Hotline 24/7
08983-08983

Lọc màng bụng cho người suy thận: Tận hưởng cuộc sống an nhiên

Nếu trước đây, phần lớn thời gian của người bệnh suy thận giai đoạn cuối gắn bó với bệnh viện thì giờ đây với phương pháp lọc màng bụng nhiều nỗi lo đã được giải quyết. Người bệnh có thể lọc máu tại nhà, được tự do tận hưởng cuộc sống, cống hiến hết mình cho sự nghiệp.

Lựa chọn lọc màng bụng, bệnh nhân có thể tự lọc máu tại nhà, tự do tận hưởng cuộc sống (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Lọc màng bụng: Không kén người bệnh

Khi suy thận tiến triển đến giai đoạn cuối thì người bệnh cần được điều trị thay thế thận suy bằng cách hoăc ghép thận của người hiến hoặc được lọc máu gồm có lọc màng bụng hay chạy thận nhân tạo. So với các phương pháp khác, lọc màng bụng được đánh giá là có nhiều ưu điểm, đặc biệt là đối với người bắt đầu điều trị thay thế thận. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng tiêu cực đến người suy thận giai đoạn cuối thì lọc màng bụng cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam  khuyến cáo nên áp dụng.[1]

Nếu ghép thận có ưu điểm vượt trội giúp cuộc sống trọn vẹn hơn nhưng vấn đề nan giải không chỉ nằm ở kinh tế mà quan trọng nhất là phải tìm được thận hiến phù hợp. Hay nếu chạy thận, mặc dù người bệnh không cần đầu tư máy móc, được nhân viên y tế thực hiện các quy trình nhưng phần lớn thời gian sống còn lại đều gắn bó với bệnh viện.

Trong khi đó, với phương pháp lọc màng bụng, người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ mỗi tháng 1 lần, chế độ ăn kiêng cũng ít nghiêm ngặt hơn, huyết áp ổn định hơn, ít bị nhiễm trùng máu và viêm gan siêu vi hơn so với các phương pháp khác.

Hơn nữa, lọc màng bụng giúp quá trình lọc máu diễn ra liên tục, vì thế sức khỏe bệnh nhân ổn định, tránh được một số tình trạng như đau nhức cơ, sạm da, mất máu cũng như ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể vốn đã suy yếu. Chưa kể, với phương pháp lọc màng bụng, người bệnh còn duy trì chức năng thận tồn dư lâu hơn, có thể áp dụng được cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với người lớn tuổi, trẻ em, người bị các bệnh lý tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, người bệnh đái tháo đường.

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là người bệnh có thể linh động thời gian và không gian trong khi lọc máu, đó có thể là tại nhà, tại nơi làm việc, ngay cả khi đi du lịch, công tác, miễn là đảm bảo môi trường thay dịch được vệ sinh sạch sẽ. Các quy trình thực hiện đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện thuần thục sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn.

Những điều cần biết khi lọc màng bụng

Lọc màng bụng có thể thực hiện bằng tay hoặc bằng máy tự động. Người bệnh thường sẽ được phẫu thuật nội soi đặt ống thông vào trong ổ bụng. người bệnh sẽ được huấn luyện thao tác thay dịch tại bệnh viện, sau vài ngày thành thục sẽ được xuất viện, điều trị ngoại trú.

Trong đó, với phương pháp lọc màng bụng thay dịch bằng tay, thông thường dung dịch lọc được cho vào khoang màng bụng, sau ngâm khoảng 6 giờ sau dịch này được xả ra và cho dịch mới vào.

Còn nếu lọc màng bụng bằng máy, trước khi ngủ người bệnh sẽ kết nối ống thông của mình với máy lọc tự động, máy sẽ tự động thực hiện các chu kỳ thay dịch từ bơm dịch vào khoang bụng để ngâm, xả dịch để rút độc chất ra ngoài, quy trình bơm ngâm - xả dịch hoạt động từ 8-10 tiếng. Để tối ưu điều trị, người bệnh có thể khởi động máy trước khi đi ngủ, sáng thức dậy thì đã hoàn tất chu trình. Người bệnh có thể rút kết nối, sau đó sinh hoạt, ăn uống gần như người bình thường mà không phải quá kiêng cữ như trước đây.


Với phương pháp lọc màng bụng, người bệnh sẽ được phẫu thuật đặt ống catheter trong ổ bụng  (Ảnh minh họa, Nguồn internet)

Tuy nhiên, một điểm quan trọng cần lưu ý, đó là người bệnh lọc màng bụng cần phải tuân thủ nghiêm các quy tắc vệ sinh. Trước khi thực hiện thao tác thay dịch, cần vệ sinh tay đúng cách, đeo khẩu trang theo đúng quy định. Kiểm tra chân ống thông  hàng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng tại chân ống, không nên mặc áo quá bó hoặc đeo thắt lưng chèn vào chân ống thông và giữ xa ống thông những vật sắc nhọn như dao, kim, kéo.

Lọc màng bụng có được bảo hiểm y tế chi trả ?

Chi phí điều trị và khả năng chi trả là những vấn đề cũng khiến nhiều người bệnh phân vân khi lựa chọn giải pháp lọc màng bụng. Tuy nhiên dù chọn phương pháp nào đi nữa thì người bệnh nếu có BHYT thì có thể yên tâm, chỉ trả phần chênh lệch tùy theo mức tham gia BHYT.

Với lọc màng bụng, chi phí cho dịch lọc, thuốc và các vật tư tiêu hao khoảng hơn 9 triệu đồng/tháng/người bệnh. Đối với một số người bệnh thì là một khoản chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, nếu người bệnh có thẻ BHYT thì hoàn toàn có thể yên tâm. Kỹ thuật lọc màng bụng đã được BHYT chi trả, tùy theo mức độ bảo hiểm người bệnh tham gia 100% hay 80% sẽ được nhà nước chi trả theo mức tương ứng.

Thực tế, qua nhiều con số thống kê cho thấy chi phí để lọc màng bụng thấp hơn, bởi khi chạy thận nhân tạo, người bệnh còn tốn rất nhiều khoản phí “vô hình” khác, từ việc đi lại, ăn uống đến công làm của người bệnh và thân nhân đi cùng.

Đó là chưa nói đến tính hiệu quả cũng như chất lượng sống của người bệnh. Điều này giúp giảm tải chi phí nằm viện, sinh hoạt, chăm nom và còn giảm đáng kể tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Ngày nay, nếu lựa chọn được phương pháp điều trị tối ưu kết hợp với lối sống lạc quan, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh suy thận giai đoạn cuối hoàn toàn có thể gia tăng tuổi thọ, sống an nhiên.

 

Nguồn tham khảo:

[1] http://kcb.vn/wp-content/uploads/2021/03/QD-ban-hanh-HD-benh-than-giai-doan-cuoi-final.signed.pdf

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X