Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để kiểm soát bệnh dị ứng, bệnh về da trong thời tiết giao mùa?

Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường làm các bệnh dị ứng, bệnh về da có xu hướng gia tăng. Trước tình trạng này, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử - Đại học Y Dược TPHCM đã chỉ ra những thói quen sai lầm mà người bệnh thường mắc phải để từ đó có hướng phòng tránh và kiểm soát bệnh hiệu quả.

1. Ô nhiễm không khí, bụi mịn, độ ẩm tăng cao vào mùa mưa ảnh hưởng đến các bệnh lý dị ứng nào?

Người bệnh dị ứng thường rất nhạy cảm. Xin hỏi BS, khi ô nhiễm không khí, bụi mịn liên tục ở mức nguy hại cùng với cảnh độ ẩm tăng cao do vào mùa mưa, các bệnh lý dị ứng nào chịu nhiều ảnh hưởng của tình trạng này nhất ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Bụi mịn và ô nhiễm không khí có tác động chủ yếu lên các bệnh lý đường hô hấp. Trong đó, 2 nhóm bệnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là hen suyễnviêm mũi dị ứng.

Các nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh người bệnh tiếp xúc với khói xe hoặc ô nhiễm không khí kéo dài hoặc nồng độ bụi mịn trong không khí cao có thể làm tăng tỷ lệ mắc các đợt cấp của hen suyễn hoặc làm tình trạng viêm mũi dị ứng xảy ra dai dẳng và khó kiểm soát hơn bằng các biện pháp điều trị thông thường.

Bên cạnh đó, độ ẩm có liên quan đến các bệnh lý về da. Khi độ ẩm tăng cao sẽ làm tăng nồng độ dị nguyên (các chất gây dị ứng trong không khí như mạt bụi nhà, nấm mốc,…), vô tình làm cho tình trạng viêm da cơ địa, nhất là cơ địa dị ứng trở nên nặng hơn, khó kiểm soát hơn. Đôi khi tình trạng dị ứng kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Ngoài ra, các yếu tố trong nhà liên quan đến độ ẩm như mạt bụi nhà, nấm mốc,… sẽ gây phản ứng qua đường hô hấp đối với một số người bị dị ứng. Người có tiền căn hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn và khó kiểm soát hơn.

Một yếu tố rất quan trọng là mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn. Khi độ ẩm trong không khí tăng cao sẽ làm các hạt bụi mịn dính lại với nhau, khó di chuyển hơn, do đó sẽ bám dính vào đồ đạc, cũng như việc vệ sinh trở nên khó khăn hơn.

2. Bệnh về da nào phổ biến khi thời tiết chuyển mùa, độ ẩm tăng cao?

Ngay cả những người không bị dị ứng cũng rất khó chịu với tình trạng mưa nắng thất thường, độ ẩm tăng cao như hiện nay. Đặc biệt là các vấn đề về da.

- Nhờ BS chỉ rõ hơn, giao mùa tác động thế nào đến số bệnh nhân đến khám vì bệnh về da tại các bệnh viện?

- Bệnh về da nào phổ biến khi thời tiết chuyển mùa, độ ẩm tăng cao như hiện tại ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay, đang trong giai đoạn mùa mưa, thời tiết sẽ ẩm ướt nhiều hơn dẫn đến tỷ lệ nấm mốc trong không khí tăng cao, ngoài những bệnh dị ứng cũng có thể gây ra các bệnh lý ngoài da như nấm móng, nấm kẽ chân,… vô tình làm nặng hơn các bệnh lý ngoài da ở những người không phải bị dị ứng.

Tóm lại, người bị dị ứng tình trạng sẽ nặng hơn và người không bị dị ứng cũng có thể nhiễm nấm ngoài da thông thường.

Bên cạnh đó, còn có một số bệnh lý khác liên quan đến tình trạng tăng độ ẩm, thời tiết mưa và có thể biểu hiện qua đường tiêu hóa như nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh lý xuất huyết…

Bệnh lý chịu ảnh hưởng nhiều nhất của độ ẩm là viêm da cơ địa, hay còn gọi là chàm cơ địa. Tổng quan chung, bệnh lý này có tể xảy ra cả ở người lớn và trẻ em, trên nền người có cơ địa dị ứng hoặc không. Đối với viêm da cơ địa, bệnh nhân sẽ có tình trạng viêm da mạn tính,  có những đợt lành và những đợt tái phát.

Độ ẩm giao động trong khoảng sinh lý bình thường từ 30 - 60%, nếu độ ẩm dưới 30% người bệnh sẽ bị khô da và viêm da nhiều hơn. Bên cạnh đó, độ ẩm tăng quá cao cũng không tốt, nếu tăng trên 50% mạt bụi nhà sẽ phát triển, độ ẩm tăng trên 60% nấm mốc sẽ phát triển. Trong khi mạt bụi nhà và nấm mốc là 2 tác nhân thường gặp trong không khí có thể làm nặng hơn tình trạng viêm da dị ứng.

3. Dị ứng, bệnh về da nếu không điều trị sẽ gây ra biến chứng gì và tác động ra sao đến tâm lý, chất lượng cuộc sống?

Nhiều người có xu hướng chịu đựng vì nghĩ rằng qua mùa sẽ hết. Các bệnh dị ứng, bệnh về da nếu không được điều trị mà để âm thầm tiếp diễn thì những biến chứng nào có thể xảy ra, thưa BS? Đồng thời, tình trạng này sẽ tác động ra sao đến tâm lý, chất lượng cuộc sống?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Những bệnh về da như viêm da dị ứng hoặc một số bệnh lý không phải dị ứng như nhiễm nấm, đều là những mạn tính có thể tự giới hạn và người bệnh đa phần đã biết rõ tình trạng của mình. Thông thường, bệnh nhân đã có phác đồ điều trị ổn định và có thể tự điều trị với sự đồng hành của bác sĩ dị ứng.

Tuy nhiên, những trường hợp bị ảnh hưởng từ môi trường như độ ẩm và các chất gây dị ứng trong không khí tăng cao sẽ làm tình trạng da khó lành, khó điều trị hơn. Một số trường hợp điều trị bằng thuốc theo phác đồ bình thường nhưng không khỏi, không kiểm soát được, khi đó nên tìm đến cơ sở y tế, phòng khám chuyên về dị ứng để được hỗ trợ thêm về điều trị viêm da cơ địa.

Bên cạnh đó, nếu có các bệnh lý như nhiễm nấm, tốt nhất không nên để quá lâu vì bệnh có thể lây lan khi vô tình để thời gian điều trị kéo dài sẽ làm tổn thương da nhiều hơn và quá trình phục hồi khó khăn hơn, đặc biệt ở những người có bệnh nền như đái tháo đường vết thương sẽ lâu lành hơn.

Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh nên cẩn trọng vì khi viêm da cơ địa nặng sẽ làm tổn thương trên bề mặt da. Từ đó, tạo vết thương cho vi khuẩn dễ xâm nhập vào, dẫn đến tình trạng bội nhiễm ở trẻ bị chàm hoặc viêm da cơ địa và đôi khi phải dùng đến kháng sinh.

Ngoài các bệnh về da có thể ảnh hưởng đến các bệnh lý về đường hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Hen suyễn là một tình trạng bệnh lý có thể gây nguy hiểm nếu bệnh nhân vào đợt cấp mà không được chữa trị kịp thời. Đa phần khi chúng ta kiểm soát hen suyễn, bệnh nhân đều có bình xịt dự phòng và bình xịt cấp cứu. Khi bệnh nhân có các triệu chứng của đợt cấp và xịt thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (3 lần mỗi lần 20 phút) vẫn không khỏi, lúc này phải đến bệnh viện ngay để được hỗ trợ và cấp cứu kịp thời.

Viêm mũi dị ứng là tình trạng bệnh nhẹ hơn, tuy nhiên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi uống thuốc điều trị dị ứng nhưng không kiểm soát được tình trạng viêm mũi dị ứng, lúc đó nên tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

4. Đâu là những khó khăn khi điều trị phòng ngừa các đợt khởi phát bệnh dị ứng?

Theo nhìn nhận của BS, các vấn đề điều trị cũng như phòng ngừa các đợt khởi phát bệnh dị ứng sẽ gặp những khó khăn, thách thức nào trong bối cảnh này ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Khó khăn chủ yếu đến từ việc làm sao để thay đổi môi trường sống của người bệnh. Dị ứng là một bệnh lý có sự tương tác giữa môi trường với cơ chế bệnh sinh của người bệnh, do đó khi điều trị sẽ dùng thuốc, hướng dẫn phác đồ cụ thể cho bệnh nhân.

Tuy nhiên môi trường là yếu tố có thể làm thay đổi tình trạng bệnh, làm tình trạng bệnh ổn định hoặc nặng hơn. Vì vậy cần hướng dẫn người bệnh cách duy trì độ ẩm trong nhà, bụi mịn hoặc có biện pháp phòng ngừa. Khi người bệnh có khả năng thực hiện tốt các vấn đề này sẽ giúp bác sĩ rất nhiều trong việc phòng ngừa bệnh.

5. Những thói quen sai lầm khi mắc bệnh dị ứng, bệnh về da mà người bệnh cần tránh trong mùa mưa

Nhờ BS chia sẻ một (hoặc vài) câu chuyện thực tế gặp trong quá trình thăm khám để đánh động cộng đồng hơn nữa trong việc cần bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa, độ ẩm tăng cao? 

- Các triệu chứng nào cảnh báo bệnh dị ứng tái phát và bệnh da liễu bùng phát người bệnh cần đến bệnh viện, thưa BS?

- Những thói quen sai lầm khi mắc bệnh dị ứng, bệnh về da mà người bệnh cần tránh khi mùa mưa đến để ngăn chặn bệnh chuyển nặng hơn, thưa BS? 

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Bệnh có đặc điểm theo mùa nên hiện nay số ca hen suyễn và viêm mũi dị ứng gia tăng, trẻ có các triệu chứng như ho, khò khè nhiều hơn. Bên cạnh đó, người lớn và trẻ em có viêm da cơ địa hoặc mề đay cũng đến vì bị các đợt cấp. Điều này cho thấy tương tác môi trường khá cao.

Điển hình, một bé 7 tuổi, đã điều trị hen suyễn một thời gian và duy trì khá ổn định, thậm chí không cần xịt dự phòng, bé khỏe mạnh, sinh hoạt như bình thường. Nhưng vào mùa mưa, bé lại mắc các đợt siêu vi, viêm mũi họng và có các triệu chứng như ho, sổ mũi,… Dần dần bé ho nhiều hơn, ho kéo dài, không đáp ứng với thuốc và bắt đầu có triệu chứng khò khè.

Khi đến gặp bác sĩ, bé đã vào một đợt cấp hen suyễn. Với trường hợp này bác sĩ phải tư vấn với gia đình để bé sử dụng lại bình xịt (thuốc kháng viêm điều trị hen suyễn) như trước đây. Từ đó cho thấy, tác động của môi trường đến sức khỏe người bệnh khá nặng nề, nhất là các bệnh nguy hiểm như hen suyễn.

Đối với bệnh hen suyễn, nếu bệnh nhân có các triệu chứng như viêm mũi họng sẽ là yếu tố khởi phát đợt cấp hen suyễn và bệnh có thể nặng hơn khi mùa mưa và độ ẩm tăng cao. Do đó, nếu bệnh nhân ho nhiều hơn, khò khè, không đáp ứng với thuốc hoặc khi gắng sức cảm thấy mệt hơn thì lúc đó phải có bình xịt cấp cứu. Thông thường bác sĩ khuyến cáo, nếu có các triệu chứng đe dọa vào đợt cấp sẽ xịt 2 nhát và chờ 20 phút nếu không hết cơn sẽ xịt thêm 2 nhát nữa, nếu lặp lại 3 lần trong 1 tiếng vẫn không hết thì phải đến bệnh viện.

Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng nếu dùng thuốc kháng dị ứng thông thường nhưng không đáp ứng thì nên đi khám để có phác đồ phù hợp hơn với thời điểm hiện tại.

Đối với da như viêm da cơ địa/chàm, nếu bôi kem dưỡng ẩm, bôi các kem kháng viêm bác sĩ kê mà vẫn bị viêm da, khô da, thậm chí rỉ dịch vàng (nguy cơ nhiễm trùng rất cao) phải đến phòng khám gặp bác sĩ chuyên về da liễu để được thăm khám kịp thời.

Một trường hợp khác cần lưu ý là mề đay cấp tính. Mề đay là những sẩn phù hoặc hồng ban mảng đỏ nổi gồ trên bề mặt da, gây ngứa dữ dội, nguyên nhân do thời tiết lạnh hoặc liên quan đến mạt bụi nhà, nấm mốc. Nếu bệnh nhân có các đợt mề đay cấp tính, xuất hiện nhiều trên cơ thể và không đáp ứng với thuốc dị ứng thì nên đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, vì để lâu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Những thói quen sai lầm trong mùa mưa mà bệnh nhân bị dị ứng, bệnh về da thường mắc phải là: Không quan tâm đúng mức đến không khí trong nhà. Trong mảng dị ứng sẽ có 2 trường hợp là những chất gây dị ứng ngoài trời và những chất gây dị ứng trong nhà. Đối với những chất gây dị ứng ngoài trời, khi người bệnh ra đường và tiếp xúc với các chất như phấn hoa, phấn cỏ,… sẽ gây dị ứng. Tuy nhiên, điều làm bệnh nhân bị ảnh hưởng trong mùa mưa là không khí trong nhà như mạt bụi nhà, vi sinh vật sống trong vỏ chăn, vỏ gối, vỏ nệm hoặc lông thú nhồi bông (chỗ có sợi vải) hoặc nấm mốc từ những chỗ ẩm ướt trong nhà hoặc lông chó, mèo,…

Cần quan tâm đến không khí trong nhà như lượng dị nguyên trong không khí ít hay nhiều; nhiệt độ trong nhà đối với với da, bệnh dị ứng; nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh; độ ẩm cao hay thấp (mùa mưa độ ẩm sẽ tăng cao). Đối với không khí nơi làm việc cũng cần lưu tâm đến các vấn đề trên.

Ngoài ra, có một số thói quen thường gặp mà chúng ta dễ mắc phải trong mùa mưa như: Thứ nhất là tỷ lệ nước uống vào. Thông thường theo khuyến cáo, người trưởng thành nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Tuy nhiên vào mùa mưa cơ thể mát hơn, ít đổ mồ hôi hơn nên chúng ta thường uống ít nước, từ đó sẽ làm đàm, dịch mũi đặc hơn, dẫn đến bệnh khó kiểm soát.

Thứ hai là vấn đề vệ sinh sẽ khó khăn hơn trong mùa mưa. Cuối cùng là thói quen chăm sóc da. Khi về đến nhà cần tắm rửa sạch sẽ vì nước mưa không tốt cho da, đừng cho rằng trời mưa mát mẻ mà không cần tắm rửa kỹ càng.

Một số thói quen cần điều chỉnh trong thời điểm giao mùa và mùa mưa:

- Chú ý kiểm soát không khí trong phòng, cũng như nơi làm việc (chất gây dị ứng, nhiệt độ và độ ẩm)

- Uống nước đầu đủ

- Vệ sinh cơ thể hợp lý sau khi đi ra ngoài và tiếp xúc với trời mưa.

Phần 2: Lựa chọn và sử dụng máy hút ẩm, máy lọc không khí cho người có bệnh dị ứng, bệnh về da

Trân trọng cảm ơn TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú và LG Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X