Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý quan trọng chăm sóc trẻ ngộ độc thực phẩm

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt do ăn vặt, ăn sáng cổng trường gần đây đã khiến phụ huynh lo lắng. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM đã có những hướng dẫn để giúp cha mẹ nhận biết, xử trí và chăm sóc đúng cách khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm để tránh các biến chứng nguy hiểm.

3 nhóm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt

Thời tiết oi bức, nắng nóng cùng với thức ăn đường phố tạo điều kiện cho những mầm bệnh nào phát triển, dẫn đến ngộ độc thực phẩm hàng loạt, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ngộ độc thực phẩm hàng loạt thông thường do 3 nhóm vi khuẩn gây ra: tụ cầu vàng, salmonellaE. coli.

3 nhóm vi khuẩn này có điều kiện phát triển trong thức ăn không được bảo đảm an toàn. Khả năng tiết ra độc tố của chúng khá nhanh, gây ra bệnh lý ngộ độc thực phẩm. Những người ăn cùng một món, cùng bị nhiễm khuẩn sẽ trở thành ngộ độc thực phẩm hàng loạt, có người trước người sau, người nặng người nhẹ, có người nguy kịch, đe dọa tính mạng.

Ngộ độc thực phẩm có khả năng diễn biến nặng, đe dọa tính mạng

Nhờ BS chia sẻ thêm, người bị ngộ độc thực phẩm có thể đối diện với những biến chứng nào nếu không được điều trị đúng, đủ và kịp thời?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh lý ngộ độc thực phẩm ở mỗi người đều khác nhau, ban đầu có thể nhẹ nhưng sau đó trở nặng, tùy theo lượng thực phẩm mà người đó đã ăn và cơ địa từng người. Thời gian ủ vi khuẩn bị nhiễm vào thức ăn đủ mạnh có thể làm cho cơ thể bị nguy hiểm.

Do đó, khi bị ngộ độc, phải theo dõi sát cơ thể của mình. Khi mới bị ngộ độc, có thể thăm khám gần nhà để bác sĩ đánh giá. Khi có dấu hiệu trở nặng, nôn ói nhiều, mệt, sốt cao, lừ đừ, đi cầu phân xanh,... cần phải đến bệnh viện ngay. Lúc này, độc tố của vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể đã vào máu, gây nhiễm trùng huyết.

Tỷ lệ tự khỏi vẫn có, thậm chí là cao, nhưng không nên chủ quan bởi ngộ độc thực phẩm vẫn có khả năng diễn biến nặng, đưa đến đen dọa tính mạng.

Vì sao cùng ăn một món nhưng tình trạng ngộ độc lại không giống nhau?

Những yếu tố nào sẽ khiến trẻ rơi vào nguy hiểm khi bị ngộ độc thực phẩm, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Một thực phẩm bị nhiễm khuẩn sẽ không nhiễm đồng đều, có chỗ nhiễm nhiều vi khuẩn, có chỗ nhiễm ít vi khuẩn. Sức ăn của trẻ cũng khác nhau. Do đó, chúng ta thấy số trẻ bị ngộ độc thực phẩm cũng không đồng đều.

Trẻ nhỏ ăn nhiều vi khuẩn trong khi trẻ lớn ăn ít vi khuẩn cũng dẫn đến không đồng đều.

Tình trạng ngộ độc của trẻ tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn của thực phẩm và lượng thức ăn mà trẻ ăn vào.

Các mức độ ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm có những mức độ nào và hướng xử trí cho từng mức độ ra sao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ngộ độc thực phẩm được chia thành:

- Mức độ nhẹ: tiêu chảy, nôn ói sau đó tự ổn định

- Tiêu chảy, nôn ói đến mức mất nước

- Nhiễm trùng, nhiễm độc cần được điều trị

- Sốc nhiễm độc, sốc nhiễm khuẩn phải thở máy và nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy mức độ mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Theo dõi và chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm thế nào?

Xin hỏi BS, chúng ta cần lưu ý những gì khi điều trị, theo dõi và chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm? Những việc cần tránh trong tình huống này gồm những gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị ngộ độc thực phẩm, nhiều người thường chủ quan nghĩ mình có thể tự ổn định. Trẻ bị ngộ độc thực phẩm cần được theo dõi sát, ít nhất trong vòng 24 - 48 tiếng, để xem xét diễn tiến. Ngộ độc ban đầu có thể nhẹ nhưng sau đó diễn tiến nặng hơn.

Khi bị ngộ độc nên đi khám để bác sĩ đánh giá. Nếu có nôn ói, tiêu chảy, bác sĩ sẽ đánh giá xem đã đến mức độ mất nước chưa, có thể bù nước bằng cách uống đường miệng không hay phải truyền dịch.

Khi trẻ đi phân xanh và hôi, nôn ói, sốt li bì, đó là nhiễm trùng mang tính toàn thân, cần phải đi bệnh viện ngay để điều trị kháng sinh mạnh, theo dõi sát mới không nguy hiểm đến tính mạng.

Nắng nóng, nguy cơ thực phẩm bị ôi thiu gia tăng do vi khuẩn phát triển nhanh

Hiện nay, thời tiết nắng nóng, để tránh bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần phải chú ý những vấn đề nào? Phụ huynh bận rộn không có thời gian nấu ăn ở nhà, học sinh học liên tục, nếu phải ăn bên ngoài, cần nhớ những nguyên tắc gì để không bị ngộ độc thực phẩm, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bữa ăn sáng của học sinh ngày nay không có điều kiện để làm cho tốt tại nhà. Học sinh phải ăn đồ ăn sáng bán ngoài đường. Vấn đề đồ ăn ngoài tại trường học công, bệnh viện công không được kiểm soát kỹ như trường học tư, bệnh viện tư.

Bằng mắt thường, chúng ta không thể biết món ăn được bày bán có sạch hay không. Có thể ngửi trước để xem thức ăn có mùi hôi, mùi lạ hay không hoặc cầm thử để xem miếng thịt, miếng chả có bị mềm mủn không.

Quan trọng nhất là phải kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong mùa nắng nóng, khả năng thực phẩm bị ôi thiu cao hơn do vi khuẩn phát triển nhanh. Chính những người buôn bán phải nghĩ đến an toàn cho người ăn. Khi xảy ra ngộ độc, người bán bị mất khách, đối diện với kiện tụng, đền bù phức tạp.

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không quá khó, chỉ cần chú ý là sẽ làm được.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X