Hotline 24/7
08983-08983

Khoảng 1/3 số bệnh nhân tử vong do ung thư có nguyên nhân hút thuốc, béo phì, rượu bia quá mức, ít ăn rau và trái cây, ít vận động

Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI được tổ chức vào ngày 25/11/2023 tại TPHCM bàn luận chủ yếu về ung thư, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng với bệnh lý này. Phiên cuối của hội nghị tập trung vào các vấn đề về môi trường, dinh dưỡng và bệnh ung thư.

Bệnh nhân u thư đầu cổ chiếm tỷ lệ sụt cân cao nhất

Tập trung vào vấn đề “Tình trạng dinh dưỡng và tiên lượng sống còn của bệnh nhân ung thư đầu cổ đang điều trị xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ năm 2022 - 2023”, ThS.BS Phạm Thị Thanh Hoa - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ cho biết: “Tình trạng sụt cân liên quan đến vị trí u tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần thơ ghi nhận năm 2019, bệnh nhân u thư đầu cổ có tỷ lệ sụt cân cao nhất (27,6%). Về tình trạng sụt cân và các phương pháp điều trị thì xạ trị và hóa xạ trị gây tình trạng sụt cân nhiều nhất (68,7% và 76,6%)”.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 89 bệnh nhân ung thư đầu cổ đang xạ tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ. Sử dụng phương pháp phỏng vấn bảng câu hỏi để thu thập thông tin cá nhân và BMI để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tiên lượng sống còn dựa vào % giảm cân và BMI theo 5 cấp độ (0 - 4).

Kết quả trong tổng số 89 trường hợp nghiên cứu có 74 (83,1%) nam giới và nữ là 15 (16,9%), độ tuổi trung bình là 60 tuổi. Nghiên cứu cho thấy theo BMI, tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng là 41,6%, thừa cân béo phì là 11,2%.

ThS.BS Phạm Thị Thanh Hoa - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ

Nghiên cứu ghi nhận có 80,9 % bệnh nhân giảm cân trong 6 tháng và tỷ lệ 5 cấp độ (0 - 4) tiên lượng sống còn theo BMI và % giảm cân: cấp độ 0 là 7,26%, cấp độ 1 là 18,55%, cấp độ 2 là 26,61%, cấp độ 3 là 14,52%, cấp độ 4 là 33,06%.

Với nghiên cứu trên, ThS.BS Phạm Thị Thanh Hoa kết luận: “Hầu hết bệnh nhân ung thư đầu cổ có tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng, thời gian tiến lượng sống ngắn, vì vậy cần có biện pháp cải thiện dinh dưỡng kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân”.

84,9% bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa do ung thư bị suy dinh dưỡng

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và chế độ nuôi dưỡng sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư dạ dày tại Bệnh viện Bình Dân” của BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Bình Dân.

Chuyên gia cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng lên đến 84,9% ở bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa do ung thư. Suy dinh dưỡng được xác định là yếu tố nguy cơ độc lập làm tăng nguy cơ tử vong, kéo dài thời gian thở máy và thời gian điều trị tại ICU. Một số nghiên cứu cũng cho thấy ung thư dạ dày có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất trong số các phẫu thuật ung thư trên đường tiêu hóa.

Về mục tiêu của nghiên cứu, thứ nhất là đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư dạ dày có chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân. Thứ hai là mô tả thực trạng nuôi dưỡng trong vòng 5 ngày đầu sau phẫu thuật của bệnh nhân ung thư dạ dày tại bệnh viện.

Nghiên cứu cắt ngang mô tả tiến hành trên 109 bệnh nhân ung thư dạ dày có chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân năm 2020. Tình trạng dinh dưỡng được đánh giá dựa trên chỉ số BMI, công cụ đánh giá PG-SGA, hemoglobin và albumin huyết thanh.

Chế độ nuôi dưỡng sau phẫu thuật gồm dinh dưỡng đường tiêu hóa được đánh giá qua phiếu điều tra khẩu phần 24 giờ với phương pháp phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân/người nhà về thời gian, loại và lượng thực phẩm tiêu thụ trong vòng 24 giờ và dinh dưỡng đường tĩnh mạch được ghi chép từ hồ sơ bệnh án.

Đánh giá theo BMI, tỷ lệ suy dinh dưỡng là 31,2%. Theo PG-SGA, tỷ lệ suy dinh dưỡng vừa (SGA - B) chiếm 55% và nặng (SGA - C) chiếm 25,7%.

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Bình Dân

BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp nhận định: “Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thường nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa hoặc viêm dạ dày. Đa số người bệnh có tình trạng sụt cân, ăn uống kém và bệnh nhân ung thư dạ dày thường đến bệnh viện trong giai đoạn muộn. Khi đến bệnh viện, đa số có tình trạng nuốt nghẹn hoặc bệnh nhân nuốt nghẹn hoàn toàn với thức ăn đặc, lỏng, sụt cân rất nhiều (có thể trên 10% cân nặng)”.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng theo albumin là 27,5%. Có 66,1% bệnh nhân bị thiếu máu. Thực trạng nuôi dưỡng sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày, 74,3% người bệnh được khởi động ruột sau 48 giờ, 1.8% người bệnh được nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa trước 24 giờ sau phẫu thuật.

Năng lượng tiêu thụ qua đường tiêu hóa tăng dần từ ngày 1 đến ngày 5 sau phẫu thuật. Ở ngày 1, tới 99,1% người bệnh được nuôi dưỡng tĩnh mạch, tỷ lệ này giảm dần đến ngày 5 chỉ còn 56,9%. Năng lượng cung cấp cho người bệnh trong vòng 5 ngày sau phẫu thuật chủ yếu đến từ nuôi dưỡng tĩnh mạch, trung bình chiếm 78%, chỉ có 22% năng lượng được tiêu thụ qua đường tiêu hóa.

BS Đinh Ngọc Diệp kết luận: “Suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân ung thư dạ dày trước phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân. Cần đánh giá toàn diện tình trạng dinh dưỡng để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được can thiệp dinh dưỡng kịp thời và đầy đủ ngay từ giai đoạn đầu, khi năng lượng tiêu thụ qua đường tiêu hóa còn rất thấp so với nhu cầu khuyến nghị. Việc nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về đạm và năng lượng của người bệnh trong suốt thời gian hậu phẫu”.

Ung thư vùng hạ hầu, thanh quản là ung thư phổ biến thứ 2 trong các loại ung thư vùng đầu cổ

Tại hội nghị, CN Dinh dưỡng Huỳnh Ý Nhi, Trung tâm Y tế Quận 3 đã trình bày bài báo cáo về “Tỷ lệ suy dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân ung thư hạ hầu, thanh quản được đánh giá bằng công cụ GLIM ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM năm 2022”.

Ung thư vùng hạ hầu, thanh quản là ung thư phổ biến thứ 2 trong các loại ung thư vùng đầu cổ. Tại Việt Nam, trong số những loại ca mắc mới, ung thư hạ hầu đứng thứ 17 và ung thư thanh quản đứng thứ 19 trong các loại ung thư. Cũng như hầu hết các loại ung thư đầu cổ khác, suy dinh dưỡng là tình trạng khá phổ biến ở bệnh nhân ung thư hạ hầu, thanh quản.

Theo một nghiên cứu tại Ba Lan, tỷ lệ suy dinh dưỡng được đánh giá bằng BMI trên bệnh nhân ung thư hạ hầu và thanh quản cho kết quả 41%. Hậu quả là giảm tác dụng điều trị, giảm khả năng sống sót, tăng đọc tính điều trị, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.

Hiện nay, có nhiều công cụ để sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Năm 2019, công cụ đánh giá tình trạng dinh dưỡng GLIM được công bố bởi hầu hết các hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng, đề xuất ra các tiêu chí phổ quát mới để chẩn đoán, phân loại mức độ nghiêm trọng của suy dinh dưỡng.

GLIM bao gồm tất cả các thông tin tiêu chí dinh dưỡng chính được tham chiếu từ các công cụ đánh giá và sàng lọc phổ biến nhất. Cũng có nhiều báo cáo trên thế giới đã thực hiện đánh giá dinh dưỡng bằng công cụ GLIM trên bệnh nhân ung thư đầu cổ, tuy nhiên chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư hạ hầu, thanh quản thì có khá ít nghiên cứu.

CN Dinh dưỡng Huỳnh Ý Nhi, Trung tâm Y tế Quận 3

“Tại Việt Nam, cũng chưa có nghiên cứu nào sử dụng công cụ GLIM để đánh giá tình trạng dinh dưỡng trên đối tượng này. Vì vậy, mục đích thực hiện nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ suy dinh dưỡng sử dụng công cụ đánh giá GLIM và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân ung thư hạ hầu, thanh quản tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM vào năm 2022” - CN Dinh dưỡng Huỳnh Ý Nhi cho biết thêm.

Nghiên cứu cứu cắt ngang được thực hiện trên 100 bệnh nhân ung thư hạ hầu, thanh quản mới nhập vào khoa Ngoại Đầu cổ - Tai mũi họng tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM từ 3/2022 - 9/2022.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng được đánh giá theo công cụ GLIM ở bệnh nhân ung thư hạ hầu, thanh quản là 45%. Trong đó, suy dinh dưỡng vừa (giai đoạn 1) chiếm 28%, suy dinh dưỡng nặng (giai đoạn 2) chiếm 17%.

Các yếu tố liên quan đến suy dinh dưỡng bao gồm: nhóm tuổi, tình trạng sống chung, nghề nghiệp, giai đoạn bệnh ung thư, sức mạnh nắm tay, tình trạng rối loạn nuốt và khẩu phần ăn của bệnh nhân.

Nghiên cứu cũng cho thấy có mối tương quan giữa tình trạng suy dinh dưỡng được đánh giá theo tiêu chí ESPEN 2015 với tình trạng suy dinh dưỡng được đánh giá theo công cụ GLIM.

CN Dinh dưỡng Huỳnh Ý Nhi nhận định: “Có thể sử dụng công cụ GLIM như một công cụ đánh giá suy dinh dưỡng thay thế cho tiêu chí ESPEN 2015 tại các cơ sở lâm sàng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hạ hầu, thanh quản.

Cần truyền thông, tư vấn dinh dưỡng cho nhóm bệnh nhân cao tuổi có tình trạng rối loạn nuốt, sức mạnh nắm tay và khẩu phần ăn giảm từ đó can thiệp sớm và cá thể hoá dinh dưỡng cho bệnh nhân.”

Cứ 100.000 người có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư

Với bài báo cáo cuối chương trình, TS Vũ Xuân Đán - Phó trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Môi trường & Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã cập nhật đến người tham dự những con số liên quan đến “Nguy cơ gây ung thư từ môi trường và nghề nghiệp: Tình hình trên thế giới và Việt Nam”.

Theo đó, ung thư là kết quả của những thay đổi trong DNA - những phân tử mang thông tin di truyền quy định hoạt động của tế bào. Một số biến đổi này là do di truyền, một số khác có thể do sự tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài, thường được gọi là các yếu tố môi trường (thực phẩm, môi trường ô nhiễm tại nơi sinh sống và nơi làm việc).

Năm 2020, trên thế giới có hơn 19 triệu ca ung thư. Ở nam giới, phổ biến là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tuyến tiền liệt (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới phổ biến là ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư).

TS Vũ Xuân Đán - Phó trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Môi trường & Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM

Chuyên gia dẫn chứng, tại Việt Nam, năm 2020, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Tình hình mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt nam đang tăng nhanh, tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản,… Tuy nhiên tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.

Khoảng 1/3 số bệnh nhân tử vong do ung thư có nguyên nhân hút thuốc, béo phì, rượu bia quá mức, ít ăn rau và trái cây, ít vận động. Ở các nước thu nhập trung bình, thấp 30% trường hợp ung thư do nhiễm khuẩn.

Các nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh, thứ nhất do già hóa dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay tăng (73,6 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.

Thứ hai là dân số tăng, gần 100 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam tăng lên, dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư.

Thứ ba là thuốc lá, đây là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi. Thứ năm, lạm dụng rượu bia gây các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư đại trực tràng.

Nguyên nhân thứ 6 do chế độ ăn uống không hợp lý. 35% nguyên nguyên nhân gây ung thư như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng… do ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc, thực phẩm chế biến sẵn…

Ít vật động và môi trường sống cũng là một rong những nguyên nhân gây ung thư cao tại Việt Nam.

Các yếu tố môi trường gây bệnh ung thư gồm yếu tố vật lý (tia UV, các chất phóng xạ), yếu tố hóa học (sợi amiang, thành phần độc hại trong khói thuốc lá, rượu bia, các chất chuyển hóa do thực phẩm bị hư, chất arsen trong nước uống...).

Tia UV (Ultraviolet radiation) là nguồn năng lượng phát ra tự nhiên từ mặt trời. Tia UV có thể ảnh hưởng đến DNA của da và gây ung thư da. Ung thư da không thuộc nhóm các bệnh ung thư phổ biến nhưng lại có số lượng mắc ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc ung thư da ở người da trắng khoảng 200/100.000 dân, da đen là 10/100.000 dân. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ở nam giới là 3,2/100.000 dân, nữ là 3,1/100.000 dân

Chất phóng xạ ứng dụng trong cuộc sống có thể gây ung thư như trong chẩn đoán hình ảnh (X quang, CT, PET...), trong điều trị (tia X, tia Gamma, proton… để tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư), cơ sở điện hạt nhân, các cơ sở khai thác, nghiên cứu, sản xuất nguyên tố phóng xạ, các đơn vị vận chuyển, lưu chứa chất thải phóng xạ, sử dụng tia X trong soi chiếu… Ngoài ra khí Radon cũng phát xạ trong tự nhiên và nồng độ thay đổi tùy theo khu vực.

Ô nhiễm không khí là hỗn hợp các hạt bụi và chất khí có trong không khí (phát sinh tự nhiên hoặc nhân tạo). Ô nhiễm không khí bên ngoài gây nên 1/10 ca ung thư phổi. Ô nhiễm không khí bên ngoài được xếp vào nhóm I các chất nguy cơ gây ung thư (carcinogen).

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 200.000 trường hợp tử vong do ung thư có liên quan đến môi trường lao động. Hàng triệu người lao động mắc bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô do bụi amiang, ung thư máu do tiếp xúc với benzene. 10% trường hợp tử vong bệnh ung thư có liên quan đến môi trường lao động. Hàng ngàn người tử vong do ung thư máu vì tiếp xúc với benzen hoặc các dung môi hữu cơ.

TS Vũ Xuân Đán đã đưa ra các giải pháp để phòng chống bệnh ung thư do môi trường như sau: “Giảm thiểu ô nhiễm không khí trong môi trường xung quanh (tiết kiệm năng lượng, sử dụng nhiên liệu sạch, xử lý khong khí ô nhiễm,…); Tăng cường thông thoáng nơi ở và làm việc; Hạn chế đi đến các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao;

Trong môi trường lao động cần ngưng sử dụng amiang; Sử dụng dung môi không có benzene, các dung môi hữu cơ ít độc hại; Sử dụng hóa chất an toàn’

Cấm hút thuốc tại các doanh nghiệp; Sử dụng đầy đủ bảo hộ cho người lao động ngoài trời; Sử dụng đầy đủ và đúng các phương tiện bảo vệ cá nhân để phòng tránh các yếu tố ô nhiễm từ môi trường lao động;

Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh lao động (quan trắc môi trường lao động định kỳ để kiểm soát tốt các yếu tố có hại, khám sức khỏe để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư từ đó có các biện pháp phòng tránh tốt hơn)”.

>>> Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI: 130 đơn vị y tế từ 53 tỉnh thành tề tựu về tham dự

>>> Xu hướng mới trong phẫu thuật ung thư phổi: cắt phổi càng nhỏ càng tốt, cắt hẹp nhưng đủ sạch

>>> Chương trình ERAS đang triển khai tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X