Hotline 24/7
08983-08983

Lắng nghe tiếng thở của trẻ để phân biệt bệnh nặng hay nhẹ

Theo TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, dấu hiệu quan trọng và then chốt giúp phân biệt bệnh nặng hay nhẹ ở trẻ đó là tiếng thở. Đây cũng điều mà ba mẹ giúp con được cứu chữa kịp thời, nhất là trong thời tiết chuyển mùa.

Lắng nghe tiếng thở của trẻ để phân biệt bệnh nặng hay nhẹ TS.BS Trần Anh Tuấn hiện là bác sĩ cao cấp, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi Việt Nam.

Giao mùa, bệnh Hô hấp ở trẻ tăng cao

Thưa bác sĩ, bệnh hô hấp tăng vọt, đa số các trẻ mắc các bệnh lý nào về đường hô hấp? Năm nay có biến chuyển và số lượng các bệnh nhân có gì thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Theo kinh nghiệm khám chữa bệnh của tôi trong nhiều năm nay, các tỉnh ở phía Nam từ tháng 8 đến tháng 11 là tháng cao điểm của bệnh Hô hấp.

Vào thời điểm này, không chỉ viện Nhi mà tất cả các bệnh viện ở phía Nam đều quá tải, bởi số lượng bệnh nhân thăm khám và điều trị đông.

Trong thời gian qua, dưới tác động của dịch COVID-19 tất cả khoa Nhi của bệnh viện trong cả nước về số lượng bệnh nhân tới khám và nhập viện có giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại lại có sự gia tăng đáng kể, mặc dù không cao bằng cùng kỳ năm ngoái nhưng rõ ràng số lượng bệnh nhân tăng gấp đôi so với trước đây.

Đa số các trường hợp vẫn là nhiễm trùng hô hấp cấp tính, chiếm 70%, có thể do bệnh lý ở Tai mũi họng như viêm họng, viêm mũi họng, viêm tai,… nhưng đây là trường hợp nhẹ nếu được chăm sóc tốt thì các bé sẽ khỏi trong vòng 10-14 ngày.

Còn đối với tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn, các bé bị viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đây là 2 nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhi nhập viện.

nhịp thở ở trẻ

Nhịp thở sẽ giúp chẩn đoán dấu hiệu viêm phổi ở trẻ

Nguyên nhân khiến trẻ gia tăng các bệnh lý hô hấp trong thời gian gần đây?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp:

Thứ nhất, do thời tiết thay đổi từ những tháng trời nóng sang những tháng trời mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn phát triển mạnh. Do đó, sức đề kháng của các bé cũng rất yếu để chống chọi lại được.

Thứ 2, ở các bé có cơ địa suy dinh dưỡng, không được tiêm ngừa đầy đủ, dị tật bẩm sinh, bệnh lý khác (bại não),... thì nguy cơ mắc bệnh sẽ rất đáng kể.

Dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu

Khi trẻ mắc các bệnh hô hấp, đa số sẽ hết bệnh trong vòng 10-14 ngày. Vậy trường hợp nào cần đưa trẻ đi cấp cứu để tránh biến chứng nguy hiểm?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Hiện tại, chúng ta vẫn phải cảnh giác với dịch COVID-19, và ngành y tế cũng có khuyến cáo là hạn chế đưa các cháu tới cơ sở y tế nếu không thật sự cần thiết.

Nhưng ngược lại cũng có trường hợp cha mẹ đưa cháu tới bệnh viện khá trễ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tính mạng trẻ nhỏ.

Vì vậy, trong trường hợp trẻ mắc bệnh Hô hấp với các triệu chứng sau đây thì không được chần chờ mà phải đưa tới bệnh viện ngay đó là:

- Trẻ ngủ li bì không thể lay động được trẻ thức dậy, đây là trường hợp rất nặng.

- Thứ 2, trẻ bị tím tái, đây là triệu chứng của thiếu oxy nặng.

- Thứ 3, đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú hoàn toàn, yếu tới mức chỉ bú chưa được 1 nửa sữa mọi khi vẫn uống.

- Thứ 4, với trẻ trên 2 tháng tuổi không uống được bất kỳ chất lỏng nào, kèm nôn ói tất cả mọi thứ.

Tuy nhiên, trong tình huống trẻ bị co giật thì không chần chừ mà phải đưa ngay đi cấp cứu, để cứu mạng sống cho trẻ.

Tình huống thứ 2, trẻ ho kèm khó thở, lúc này nên cho trẻ nằm yên và quan sát dưới lồng ngực, bình thường trẻ sẽ thở ở dưới lồng ngực để đón nhận oxy từ bên ngoài vào, nay phần dưới lồng ngực bị hõm vào mới thở được. Đây là dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể đã bị viêm phổi nặng.

Về nhịp thở của trẻ sẽ thở nhanh hơn bình thường, đây cũng là dấu hiệu sớm nhất giúp chúng ta nghi ngờ trẻ bị viêm phổi. Vì vậy cha mẹ nên được đưa con đến cơ sở y tế nhanh chóng và kịp thời.

Một số tình huống khác phụ huynh cũng nên đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để tránh trường hợp kéo dài không tốt cho trẻ đó là: sốt cao 39 độ từ 2-3 ngày trở lên và không có cách hạ nhiệt. Hoặc ho quá 1 tuần lễ không thuyên giảm, hay ho ra máu, khạc đàm mủ.

Bởi vì trong thời điểm này không chỉ bệnh Hô hấp, dịch COVID-19 mà còn nhiều bệnh khác như sốt xuất huyết cũng cần cảnh giác cao độ.

Quất chưng đường phèn

Quất chưng đường phèn giúp điều trị ho cho trẻ

Bài thuốc điều trị ho cho trẻ

Khi bị bệnh hô hấp, ho là triệu chứng khiến trẻ khó chịu nhất, đồng thời bố mẹ cũng sốt ruột nhất. Xin hỏi BS có cách nào để giảm tình trạng này cho trẻ không ạ? Một số bậc phụ huynh thì cho con dùng chanh đào ngâm mật ong, quất, húng chanh để giải quyết tình trạng này, xin hỏi BS có thực sự hiệu quả không ạ? Nếu được dùng thì cần lưu ý gì?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Trong trường hợp nếu trẻ không có dấu hiệu nguy hiểm như không khó thở, chỉ cảm, ho, viêm hô hấp trên thông thường tthì không chỉ Bộ y tế Việt Nam mà ngay cả Tổ chức y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ có thể dùng thuốc ho, hoặc bài thuốc cổ truyền dân gian lâu đời để điều trị cho trẻ.

Chẳng hạn như các phương pháp bên trên, kèm quất chưng đường phèn, hoa hồng bạch hấp đường phèn, nước ấm pha mật ong là những bài thuốc dân gian từ rất lâu đời mà chúng ta có thể yên tâm sử dụng cho trẻ.

Tuy nhiên, việc sử dụng mật ong cần lưu ý không nên dùng mật ong nguyên chất cho trẻ em dưới 2 tuổi, mà hãy chọn mật ong đã được tinh chế bởi các nhà sản xuất có uy tín.

Ngoài ra, còn có biện pháp đơn giản và hiệu quả đó là cho trẻ uống nước nhiều sẽ làm dịu họng. Trường hợp trẻ ho có đàm thì việc uống nước đầy đủ là 1 biện pháp điều trị long đàm tốt nhất tương đương với việc sử dụng các loại thuốc.

Thứ 2, khi bị bệnh về Hô hấp trẻ rất dễ mất nước do bé sốt, nôn ói,… việc cho uống nước cũng giúp tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn.

Và ngay cả trong tình hình COVID-19, trong thời gian đầu cần uống nhiều nước vì độ ẩm của nước giúp góp phần bảo vệ niêm mạc đường thở chống lại sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn khác nhau.

Còn nếu không có thời gian pha chế các loại thảo dược thì có thể ghé đến nhà thuốc chọn mua thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược an toàn và phù hợp lứa tuổi của trẻ. Tôi tin rằng tất cả các nhà thuốc, các dược sĩ đều sẵn lòng tư vấn và giúp chúng ta chọn lựa loại thuốc thích hợp cho bé sử dụng.

Cách phòng bệnh đường Hô hấp cho trẻ

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ trước thay đổi xấu của thời tiết? Việc phòng ngừa cho trẻ ra sao?

TS.BS Trần Anh Tuấn trả lời: Có 2 nhóm giải pháp:

Thứ 1, giải pháp trước mắt, trẻ hay mắc bệnh trong thời điểm này là do thay đổi của thời tiết mà trẻ không thích nghi được. Do đó, cha mẹ cần bảo vệ để tránh tác hại của sự thay đổi thời tiết.

Ví dụ như mưa gió cần mặc quần áo cho con đủ ấm, ngược lại khi trời nóng cần nới rộng quần áo để con đủ mát, thoải mái và không khó chịu.

Tiếp đó, nên tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác, dù người khác đang mắc bệnh cảm ho thông thường, nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Cho trẻ uống nhiều nước

Cho trẻ uống nhiều nước sẽ giúp long đờm hiệu quả

Trong thời điểm này, nếu sử dụng phương tiện giải nhiệt là nhu cầu chính đáng nhưng cần sử dụng sao cho phù hợp để tránh tình trạng lợi bất cập hại, nên sử dụng quạt máy, điều hòa phù hợp để trẻ có thể thoải mái trong điều kiện thời tiết nóng bức.

Bên cạnh đó nên cho trẻ ăn uống đủ chất, nhiều hoa quả, sẽ cung cấp nhiều vitamin là cách tăng sức đề kháng tốt trong thời điểm này.

Và cũng đừng quên vấn đề rửa tay cho trẻ, không chỉ phòng ngừa cúm, tay chân miệng hay COVID-19, mà với các bệnh Hô hấp khác được coi đây như loại vắc xin vô cùng lợi hại để phòng chống bệnh, kể cả viêm phổi, viêm phế quản, đó là 2 bệnh khiến các cháu nhập viện trong thời gian này.

Thứ 2, giải pháp lâu dài phải làm mỗi ngày. Khi các bé sinh ra trong giai đoạn còn bú mẹ, cần cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu, càng kéo dài càng tốt, tốt nhất nên bú trong vòng 6 tháng đầu sau sanh.

Người ta đã nghiên cứu một em bé được uống sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu có thể giảm ¼ nguy cơ viêm phổi so với những trẻ không được bú sữa mẹ.

Bên cạnh đó, cần nuôi dưỡng đầy đủ để đạt dinh dưỡng tốt, như vậy sẽ giúp tăng sức đề kháng.

Cha mẹ cũng cần chủng ngừa cho trẻ. Ngoài việc tiêm chủng mở rộng của Nhà nước khá đầy đủ, thì cũng nên chủng ngừa 1 số thuốc chủng ngừa đặc biệt, nhất là ở trẻ có cơ địa đặc biệt như chủng ngừa cúm và chủng ngừa phế cầu.

Ngoài ra, cũng cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thông thoáng, tránh ô nhiễm khói bụi, đặc biệt không cho trẻ hít khói thuốc lá thụ động, vì sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ viêm tai giữa, viêm phổi.

Trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X