Hotline 24/7
08983-08983

Lọc màng bụng - hướng đi mới cho người suy thận giai đoạn cuối

Ngày nay, với sự phát triển của y học đã đưa ra nhiều giải pháp điều trị thay thế thận suy, trong đó có lọc màng bụng hay còn gọi là lọc máu tại nhà mang lại lợi ích: nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống.

Điều trị thay thế thận, đâu là giải pháp tối ưu ?

Điều trị thay thế thận hiện có 3 giải pháp chính là ghép thận của người hiến hoặc được lọc máu gồm có chạy thận nhân tạolọc màng bụng (hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc).

Giải pháp thứ 1: Ghép thận

Đây là phương pháp lý tưởng nhất để người bệnh có thể sinh hoạt, lao động gần như bình thường, hạn chế sự kiêng khem và không cần đường vào mạch máu hay ổ bụng. Nhưng đây cũng là phương pháp khó tiếp cận nhất, bởi ngoài điều kiện tiên quyết là nguồn thận hiến, độ tương thích thì vấn đề tài chính, nguy cơ thải ghép cũng là trở ngại lớn nhất cho người bệnh. Hơn nữa, không phải ai cũng đủ sức khỏe để thực hiện cuộc đại phẫu này.

Giải pháp thứ 2: Chạy thận nhân tạo

Khi lựa chọn phương pháp này, máy sẽ thay thận làm việc, khi đó máu được bơm từ cơ thể qua màng lọc của máy lọc máu, loại bỏ các chất cặn bã và quay trở về cơ thể. Thường tiến hành 3 lần/tuần, mỗi lần 3-4 giờ và người bệnh không cần chuẩn bị dụng cụ, được nhân viên y tế thực hiện các quy trình.

Khi thận bị suy mạn nặng, đình trệ hoạt động, điều đó đồng nghĩa với việc lọc máu là suốt đời, cuộc sống của người bệnh và thân nhân gần như gắn liền với bệnh viện. Chưa kể, mỗi lần lọc máu phải bị chích 2 kim và đối diện với nhiều nguy cơ tai biến về tim mạch, nhiễm viêm gan siêu vi, chế độ ăn kiêng, giới hạn lượng dịch nhập nghiêm ngặt gây ám ảnh cho không ít người bệnh chạy thận nhân tạo.

Giải pháp thứ 3: Lọc màng bụng

Là phương pháp sử dụng màng bụng của chính người bệnh làm màng lọc tự nhiên để lọc sạch các chất độc và nước dư thừa do suy thận. Lọc màng bụng đang dần trở thành xu hướng được lựa chọn trong điều trị thay thế thận với nhiều ưu điểm đơn giản, hầu như chỉ sau 3-4 ngày được nhân viên y tế huấn luyện, người bệnh có thể tự thực hiện lọc máu tại nhà.

Lọc màng bụng: giải pháp nâng cao chất lượng - giá trị sống

Đại dịch COVID-19 bùng phát và cướp đi sinh mạng của nhiều người bệnh suy thận giai đoạn cuối khi chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, từ đó lọc màng bụng được nhiều người chú ý hơn.

Thực tế, mặc dù tỷ lệ sử dụng phương pháp lọc màng bụng còn thấp ở các nước đang phát triển như Pakistan, Sri Lanka, Nepal và Myanmar nhưng ngược lại tỷ lệ này khá tốt ở Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ. Các quốc gia này đóng góp nhiều vào dân số sử dụng phương pháp lọc màng bụng trên thế giới.

Ý tưởng về lọc màng bụng đầu tiên xuất phát từ một bác sĩ phẫu thuật người Anh Christopher Warrick vào cuối năm 1740, nhưng phải đến những năm cuối thập niên 1940 phương pháp này mới liên tục được sử dụng thường xuyên hơn.

Đặc biệt, từ khi lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD) được đưa vào ứng dụng cách đây gần ba thập kỷ, phương pháp này càng ngày càng trở nên phổ biến, chủ yếu do tính đơn giản, thuận tiện. Điển hình, tính đến năm 2003, tại Hồng Kông và Mexico là hai nơi có tỷ lệ người bệnh sử dụng phương pháp lọc màng bụng để điều trị thay thế thận cao nhất thế giới, trên 80% người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối.[1]

Ở Thái Lan, lọc màng bụng còn là chỉ định đầu tay để điều trị thay thế cho người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Riêng tại Việt Nam, lọc màng bụng cấp cứu bằng dịch tự pha chế đã được du nhập từ những năm 1970, nhưng đến khoảng 2004 kỹ thuật này mới thực sự phát triển và được triển khai rộng rãi khi hệ thống túi đôi đưa vào Việt Nam cùng với ống thông Tenckhoff đã làm giảm đáng kể các biến chứng. Hiện nay có hơn 50 trung tâm lọc màng bụng trên phạm vi cả nước.

Phương pháp lọc màng bụng với nhiều ưu điểm về lâm sàng được xem là lựa chọn cho người cần điều trị thay thế thận (Ảnh minh họa)

Ngày nay, xu hướng điều trị bệnh không chỉ nằm ở tính hiệu quả, an toàn mà quan trọng hơn cả là kéo dài thời gian sống, chất lượng sống cho bệnh nhân. Qua các thống kê, tỷ lệ sống còn của người bệnh lọc màng bụng cao hơn trong 3 năm đầu tiên lọc máu so với chạy thận nhân tạo.

Cụ thể, các nghiên cứu chỉ ra, lọc màng bụng giúp giảm 11-14% nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm. Đồng thời, người bệnh lọc màng bụng nếu sau này tiến hành ghép thận không chỉ giúp giảm 33-50% tình trạng thận ghép chậm hoạt động và có khuynh hướng kéo dài đời sống hơn từ 3-8% thời gian so với chạy thận nhân tạo. Do đó, với những người bệnh mong muốn được ghép thận, lọc màng bụng là một phương pháp lọc máu tốt giúp duy trì chức năng thận còn lại trong thời gian chờ đợi để ghép.

Hơn nữa, người bệnh còn hài lòng hơn và chất lượng cuộc sống được nâng hơn, bởi chế độ ăn được “nới lỏng” hơn, không phải sử dụng kim tiêm, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm như viêm gan siêu vi.

Vấn đề lớn nhất là giải tỏa áp lực tâm lý. Trong khi người bệnh lọc máu bằng chạy thận nhân tạo phải đến bệnh viện 12-15 lần mỗi tháng thì những người lọc màng bụng được tự thực hiện lọc máu ở nhà, chỉ phải có mặt tại cơ sở y tế mỗi tháng một lần để khám định kỳ và lấy dịch lọc.

Như vậy, người bệnh không phải gắn chặt với bệnh viện thường xuyên như trước, được tự do sinh hoạt, học tập và tự tạo ra kinh tế cho bản thân, gia đình. Điều này rất quan trọng với những người ở xa trung tâm y tế hoặc nơi không có điều kiện chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra, lọc màng bụng có thể áp dụng được cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em, phù hợp với người bệnh mắc bệnh tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp cao… Không những vậy, với phương pháp này, do quá trình lọc máu diễn ra liên tục trong ngày, vì thế sức khỏe ổn định, huyết áp bớt biến thiên.

Đồng thời còn tránh được một số tình trạng như đau nhức cơ, sạm da, mất máu cũng như ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể vốn đã suy yếu. Một lưu ý lớn duy nhất đối với phương pháp này là người bệnh cần tuân thủ việc giữ gìn vệ sinh đúng cách để tránh xảy ra nhiễm trùng.

Có thể nói, lọc màng bụng lấy người bệnh làm trung tâm, mở ra hướng đi mới cho người suy thận mạn giai đoạn cuối. Vì vậy. lọc màng bụng hiện là phương pháp được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam và các Hiệp hội khuyến cáo áp dụng cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Đặc biệt, người bệnh đang chạy thận nhân tạo vẫn có thể chuyển sang lọc màng bụng và ngược lại. Điều này hữu ích trong khi dịch bệnh nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Và lọc máu tại nhà như Lọc màng bụng nên được cân nhắc nhiều hơn theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam.

 

Nguồn tham khảo:

[1] Bộ Y Tế: http://kcb.vn/wp-content/uploads/2016/12/1-114.doc1_.pdf

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X