Hotline 24/7
08983-08983

Lợi ích bất ngờ của việc khóc, không khóc được thì phải làm sao?

Một số người do quá kiềm chế cảm xúc mà lâu dần không thể khóc được. Vậy làm sao để giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực đó, mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của BS.CK2 Trần Minh Khuyên về lợi ích của việc khóc, làm sao để khóc được.

1. Lợi ích của khóc đối với cơ thể

Đối với chúng ta, hồi nhỏ khóc là chuyện thường, còn đã là người lớn thì ít khi khóc. Nhưng dường như khóc cũng có ít nhiều ích lợi. Dưới cái nhìn của y khoa, điều gì xảy ra cho cơ thể khi chúng ta khóc, thưa BS?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Trước hết, nước mắt sẽ làm cho mắt không bị khô, chống mỏi mắt, rửa sạch những bụi bẩn giúp cho mắt ẩm ướt, sạch và tươi sáng.

Khóc là cơ chế phản xạ khá phức tạp. Khi cơ thể nhận những tác nhân môi trường, stress hoặc tác động về tâm lý đến một giai đoạn nào đó cảm xúc sẽ dâng trào. Những luồng thần kinh tiếp nhận sẽ đưa về vùng hạ đồi, nơi có trung tâm điều tiết nước mắt, tạo ra phản xạ khóc.

Khi khóc, cơ thể sẽ tiết ra một số nội tiết tố về hạnh phúc như endorphin - một chất gây khoái cảm, giảm đau, cân bằng trạng thái cảm xúc.

Do đó, khóc là phản xạ tự nhiên giúp cho trạng thái cơ thể được cân bằng và tốt hơn.

2. Khóc giúp ích gì cho người bị mất ngủ, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm?

Riêng đối với những người đang có các vấn đề: mất ngủ, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm… thì khóc có ý nghĩa gì, thưa BS?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Hậu quả của stress lâu ngày sẽ gây rối loạn lo âu, thậm chí là trầm cảm. Tức là những người này có tâm lý và cảm xúc bị dồn nén quá mức, lâu dần sẽ dẫn đến bệnh lý rối loạn lo âu, nếu không điều trị sẽ dẫn đến trầm cảm. Cho nên, khóc sẽ giúp giải tỏa vấn đề tâm lý.

Như bác sĩ vừa chia sẻ, khi khóc sẽ giải tỏa được stress, căng thẳng, bộc lộ được cảm xúc, đưa cảm xúc về trạng thái cân bằng. Trong khi khóc, họ sẽ kể lể, bộc lộ được tâm tư. Sau khi khóc xong, các hormon sẽ được tiết ra và giải tỏa được căng thẳng, nhịp tim chậm lại, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, buổi tối sẽ cảm thấy ngủ ngon hơn.

Nếu chúng ta cố kìm nén cảm xúc, không khóc thì suy nghĩ luôn quanh quẩn những vấn đề đó. Phải vận động cả hệ thống thần kinh để dồn nén cảm xúc, khi đó, nhịp tim có thể tăng, gây tăng huyết áp, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tim mạch và dẫn đến bệnh lý rối loạn lo âu.

Thậm chí có những bệnh nhân bị viêm ruột kích thích, tức là khi căng thẳng quá mức sẽ bị đau bụng, tiêu chảy dồn dập. Do đó, việc cố gắng dồn nén cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến tiềm thức.

Những giấc mơ khi ngủ là sinh lý bình thường của con người. Thông qua giấc mơ đó, các bác sĩ sẽ đoán được bệnh nhân có vấn đề về tiềm thức hay không. Khi ngủ 85% cơ thể sẽ nghỉ ngơi, 15% còn lại sẽ hoạt động và tạo ra giấc mơ, nếu chúng ta có nhiều ký ức xấu thì sẽ gặp ác mộng.

Việc kìm nén cảm xúc sẽ gây ra những giấc ngủ không ngon, không sâu giấc, mệt mỏi sau khi ngủ dậy, gây ra những bệnh lý nặng nề trong rối loạn lo âu, trầm cảm.

3. Những ảnh hưởng tiêu cực của việc kìm nén cảm xúc, không khóc được

Với những người không thể khóc được, rơi vào trạng thái quá mức, trầm cảm. Những ảnh hưởng tiêu cực sau này mà họ gặp phải là gì?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Khi cơ thể bị stress quá mức nhưng không thể giải tỏa thì những ý nghĩ tiêu cực sẽ nằm trong đầu, gây stress nặng, thậm chí những người thần kinh yếu sẽ gây loạn thần cấp. Nhiều người sau khi bị người yêu bỏ những không biết chia sẻ cùng ai thì họ sẽ ngồi nói chuyện một mình, mất kiểm soát về hành vi.

Có trường hợp bệnh nhân đứng 1 chân, dang hai tay, gồng người, miệng nói lảm nhảm suốt đêm. Do vậy việc bị stress, căng thẳng quá mức rất nguy hiểm, có thể dẫn đến rối loạn lo âu, loạn thần cấp, trầm cảm, thậm chí nhiều người đã tự tử.

Nếu mỗi người được trang bị kiến thức về sức khỏe tâm thần thì họ sẽ biết cách vượt qua được những thử thách trong cuộc đời.

alobacsi hay khoc di dung ngai nganBS.CK2 Trần Minh Khuyên - Trưởng khoa Tâm thể, chuyên khoa Tâm thần kinh - trị liệu tâm lý, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1

4. Nam giới có nên khóc không?

Như BS cho biết, khóc có nhiều lợi ích như vậy nhưng thực tế là nam giới ít khóc hơn phụ nữ. Theo BS, việc chúng ta dạy dỗ các bé trai: “con trai thì không được khóc” thì có phải sẽ thiệt thòi cho nam giới không ạ?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Mọi người nhìn nhận phụ nữ thì yếu đuối, thành ra phụ nữ dễ bộc lộ cảm xúc, còn người đàn ông là trụ cột và bảo vệ phụ nữ, gánh vác gia đình. Do đó, từ nhỏ mọi người đã xây dựng hình tượng người đàn ông phải mạnh mẽ, ví dụ khi con bị té thì cha mẹ nói rằng con trai thì không được khóc, (mặc dù chính việc khóc sẽ giúp trẻ giảm đau).

Thực sự, người đàn ông cũng cần phải khóc nhưng quan trọng là khóc thời điểm nào, không gian nào thì đúng mực. Ví dụ, ông giám đốc không thể đứng trước hàng ngàn nhân viên mà khóc bù lu bù loa. Người đàn ông nên kiềm chế cảm xúc, giải quyết công việc bằng lý trí, không được đau buồn, khóc lóc khi gặp khó khăn. Nhưng sau khi giải quyết mọi việc, người đàn ông có thể khóc ở nơi riêng tư (như trong phòng tắm) để nỗi buồn trôi đi hết.

Khi chia sẻ cảm xúc thì phải đúng người, đúng nơi và đúng đối tượng. Nhiều khi chúng ta bày tỏ cảm xúc với người không đủ thân thiết hoặc người không biết cách chia sẻ thì sẽ nhận được những lời tổn thương hơn.

Do đó, tôi rất ủng hộ việc khóc để giải tỏa stress và người đàn ông cũng phải khóc. Đôi khi đàn ông phải nuốt nước mắt vào trong để giải quyết công việc tốt hơn và làm trụ cột tốt cho gia đình, nhưng các anh cũng nên khóc ở một không gian riêng để cảm xúc được giải tỏa.

5. Buồn muốn khóc nhưng không khóc được, phải làm sao?

Có những người sau khi xảy ra cú sốc tâm lý, họ muốn khóc mà không khóc được, nhờ BS chia sẻ các mẹo giúp họ khóc được, nhất là với nam giới ạ?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Đây là trường hợp tôi gặp rất nhiều. Bác sĩ hỏi lý do sao đi khám bệnh thì bệnh nhân chỉ lạnh lùng nói rằng bị mất ngủ. Ở lứa tuổi 20 thì ít có lý do nào khiến các bạn trẻ mất ngủ. Đây là lứa tuổi vui vẻ, sức khỏe dồi dào thì giấc ngủ sẽ rất tốt. Vì vậy, việc mất ngủ ở lứa tuổi này là có nguyên nhân về tâm lý.

Bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi mở để bệnh nhân trải lòng như tâm trạng như thế nào, để tạo sự gần gũi và cảm nhận được sự thân thương của bác sĩ. Những câu hỏi đúng vào tâm lý thì sẽ khiến họ bật khóc và xả ra những căng thẳng. Khi họ dồn nén cảm xúc phải dùng hết lực cơ thể, người gồng cứng, huyết áp tăng, tim đập nhanh hơn. Khi khóc được thì huyết áp, nhịp tim sẽ giảm xuống, người bệnh thả lỏng và bắt đầu tâm sự nhiều hơn.

Có nhiều bệnh nhân bị stress nặng, vết rạch rất nhiều trên tay nhưng chỉ nói rằng mình bị mất ngủ. Nếu bác sĩ khám qua loa và cho thuốc ngủ thì bệnh nhân không thể giải tỏa được tâm lý. Vì vậy, việc quan sát, quan tâm, chia sẻ của bác sĩ sẽ giúp cho việc điều trị tốt hơn rất nhiều.

6. Ở đâu có phòng trị liệu giúp bệnh nhân dễ khóc?

Ở nước ngoài có các phòng trị liệu giúp cho bệnh nhân khóc, ở Việt Nam thì chúng ta có thể đến các cơ sở nào để được hỗ trợ khi muốn khóc mà không khóc được, thưa BS?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Ở nước ngoài sẽ những căn phòng xả stress, có tivi, xe cộ cũ, hình nộm, bệnh nhân sẽ đập phá những vật dụng này để giải tỏa cảm xúc.

Vài năm trước, ở Hà Nội, có một bạn trẻ cũng thực hiện mô hình này. Nhiều người không hiểu sẽ cảm thấy kỳ lạ, nhưng về mặt tâm lý, việc này giúp giải tỏa cảm xúc rất tốt.

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ức hiếp thì sẽ dán hình ảnh người đó lên hình nộm và đánh đấm thoải mái. Một lúc sau, bệnh nhân sẽ thấm mệt và tinh thần được vui vẻ trở lại. Những phòng trị liệu này ở nước ngoài có rất nhiều, còn ở Việt Nam rất hiếm, bởi người Việt chưa quen với cách giải tỏa tâm lý này.

Hiện tại có các chuyên gia tư vấn tâm lý, mọi người có thể đến khám và chia sẻ tâm tư. Trên bàn làm việc của các chuyên gia luôn có khăn giấy, có nước cho bệnh nhân uống để hạ cảm xúc, tạo môi trường thân thiện để bệnh nhân chia sẻ cảm xúc và bật khóc. Sau khi khóc, hiệu quả cải thiện tâm lý rất rõ rệt, khi bệnh nhân ra về, gương mặt sẽ có những nét thư giãn, giải tỏa được ức chế về tâm lý.

Nếu bệnh nhân nặng hơn thì có thể sử dụng thuốc rối loạn lo âu, thuốc chống trầm cảm. Việc kết hợp trị liệu về hành vi và thuốc sẽ mang lại hiệu quả điều trị rất cao.

7. Lời khuyên của bác sĩ với những người kìm nén cảm xúc lâu dài

Lời nhắn nhủ của bác sĩ đến với những người thường hay kìm nén cảm xúc, khiến cho cảm xúc tiêu cực cứ kéo dài?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Trong cuộc sống mưu sinh vất vả, có nhiều vấn đề cần giải quyết như sự nghiệp, cơm áo gạo tiền, trách nhiệm với người thân. Do đó, bản thân mỗi người phải chuẩn bị tâm lý để vượt qua thử thách, không để bản thân hụt hẫng trước mỗi thử thách. Khi chuẩn bị tốt thì mình sẽ tiếp nhận những vấn đề đó một cách bình thản, bình tĩnh giải quyết. Khi cảm thấy bản thân không ổn về mặt tâm lý thì có thể đi gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị hợp lý.

Khi gặp vấn đề chúng ta phải giải quyết, vượt qua và bước tiếp, giống như việc đọc sách, sẽ có vài trang có cảnh không đẹp nhưng không vì thế mà đóng sách lại, chúng ta phải đọc tiếp vì những trang sau sẽ tươi sáng hơn.

Do đó, chúng ta không nên gục ngã, đầu hàng trước những khó khăn của cuộc sống. Thay vào đó, chúng ta đối đầu và vượt qua. Khi rơi vào tâm trạng tiêu cực, chúng ta phải bộc lộ cảm xúc của mình, quan trọng là đúng người, đúng thời điểm, đúng không gian… Khi giải tỏa được cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ thấy mọi việc ổn hơn và bình tĩnh để vượt qua khó khăn của mình.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X