Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ rất cao của đột quỵ, nếu không kiểm soát tốt, không chỉ gây ra đột quỵ não mà còn ảnh hưởng đến mạch mô khác như mạch vành, gây ra bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim.
1. Tăng huyết áp là một trong các nguy cơ rất cao của đột quỵ
Thưa BS, nguy cơ đột quỵ ở người huyết áp cao như thế nào? Mức huyết áp bao nhiêu dễ dẫn đến đột quỵ ạ?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Tăng huyết áp là một trong các yếu tố nguy cơ của đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não. Những bệnh nhân tăng huyết áp thường ảnh hưởng đến thành mạch gây ra thay đổi lòng mạch máu. Ngoài ra tăng huyết áp có thể làm tăng sự hình thành các mảng vữa xơ, thúc đẩy tạo huyết khối. Các trường hợp hình thành huyết khối thường gây ra đột quỵ nhồi máu não.
Trong các trường hợp tăng huyết áp mạn tính sẽ gây vỡ mạch máu não (xuất huyết não).
Tăng huyết áp cần lưu ý đến trị số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trong đó, nếu ≥ 140/90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Trường hợp chỉ số trên là 140, dưới là 80 hoặc chỉ số trên là 130, dưới là 90 vẫn được xem là tăng huyết áp. Đây là định nghĩa thông thường nhất về tăng huyết áp được sử dụng.
Lưu ý, trị số này cần được đo trong điều kiện tốt, đúng quy chuẩn mới xác định được. Ví dụ như một số người vừa uống cà phê hay vừa hoạt động thể lực sau đó vào đo huyết áp ngay, huyết áp lúc này chưa phản ánh đúng huyết áp thực tế của bạn. Vì vậy việc đo huyết áp chuẩn đóng vai trò rất quan trọng.
Nhấn mạnh, tăng huyết áp là một trong các nguy cơ rất cao của đột quỵ, nếu không kiểm soát tốt, không chỉ gây ra đột quỵ não mà còn ảnh hưởng đến mạch mô khác như mạch vành, gây ra bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim.
2. Những sai lầm bệnh nhân tăng huyết áp có thể mắc phải
Vì sao huyết áp cao gây đột quỵ? Sai lầm nào của những người huyết áp ca dễ dẫn đến tình trạng đột quỵ, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Tăng huyết áp ảnh hưởng lên mạch máu, đầu tiên là gây thay đổi trong lòng mạch, tạo điều kiện thuận lợi hình thành huyết khối, sau đó huyết khối gây bít tắc các mạch máu nhỏ.
Ở những người huyết áp mạn tính, quá trình ảnh hưởng lên thành mạch lâu dài cùng sự lão hóa của thành mạch sẽ làm mạch máu dễ vỡ.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp cũng là một yếu tố thúc đẩy làm mạch máu bị vỡ gây ra đột quỵ xuất huyết não. Đó là cách thức tăng huyết áp gây ra đột quỵ não cho người bệnh.
Những sai lầm của người tăng huyết áp được phân thành 2 nhóm:
Nhóm thứ nhất là những người đã được chẩn đoán tăng huyết áp nhưng không quan tâm vì không thấy triệu chứng. Tuy nhiên, sự nguy hiểm là tăng huyết áp sẽ tác động một cách thầm lặng, từ từ mà cơ thể không cảm nhận được, người bệnh không nhận ra sự biến đổi.
Đến một giai đoạn nếu tăng huyết áp không được điều trị, kiểm soát tốt, hậu quả của nó là ảnh hưởng đến bệnh lý, mạch máu như bệnh mạch vành, đột quỵ não… Với nguyên nhân do tác động lên thành mạch và các thay đổi, ảnh hưởng đến việc hình thành cục huyết khối trong lòng mạch.
Nhóm thứ hai là một số bệnh nhân đã được chẩn đoán tăng huyết áp và đang kiểm soát tốt, khi uống thuốc lâu dài đến một giai đoạn bệnh nhân thấy không có triệu chứng nên đã tự ý ngưng thuốc mà không có sự tham vấn của bác sĩ.
Nếu đang uống thuốc huyết áp mà tự ý ngưng thuốc, hoặc biết tăng huyết áp nhưng không uống thuốc ngay từ đầu, huyết áp có thể giữ trong giới hạn bình thường thời gian đầu, nhưng tiến triển sau đó theo tiến trình sẽ tăng dần và ảnh hưởng lên sức khỏe của bệnh nhân một cách thầm lặng. Vì vậy, nếu như những nhóm này đã được xác định uống thuốc tăng huyết áp mà tự ý ngưng thuốc là một quyết định sai lầm.
Ngoài ra, trường hợp bệnh nhân có uống thuốc nhưng không kiểm soát huyết áp và không tái khám định kỳ. Thực tế đã có người bệnh duy trì hàm lượng một viên thuốc cố định và không tái khám định kỳ với bác sĩ tim mạch. Trong trường hợp này huyết áp đã có các thay đổi nhất định, cần điều chỉnh bằng thuốc và theo dõi huyết áp chặt chẽ hơn.
Như vậy những trường hợp đã xác định là tăng huyết áp, có uống thuốc nhưng bạn vẫn cần thực hiện thăm khám bác sĩ tim mạch để biết được viên thuốc huyết áp với hàm lượng đó có còn phù hợp với bạn hay không. Từ đó bác sĩ có thể nâng liều, chỉnh liều, thêm thuốc hoặc phối hợp thuốc.
Những người tăng huyết áp khi đã uống thuốc vẫn phải thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống đầy đủ các chất tốt cho sức khỏe, đầy đủ rau xanh, hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol, đặc biệt là kiểm soát được lượng muối đưa vào cơ thể.
Theo các khuyến cáo, chỉ nên dung nạp lý tưởng là 6 gram muối/ngày đối với những người tăng huyết áp.
Trong một vài trường hợp khác, ví dụ như bệnh nhân tự đo huyết áp tại nhà ghi nhận kết quả huyết áp cao. Tuy nhiên cần lưu ý việc đo huyết áp phải đúng thư thế, không vận động và sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, cà phê…) trước khi đo huyết áp.
Trường hợp khác như bệnh nhân đến gặp bác sĩ nhưng trong tình trạng bàng quang đầy, buồn đi tiểu nhưng không đi, nếu thực hiện đo huyết áp trong thời điểm này huyết áp sẽ cao hơn. Những thời điểm đo huyết áp trong tư thế, điều kiện, hoàn cảnh, thời gian, không gian không phù hợp đều có thể gây nhiễu kết quả, không chắc chắn trị số đo được đã phản ánh đúng giá trị huyết áp bình thường.
3. Kiểm soát huyết áp để ngăn chặn đột quỵ, bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim
Đột quỵ do huyết áp cao có nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng hay để lại những di chứng gì, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Tăng huyết áp không chỉ là yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ mà còn là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý mạch máu khác.
Ví dụ trong trường hợp bệnh mạch vành, nếu người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không kiểm soát tốt có thể gây ra rất nhiều biến chứng liên quan đến tim, thận, não và các biến chứng khác, các biến chứng này đều rất nguy hiểm.
Một trường hợp tăng huyết áp không điều trị, khi bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não lượng lớn không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, có thể gây ra di chứng yếu liệt và thậm chí tử vong.
Tương tự với bệnh lý mạch vành, một trường hợp nhồi máu cơ tim không phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Vì vậy việc kiểm soát huyết áp có vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa và ngăn chặn các biến cố mạch máu, không chỉ mạch máu não (đột quỵ) mà còn các bệnh liên quan đến mạch vành hay nhồi máu cơ tim.
4. Dấu hiệu đột quỵ không có điểm khác biệt giữa người tăng hoặc không tăng huyết áp
Làm sao để nhận diện dấu hiệu đột quỵ ở người huyết áp cao, thưa BS?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Với triệu chứng của đột quỵ não, có thể rất nhiều người biết đến cụm từ F.A.S.T. Triệu chứng của đột quỵ ở bệnh nhân có hoặc không có tăng huyết áp không khác nhau, bao gồm:
F: bệnh nhân đột ngột méo miệng;
A: bệnh nhân đột ngột liệt nửa người;
S: bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc mất nói. Đó là các triệu chứng dấu hiệu thần kinh khu trú xuất hiện đột ngột cảnh báo đột quỵ.
T: Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người nhà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có khả năng cứu chữa đột quỵ càng sớm càng tốt.
Vì hiện tại đã có các phương pháp điều trị: tái thông giúp bệnh nhân tránh được yếu liệt. Hiện nay có >80% đột quỵ ở thể nhồi máu não (đột quỵ thiếu máu não). Nếu bệnh nhân được đưa tới bệnh viện sớm trong 4,5-6 giờ đầu sẽ có các phương pháp điều trị như tiêu sợi huyết, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học giúp tái thông dòng máu, từ đó ngăn ngừa được biến chứng yếu liệt và các biến chứng khác của đột quỵ về sau.
5. Triệu chứng của đột quỵ và huyết áp cao giống và khác nhau ở điểm nào?
ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Triệu chứng của tăng huyết áp trong giai đoạn đầu các triệu chứng diễn ra thầm nặng, đến một giai đoạn nếu bệnh nhân không khám sức khỏe, không đo huyết áp định kỳ, các triệu chứng sẽ bắt đầu hình thành.
Đôi khi các triệu chứng của tăng huyết áp còn phụ thuộc vào cơ quan đích bị ảnh hưởng. Ví dụ trường hợp ảnh hưởng tới tim, bệnh nhân bị suy tim sẽ có các triệu chứng của bệnh suy tim; nếu ảnh hưởng đến não như đột quỵ sẽ xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ não.
Còn bản thân tăng huyết áp trong thời gian đầu người bệnh không thể nhận biết được trừ khi đi kiểm tra sức khỏe mới biết bản thân bị tăng huyết áp. Từ đó có các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc điều chỉnh lối sống để đưa huyết áp về mức bình thường.
Tóm lại, triệu chứng của đột quỵ không có sự khác biệt giữa người tăng hoặc không tăng huyết áp. Bệnh nhân cần lưu ý các triệu chứng về khiếm khuyết thần kinh xảy ra đột ngột, đột ngột yếu liệt nửa người, thay đổi cảm giác nửa người, đột ngột nói khó, mất nói hoặc đột ngột méo miệng. Khi có tất cả các triệu chứng này người thân phải đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất có cấp cứu đột quỵ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình