẻ học nội trú, khi ngủ trưa cô giáo có thể phát hiện con ngủ ngáy và mẹ không nhận diện được ở nhà nhưng chính cô giáo đã thông báo rằng con ngáy rất to hoặc trẻ giật tay, giật chân, lăn qua, lăn lại làm các bạn xung quanh khó ngủ, đó là nhận diện gián tiếp nhưng giúp cha mẹ được rất nhiều.

Vì vậy nên có sự phối hợp của nhà trường, thầy cô và tất cả những người xung quanh để giúp đỡ trẻ, nhận diện cùng gia đình và nếu cô giáo biết con bị ngưng thở khi ngủ có thể cô sẽ giúp con một cái gối ôm khi ngủ, hoặc nếu con bị kỳ thị bởi bạn bè xung quanh vì béo phì, con bị ngủ ngáy… thì cô giáo cùng bạn bè trong lớp sẽ cùng con chia sẻ, đó là một trong những việc rất đơn giản nhưng giúp đỡ cho trẻ rất nhiều, đóng vai trò vô cùng quan trọng.

3. Hướng dẫn vệ sinh mũi, họng phòng ngừa amidan quá phát

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ngưng thở khi ngủ là VA hoặc amidan vậy việc vệ sinh mũi họng rất quan trọng, nhờ BS hướng dẫn quý phụ huynh cần làm gì để chủ động vệ sinh mũi họng cho con em mình?

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến - Uỷ viên BCH LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời: Đa số trường hợp ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân VA hoặc amidan quá phát, việc tốt nhất là cần phòng ngừa và phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, đó là phương châm của ngành y tế và là kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta từ ngàn năm nay để lại.

Nguyên nhân amidan và VA quá phát do viêm nhiễm tái lại nhiều lần, mỗi lần viêm sẽ khiến amidan và VA tăng sinh để tạo ra kháng thể, việc tốt nhất có thể làm là giảm được tình trạng viêm nhiễm thấp nhất có thể. việc vệ sinh mũi họng là cách đơn giản để phòng ngừa các bệnh đường viêm mũi họng cho trẻ từ virus, vi khuẩn đến vi nấm…

Vệ sinh mũi họng nên thực hiện vào buổi sáng sau khi trẻ thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Buổi sáng khi đánh răng rửa mặt đồng thời nên vệ sinh mũi họng vì trong một đêm ngủ, các chất xúc tiết trong mũi họng dễ bị ứ đọng lại, khi vệ sinh sạch sẽ tránh tạo ra môi trường cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm.

Còn buổi tối, sau một một ngày hoạt động bên ngoài có rất nhiều tác nhân xâm nhập qua đường hô hấp, khi vệ sinh sẽ giúp loại bỏ được nhiều nhất có thể những tác nhân vi sinh, vi khuẩn, virus, kháng nguyên gây viêm mũi dị ứng, viêm nhiễm.

Cách rửa mũi đối với các trẻ, bác sĩ khuyến cáo nên dùng các bình nước muối, hoặc nước biển phun sương để tạo thành tia nhỏ phù hợp với lứa tuổi của các bé, mang lại hiệu quả, dòng phun sương sẽ sâu vào trong ngóc ngách đến vòm VA để các vi khuẩn, virus một phần trôi ra, không hy vọng sẽ trôi hết nhưng có thể làm giảm lượng vi khuẩn, virus, từ đó cơ thể đủ sức để chống lại số lượng ít. Còn nếu không rửa, virus tồn tại quá nhiều, cơ thể sẽ không đủ sức để tiêu diệt.

Các bình rửa mũi phun sương rất tốt cho trẻ và dễ thao tác, thậm chí những trẻ từ 3 tuổi trở lên bé có thể tự làm.

Còn về súc họng có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9%, việc súc họng cần thực hiện đúng kỹ thuật.

Đầu tiên, khi vệ sinh răng miệng cần súc họng sục sục để sát trùng răng, sau đó ngửa đầu ra sau vừa phải, lè lưỡi ra trước để dung dịch sát trùng vào tới amidan và thành sau họng, kỹ thuật này khá khó nhưng thực tế khi có các chương trình hướng dẫn cho các trẻ học sinh cấp hai về kỹ thuật này thì các bé hào hứng làm theo.

Không ai muốn đón nhận hậu quả khi mắc bệnh do đó cần phòng bệnh. Nếu liên quan đến các bệnh lý đường tai mũi họng nên vệ sinh bằng nước muối như các chai nước muối nhỏ, bình xịt phun sương, bình pha nước muối kèm cacbonat để rửa lượng lớn trong vùng mũi họng.

Tùy theo mức độ tắc nghẽn, mức độ đàm, nhớt, dịch tại vùng này để xử trí, tất cả các trẻ đều có thể thực hiện được việc này, các ông bố và bà mẹ đều có thể thực hiện các phương pháp này một cách đơn giản và dễ dàng vô cùng, miễn cha mẹ tin rằng dùng nước muối sẽ giúp con phòng bệnh.

BS.CK2 Lâm Hoàng Yến - Uỷ viên BCH LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115

4. Làm gì để kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân ở trẻ?

Nhờ BS có thể chia sẻ một vài bí quyết trong ăn uống, tập luyện để trẻ có thể kiểm soát cân nặng, tránh vấn đề thừa cân, béo phì?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Đối với những trẻ có nguy cơ béo phì, nhiều mẹ cho con uống nhiều trà sữa trong ngày đến khi con bị béo phì thì pha nước chanh cho trẻ uống, hậu quả là lượng đường của trẻ lên rất cao.

Cha mẹ cần lưu ý đường là một năng lượng rỗng không đem lại lợi ích cho cơ thể và cơ thể chưa bao giờ cần đường. Thực tế cơ thể của con người có khả năng tự cắt tinh bột, protein phân hủy tạo thành đường để sử dụng cho cơ thể.

Đường ăn tạo cảm giác ngọt, ngon tại miệng sẽ kích thích cảm giác thèm ăn và đã miệng, nếu trẻ được tập thói quen ăn đường từ bé phụ huynh nên thay đổi để con có cảm giác chần chừ trước khi bỏ đồ ngọt vào miệng.

Khuyến cáo việc đầu tiên cha mẹ nên cho con biết được cảm giác ăn uống bằng cách ăn chậm lại, khi đó con sẽ thưởng thức được tinh hoa từ những người làm ra lúa gạo, tinh hoa của người làm nên các món ăn, trong đó có cha mẹ. Điều này giúp cơ thể kịp thời điện lên não “Ngon quá mẹ ơi”, đồng thời có cảm giác no.

Nếu không kịp nhai thức ăn, nút trọng sẽ dẫn đến ăn nhiều vẫn chưa thấy no vì não nhận không kịp. Do đó phải ăn trong chánh niệm, ăn biết thưởng thức. Giữa nhận thức, cảm giác thèm ăn mà cơ thể không cần sẽ khác nhau rất xa, khi đó trẻ nhận diện được, chần chừ và chọn những món ăn khỏe mạnh cho chính mình. Để làm được điều đó cha mẹ phải tạo thói quen cho con bằng cách làm gương.

Bên cạnh đó nếu cha mẹ có thói quen ít uống nước, con sẽ noi theo, mà đây là vấn đề rất quan trọng cho chuyển hóa của trẻ con vì 70% cân nặng của trẻ thuộc về nước. Nếu uống nước đầy đủ sẽ giúp lỏng dịch tiết, khi xịt mũi nước muối sẽ dễ dàng long ra ngoài, đó là cách cơ thể đẩy vi khuẩn ra ngoài sau khi có động tác ho.

Ngoài ra còn cần luyện tập thể thao, giảm đến thấp nhất tình trạng trẻ ngồi ì trên ghế, nghịch điện thoại, chơi game sau đó lướt chat mạng hàng giờ, đó là thói quen thụ động và không tốt. Hiện nay có nhiều phương pháp tập luyện cho con, một số mẹ nói đã có đăng ký nhiều lớp tập nhưng không tập được vì mất thời gian.

Mỗi ngày mẹ chỉ cần dành cho con 30-45 phút tập luyện thể chất, đó cũng là những giờ phút hồi phục cho cơ thể, đó là khi chạy bộ, đạp xe đạp, đá cầu, thậm chí nhảy dây, chạy tại chỗ, đi bộ hoặc chỉ cần phụ mẹ quét nhà… Tất cả các vận động đó đã gián tiếp gọi vào cơ tim, cơ phổi, hoạt động, cơ hô hấp vận động.

Những trẻ có vận động tim khỏe hơn, phổi nở căng ra tốt hơn, đẩy những chất độc trong cơ thể ra tốt hơn, đó là những cách quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe. Nếu ban ngày trẻ vận động tốt, ban đêm sẽ có giấc ngủ ngon.

Ngoài ra phải vệ sinh giấc ngủ, nhận thức hành vi bằng cách làm gương cho con trong điều chỉnh lối sống, chế độ ăn, giờ giấc thức dậy, đi ngủ, cách chọn lựa bữa ăn… Bác sĩ tin dần dần cha mẹ sẽ đủ sức làm gương cho con, các cô giáo sẽ sẵn sàng giúp đỡ trong việc bắt trẻ ngồi dậy tập thể dục, không để trốn tập thể dục vì cho rằng con bị bệnh thì không cần tập thể dục.

Điều đó giúp trẻ có thân thể tráng kiện, trí não phát triển tốt, đầy đủ năng lượng cho một ngày.

5. Hướng dẫn phòng ngừa ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Liệu có cách nào để phòng ngừa hội chứng ngưng thở không, thưa BS? - Nhờ BS hướng dẫn vệ sinh mũi họng đúng cách với trẻ em ạ!

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM trả lời: Về vấn đề rửa mũi quan trọng là những phần muốn làm sạch, các cuống mũi nằm ở hai bên cánh mũi, do đó cha mẹ nên lưu ý khi xịt phun sương nên cho con cúi đầu, sử dụng tay phải đưa vào cánh mũi bên trái, xịt nhiều lần vào mũi và để dung dịch tự chảy ra ngoài, lặp lại với cánh mũi còn lại.

Nếu xịt chính giữa, vách mũi rất mỏng và có hệ thần kinh tại vị trí này khiến trẻ đau đớn, vì vậy phải xịt đúng cách, xịt nhiều để dung dịch tự chảy ra, lưu ý không hỉ mũi, một ngày xịt 3-4 lần cho trẻ đến khi mũi trẻ êm.

Đối với ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ có tỷ lệ 1-5%, không quá hiếm và đặc biệt chú ý giai đoạn trẻ 2-6 tuổi vì não và cơ thể của trẻ đang phát triển nhanh, không để chậm chẩn đoán.

Ngáy và ngưng thở ở trẻ có đến 90% nguyên nhân do VA và amidan vì vậy nếu được bác sĩ tai mũi họng chỉ định nạo để giải phóng đường thở thì nên tuân thủ.

Nếu con có các dấu hiệu ngủ ngáy, ngủ không yên, tăng động vào ban ngày, học kém, mất tập trung hoặc lừ đừ ban ngày nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ tai mũi họng, nếu cần thiết nên gặp bác sĩ chuyên khoa để cho trẻ đo đa ký giấc ngủ.

Nếu không điều trị kịp thời, trẻ chậm lên cân, bị cô giáo than phiền tăng động, giảm chú ý, học kém. Nguy hiểm hơn là đưa trẻ đi điều trị bác sĩ tâm thần kinh vì tăng động, giảm chú ý.

Một vấn đề sâu hơn, nếu con không ngủ yên giấc dài lâu sẽ đưa đến các rối loạn về tăng huyết áp, tiền tiểu đường, tim mạch, máu… Như vậy ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ là vấn đề rất lớn bên cạnh béo phì với các hậu quả nguy hiểm.

Vì vậy các bậc cha mẹ phải đề phòng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đường tai mũi họng cho con, không bụi bặm, nấm mốc, không để kích thích đường hô hấp, ăn ngủ và vận động tốt để tránh béo phì, chú ý giấc ngủ của con để kịp thời điều trị.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM

>>> Phần 1: Dấu hiệu trẻ ngưng thở khi ngủ thường bị bỏ qua, gây ảnh hưởng đến hành vi, phát triển thể chất, tâm thần kinh

>>> Phần 2: Có thể điều trị khỏi ngaáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ nếu do amidan hoặc VA quá phát

>>> Phần 3: Trẻ có thể bị tăng huyết áp, tiền tiểu đường nếu không điều trị sớm ngáy và ngưng thở khi ngủ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X