Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao phân biệt bệnh nhược cơ gây yếu cơ với tình trạng mệt mỏi thông thường?

TS.BS Đinh Vinh Quang, trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM chia sẻ một số khái niệm cơ bản về bệnh nhược cơ, cách phân biệt bệnh này với tình trạng mệt mỏi thông thường, cách chẩn đoán bệnh thế nào...

1. Nguyên nhân gì dẫn đến bệnh nhược cơ?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Bệnh lý nhược cơ là bệnh về thần kinh, mặc dù bệnh chỉ chiếm tỷ lệ từ 1/10.000 đến 1/20.000 nhưng một khi đã bị nhược cơ, bệnh sẽ gây ra các triệu chứng và biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là gây yếu cơ.

Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa nhận ra được nguyên nhân chủ yếu của bệnh nhược cơ. Họ thấy rằng có sự hiện diện nồng độ kháng thể kháng acetylcholine (AChR) trong máu, nó phá hủy các tế bào thụ thể này trên tế bào cơ. Vì vậy tín hiệu thần kinh không được dẫn truyền từ não đến cơ để hoạt động. Từ đó, gây yếu cơ. Bệnh này được gọi là nhược cơ.

2. Tại sao bệnh nhược cơ lại được điều trị tại chuyên khoa nội thần kinh?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Cơ chế của bệnh này có sự bất thường, nó gây gián đoạn truyền thông tin về thần kinh đến tế bào cơ. Cho nên, bệnh này do chất dẫn truyền thông tin acetylcholine bị giảm sút trong máu. Từ đó, tín hiệu thần kinh không được truyền qua tế bào cơ khiến cơ không hoạt động, không phải vấn đề bản chất của cơ. Cơ của chúng ta vẫn bình thường nhưng bị thiếu sự truyền thông tin giữa thần kinh và cơ nên cơ sẽ bị yếu đi và giảm sự hoạt động của nó. Do vậy, bệnh nhược cơ được điều trị tại chuyên khoa nội thần kinh.

3. Có phải cứ bị yếu cơ là dấu hiệu nhận biết bệnh nhược cơ?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Bệnh nhược cơ có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tần suất ở nữ giới sẽ tăng gấp đôi so với nam giới. Bệnh nhược cơ ở phụ nữ thường xảy ra dưới 40 tuổi, nhược cơ nam giới thường xảy ra ở người trên 60 tuổi.

Triệu chứng chủ yếu để nhận biết bệnh nhược cơ vẫn là yếu cơ, nhưng có nhiều mức độ yếu cơ: yếu cơ trên mắt, yếu cơ vùng hầu họng, mặt hay ở tay chân, thân người. Trong giai đoạn đầu, người bệnh chưa cảm nhận được sự yếu cơ đó. Càng về sau, triệu chứng sẽ tiến triển và bệnh nhân có thể cảm nhận mình bị yếu cơ.

Đôi khi yếu cơ khiến bệnh nhân nhìn không được chính xác. Ví dụ bệnh nhân nhìn 1người thành 2 người. Triệu chứng này gọi là song thị hoặc nhìn đôi.

Tóm lại, triệu chứng chủ yếu là yếu cơ ở một bộ phận của cơ thể chúng ta hoặc bị hết tất cả các cơ như cơ mặt, tay chân, thân mình… làm cho bệnh nhân khó cử động tay chân, khó thở.

4. Làm sao để phân biệt nhược cơ với tình trạng mệt mỏi, yếu cơ do các bệnh lý khác?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Triệu chứng của bệnh nhược cơ sẽ giúp chúng ta phân biệt tình trạng mệt mỏi và bệnh lý khác của cơ.

Đặc tính thứ nhất, bệnh nhân bị yếu một nhóm cơ, sau đó lan ra các vị trí khác. Trong giai đoạn đầu tiên, nó không có tính chất đối xứng. Ví dụ như chúng ta bị yếu một bên của cơ thể, ở giai đoạn sau tất cả các cơ trong cơ thể của chúng ta mới bị.

Đặc tính thứ hai, yếu cơ xảy ra do bệnh nhân gắng sức. Ví dụ như bệnh nhân làm một công việc nặng, triệu chứng yếu cơ sẽ nặng lên và khi bệnh nhân nằm hay ngồi nghỉ cơ sẽ trở lại khỏe mạnh hơn.

Đặc tính thứ ba, yếu cơ có thể diễn tiến từng đợt và nó dao động trong ngày. Khi ngủ dậy, cơ bệnh nhân không bị yếu, không bị mỏi. Sau một ngày làm việc lao động, cơ sẽ bị mỏi và yếu nhiều hơn. Bệnh cơ sẽ diễn tiến thành từng đợt, không phải yếu cơ trải dài từ ngày này sang ngày khác với mức độ như nhau, nó sẽ có những giai đoạn nặng lên hay thoái lui. Đặc tính thứ ba giúp chúng ta phân biệt bệnh nhược cơ và các bệnh yếu cơ khác.

5. Chẩn đoán bệnh nhược cơ được tiến hành như thế nào?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Khi bệnh nhân có triệu chứng yếu cơ, tính chất sẽ dao động trong ngày và có từng đợt như vậy, các bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng có liên quan đến yếu cơ của bệnh nhân. Ví dụ như từ khi nào bệnh nhân cảm nhận được sự yếu cơ này, bệnh nhân bị yếu cơ ở mắt thì sẽ không mở mắt lên được hoặc nhìn một người thành hai người.

Các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và làm một số liệu pháp để biết bệnh nhân có bị yếu cơ hay không. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhược cơ, họ sẽ làm một số test như tensilon test hoặc neostigmine test để xác định chẩn đoán.

Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành đo điện cơ hoặc các cận lâm sàng khác ví dụ như X-quang, CT ngực, MRI ngực để xác định bệnh nhân có kèm theo các bất thường như u tuyến ức trong vùng ngực hay không.

6. Biến chứng của bệnh nhược cơ là gì?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Biến chứng của bệnh nhược cơ chủ yếu là do vấn đề yếu cơ gây nên. Yếu cơ có thể xảy ra ở vùng mặt, vùng mũi, vùng mắt, vùng họng, tứ chi. Yếu cơ ở vùng nào sẽ gây ra biến chứng ở vùng đó, ví dụ như vùng hầu họng của cơ sẽ gây ra các triệu chứng khó nói, nuốt khó, sặc. Các triệu chứng này sẽ làm cho bệnh nhân bị viêm phổi.

Vấn đề thứ hai, yếu cơ ảnh hưởng đến cơ hô hấp của bệnh nhân sẽ làm cho bệnh nhân khó thở. Đó là triệu chứng nguy hiểm ở các bệnh nhân bị yếu cơ.

Khi bị bệnh như vậy bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, uể oải và nó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Bệnh nhân có thể chán chường hay mặc cảm.

Khi bệnh nhân bị yếu cơ vùng cơ hô hấp, chúng ta sẽ có một số biện pháp hỗ trợ tăng cường hô hấp cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị trầm cảm, chúng ta cần giải thích cho bệnh nhân tình trạng bệnh và dùng một số thuốc để giúp bệnh nhân tránh rơi vào trầm cảm nặng.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X