Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao khi bé bị hôi miệng?

Bé nhà tôi được 18 tháng, có 16 răng. Mỗi sáng và tối, tôi đều rơ lưỡi, răng cho bé bằng nước muối loãng hoặc mật ong nhưng miệng bé vẫn hôi.

Xin hỏi bé có bệnh gì không? - (Mỹ Dung, TPHCM)

Trả lời:
 
BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa dịch vụ 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM)

Miệng bé hôi có thể do nhiều nguyên nhân: do sâu răng, vệ sinh răng miệng kém, do bị bệnh về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hoá, ăn không tiêu, tiêu chảy, trào ngược dạ dày thực quản… Ngoài ra có thể do viêm họng hay viêm đường hô hấp.
 
Ở trẻ 18 tháng khả năng sâu răng ít hơn, nguyên nhân thường gặp nhất là viêm đường hô hấp trên hoặc bị rối loạn tiêu hoá. Muốn khỏi hôi miệng thì phải điều trị bệnh gây nên. Rơ lưỡi bằng nước muối hay mật ong làm sạch miệng nhưng không điều trị triệt để nguyên nhân nên vẫn hôi miệng.
 

Đi tìm từng thủ phạm
 
Vệ sinh răng miệng kém

Nguồn sống chính của những vi khuẩn thường sống trong miệng là các thực phầm còn sót lại ở răng, lợi, lưỡi và bám quanh amiđan. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới hơi thở hôi, đặc biệt nếu những thực phẩm thừa này được tạo điều kiện “ở lại” lâu dài trong miệng.

Khe răng, cao răng hay các lỗ sâu răng có thể là nguyên nhân khiến trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào bị hơi thở hôi (các bệnh viêm nướu, viêm lợi thường gặp ở người lớn hơn là trẻ nhỏ).

Khô miệng

Nếu con bạn thường xuyên thở bằng miệng bởi vì bị tắc mũi chẳng hạn thì vi khuẩn trong miệng sẽ có cơ hội để phát triển, phá quấy.

“Kẻ ngoại xâm”

Một hạt đậu, hạt lạc, một loại đồ chơi nhỏ, hay một số vật thể mà con bạn có thể nhét vào mũi chính là nguyên nhân dẫn tới hơi thở hôi. Đây là nguyên nhân rất phổ biến ở trẻ nhỏ.

Hay mút mát

Nếu bé yêu nhà bạn có thói quen ngậm ngón tay hoặc vú giả thì đây chính là những “vật trung gian” bổ sung thêm vi khuẩn cho miệng. Núm vú giả cũng thường là “bảo tàng” lưu trữ các mẩu thực phẩm từ các bữa ăn trước đó.

Ốm đau và dị ứng

Đôi khi, những bệnh như viêm xoang, viêm amiđan hay dị ứng theo mùa cũng có thể là nguyên nhân gây hơi thở hôi. Một số trẻ bị chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc hay nôn trớ cũng thường có hơi thở rất khó chịu.

Nếu bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân thì cần phải tới bác sĩ chuyên khoa điều trị. Hội chứng này thường đi kèm với các triệu chứng khác như biếng ăn.

Ăn thực phẩm nặng mùi

Nếu con bạn thích các loại thực phẩm gia vị như tỏi, hành thì hơi thở của bé chắc chắn sẽ không thể thơm tho như khi bú sữa mẹ.

Cha mẹ có thể làm gì?

Sau khi cho trẻ đi khám để xác định nguyên nhân thực sự của hôi miệng, nếu bé không có bệnh lý gì, thì trong hầu hết các trường hợp, vệ sinh răng miệng là biện pháp duy nhất.
 
Hãy dạy trẻ cách chải răng thật sạch, bạn có thể giúp bé đánh răng hoặc cùng đánh răng với bé ít nhất 2 lần/ngày trước, đặc biệt là trước khi đi ngủ và phải đánh ít nhất là 1 phút cho đến khi bé được 3 tuổi. Ngoài 3 tuổi, thời gian đánh răng tối thiểu phải là 2 phút/lần. Bạn cũng nên khuyến khích bé đánh lưỡi.
 

Nếu cho bé dùng kem đánh răng thì chỉ nên lấy một số lượng thật ít. Viện Răng hàm mặt Nhi khoa khuyến cáo rằng lượng kem đánh răng cho bé trước tuổi đến trường không nên quá 1 hạt đậu, đặc biệt nếu nó có chứa fluor.

Nuốt quá nhiều fluor có thể dẫn tới các đốm trắng trên răng trẻ khi bé lớn hơn. (Hầu hết trẻ sống ở vùng có nước máy đều hấp thụ đủ lượng fluor cần thiết qua nước uống và thực phẩm nấu từ nước này).

Nếu muốn cho bé đánh răng với kem đánh răng, bạn có thể dùng kem đánh răng trẻ em không có fluor hoặc một chút baking soda (pha vào với nước súc miệng trong trường hợp bé không chịu đánh răng với kem đánh răng).

Thường xuyên cho bé đi kiểm tra răng định kỳ để phát hiện sớm các lỗ sâu răng bé xíu. Nếu bé vẫn có hơi thở hôi, hãy đưa bé đến bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác.

Hãy chắc chắn rằng bé rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước trước khi cho ngón tay vào miệng và cả núm vú giả cũng vậy, cần được tiệt trùng trước khi đưa bé ngậm. Tốt nhất là khuyến khích bé bỏ thói quen này.

Cuối cùng, đừng để bé biết rằng hơi thở mình đang có vấn đề. Hãy cố gắng coi đây là một việc bình thường nếu không muốn bé trở nên tự ti, nhút nhát.

Có nên cho bé dùng nước súc miệng?

Nước súc miệng chỉ là một giải pháp tình thế và đánh răng vẫn là cách tốt nhất đối với các bé.
 
Theo Sài Gòn Tiếp Thị Dân Trí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X