Photpho đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương
Trong bài viết này, BS.CK1 Đoàn Thị Liễu đã cung cấp thông tin về vai trò quan trọng của photpho đối với sức khỏe xương. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chỉ ra dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu photpho và hướng dẫn cách bổ sung hợp lý.
1. Photpho có vai trò gì?
Photpho được biết đến là chiếc cầu nối để canxi hấp thu vào cơ thể. BS có thể cho biết “cây cầu photpho” này hoạt động như thế nào để giúp xương chắc khỏe?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Photpho đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương bằng cách làm nền tảng cho việc hấp thụ canxi. Đây là cách mà “cây cầu photpho” hoạt động:
Photpho cùng với vitamin D3 là hai chất kết nối để canxi được hấp thụ vào cơ thể làm nhiệm vụ đưa canxi vào trong tế bào xương. Do đó, khi cơ thể thiếu hụt photpho, lượng canxi đi vào trong xương sẽ giảm, dẫn đến dễ bị loãng xương.
Photpho cũng giúp duy trì nồng độ canxi ổn định trong máu bằng cách kết hợp với canxi và hình thành phức hợp không hòa tan, ngăn chặn sự mất canxi qua nước tiểu.
Ngoài tham gia vận chuyển canxi vào xương, photpho cũng đóng vai trò trong cấu trúc men răng và ngà răng của cơ thể. Cụ thể, thành phần men răng của người được cấu tạo từ hợp chất Canxi Photphat.
2. Photpho có công dụng ra sao?
Ngoài vai trò đối với xương và răng, photpho còn có công dụng gì nữa ạ?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Photpho là thành phần cấu tạo nên các tế bào ADN, ARN trong hệ gen của cơ thể.
Hoạt động của tế bào tạo năng lượng cho cơ thể ATP diễn ra bình thường là nhờ Photpho. Bên cạnh đó, photpho không thể thiếu trong hoạt động lọc chất thải của thận.
Photpho cũng tham gia vào sự co cơ và sự dẫn truyền thần kinh vì thế Photpho có vai trò trong hoạt động thần kinh, hoạt động co bóp cơ tim đều đặn…
Ngoài ra, photpho tham gia vào quá trình hoạt hóa bạch cầu tại ổ viêm, làm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
3. Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu photpho
Làm sao để biết cơ thể chúng ta đang thiếu photpho, thưa BS?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Một số dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu photpho:
- Tình trạng loãng xương, xương yếu, dễ gãy, thường xuyên đau lưng, nhức mỏi xương khớp.
- Mệt mỏi, cáu gắt, thiếu năng lượng.
- Mất cảm giác ngon miệng.
- Chức năng lọc chất thải của thận kém làm ứ đọng chất độc trong cơ thể.
- Sức đề kháng của cơ thể kém đi, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng.
- Thiếu phốt pho nặng khiến nồng độ photpho máu giảm sẽ gây ra triệu chứng hạ phốt pho máu cấp tính như: tan máu do hồng cầu dễ vỡ, nhiễm khuẩn nặng ở các cơ quan, lú lẫn hôn mê….
- Ở trẻ em, việc cơ thể thiếu hụt photpho nghiêm trọng sẽ dẫn đến bệnh còi xương (Nó còn liên quan đến việc thiếu vitamin D khiến ức chế hấp thụ cả photpho và canxi của cơ thể). Biểu hiện của bệnh còi xương là chậm tăng trưởng, yếu cơ, biến dạng xương và đau cột sống.
4. Khi nào cần xét nghiệm định lượng phospho?
Khi nào thì bệnh nhân có chỉ định xét nghiệm định lượng phospho ạ?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Vì lượng phospho thay đổi nhẹ thường không gây triệu chứng nên xét nghiệm phospho thường được chỉ định khi có xét nghiệm canxi bất thường và/hoặc khi có các triệu chứng của canxi bất thường như mệt mỏi, yếu cơ, chuột rút hoặc có rối loạn về xương.
Xét nghiệm phospho cũng có thể được sử dụng để đánh giá chức năng thận (những bệnh nhân có bệnh thận mãn tính, sỏi thận và bệnh nhân chạy thận).
Xét nghiệm phospho kết hợp với xét nghiệm canxi máu có thể được chỉ định theo định kỳ để theo dõi hiệu quả điều trị khi có cả rối loạn phospho và canxi.
Ngoài ra, xét nghiệm phospho cũng có thể được yêu cầu trong các trường hợp nghi ngờ về các vấn đề sức khỏe khác như bệnh nhiễm trùng, bệnh lý nội tiết (đái tháo đường, bệnh tuyến cận giáp), hoặc vấn đề về tiêu hóa.
5. Ăn gì để bổ sung photpho?
Chúng ta nên ăn những thực phẩm gì để đảm bảo nhu cầu photpho mỗi ngày?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Hầu hết các loại thực phẩm đều chứa photpho, photpho trong động vật có hàm lượng cao hơn và dễ hấp thu hơn so với thực vật. Thực phẩm giàu photpho bao gồm:
- Thịt heo và gia cầm
- Cá và các loại hải sản (mực, bạch tuộc)
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: pho mát, sữa chua
- Trứng
- Các lọại ngũ cốc
- Khoai tây, bông cải xanh, hoa quả sấy khô.
6. Cơ thể dư thừa photpho sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Khi cơ thể dư thừa photpho liệu có tác hại gì hay không?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Khi nồng độ photpho trong cơ thể quá dư thừa sẽ gây ra những biểu hiện có hại cho cơ thể như:
- Ảnh hưởng đến cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy cấp khiến cơ thể mất nước.
- Tăng cường sự hấp thụ magie, canxi vào máu khiến cho lượng canxi trong máu bị thừa dẫn tới vôi hóa mạch máu, làm cho mạch máu bị xơ cứng, tim phì đại.
- Dễ hình thành sỏi ở mật do phải thu nạp quá nhiều photpho, tăng gánh nặng lên khả năng lọc của cầu thận.
7. Lưu ý khi bổ sung photpho
BS có thể đưa ra những lưu ý khi bổ sung photpho?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Tỷ lệ canxi, photpho phù hợp trong cơ thể là 2:1. Nếu có lượng photpho nhiều hơn so với canxi trong cơ thể, có thể dẫn đến mất cân bằng canxi và photpho, gây ra các vấn đề về sức khỏe xương như loãng xương hoặc còi xương. Điều này đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trẻ nhỏ.
Cần cân bằng chế độ dinh dưỡng để tránh dư thừa photpho gây hại cho sức khỏe. Người lớn cần khoảng 700 - 900mg photpho/ngày. Việc duy trì một chế độ ăn giàu protein và cân đối đa dạng có thể giúp đảm bảo bạn nhận được lượng photpho cần thiết hằng ngày.
Bên cạnh đó, phải theo dõi cẩn thận các biểu hiện và triệu chứng của sức khỏe khi bổ sung photpho.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình