Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao phân biệt mình bị đau khớp vai hay cột sống cổ?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh hướng dẫn bệnh nhân cách đơn giản để phân biệt mình bị đau vai hay đau cổ, tổn thương khớp vai hay cột sống cổ để biết nên đi khám ở đâu là chính xác.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh:

Nhiều người bị đau vùng cổ và vai nhưng không biết chính xác là do khớp nào. Để biết rằng mình bị đau vai hay đau cổ, đối với bệnh nhân đơn giản nhất là như thế này:

Nếu mình bị đau cổ, nó sẽ đau ngay ở cổ, có thể nó sẽ lan xuống hết bàn tay.

Nếu mình bị đau ở khớp vai, nó sẽ lan ngược lên chân cổ, nó lan ra mặt ngoài của cánh tay. Đau khớp vai chỉ lan tới chân cổ, không lên đến gáy (ót) được. Nó lan từ mặt ngoài cho đến khuỷu, chứ không xuống ngón tay.

Nếu đau xuống ngón tay, đó là vấn đề của cổ (cột sống cổ).

Để biết mình nên đi khám một bác sĩ chuyên về cổ hay vai, quý vị thử vận động khớp vai. Nếu quý vị vận động khớp vai với các động tác khó như đưa tay sau lưng, động tác xoay tay ngược ra sau (hết tầm vận động của cánh tay) mà thấy đau thì nó thuộc về khớp vai. Vì đó là tổn thương thực thể, nên nó đau ở khớp vai. Mình vận động như vậy mà nó không đau, vấn đề nằm ở cột sống cổ.

Chúng ta đang bị ám ảnh về thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ. Nhiều bệnh nhân đi chụp MRI đòi bác sĩ phải điều trị ở cổ mặc dù họ bị đau vai. Dựa trên phim MRI, họ cứ khăng khăng mình bị thoát vị đĩa đệm cổ. Việc này mọi người hiểu chưa đúng.

Trên 45 tuổi, khi chúng ta đi chụp MRI chắc chắn có thoát vị, ít hay nhiều thôi. Tất cả chúng ta đều già, nhưng chúng ta già không có triệu chứng thì chúng ta sống cuộc sống vui vẻ. Còn khi chúng ta già có triệu chứng, chúng ta phải điều trị.

Quý vị đừng nghĩ chụp MRI lồi đĩa đệm cổ là phải làm điều gì đó cho cổ, không bao giờ nó hết được. Lồi đĩa đệm không liên quan gì đến khớp vai. Khớp vai là vấn đề của vai, khớp cổ là vấn đề của cổ, có thể vùng giao thoa sẽ gần nhau thôi.

Đau vai khi nào cần đi khám?

Khi mới bị đau vai mà chưa đi khám được, lời khuyên đầu tiên là quý vị nên theo dõi tình trạng đau khớp vai của mình. Nếu cơn đau xảy ra sau chấn thương, phải mất một thời gian cơn đau mới giảm từ từ. Nếu cơn đau hết rồi nhưng đau trở lại, đó là điều bất thường. Chắc chắn có một tổn thương trong khớp vai cần được khắc phục ngay.

Lời khuyên thứ hai, nếu quý vị làm một việc quá sức gây đau khớp vai, cơn đau sẽ bớt sau khi nghỉ ngơi. Nếu chúng ta vẫn bị đau sau khi nghỉ ngơi hoặc chúng ta bị đau khi lặp lại một động tác, điều này có vấn đề và chúng ta cần đi khám.

Lời khuyên thứ ba là đừng nghĩ trên đời này chỉ có bệnh thoái hóa cột sống cổ gây đau khớp vai. Nó có rất nhiều bệnh lý ở vùng khớp vai và vùng cổ. Đó là lý do vì sao bác sĩ phải học 15-16 năm mới thành bác sĩ

Quý vị đừng tự chữa trị, nên đi khám bác sĩ để biết được khớp vai cần sửa chữa hay chỉ cần uống thuốc và tập tành.

Trọng Dy (ghi)

Trích: TS.BS Tăng Hà Nam Anh: Ngoài chấn thương, còn nguyên nhân nào khác dẫn đến đau khớp vai?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X