Hotline 24/7
08983-08983

Không chỉ người già mới sa sút trí tuệ, những nhóm người sau cần dè chừng

Theo thống kê từ Liên đoàn bệnh Alzheimer và Sa sút trí tuệ thế giới, cứ mỗi 3 giây lại có một người suy giảm nhận thức tiến triển thành Sa sút trí tuệ. Ở Việt Nam, theo ước đoán năm 2022 có khoảng 500.000 người bệnh Sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, có đến 75% không được chẩn đoán và quản lý kịp thời.

Tình trạng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer hiện nay tại Việt Nam

Để chào mừng Tháng Alzheimer Thế giới, ngày 9/9/2023, Bệnh viện Quân y 175 phối hợp Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn Thần kinh Nhận thức Việt Nam (VnADA), tổ chức chương trình tư vấn sức khoẻ cộng đồng “Tìm hiểu về bệnh Alzheimer nhận biết và tầm soát sớm”. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

Tham dự chương trình có PGS.TS.BS.CK2 Trương Đình Cẩm - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175; TS.BS Trần Công Thắng - Phó Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam; ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175; ThS.BS Tạ Vương Khoa - Phó Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 cùng gần 100 cán bộ, y bác sĩ bệnh viện và người dân quan tâm về Alzheimer.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Trương Đình Cẩm - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nhấn mạnh: “Bệnh Alzheimer là một bệnh lý não bộ ảnh hưởng lên vùng đảm nhận các chức năng học tập, trí nhớ và khả năng suy nghĩ khác, gây suy giảm hoạt động sống độc lập của người bệnh.

Đây là nguyên nhân chủ yếu của sa sút trí tuệ, chiếm tỉ lệ 60 - 70%. Bệnh Alzheimer có xu hướng tăng dần theo tuổi, có khoảng 8% người bệnh từ 60 tuổi trở lên và với nhóm từ 80 tuổi trở lên thì tỉ lệ lên tới 17%”.

PGS.TS.BS.CK2 Trương Đình Cẩm - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (thứ 2 từ phải qua)

Phần lớn người bệnh Alzheimer sống trong tình trạng mất chức năng nhận thức và phải lệ thuộc người khác, mang lại gánh nặng rất nặng nề với người bệnh, người chăm sóc, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, đa số tình trạng sa sút trí tuệ nói chung hay bệnh Alzheimer nói riêng vẫn bị hiểu nhầm thành bệnh lú lẫn của tuổi già và không được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, có đến 75% người bệnh không được chẩn đoán và quản lí kịp thời. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ổn định, làm chậm sự tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng sống của cả người bệnh và người chăm sóc.

TS.BS Trần Công Thắng - Phó Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam cho biết: “Năm 2017 Việt Nam được xếp vào quốc gia có dân số già, hơn 10% dân số trên 60 tuổi. Tuổi thọ trung bình tăng nhờ người dân có ý thức phòng bệnh và sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

TS.BS Trần Công Thắng - Phó Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer 

Tuy nhiên, bên cạnh việc tuổi thọ tăng, lại đi kèm theo các bệnh liên quan đến tuổi tác như tim mạch, thoái hóa cơ xương khớp, trong đó có bệnh lý sa sút trí tuệ. Trong số những người mắc phải bệnh lý sa sút trí tuệ, có người mắc bệnh sớm, có người mắc bệnh muộn và nhiều người đến 80 tuổi vẫn còn minh mẫn”.

Theo đó, những người dễ bị chứng sa sút trí tuệ là người lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, stress, mất ngủ, lo âu, di chứng tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não…

Người tham dự chăm chú lắng nghe phần chia sẻ từ các bác sĩ

Nguyên nhân, giải pháp điều trị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 cũng cho biết thêm: “Sa sút trí tuệ có 2 nguyên nhân lớn: nhóm nguyên nhân thứ nhất là bệnh Alzheimer, nhóm nguyên nhân thứ hai là sa sút trí tuệ mạch máu.

Sa sút trí tuệ mạch máu xảy ra ở những người sau đột quỵ, đây là nhóm người bắt buộc phải đến bệnh viện. Qua quá trình theo dõi, những người bị đột quỵ tái phát sẽ mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu và chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm bệnh Alzheimer”.

Khi đã xác định sa sút trí tuệ hay suy giảm nhận thức phải điều trị cả 3 chân kiềng. Thứ nhất, thay đổi lối sống, điều trị, kiểm soát các yếu tố nguy cơ (cao huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, sử dụng rượu bia,…). Thứ hai, sử thuốc điều trị sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, chỉ điều trị thuốc là chưa đủ, cần kết hợp phương pháp thứ ba là tập luyện nhận thức, đây là yếu tố rất quan trọng. Nhưng hiện nay, điều này khá khó khăn vì không dễ tìm được các cơ sở y tế thiết lập sẵn các phòng tập về tập luyện nhận thức và có các kỹ thuật viên trị liệu, bác sĩ, điều dưỡng có thể hướng dẫn tập. Tại nhà, chúng ta nên khuyến khích ba mẹ đi chơi, đọc báo, xem TV, đọc sách để động não kích thích.

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (ngoài cùng bên trái)

Một chi tiết được nhóm chuyên gia nhấn mạnh là tập thể dục. Tập thể dục đã được chứng minh không chỉ tốt cho tim mạch và các nhóm bệnh khác mà còn có tác dụng phòng ngừa suy giảm và sa sút trí tuệ.

Bên cạnh những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia, đến với chương trình, người tham gia sẽ được đo huyết áp, thử đường huyết, đánh giá trí nhớ và các chức năng nhận thức khác cũng như được tư vấn, giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan.

Sau quá trình test nhanh tầm soát về bệnh Alzheimer, người có yếu tố nguy cơ cao sẽ được hướng dẫn di chuyển đến khu vực đánh giá, tầm soát chuyên sâu hơn với các bác sĩ khoa Thần kinh - Bệnh viện Quân y 175 và Hội VnADA.

Khu vực đánh giá, tầm soát chuyên sâu về bệnh sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer
Theo PGS.TS.BS.CK2 Trương Đình Cẩm, trong thời gian tới, bệnh viện Quân y 175 sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình truyền thông, tư vấn sức khoẻ tương tự. Điều này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về những bệnh lý thường gặp, giúp mọi người có đẩy đủ kiến thức để phòng tránh, chăm sóc bản thân và người nhà đúng cách và hiệu quả.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X