Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu hụt magie

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115 cho biết, thiếu magie sẽ làm giấc ngủ bị gián đoạn, cơ thể suy giảm năng lượng, thường xuyên mệt mỏi, suy nhược tinh thần. Người bệnh thường cảm thấy lo lắng và dễ bị trầm cảm, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe xương.

1. Magie đóng vai trò gì trong chức năng thần kinh?

Rất nhiều người rơi vào tình trạng suy nhược thần kinh với các triệu chứng khó ngủ, đau đầu, chóng mặt... đi khám thường được BS kê thuốc có magie và vitamin B6. BS có thể cho biết công dụng của magie với hệ thần kinh của chúng ta? Vì sao magie thường được phối hợp cùng vitamin B6?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Magie đóng vai trò thiết yếu trong chức năng thần kinh, bao gồm:

- Tham gia vào quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh và dẫn truyền thần kinh cơ.

- Truyền tín hiệu thần kinh.

- Bảo vệ tính toàn vẹn và chức năng của hàng rào máu não.

- Giúp điều hòa cân bằng nội môi của hệ thần kinh trung ương, và do đó, duy trì chức năng thần kinh khỏe mạnh.

- Bảo vệ não chống lại độc tố và mầm bệnh, chống lại stress oxy hóa

- Đảm bảo tính bền vững của dẫn truyền thần kinh, điều hòa khả năng hưng phấn, làm dịu thần kinh. Nếu thiếu hụt magie sẽ gây trạng thái dễ kích thích, căng thẳng thần kinh, co giật, tăng trương lực co cứng cơ, rối loạn các hoạt động cơ, giãn mạch…

- Việc bổ sung magie có thể cải thiện các triệu chứng của nhiều bệnh lý thần kinh và lâm sàng. Từ đó, giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến các tình trạng như lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tâm trạng và rối loạn tăng động giảm chú ý.

Magie thường được phối hợp cùng lúc với Vitamin B6 vì cả 2 thành phần này cùng tham gia vào các enzym chuyển hóa. Trong những phản ứng sinh năng lượng các vitamin nhóm B được hoạt hóa bởi magie, ngược lại hoạt tính của magie lại được hỗ trợ bởi vitamin B6. Do vậy magie thường được kết hợp với vitamin B6 để điều trị trường hợp thiếu magie nặng.

2. Các vai trò quan trọng của Magie

Ngoài công dụng điều hòa hoạt động hệ thần kinh thì magie còn có những vai trò nào với cơ thể nữa ạ?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Thứ nhất, magie có vai trò quan trọng trong các phản ứng sinh hóa của cơ thể, bao gồm: Tạo năng lượng giúp chuyển đổi thức ăn thành năng lượng; Hình thành protein giúp tạo ra protein mới từ axit amin; Bảo trì gen giúp tạo và sửa chữa DNA và RNA; Chuyển động cơ bắp là một phần của sự co thắt và thư giãn của cơ bắp.

Thứ hai, magie là một chất đối kháng canxi hoạt động thông qua việc điều chỉnh lượng canxi sẵn có trong tế bào.

Thứ ba, magie giúp hạ huyết áp. Bổ sung magie có thể giúp làm giảm huyết áp ở những người bệnh bị huyết áp cao nhưng không gây ra hạ huyết áp ở những người có huyết áp ở mức bình thường.

Thứ tư, magie giúp chống viêm. Bổ sung magie có thể làm giảm các dấu hiệu viêm khác ở người cao tuổi, người thừa cân và những người mắc bệnh tiểu đường. Thực phẩm có nhiều magie, như cá béo và sô cô la đen có thể làm giảm viêm.

Thứ năm, magie giúp cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt. Magie có khả năng cải thiện tâm trạng, giảm giữ nước và các triệu chứng khác ở phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt.

Thứ sáu, magie làm giảm kháng insulin. Bổ sung magie giúp làm giảm sự kháng insulin và lượng đường trong máu, ngay cả ở những người có lượng máu bình thường.

3. Nên bổ sung magie trong trường hợp nào?

Theo BS, những người có bệnh lý nào nên chú trọng bổ sung magie?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời:

- Người có bệnh về đường tiêu hóa: người có đường ruột dễ bị kích ứng hấp thu kém hơn những người khác.

- Người hay bị nôn hay tiêu chảy: Phản ứng nôn và tiêu chảy sẽ làm mất lượng magie được tích trữ trong cơ thể ra.

- Người đang trong quá trình điều trị thuốc: Các thuốc lợi tiểu, kháng sinh và các thuốc đặc trị khiến cho khả năng hấp thụ khoáng chất của hệ thống tiêu hóa bị hạn chế.

- Người bệnh đái tháo đường: sẽ đi tiểu nhiều hơn những người khác. Khi đó magie sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể theo đường tiểu, càng đi tiểu nhiều thì lượng magie mất càng nhiều.

- Người có mức Kali và canxi trong máu thấp vì nếu đang thiếu cả kali và canxi, thì nguy cơ cũng đang bị thiếu Magie.

- Người cao tuổi: có nguy cơ thiếu hụt các chất hơn so với người trẻ.

4. 60% magie được cơ thể dự trữ trong xương

Có thông tin rằng người cao tuổi thường bị loãng xương và phải bổ sung canxi thì nên bổ sung magie trước. BS có thể lý giải vì sao phải bổ sung như vậy không ạ?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: 60% magie được cơ thể dự trữ trong xương và là thành phần cấu tạo nên xương. Magie đóng vai trò như chất điều phối tham gia quá trình chuyển hóa, điều chỉnh nồng độ canxi và các dưỡng chất khác giúp hình thành hệ xương khỏe mạnh.

Magie làm tăng mật độ canxi ở xương, kích hoạt hormone canxitonin bảo vệ cấu trúc xương và đưa canxi từ máu, mô mềm trở về xương, ngăn ngừa loãng xương hiệu quả. Đồng thời, ngăn chặn hormone tuyến cận giáp PTH, ngăn quá trình hủy xương.

Khi cơ thể thiếu magie sẽ gây ức chế tăng trưởng osteoblast, tăng số lượng hủy cốt bào. Magie cũng góp phần chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động, từ đó kích hoạt quá trình hấp thu canxi tại xương.

5. Khi cơ thể thiếu magie sẽ có triệu chứng gì?

BS có thể chỉ ra những triệu chứng khi cơ thể thiếu magie?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Các triệu chứng thiếu magie bao gồm: Chán ăn; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Mệt mỏi, lờ đờ.

Các triệu chứng thiếu magie trầm trọng hơn bao gồm: Chuột rút cơ bắp; Tê, ngứa ran; Co giật; Thay đổi hành vi; Thay đổi hoặc co thắt nhịp tim.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa sự thiếu hụt magie với các tình trạng sức khỏe bao gồm: Bệnh Alzheimer; Đái tháo đường type 2; Bệnh tim mạch và chứng đau nửa đầu; Tăng huyết áp; Vôi hóa động mạch (có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh tim, nguy hiểm hơn là bị ngưng tim và đột quỵ);

Giấc ngủ thường bị gián đoạn; Cơ thể bị suy giảm năng lượng, thường xuyên mệt mỏi, suy nhược tinh thần; Thường cảm thấy lo lắng và dễ bị trầm cảm (đặc biệt nổi bật với cảm giác lo âu, bồn chồn,...); Sức khỏe xương bị ảnh hưởng.

6. Thực phẩm nào giàu magie?

Chúng ta có thể tìm thấy magie trong những thực phẩm nào?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng magie cao bao gồm các loại hạt, rau xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.

Ví dụ như: Rau bina luộc; Cải bó xôi; Dầu đậu phộng; Quinoa đã nấu chín; Socola đen; Hạt bí ngô; Đậu đen; Hạnh nhân; Hạt điều; Cá thu; Cá hồi; Gạo lức; Ngũ cốc, yến mạch; Đậu ngự, chuối; Bơ.

Các sản phẩm lúa mì bị mất magie khi lúa mì được tinh chế. Vì vậy tốt nhất nên chọn ngũ cốc và các sản phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt.

7. Nguy cơ khi dung nạp quá nhiều magie

Nếu cơ thể dung nạp quá nhiều magie thì có nguy cơ gì không ạ?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời:

Bảng dưới đây cho thấy nhu cầu magie hàng ngày được khuyến nghị theo độ tuổi và giới tính.

Tuổi Nam Nữ
1 - 3 tuổi 80 mg 80 mg
4 - 8 tuổi 130 mg 130 mg
9 - 13 tuổi 240 mg 240 mg
14 - 18 tuổi 410 mg 360 mg
19 - 30 tuổi 400 mg 310 mg
31 - 50 tuổi 420 mg 320 mg
51+ tuổi 420 mg 320 mg

Khi cung cấp từ các nguồn thực phẩm, cơ thể sẽ tự động loại bỏ lượng magie dư thừa thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu cung cấp một lượng lớn magie từ các chất bổ sung có thể dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn hoặc chuột rút.

Liều rất lớn có thể gây ra các vấn đề về thận, tụt huyết áp, bí tiểu, buồn nôn và nôn, trầm cảm, mất tập trung, mất kiểm soát hệ thần kinh trung ương, ngừng tim và có thể tử vong.

Những người bị rối loạn chức năng thận không nên dùng bổ sung magie trừ khi bác sĩ có khuyến nghị của bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X