Hotline 24/7
08983-08983

Kiểm soát tốt huyết áp, mấu chốt để phòng ngừa đột quỵ nguyên phát và thứ phát

Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Bệnh viện Quân y 175, cao huyết áp là yếu tố nguy cơ gây ra cả đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não. Do kiểm soát huyết áp là yếu tố tiên quyết và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa đột quỵ nguyên phát (tiên phát) và thứ phát (tái phát).

1. Huyết áp cao cần được kiểm soát song song với điều trị đột quỵ

Đột quỵ do huyết áp cao được điều trị thế nào? Tỷ lệ thành công và phục hồi có cao không, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 trả lời: Đột quỵ não do tăng huyết áp được chia thành hai nhóm chính:

Thứ nhất là đột quỵ nhồi máu não (thiếu máu não), một động mạch não của bệnh nhân bị tắc từ đó gây ra khiếm khuyết thần kinh. Nếu người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 4,5-6 tiếng đầu tại các cơ sở có khả năng cứu chữa đột quỵ sẽ có phương pháp điều trị tái thông. Sau đó có thể giúp hồi phục yếu liệt và các khiếm khuyết thần kinh trước đó.

Sau khi điều trị tái thông, bác sĩ sẽ có những đánh giá, khảo sát, nếu xác định tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ, cần điều trị tăng huyết áp. Người bệnh sẽ uống thuốc huyết áp để kiểm soát huyết áp mục tiêu, song song đó là uống thuốc phòng ngừa đột quỵ như: thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông… Mục đích của các thuốc này nhằm tránh hình thành các cục huyết khối gây đột quỵ thứ phát (cơn đột quỵ tiếp theo).

Bệnh cạnh đó bệnh nhân sẽ dùng thuốc ổn định mảng vữa xơ song song với việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác nếu có.

Thứ hai là đột quỵ xuất huyết não do tăng huyết áp, việc đầu tiên là đánh giá các thể tích khối máu tụ. Các bác sĩ sẽ xem xét thể tích, vị trí khối máu tụ để hướng đến quyết định có can thiệp hay không, bác sĩ có thể thực hiện can thiệp ngoại khoa thể lấy khối máu tụ.

Trường hợp khối máu tụ nhỏ, khối tụ ở sâu và chưa đe dọa nhiều đến tính mạng có thể điều trị bảo tồn, theo thời gian khối máu tụ sẽ tan đi.

Song song đó là kiểm soát huyết áp, với đột quỵ xuất huyết não, việc kiểm soát huyết áp đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa đột quỵ xuất huyết não xảy ra tiếp theo.

Tương tự, sau đột quỵ nhồi máu não hay đột quỵ xuất huyết não cần chăm sóc và điều trị sau đột quỵ về tất cả các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ, tâm lý và các yếu tố khác.

2. Các phương pháp tầm soát và chẩn đoán đột quỵ ở người tăng huyết áp

Người huyết áp cao có nên tầm soát đột quỵ hay không? Phương pháp nào giúp chẩn đoán đột quỵ ở người bị cao huyết áp, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Đối với những người bị tăng huyết áp khuyến cáo nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm. Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp cần tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng lời khuyên của bác sĩ từ việc uống thuốc, cữ thuốc, thời gian uống thuốc.

Ngoài ra các vấn đề liên quan tới ăn uống, dinh dưỡng, ví dụ như hạn chế cholesterol, hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể.

Về vấn đề tầm soát đột quỵ ở người tăng huyết áp, dạo gần đây nhu cầu về tầm soát đột quỵ là nhu cầu bức thiết. Bản chất tầm soát đột quỵ là khám sức khỏe định kỳ, các bác sĩ sẽ khảo sát tim mạch như điện tim, siêu âm tim… khảo sát sinh hóa máu như cholesterol, LDL cholesterol, triglyceride, các chỉ số mỡ máu; kiểm tra đường máu và các thông số khác.

Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng và nguy cơ quá cao của đột quỵ não, bác sĩ sẽ có những khảo sát về hình ảnh học như CT sọ não, MRI sọ não. Các trường hợp CT hay MRI sọ não chỉ được chỉ định cho nhóm cụ thể, không phải bất kể trường hợp tầm soát đột quỵ nào cũng nhất thiết phải có khảo sát đó.

Các khảo sát như CT, MRI sọ não chỉ dành cho nhóm nguy cơ cao như tăng huyết áp, tuổi, nếu có điều kiện bạn có thể khảo sát được. Nhưng cần nhấn mạnh, bản chất của việc tầm soát đột quỵ chính là kiểm tra sức khỏe, thông số gan, thận, tim, mỡ máu, đường máu và tăng huyết áp… định kỳ.

Về phương pháp chẩn đoán đột quỵ ở người tăng huyết áp, riêng vấn đề này, đầu tiên đột quỵ phải xảy ra, nhưng điều này không ai muốn. Bệnh nhân phải có triệu chứng như đột ngột yếu nửa người, đột ngột mất nói, đột ngột méo miệng… đó là các triệu chứng của đột quỵ, dù người bệnh có hay không có tăng huyết áp.

Sau đó có các phương tiện chẩn đoán đột quỵ như CT, MRI sọ não, đây là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học cao cấp có thể giúp xác định chính xác bệnh nhân bị đột quỵ thể nào (nhồi máu não/ xuất huyết não); vị trí đột quỵ.

Trong một số trường hợp có thể có những khảo sát cao cấp hơn, ví dụ như chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA), chỉ định này chỉ được bác sĩ áp dụng cho một nhóm nhỏ bệnh nhân.

Tóm lại, đầu tiên phải có triệu chứng của đột quỵ, tới bệnh viện phải có phương pháp khảo sát tốt nhất để phát hiện đột quỵ như hình ảnh học (CT, MRI) . Trong đó CT sọ não có dựng hình mạch máu não (CTA); MRI sọ não có dụng hình mạch máu não được gọi là MRA.

3. Phòng ngừa đột quỵ người tăng huyết áp bằng cách nào?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Để phòng ngừa đột quỵ, đầu tiên cần lối sống lành mạnh, ngủ nghỉ, giao tiếp, ăn uống, đi lại và cả đời sống tâm lý, để thực hiện lối sống này rất khó.

Lối sống lành mạnh bao gồm cả việc người bệnh cần tập thể dục, mỗi tuần tập 3-4 lần, và mỗi lần ít nhất 30-45 phút. Đặc biệt ở các bạn trẻ nên tập các bài tập có cường độ phù hợp từ trung bình đến cao.

Cần ăn uống khỏe mạnh, cân bằng, hạn chế sử dụng thực phẩm có nhiều cholessterol, các thực phẩm nhiều muối, đặc biệt cần kiểm soát hai yếu tố trên trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên một chế độ ăn cân bằng vẫn mang lại nhiều lợi ích nhất.

Hạn chế uống rượu bia, bỏ thuốc lá.

Nếu có tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu hay mỡ máu, bạn cần uống thuốc, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tất cả các yêu tố nguy cơ. Nếu thực hiện tốt, kiểm soát mỡ máu tốt, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được đột quỵ. Còn nếu có các yếu tố nguy cơ nhưng không kiểm soát huyết áp tốt, đột quỵ có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm để biết cơ thể có vấn đề gì bất ổn hay không. Trường hợp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể hoàn toàn ngăn ngừa được đột quỵ.

Lời khuyên của bác sĩ là thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm để biết cơ thể có vấn đề gì bất ổn hay không

4. Người tăng huyết áp có bắt buộc uống thuốc phòng ngừa đột quỵ hay không?

Người bị huyết áp cao có bắt buộc uống thuốc phòng đột quỵ hay không? Nếu uống thuốc cần uống kéo dài suốt đời hay như thế nào, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Theo các nghiên cứu trên thế giới và khuyến cáo của các hiệp hội uy tin trên thế giới về phòng ngừa tiên phát, hiện tại vẫn chỉ là việc thay đổi lối sống và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, đó là điều trị nguyên phát.

Nghĩa là bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng chưa trải qua đột quỵ, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, trong đó có kiểm soát huyết áp và không cần dùng các loại thuốc phòng ngừa đột quỵ.

Còn trường hợp đã bị đột quỵ, cần sử dụng thuốc phòng ngừa đột quỵ. Ví dụ đột quỵ nhồi máu não cần sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, kháng đông, thuốc kiểm soát mảng vữa xơ, kiểm soát LDL cholesterol. Lưu ý, việc dùng thuốc là suốt đời.

Tương tự với tăng huyết áp, không thể tự khỏi vì đó là bệnh mạn tính. Nếu một bệnh nhân uống thuốc huyết áp một thời gian thấy ổn rồi tự ý ngưng thuốc, có thể trong những ngày đầu huyết áp vẫn bình thường nhưng sau đó sẽ tăng trở lại, diễn tiến từ từ làm ảnh hưởng tới thành mạch, từ đó gây ra đột quỵ nhồi máu não hoặc đột quỵ xuất huyết não.

Vì vậy, trong trường hợp người bệnh đã bị tăng huyết áp và bị đột quỵ, cần uống thuốc ngừa đột quỵ suốt đời. Còn nếu đã bị tăng huyết áp nhưng chưa bao giờ trải qua hay mắc đột quỵ, việc tiên quyết là kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ có thể có. Ví dụ như hạn chế rượu bia, ngưng  hút thuốc lá… đó là những cách thức phòng ngừa đột quỵ hữu hiệu và hiệu quả nhất.

>>> Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X