Hotline 24/7
08983-08983

Tư thế làm việc, nghỉ ngơi thế nào để không bị đau cổ vai gáy?

BS.CK2 Trần Khánh Phương - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh 2 cho biết, những người làm các công việc có thể gây ảnh hưởng đến vận động của vùng cổ vai gáy cần lưu ý tập luyện, duy trì tư thế làm việc, tư thế ngủ đúng để phòng ngừa tình trạng đau cổ vai gáy và hỗ trợ điều trị trong trường hợp cơn đau đã xuất hiện.

1. Massage, bấm huyệt, coi chừng bệnh nhẹ hóa nặng

Những người bị đau cổ vai gáy thường đi massage, cạo gió... Sử dụng các phương pháp này lâu dài có ảnh hưởng gì đến vùng vai gáy không, thưa BS?

BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Massage, xoa bóp, bấm huyệt... chỉ tác động đến phần cơ bên ngoài. Những bệnh nhân bị đau vai gáy ở mức ảnh hưởng cơ có thể áp dụng.

Tuy nhiên, có những bệnh nhân đi massage trị liệu đau vai gáy thì bị đơ cả vùng cổ do sử dụng lực quá mạnh trong khi xoa bóp. Cơ bị đau mỏi cần được xoa dịu một cách nhẹ nhàng, nếu ấn, bóp quá mạnh sẽ khiến cơ có phản ứng gồng lại, gây viêm nhiều hơn, đau nặng hơn. Sau khi thực hiện các liệu pháp xoa bóp, massage, chúng ta phải cảm thấy dễ chịu hơn.

Hiện nay nhiều bệnh nhân còn làm phương pháp bẻ khớp. Rất nhiều trường hợp biến bệnh nhẹ thành nặng bởi động tác “bẻ cổ” này.  Có thể bạn chỉ bị mỏi cơ nhưng kỹ thuật viên lại tác động vào sâu bên trong, đẩy cột sống đến mức trật.

Người dân cần xem xét mức độ bệnh để có phương pháp điều trị tương xứng, nên đến những cơ sở y tế uy tín có bác sĩ chuyên khoa để được điều trị thích hợp theo từng thời điểm.

BS.CK2 Trần Khánh Phương - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh 2

2. Phòng ngừa đau cổ vai gáy bằng cách nào?

Thưa BS, những người làm các nghề nghiệp có nguy cơ cao bị đau cổ vai gáy nên làm gì để hạn chế tình trạng đau cổ vai gáy?

BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Những nghề nghiệp sử dụng cổ nhiều hoặc để cổ ở một tư thế quá lâu đều cần lưu ý. Nguyên tắc đơn giản và dễ hiểu để phòng ngừa đau cổ vai gáy là giữ cổ thẳng, xoay chuyển thường xuyên, không duy trì một tư thế trong thời gian dài.

>>> Những nghề nghiệp nào có nguy cơ bị đau cổ vai gáy nhiều nhất?

Hãy điều chỉnh tư thế cũng như bàn, ghế, thiết bị làm việc sao cho cổ không bị cúi gập quá sâu. Khi cột sống bị cúi bẻ một thời gian dài với lực mạnh sẽ không còn ở đúng vị trí sinh lý bình thường.

Trong phòng khám của tôi có để sẵn một bộ bàn ghế và máy tính để làm mẫu cho bệnh nhân biết rằng họ cần sắp xếp góc làm việc như thế nào. Các bạn dùng laptop (máy tính xách tay) thường có xu hướng đưa cổ về phía trước. Đôi khi công việc đòi hỏi bạn phải ngồi một chỗ hàng giờ đồng hồ không thay đổi tư thế, điều này ảnh hưởng rất xấu đến cột sống.

Tôi cũng thường hỏi bệnh nhân: “Bạn có thường ngồi sát vào bàn không?”. Với tư thế ngồi sát bàn, hai cánh tay được đặt trên mặt bàn, cổ không còn phải gánh áp lực từ tay nên có phần nhẹ nhàng hơn nhiều.

Lời khuyên chung cho cộng đồng là cố gắng giữ cổ thẳng và thay đổi tư thế ít nhất 1 tiếng/lần. Đừng bắt cột sống phải chịu tải quá nhiều.

Ngoài yếu tố nghề nghiệp, một số thói quen sinh hoạt cũng gây ảnh hưởng đến cột sống. Đầu tiên là thói quen nằm võng khiến cột sống có độ cong; nằm gối cao khiến đầu và lưng có sự chênh lệch quá nhiều, gây căng phần cổ. Chọn gối có độ dày bằng độ dày của lưng là phù hợp nhất để cơ thể nằm trên một mặt phẳng.

Những việc làm tưởng chừng rất nhỏ nhưng mang tính quyết định vào việc phòng ngừa và điều trị đau cổ vai gáy.

Khi gặp vấn đề về cơ xương khớp, nhất là các vấn đề mãn tính, bệnh nhân nên chú trọng vào các hành động, thói quen hằng ngày. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết tư thế nào là phù hợp nhất với bạn, có thể làm việc, ngủ ngon và duy trì đươc trạng thái cột sống tốt nhất. Thuốc chỉ đóng góp 50%, phần còn lại dựa vào các thói quen trong cuộc sống của bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X