Rau má giúp thanh nhiệt, hạ sốt, chống stress và chữa lành vết thương
Không chỉ là loại rau quen thuộc giúp thanh nhiệt, rau má còn là vị thuốc có nhiều công dụng: hạ sốt, chữa lành vết thương, chống stress, giúp ngủ ngon... và góp mặt trong nhiều bài thuốc.
I. Tổng quan về cây rau má
Tên thường gọi: Rau má
Tên gọi khác: Liên tiền thảo, tích tuyết thảo, phjăc chèn (Tày), tằng chán mía (Dao)..
Tên khoa học: Centella asiatica (L.) Urban, hoặc Hydrocotyle asiatica L.
Phân họ: Họ Hoa tán (Apiaceae).
1. Nhận biết cây rau má
Cây thảo nhỏ, cao 7 - 10cm. Thân mảnh, mọc bò, hơi có lông khi còn non, bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le, nhưng thường tụ họp 2 - 5 cái ở một mấu, phiến lá nhẵn, hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo; cuống lá mảnh, dài 3 - 5cm, có khi đến 7 - 8cm.
Cụm hoa gồm những tán đơn mọc riêng lẻ hoặc 2 - 5 cái ở kẽ lá, mỗi tán mang 1 - 5 hoa (thường là 3) màu trắng hoặc phớt đỏ, hoa giữa không có cuống; tổng bao có 2 - 3 mảnh hình trái xoan, lõm, dạng màng; cánh hoa hình tam giác hoặc trái xoan; nhị có chỉ nhị ngắn, bao phấn hình mắt chim; bầu hình cầu.
Quả màu nâu đen, đỉnh lõm, có 7 - 9 cạnh lồi, nhẵn hoặc có lông nhỏ, có vân mạng.
Mùa hoa quả: tháng 4 - 6.
2. Thành phần dược chất của rau má
Rau má chứa những hợp chất thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau:
- Triterpen: Saponin triterpenic; asiaticosis (madecassol), madecassosid, irahmosid, brahminosid. Ngoài ra, còn có thankunisid và isothankunisid. Các acid triterpenic trong rau má lá acid asiatic, acid brahmic, acid isobrahmic.
- Cây rau má mọc Srilanka chứa tinh dầu; trong đó có á - copaen 14%, â - caryophylen 12%, trans - â - farnesen 53% và á - humulen 9%.
- Các hợp chất polyacetylen: Rau má có 14 chất polyacetylen, trong đó có 5 chất đã được nhận dạng.
- Flavonoid: Các flavonoid gồm kaempferol, quercetin, 3 - glucosyl quercetin, 3 - glucosyl - kaempferol.
- Steroid: Các hợp chất steroid gồm â - sitosterol, stigmasterol và campestrol.
- Dầu béo: Các glycerid của các acid oleic, linoleic, lignoceric, palmitic, stearic, linolenic, elaidic.
- Acid amin: Acid glutamic, serin, alanin.
- Các nhóm thành phần khác: tanin, carotenoid, vitamin C, alcaloid (hydro cotylin), oligosaccharid (centelose).
II. Công dụng của rau má
1. Công dụng của rau má theo đông y cổ truyền
Rau má có vị đắng hơi ngọt, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu, nhuận Can.
Rau má được dùng chữa sốt, đan độc, mụn nhọt, bệnh gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, tả lỵ, tiểu tiện rát buốt, khí hư bạch đới, mất sữa.
2. Công dụng của rau má theo đông y cổ truyền
Các tác dụng của rau má đã nghiên cứu:
- Đối với vết bỏng: Rau má có tác dụng kích thích tái tạo tổ chức tế bào và điều chỉnh quá trình lên sẹo của vết thương do bỏng. Rau má có hiệu lực tốt trong điều trị các tổn thương bỏng nông xen kẽ bỏng sâu. Ở vết bỏng, phát triển tổ chức hạt, lên da non và liền sẹo tốt. Thảo dược này không có tác dụng loại trừ tổ chức hoại tử bỏng và không có tác dụng kháng khuẩn với dạng thuốc đã dùng.
- Điều trị sốc phản vệ, dị ứng cấp tính, rắn cắn: Rau má có tác dụng làm giảm nhẹ cơn dị ứng khó thở, có tác dụng chống co thắt phế quản, kéo dài thời gian an toàn, kháng lại độc lực của nọc rắn, nâng cao tỷ lệ sống.
- Bệnh phong: Hoạt chất asiaticosid của rau má đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bệnh phong. Nhờ tác dụng của rau má, các u nhỏ của bệnh nhân phong bị vỡ ra, những thâm nhiễm lan tỏa mất đi, những vết loét thủng và những thương tổn ở ngón tay lành lại, và đặc biệt những tổn thương ở mắt khỏi nhanh chóng, nếu tiến hành điều trị trước khi hốc sau của mắt bị tổn thương.
- Bệnh lao: Asiaticosid và oxy - asiaticosid (thu được do oxy hóa asiaticosid) được dùng điều trị một số thể bệnh lao.
- Rau má có tác dụng chống phù.
- Nước sắc rau má có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu khuẩn vàng. Rau má có tác dụng kháng Entamoeba histolytica trên cơ thể sống, chống co thắt hồi tràng.
- Các vết thương nói chung: Các hợp chất triterpen được coi là hoạt chất có tác dụng dược lý đáng kể, nhiều thử nghiệm lâm sàng đã xác nhận cao rau má có tác dụng làm lành vết thương. Acid asiatic, acid madecassic và asiaticosid được minh chứng là có giá trị trên sự tổng hợp collagen I ở các nguyên bào sợi của da người. Collagen I góp phần làm lành vết thương.
- Đối với hệ thần kinh: Hỗn hợp brahmosid và brahminosid trong rau má có hoạt tính chống co thắt, hạ sốt, ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần và hạ áp. Rau má có tác dụng gây ngủ, giảm đau. Rau má cũng có hoạt tính chống stress, trong đó có stress gây bởi sự tạo loét dạ dày, giống như hoạt tính của diazepam.
- Đối với 2 chân: Rau má làm giảm sự nặng và phù ở 2 chân, và làm tăng sức căng của tĩnh mạch. Phân đoạn triterpen của rau má có tác dụng trên chuyển hóa của mô liên kết ở thành mạch và trên vi tuần hoàn.
- Rau má có hoạt tính chống virus herpes II, đây là dòng virus gây ra vết loét xung quanh xung quanh bộ phận sinh dục hay trực tràng.
3. Các tác dụng của rau má dùng theo kinh nghiệm dân gian
Ở Trung Quốc, rau má được dùng chữa các chứng bệnh cảm mạo, đau đầu, viêm amidan, mắt đỏ, đau răng, viêm gan siêu vi khuẩn truyền nhiễm, viêm đường tiết niệu, tiểu khó, vết thương do đụng giập, eczema, mẩn ngứa, ho gà.
Trong y học Ấn Độ, rau má là thuốc lợi tiểu, tăng dinh dưỡng và bổ. Nước hãm rau má được dùng ở Ấn Độ và Madagascar để điều trị bệnh phong, các triệu chứng của bệnh và tăng cường sức khỏe chung của bệnh nhân. Thường dùng lá, và cũng có thể dùng toàn cây. Với liều quá cao, rau má là một chất gây mê, gây choáng váng và đôi khi gây hôn mê. Ở Nepal, rau má được dùng làm thuốc bổ thần kinh và đắp lá tươi điều trị vết nứt và vết thương. Ở Thái Lan, rau má là thuốc bổ và trị lỵ.
Ở Madagascar, rau má có tác dụng chữa loét đường tiêu hóa, làm liền sẹo bên trong và bên ngoài. Trong y học dân gian Srilanka, rau má được dùng làm thuốc lợi sữa.
Rau má có trong thành phần một bài thuốc ở Indonesia chữa sỏi và nhiễm trùng đường tiết niệu, và trong một siro chống động kinh ở Ấn Độ, siro này có hoạt tính chống động kinh rõ rệt trong thử nghiệm trên chuột cống trắng.
Trong y học cổ truyền Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc, rau má còn được dùng làm thuốc thanh nhiệt. Công dụng quan trọng nhất của toàn cây là chữa bệnh về da. Dùng lá tươi giã nát, dịch ép tươi, nước sắc hoặc cao, tùy theo bệnh. Nhiều chế phẩm bán không cần đơn được dùng để chăm sóc da (dưỡng da) chứa cao rau má hoặc asiaticosid. Cao được dùng tại chỗ làm thuốc hỗ trợ trị vết thương và bỏng nhẹ, trị sẹo lồi, loét chân, viêm tĩnh mạch, vết thương lâu lành, bệnh cứng bì, lupus ban đỏ, bệnh phong, tổn thương ngoại khoa, viêm mô tế bào và bệnh áp tơ. Cao tinh chế của rau má thúc đẩy nhanh sự lên sẹo và ghép da. Cao rau má uống làm giảm các triệu chứng thiểu năng tĩnh mạch và mạch bạch huyết.
III. Cách dùng - liều dùng rau má
Liều dùng: Ngày dùng 30 - 40g cây tươi, vò nát, vắt lấy nước hoặc phơi khô sắc uống.
1. Một số cách dùng rau má theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương
- Trà giải nhiệt:
Rau má 15,3%, vỏ đậu xanh 15,3%, bạch biển đậu 15,3%, mạch môn đông 15,3%, sinh địa 9,18%, sa sâm 7,65%, lá tre 7,65%, cát căn 7,65%, cam thảo 4,6%, bạch chỉ 2,29%. Hãm uống trong ngày.
- Chữa bệnh ngoài da thể phong nhiệt: chàm khô, tổ đỉa khô, á sừng, viêm da thần kinh, viêm nang lông và vảy nến thể khô:
a) Rau má 16g, chi tử, huyền sâm, thiên môn, đậu đen, ngưu tất, thạch cao, mỗi vị 20g, hoài sơn, lá dâu, mỗi vị 16g, hoàng liên 8g, thiền thoái 6g. Sắc uống ngày một thang.
b) Thuốc xông, ngâm, bôi, chườm: rau má 16g, khổ sâm nam, quyết minh tử, hoàng đằng, mỗi vị 20g, hà thủ ô, cỏ mực, mỗi vị 16g, kinh giới, phèn chua, mỗi vị 12g.
- Chữa tiêu chảy cấp tính:
Rau má sao vàng 10g, biển đậu 12g, hoắc hương, hương phụ, hạt mã đề, mỗi vị 8g, sa nhân 3g, gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm loét dạ dày tá tràng:
Rau má 12g, đảng sâm 16g, hoài sơn, ý dĩ, hà thủ ô, huyết dụ, kê huyết đằng, cam thảo dây, đỗ đen sao, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm bàng quang cấp tính:
Rau má 12g, bồ công anh 20g, mã đề 16g, thài lài tía, chi tử, râu ngô, cam thảo dây, mộc thông, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa vàng da:
Rau má 100g, nhân trần hoặc bồ bồ, chi tử, mỗi vị 30g, vàng đắng 3g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa thiếu máu:
Rau má, đảng sâm, ngải cứu, củ mài, mạch nha, cỏ nhọ nồi, huyết dụ, hoàng tinh, mỗi vị 20g; dừng 4g. Sắc uống ngày một thang, hoặc làm viên uống mỗi ngày 20g.
- Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ, tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang:
Rau má (cả dây và lá) rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước hòa thêm ít đường mà uống. Có thể nhai sống rau với ít muối hoặc luộc ăn như rau. Ngày 30 - 40g.
- Chữa đau bụng kinh, đau lưng:
a) Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô tán nhỏ. Ngày uống một lần, 2 thìa cà phê vào buổi sáng.
b) Rau má khô 200g, nhân hạt đào 200 hạt (bỏ vỏ và đầu nhọn), đều tán nhỏ, viên với mật như hạt ngô. Mỗi sáng uống 30 viên với rượu. ngày uống 2 lần, kiêng xoa bóp.
- Chữa rôm sảy, mẩn ngứa:
Hàng ngày ăn rau má trộn dầu giấm hoặc rau má giã nát vắt lấy nước thêm đường để uống.
- Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, tiểu máu, trẻ em gầy khô, da nóng, không chịu ăn, hoặc nổi mẩn ngứa, đơn sưng; phụ nữ có thai kém ăn, đau bụng, táo bón:
a) Rau má, rau sam, mỗi thứ 50g, giã nhỏ, thêm một chén nước nguội, chắt lấy nước cốt uống.
b) Rau má, rau sam, sắn dây, mỗi vị 30g, sắc uống.
- Chữa liệt nửa người và câm sau khi bị sốt ở trẻ em:
Rau má 10g, đảng sâm 8g, thổ phục linh 8g, giới tử 8g, bạch truật 6g, bạch biển đậu 6g, đương quy 6g, bạch thược 6g, cam thảo 4g, sa nhân 4g, trần bì 4g, thạch xương bồ 4g. Sắc uống.
- Bài thuốc chống lão suy
Rau má 500g, lá dâu non, mật ong, mỗi vị 250g; vừng đen (rang thơm), rễ ngưu tất, rễ ba kích, mỗi vị 150g; rễ hà thủ ô trắng 100g, đường 100g. Các dược liệu phơi khô, tán nhỏ cùng với vừng đen, râu bột mịn, trộn với đường và mật ong, làm thành 100 viên. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 - 2 viên.
- Rau má sắc với thân cây mào gà uống chữa vàng da.
- Dùng rau má đắp ngoài để chữa các vết thương do ngã, gãy xương, bong gân và làm tan ung nhọt.
- Giã rau má với cỏ nhọ nồi đắp làm thuốc cầm máu.
- Ở nhiều nước Đông Nam Á, nhân dân dùng rau má làm rau ăn.
- Ở Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào, dịch ép rau má pha với nước và cho thêm ít đường làm nước giải khát.
2. Một số cách dùng rau má đã nghiên cứu
Trong y học hiện đại, rau má ít được dùng trực tiếp, mà thường ở dạng cao đã được tiêu chuẩn hóa bằng đường uống, tiêm bắp hoặc dưới da. Một pomat đặc chứa 1 -2% cao rau má điều trị có kết quả những vết thương nhiễm bẩn.
Cao rau má điều trị bỏng độ hai và độ ba có tác dụng dự phòng sự co rúm và sưng do nhiễm khuẩn và ức chế tạo sẹo lồi.
Kem chứa 1% cao rau má điều trị loét da nhiễm khuẩn mạn tính. Một cao tiêu chuẩn hóa rau má điều trị có hiệu quả loét chân lâu lành.
Viên nang chứa cao rau má hoặc asiaticosid và kali clorid có hiệu quả như dapson trong điều trị bệnh nhân phong.
Cao rau má tiêu chuẩn hóa được dùng điều trị loét dạ dày tá tràng có tác dụng tốt cải thiện các triệu chứng chủ quan và làm lành các vết loét ở 73% bệnh nhân qua xét nghiệm bằng nội soi và chụp tia.
3. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú
Rau má dùng tốt cho phụ nữ đang cho con bú, giúp tăng tiết sữa.
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với sản phụ. Không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
4. Đối với trẻ nhũ nhi
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với rau má
Rau má có tác dụng độc khi dùng liều rất lớn hoặc dùng thời gian dài. Nó có thể gây mê, nhức đầu, chóng mặt và đôi khi ở người mẫn cảm, có thể dẫn tới hôn mê.
Chống chỉ định rau má đối với người có bệnh tim mạch và chảy máu bên trong.
Khả năng gây ung thư của rau má chưa được nghiên cứu kỹ, tuy rau má có tác dụng gây ung thư nhẹ ở động vật thí nghiệm.
Rau má chứa asiaticosid cũng làm giảm khả năng sinh sản ở chuột nhắt trắng cái, tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể trên phụ nữ.
V. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến rau má
Rau má chỉ thấy ở vùng nhiệt đới Nam và Đông Nam châu Á, các tỉnh Nam Trung Quốc.
Cây ưa ẩm, hơi chịu bóng; thường mọc thành đám ở vườn, bãi sông suối, nương rẫy, bờ ruộng cao và ven rừng.
Rau má sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm; đến mùa đông (ở miền Bắc) hay mùa khô (ở miền Nam) cây có hiện tượng bán tàn lụi. Cây ra hoa quả nhiều vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Do khả năng đẻ nhánh khỏe, cây thường tạo thành từng đám dày hoặc lấn át các loại cỏ khác.
Rau má được trồng bằng từng đoạn thân bò vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa mưa. Trồng một lần, có thể thu hoạch liền trong 2 - 3 năm.
Nếu trồng nhiều, có thể thu gom hạt chín, phơi khô, bảo quản đến tháng 1 - 2 đem gieo.
Rau má trồng được trên nhiều loại đất, tốt nhất là đất pha cát, đất thịt, giữ ẩm tốt, dại nắng.
Từ các đối thân bò xuất hiện rễ và hình thành một cụm mới. Vì vậy, khoảng cách trồng có thể thay đổi tùy theo điều kiện đất đai.
Rau má ít bị sâu bệnh, không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt, nhưng phải thường xuyên giữ đủ ẩm, sạch cỏ. Khi thu hoạch, có thể dùng liềm cắt lấy toàn bộ phần trên mặt đất hoặc nhổ tỉa cả cây. Sau mỗi lần thu hái, cần bón thúc bằng nước phân chuồng, nước giải hoặc đạm pha loãng. Cứ 25 - 30 ngày, thu một lứa, có thể thu quanh năm, trừ những tháng mùa đông giá lạnh (cây ngừng sinh trưởng). Sau khi thu đợt cuối trong năm, nên dùng một lượng phân bón tương tự như lượng bón lót trộn với đất bột, phủ đều lên mặt luống. Nếu có tro bếp thay toàn bộ kali càng tốt. Sang xuân, cây lại tái sinh, tiếp tục cho thu hoạch.
Bộ phận dùng làm thuốc của rau má là toàn cây, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
VI. Bảo quản rau má
Rau má dù ở dạng thực phẩm hay thuốc đều tốt hơn khi dùng tươi, không nên lưu trữ lâu.
Nếu quyết định lưu trữ dạng khô, cần bảo quản trong hũ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá lâu. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.
BS Đoàn Quang Nguyên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình