Lựa chọn và sử dụng máy hút ẩm, máy lọc không khí cho người có bệnh dị ứng, bệnh về da
Thời điểm giao mùa, mưa nắng chuyển biến thất thường về nhiệt độ cùng với sự ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng sẽ gây nhiều tác động xấu lên sức khỏe người bệnh dị ứng. Trước tình trạng này, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử - Đại học Y Dược TPHCM đã nhận định rằng người bệnh cần kiểm soát tốt những chất gây dị ứng, nhiệt độ và độ ẩm ở khu vực mình sinh sống để bảo vệ và phòng ngừa tình trạng bệnh tái phát.
1. Người bị dị ứng, mắc bệnh về da cần lưu ý gì trong mùa mưa?
Các triệu chứng dị ứng gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Để ngăn chặn bệnh tái phát, người bệnh dị ứng, người mắc bệnh về da cần chú ý gì trong mùa mưa, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Để ngăn chặn bệnh dị ứng tái phát, đầu tiên người bệnh dị ứng nên tránh những thói quen sai lầm. Cần kiểm soát lại môi trường xung quanh, cụ thể là nồng độ các chất gây dị ứng trong không khí như mạt bụi nhà, nấm móc, lông thú (chó/mèo)…
Hai là cần lưu tâm đến nhiệt độ và độ ẩm trong phòng kín. Việc chú ý đến những yếu tố nhỏ này sẽ giúp người bệnh dị ứng duy trì tình trạng bệnh lý của mình một cách ổn định bên cạnh việc điều trị thuốc dị ứng theo phác đồ của bác sĩ.
Ngoài ra, nên lưu ý uống nhiều nước và đầy đủ, ở người trưởng thành cần luôn cố gắng đảm bảo bổ sung đầy đủ 2 lít nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, cũng cần lưu tâm đến vấn đề vệ sinh cơ thể sau khi đi ở ngoài đường về, đặc biệt là ra ngoài khi trời mưa, về đến nhà cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Cuối cùng là cần lưu ý nếu như có bất kỳ một triệu chứng nào, có thể ở đường hô hấp hoặc ở người bệnh nhẹ sẽ có biểu hiện như ho, hắt hơi hay sổ mũi. Ở những người có bệnh lý về da, bắt đầu sẽ xuất hiện những mảng da gây ngứa, ngứa nhiều hơn hoặc gây viêm, lúc này chúng ta cần lưu tâm và có thể chủ động can thiệp và điều trị sớm. Từ đó, chúng ta có thể làm giảm nguy cơ bùng phát những bệnh lý dị ứng, hô hấp hoặc các bệnh dị ứng về da.
2. Làm sao giảm thiểu sự khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe khi dị ứng tái phát?
Nếu chẳng may tái phát, người bệnh cần xử trí như thế nào để giảm thiểu sự khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Về xử trí sẽ có hai phần là dùng thuốc và không dùng thuốc. Nếu điều trị bằng việc sử dụng thuốc, chắc chắn người bệnh phải tuân theo phác đồ của bác sĩ. Ở một số bệnh lý, ví dụ như viêm mũi dị ứng hoặc mề đay cấp, có thể sử dụng những loại thuốc kháng dị ứng mua được ở ngoài nhà thuốc. Nếu việc sử dụng thuốc không đáp ứng, lúc này người bệnh nên đến phòng khám gặp bác sĩ ngay.
Đối với bệnh hen suyễn, sẽ có thuốc xịt dự phòng là loại thuốc xịt cắt cơn, người bệnh phải sử dụng theo đúng phác đồ của bác sĩ. Đối với các bệnh lý về da khác như chàm da (hay còn gọi là viêm da cơ địa), việc dưỡng ẩm là rất quan trọng, kem dưỡng ẩm và kem trị kháng viêm là hai loại điều trị chính trong việc điều trị viêm da cơ địa. Như trước đó đã nhấn mạnh nhiều lần, nếu việc người bệnh can thiệp bằng thuốc nhưng không hiệu quả nên đến phòng khám để nhận được sự tư vấn bởi các chuyên gia y tế.
Bên cạnh đó còn có những yếu tố không dùng thuốc và người bệnh có thể thử thay đổi, một số trường hợp sẽ làm cho tình trạng bệnh đáp ứng được với thuốc. Bao gồm kiểm soát môi trường xung quanh, điều này rất quan trọng, người bệnh cần xem xét có những chất nào gây dị ứng xuất hiện trong thời gian gần đây không và cũng cần xem lại nhiệt độ và độ ẩm đã phù hợp hay chưa?
Ví dụ ở một số trường hợp bác sĩ từng gặp là bệnh nhân kiểm soát bệnh rất tốt, nhưng đột nhiên có một ngày nhà của họ có khách và dẫn theo một bạn chó, trong khi người chủ nhà lại dị ứng với lông chó và khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn. Một trường hợp khác là bệnh nhân bình thường sẽ không gặp vấn đề nhưng lại đi làm vào một ngày mưa, sau đó đến văn phòng - một nơi có máy lạnh và đóng kín cửa, điều này khiến độ ẩm trong phòng rất cao gây khó chịu, cảm thấy muốn hắt hơi, sổ mũi và hơi nặng ngực. Đó là những yếu tố cần được kiểm soát trong môi trường sống của người bệnh dị ứng.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên duy trì thói quen ăn uống đầy đủ, uống đủ nước, sử dụng vitamin… sẽ giúp hỗ trợ cho người bệnh thực hiện điều trị được tốt hơn.
3. Người bệnh dị ứng cần chủ động xây dựng giải pháp ứng phó như thế nào khi không khí ô nhiễm, giao mùa?
Bệnh dị ứng, bệnh về da có xu hướng tái phát, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm không khí bủa vây cùng với điều kiện thời tiết giao mùa hằng năm. Vì vậy, cần có giải pháp trường kỳ hơn là tạm thời.
- Để bảo vệ sức khỏe về lâu dài, người bệnh dị ứng, người mắc bệnh về da nên chủ động xây dựng cho bản thân giải pháp nào để ứng phó, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Bệnh dị ứng có một đặc điểm là theo mùa. Tuy nhiên, quanh năm vẫn sẽ có những yếu tố làm cho bệnh dị ứng có thể khởi phát. Cần có giải pháp để giúp bệnh nhân có thể ổn định bệnh dị ứng được lâu hơn, đây cũng là mong muốn của tất cả các bác sĩ về dị ứng.
Khi điều trị cho bệnh nhân, trong những phác đồ điều trị bệnh dị ứng đều có thêm một tiêu chí là giáo dục cho người bệnh, gồm giáo dục về lối sống, hiểu biết về bệnh và về cách thay đổi môi trường sống cho phù hợp.
Cụ thể, trong một môi trường sống, chúng ta cần kiểm soát tốt những chất gây dị ứng ở khu vực mình sinh sống. Thứ hai là kiểm soát về nhiệt độ và độ ẩm, duy trì để độ ẩm luôn nằm trong khoảng từ 40 - 50%. Vì độ ẩm ở mức dưới 30% không tốt, trên 50 - 60% cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm trong không khí và bụi mịn ở thành phố khá cao cũng gây tác động không nhỏ đến sức khỏe người bị dị ứng. Chính vì vậy, cũng cần có những biện pháp để hạn chế lượng bụi mịn cơ thể hấp thụ vào càng thấp càng tốt. Theo các nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ bụi mịn PM 2.5 tốt nhất nên dưới 12 microgam/1 mét khối, sẽ ít ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để có thể vừa kiểm soát được nồng độ các chất gây dị ứng vừa kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và lượng bụi mịn, nếu có điều kiện, bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh nên đầu tư những loại thiết bị để lọc không khí trong gia đình hoặc có thể sử dụng các loại máy tạo ẩm nếu độ ẩm quá thấp hay những loại máy có tính năng hút ẩm trong những trường hợp độ ẩm trong phòng quá cao, đặc biệt trong thời điểm mùa mưa. Điều này sẽ giúp cho người bệnh duy trì một môi trường sống ổn. Vì đa số chúng ta dành hết 90% thời gian của mình ở trong phòng ngủ, trong nhà, do đó việc quản lý môi trường sống là cực kỳ quan trọng.
4. Máy hút ẩm mang lại những lợi ích nào trong việc bảo vệ sức khỏe khi độ ẩm tăng cao?
Giao mùa, độ ẩm tăng cao, vì vậy máy hút ẩm là một trong những giải pháp được nhiều người lựa chọn. Xin hỏi, máy hút ẩm sẽ mang lại những lợi ích nào trong việc bảo vệ sức khỏe khi độ ẩm tăng cao ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Việc sử dụng máy hút ẩm trong thời điểm mùa mưa, độ ẩm tăng cao sẽ giúp duy trì được độ ẩm phù hợp với sinh lý và giúp cho những bệnh dị ứng không tái phát. Độ ẩm trong sinh lý bình thường của một con người nằm trong khoảng từ 40 - 50%, đây là ngưỡng mức độ chúng ta nên duy trì.
Một nghiên cứu từ các chuyên gia so sánh trên những ngôi nhà có độ ẩm cao hơn 51% và ở những nơi có độ ẩm dưới 51% thấy rằng, những ngôi nhà có độ ẩm tương đối cao sẽ làm cho tỷ lệ bệnh nhân hen suyễn tăng nhiều hơn. Bên cạnh đó, độ ẩm khoảng trên 50%, mạt bụi nhà sẽ phát triển, trên 60% nấm mốc sẽ bắt đầu phát triển, điều này sẽ không tốt cho bệnh nhân dị ứng.
Máy hút ẩm sẽ giúp duy trì độ ẩm trong thời điểm mùa mưa. Nhưng nếu trong thời điểm đã qua mùa khô, tốt nhất nên chọn những dòng máy có thể duy trì độ ẩm không quá thấp. Trong giai đoạn mùa khô, độ ẩm có thể dưới 30%, điều này sẽ không tốt cho người bệnh. Chúng ta nên chọn những dòng máy có thể duy trì độ ẩm trên 40%, ngay cả trong mùa khô, như vậy sẽ giúp cho người bệnh có được một chế độ sinh hoạt tương đối ổn định.
5. Nên làm gì để giảm tình trạng hắt hơi, sổ mũi liên tục, tay chân nổi mẩn ngứa khi thời tiết thay đổi thất thường?
Thưa BS, những ngày này ở TPHCM buổi sáng thì nắng nhưng tới chiều mưa nhiều, trong nhà có cảm giác độ ẩm rất cao. Mỗi năm tới mùa này em thường hắt hơi sổ mũi liên tục, tay chân thỉnh thoảng nổi mẩn ngứa. Tình trạng này có phải do nhà ẩm không? Em nên làm gì để giải quyết tình trạng này ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đây là một tình huống rất thường gặp của người bệnh dị ứng trong thời điểm mùa mưa. Việc sáng nắng, chiều mưa sẽ khiến cho cơ thể chúng ta cảm thấy khó chịu vì nhiệt độ ngoài trời thay đổi liên tục. Ngoài ra, trong thời điểm này cũng sẽ làm tăng tình trạng nhiễm siêu vi vì thời tiết sáng nắng, chiều mưa sẽ làm cho một số loại siêu vi có thể phát triển tốt hơn.
Trong không gian nhà ở, chúng ta cũng sẽ cảm thấy ẩm, lạnh do hơi nước ngưng đọng nhiều, có thể vào thời điểm này độ ẩm đã trên 50% và tạo điều kiện cho những chất gây dị ứng, mạt bụi nhà là quan trọng nhất, tiếp theo đó là các loại nấm mốc, khi hai loại này đã phát triển sẽ làm cho người bị dị ứng dễ bị kích thích.
Đối với người bị dị ứng, cơ thể của họ đã có tình trạng mẫn cảm với mạt bụi nhà và nấm mốc, khi tiếp xúc nhiều hơn với hai loại này, những triệu chứng dị ứng sẽ bùng lên. Ví dụ ở một người bệnh có tình trạng mẩn đỏ, đây là một biểu hiện của dị ứng. Một số người bệnh khác sẽ có biểu hiện ở đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, hoặc ở những bệnh nhân viêm da cơ địa sẽ có các triệu chứng khác.
Khi đó, đầu tiên là người bệnh nên dùng thuốc kháng dị ứng. Người bệnh có thể sử dụng những loại thuốc kháng dị ứng được mua tại nhà thuốc, không cần kê đơn. Điều quan trọng là người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc phù hợp với cơ địa của cơ thể, lứa tuổi cũng như cân nặng của mình.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể tạo một môi trường sống tốt hơn bằng cách sử dụng những thiết bị làm cho độ ẩm trong nhà phù hợp hơn với cơ thể.
6. Nên sử dụng máy hút ẩm kết hợp với máy lọc không khí sao cho đúng?
Lựa chọn máy hút ẩm mà có cả chức năng lọc không khí thì cần đảm bảo cơ bản các tiêu chí, thông số nào, thưa BS? Với người mắc bệnh dị ứng thì nên sử dụng máy hút ẩm kết hợp máy lọc không khí sao cho đúng ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Câu hỏi này chính là ước mơ của tất cả các bác sĩ chuyên khoa về bệnh dị ứng là người bệnh có thể vừa trang bị được một máy hút ẩm kèm theo tính năng lọc không khí trong nhà. Bởi vì điều này sẽ giúp cho luồng không khí trong nhà được kiểm soát theo tiêu chuẩn như đã đề cập trước đó.
Về tiêu chuẩn đời sống trong nhà cho những người bị dị ứng, thứ nhất là nồng độ các chất gây dị ứng thấp, độ ẩm phù hợp từ 40 - 60% và nhiệt độ phù hợp. Nếu bệnh nhân ở trên nhà phố cần lưu ý lượng bụi mịn PM 2.5 trong nhà tốt nhất là càng thấp càng tốt. Các nghiên cứu cho thấy nên dưới 12 microgam/ 1 mét khối.
Như vậy, bệnh nhân vừa có một thiết bị vừa có thể hút ẩm được kèm theo tính năng lọc không khí sẽ rất tốt, việc có thể đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra sẽ phù hợp hơn. Quan trọng là cần kiểm tra đầu ra, kiểm tra khả năng duy trì được lượng PM 2.5 và độ ẩm như mong muốn, kiểm tra khả năng lọc các chất dị ứng trong nhà… Đối với một máy lọc không khí, chức năng lọc không khí sẽ rất quan trọng nếu như trong nhà có thú nuôi như chó hoặc mèo.
Hiện nay, trên thị trường cũng có rất nhiều dòng máy hút ẩm, một số dòng máy sẽ có kèm theo chức năng lọc không khí. Ví dụ như dòng máy của nhà LG, đây cũng là một trong những sự lựa chọn phù hợp đối với bệnh nhân bị dị ứng.
7. Biện pháp kiểm soát viêm kết mạc dị ứng
Em được chẩn đoán viêm kết mạc dị ứng, đi ngoài trời về là mắt đỏ kè, chảy nước mắt suốt. Nhờ BS chia sẻ giúp em một số biện pháp bảo vệ mắt tốt hơn để tránh tình trạng này, vì khó chịu quá ạ? Em cảm ơn BS ạ.
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với trường hợp của bạn khán giả này có thể khi đi thăm khám sẽ được bác sĩ chẩn đoán bị viêm kết mạc dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng. Đây cũng là một biểu hiện thường gặp đối với một bệnh nhân dị ứng.
Trước đó chúng ta cũng đã đề cập đến vấn đề về dị nguyên và chất gây dị ứng trong nhà/ ngoài trời. Đặc điểm của văn phòng ở trên nhà phố là đóng kín cửa và có máy lạnh, như vậy nồng độ những chất gây dị ứng và độ ẩm sẽ khá cao nếu như không được kiểm soát. Bạn vẫn có thể kiểm soát được nếu ở nhà bạn cũng có một môi trường sống tương đối khép kín, tuy nhiên ở môi trường văn phòng là một trong những nơi khó có thể kiểm soát cho người bệnh.
Khi ra ngoài đường hoặc sau khi từ môi trường văn phòng về nhà, việc đầu tiên cần làm là rửa mặt thật sạch sẽ. Sau đó, có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mắt và nhỏ mũi, như vậy chúng ta có thể làm trôi hết những chất gây dị ứng bám trên mắt hoặc bám trên bề mặt niêm mạc mũi, việc làm này có thể làm giảm triệu chứng và hiệu quả trong việc hạn chế dị ứng ở da.
Hai là bạn có thể bắt đầu sử dụng thuốc chống dị ứng để uống phòng ngừa trước khi đến môi trường làm việc như văn phòng, là một môi trường có nhiều chất dị ứng. Cách thứ ba là nếu được bạn có thể cố gắng thay đổi không khí nơi làm việc trong phòng bằng cách trang bị những thiết bị như máy lọc không khí mini hoặc máy hút ẩm mini. Đây cũng là một sự lựa chọn cho những bạn làm việc văn phòng mắc bệnh dị ứng lâu dài, các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân ứng dụng những cách kiểm soát trên.
Cuối cùng, bạn có thể đến khám bác sĩ chuyên về dị ứng để có thể nhận được một phác đồ điều trị phù hợp với mình.
8. Có nên bật máy hút ẩm cả ngày, cường độ bao nhiêu là hợp lý?
BS cho em hỏi, nhà em đang sử dụng máy hút ẩm LG. Nhưng em có băn khoăn là liệu mình có nên bật máy hút ẩm cả ngày, để khi về nhà thì thông thoáng hết không? Hay khi đi làm về thì nên bật trước khoảng bao lâu là được, vì em thấy LG kết nối để mình điều khiển từ xa được ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Điều bác sĩ băn khoăn đối với trường hợp bật máy hút ẩm cả ngày để nhà thông thoáng là lo sợ hóa đơn tiền điện sẽ trở thành gánh nặng. Nếu chúng ta có thể sử dụng những kết nối thiết bị điện tử từ xa, có thể bật máy lên trước khi về nhà trong khoảng thời gian 30 phút - 1 tiếng. Như vậy, khi về đến nhà, chúng ta vẫn có thể đảm bảo được môi trường trong nhà đang trong trạng thái tối ưu nhất cho sức khỏe.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý đến tính năng máy hút ẩm của nhà mình. Một điều quan trọng nhất là chúng ta cần xem đầu ra của thiết bị, những thông số của máy có đáp ứng được độ ẩm, nồng độ bụi mịn trong không khí phù hợp hay không?...
- Cường độ hút ẩm nên ở mức nào là hợp lý, để môi trường trong nhà khô ráo, dễ chịu mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Cường độ hút ẩm sẽ tùy thuộc vào điều kiện sống trong nhà của mỗi người và cũng tùy vào chế độ lọc của máy. Theo một số khuyến cáo dành cho bệnh nhân dị ứng khi sử dụng những loại máy lọc không khí, hút ẩm hoặc tạo ẩm, chúng ta nên xem kỹ về màng lọc.
Hiện nay, loại màng lọc tốt nhất là HEPA, lọc được những chất gây dị ứng và giữ lại được lượng không khí cơ thể tiếp nhận sẽ là những nồng độ bụi thấp hoặc có chất lượng phù hợp với cơ thể, độ ẩm phù hợp. Vậy, cường độ hút ẩm sẽ tùy vào điều kiện sống trong nhà. Nếu như trong thời điểm khi đo nhiệt ẩm kế thấy độ ẩm quá cao, cần hút ẩm để độ ẩm lui về 40 - 50% là tối ưu nhất.
Nếu nồng độ ẩm trong nhà cao hơn so với mức 50%, chúng ta có thể bật máy lên và thực hiện chỉ dẫn của máy, nếu thấy đã ổn có thể ngừng lại. Trong trường hợp chúng ta thấy độ ẩm xuống thấp, dưới 40%, có thể là 30%, lúc này không nên hút ẩm nữa và nên tìm cách tạo ẩm lại để quay về mức sinh lý bình thường là 40 - 50%.
Phần 1: Làm gì để kiểm soát bệnh dị ứng, bệnh về da trong thời tiết giao mùa?
Trân trọng cảm ơn TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú và LG Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình