Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý dùng thuốc giảm đau dạ dày, chữa đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón cho ngày Tết

Dược sĩ Trần Trung Kiên và Dược sĩ Nguyễn Thị Thủy Trúc, Khoa Dược Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM chia sẻ nhiều thông tin thiết thực về các loại thuốc và cách sử dụng để giảm đau dạ dày, chữa đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón cho ngày Tết

1. Đau vùng thượng vị, đau dạ dày khiến những bữa ăn ngày Tết kém vui. Những loại thuốc nào không cần kê đơn có thể giảm những triệu chứng khó chịu này cho người trưởng thành có thể dự phòng ạ?

Hiện tại có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng đau thượng vị hoặc đau dạ dày, được sử dụng rộng rãi nhưng nếu nói về thuốc không kê đơn thì chúng ta có thể lựa chọn các thuốc có thành phần hoạt chất là nhôm hay magnesi với cơ chế trung hòa acid dịch vị.

2. Thuốc chữ P, các loại thuốc sữa mà mọi người hay mô tả để “tráng dạ dày” nên dùng sao cho đúng để tránh lạm dụng mà vẫn hiệu quả? Có nên dùng trước khi ăn các đồ nhiều dầu mỡ, rượu bia để giảm đau dạ dày?

Đối với các thuốc theo cơ chế trung hòa acid dạ dày như thuốc dạ dày chữ P hoặc chữ Y tối ưu nhất là nên sử dụng sau ăn hay vào những lúc cảm thấy đau vì khi đó acid dạ dày tiết ra nhiều để tiêu hóa thức ăn và thuốc sẽ trực tiếp trung hòa lượng acid này, giúp chúng ta giảm đau

Còn đối với một số thuốc có cơ chế tác dụng là tráng dạ dày như sucralfat thì nên được uống lúc đói (thường là 1h trước ăn) để thuốc có thời gian đi xuống đường tiêu hóa và tạo một hàng rào bảo vệ dạ dày khỏi tác động của dịch dạ dày và muối mật.

Vì mỗi thuốc sẽ có một cách bảo vệ dạ dày khác nhau nên o đó, mặc dù là thuốc không kê đơn nhưng người dung vẫn nên đọc kĩ tờ thông tin kê toa của NSX hoặc hỏi thêm thông tin từ nhân viên y tế như DS,BS để có thể sử dụng thuốc một cách hiệu quả nhất.

3. Đầy hơi, chướng bụng cũng là những tình trạng khó chịu gây ám ảnh ngày Tết do ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ. Nhờ DS giải đáp thêm:

- Nên dự phòng các loại thuốc nào không cần kê đơn cho tình huống này?

Nếu nói về thuốc không kê đơn được sử dụng trong trường hợp đầy hơi, khó chịu thì các thuốc có thành phần hoạt chất simethicon hoặc một số loại men tiêu hóa hiện đang được sử dụng nhiều

- Có nên sử dụng men tiêu hóa để giảm đầy hơi, chướng bụng? Nếu dùng thì cần lưu ý gì và thời điểm nào sử dụng là phù hợp, nên dùng trong bao lâu?

Không chỉ riêng men tiêu hóa mà nói chung cho tất cả các loại thuốc dù có kê đơn hay không thì việc sử dụng thuốc luôn đi kèm với nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ do thuốc gây ra, do đó, cách tốt nhất cho mỗi người là tránh ăn uống quá no. Và nếu thật sự cần sử dụng thuốc thì khi dùng chúng ta nên dùng thuốc đúng cách. Đó là khi chúng ta có cảm giác khó tiêu, đầy hơi sau mỗi bữa ăn chứ không cần phải sử dụng liên tục ngày nào cũng dùng hay trước bữa ăn nào cũng sử dụng

4. Vậy còn đối với những trường hợp tiêu chảy, có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn nào cho tình huống này ạ?

Một số loại thuốc phổ biến có thể kể đến Diosmectite (Smecta), loperamide (Imodium), attapulgite (Actapulgite), berberine (Berberine, Berberal). Các thuốc này chống tiêu chảy với nhiều cơ chế khác nhau như bám dính và hấp phụ các tác nhân gây hại, tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc tiêu hóa, kháng khuẩn hoặc giảm nhu động ruột.

- Loperamid được sử dụng phổ biến khi bị tiêu chảy. Những lưu ý gì khi dùng thuốc này, thưa DS?

Loperamid là thuốc có tác dụng làm giảm số lần đi tiêu, giảm mất nước và các chất điện giải, tuy nhiên vẫn cần chú ý bù nước và điện giải khi vẫn còn tiêu chảy. Chúng ta cần lưu ý, đây là thuốc chỉ sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Nếu tự sử dụng loperamid, cần đọc kỹ hướng dẫn về liều trên tờ hướng dẫn sử dụng hoặc sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Vd: ở người lớn, liều đầu tiên sẽ là 4mg, sau đó là 2mg cho mỗi lần tiêu lỏng và không quá 16mg/ngày. Cân nhắc ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế để được thăm khám nếu triệu chứng không cải thiện sau 48 giờ.

Không sử dụng loperamid khi đi tiêu lỏng, kết hợp với máu lẫn trong phân, và có triệu chứng sốt cao, chướng bụng tăng. Nguyên nhân là do khi sốt, tiêu chảy có thể do nhiễm trùng đường tiêu hóa, vi khuẩn có thể sinh độc tố và cơ thể cần thải trừ các chất này. Loperamid làm kéo dài thời gian các chất gây bệnh trong cơ thể, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng loperamid là chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi và táo bón. Cần ngưng sử dụng nếu các tác dụng phụ này trở nên nghiêm trọng hơn.

- Tương tự, với Bismuth subsalicylate cần chú ý những nguyên tắc nào khi sử dụng trong tiêu chảy ạ?

Bismuth subsalicylate về chỉ định ngoài điều trị tiêu chảy còn được sử dụng để điều trị triệu chứng nóng rát dạ dày ở ngừoi lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Thuốc có tác dụng làm giảm kích thích đường ruột và có thể diệt một số vi khuẩn gây tiêu chảy. Bismuth subsalicylate có dạng viên và hỗn dịch uống. Đối với hỗn dịch uống nên lắc đều trước khi sử dụng. Cần tham khảo liều như trong tờ hướng dẫn sử dụng.

Trong quá trình sử dụng thuốc, lưỡi hoặc phân có thể chuyển sang màu xám hoặc đen. Đây là tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên không gây nguy hiểm và thường sẽ biến mất một vài ngày sau khi ngừng thuốc. Một số tác dụng phụ khác tuy hiếm nhưng nguy hiểm, cần ngừng thuốc và đến bệnh viện ngay là bị ù tai, khó nghe. Không sử dụng bismuth subsalicylate cho trẻ em và thanh thiếu niên khi đang có triệu chứng cúm.

- Có nên sử dụng men vi sinh khi bị tiêu chảy? Nếu có thì dùng sao cho đúng, thời điểm dùng và thời gian dùng kéo dài bao lâu, thưa DS?

Men vi sinh được sử dụng để hỗ trợ điều trị tiêu chảy không biến chứng, đặc biệt là tiêu chảy do sử dụng kháng sinh. Men vi sinh chứa lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, phục hồi khả năng tăng hấp thu của niêm mạc ruột, tăng cường hệ miễn dịch, bất hoạt nội độc tố và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Với men ở dạng nước hoặc viên nang, có thể uống nguyên viên. Với men vi sinh ở dạng bột, pha men với nước sôi để nguội, không pha với thức uống chứa cồn, hoặc có nhiệt độ quá nóng. Khi sử dụng men vi sinh, nên uống cách thời điểm sử dụng kháng sinh uống 2-3 tiếng trở lên. Thời điểm sử dụng men vi sinh tùy thuộc vào chủng vi khuẩn chứa trong men, một số loại được khuyến cáo sử dụng trước ăn 30 phút trong khi một số loại thì sử dụng chung vơi thức ăn. Tuy nhiên việc sử dụng vào thời điểm nào không quan trọng bằng việc phải sử đụng men thường xuyên và đều đặn. Thời gian sử dụng men vi sinh có thể kéo dài trong vài ngày cho đến khi triệu chứng cải thiện.

- Nên sử dụng oresol trong tiêu chảy như thế nào ạ?

Trong oresol chứa khoáng chất dưới dạng muối và đường thường được sử dụng trong điều trị mất nước và điện giải ở ngừoi lớn và trẻ em do tiêu chảy. Liều oresol phụ thuộc độ tuổi và cân nặng của người bệnh. Uống oresol theo nhu cầu bù dịch của cơ thể. Cần nhấn mạnh rằng chúng ta cần pha dung dịch uống theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên pha với nước đun sôi để nguội, không pha với nước trái cây, nước khoáng. Không tự ý thay đổi tỷ lệ nước hay chia nhỏ gói bột để pha. Sau khi pha, oresol nên được sử dụng ngay. Nếu trong 24h không sử dụng hết, nên pha gói mới để sử dụng.

5. Đối với trường hợp táo bón, cần chú ý gì khi sử dụng thuốc, thưa DS?

Tết là thời gian chúng ta ăn có nhiều cuộc gặp mặt, và chính vì vậy mà mình sẽ ăn tương đối nhiều hơn bình thường. Đồng thời các món ăn ngày Tết đôi khi không có đủ rau xanh dẫn đến tình trạng táo bón. Thì một vài điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc táo bón đó là:

- Chỉ sử dụng đúng theo liều ghi trên tờ HDSD hoặc hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ

- Trong lúc sử dụng thuốc trị táo bón, cần uống nước đầy đủ và bổ sung chất xơ

- Trong quá trình sử dụng, khi có triệu chứng tiêu chảy hoặc đau trường bụng nhiều thì mình nên ngừng thuốc

- Hiện trên thị trường có các loại thuốc nhuận tràng thông dụng như lactulose (Duphalac), macrogol (Forlax), sorbitol. các loại thuốc này với cơ chế thẩm thấu giúp tăng lượng nước trong đường ruột làm mềm phân giúp dễ đi tiêu hơn.

- Ngoài ra còn có bisacodyl là một thuốc nhuận tràng dạng kích thích nhu động ruột. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây đau quặn bụng nhiều hơn các loại trên nên thường được sử dụng khi không đáp ứng được với thuốc trước.

- Tuy nhiên cần lưu ý một số thuốc này cần 12-24 giờ mới có tác dụng, nên chúng ta không nên nôn nóng mà sử dụng liều cao hơn

- Nếu cần tác dụng nhanh, một số thuốc đặt có thể có hiệu quả nhanh tuy nhiên có thể làm đau quặn bụng

- Thuốc nhuận tràng có thể tương tác với một số thuốc chúng ta sử dụng để điều trị các bệnh khác ví dụ như kháng sinh, một số thuốc tim mạch nên chúng ta cũng cần lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng.

Xin cảm ơn DS ạ!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X