Hotline 24/7
08983-08983

Khó xác định "giờ vàng" trong đột quỵ, cấp cứu thế nào?

Cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng giúp người bệnh nâng cao khả năng sống sót và phục hồi hiệu quả, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Liên chi Hội can thiệp thần kinh TPHCM - Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã có những chia sẻ hữu ích về cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng.

1. Mốc “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ là khi nào?

“Thời gian vàng”, “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ là gì?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Giờ vàng trong đột quỵ giống như một câu chuyện dài nhiều tập, gần như luôn là một vấn đề rất mới. Với những bệnh nhân khi vào viện trong đa số các trường hợp, có thể lên tới 80% bệnh nhân cứu trong tình trạng đột quỵ và không hiểu biết về vấn đề giờ vàng. Đây là một con số đáng buồn đối với giới truyền thông cũng như các y bác sĩ đã rất bận lòng về vấn đề này. Nếu bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng, trước 4 giờ 30 phút sẽ có cơ hội điều trị, chăm sóc tốt nhất và nguy cơ tử vong, tàn phế giảm xuống thấp nhất cho những bệnh nhân đột quỵ.

Mốc giờ vàng đầu tiên được định nghĩa là trước 4 tiếng rưỡi sau khi phát hiện. Trong trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não cần phải tiêm thuốc tan máu đông, việc này cần thực hiện càng sớm càng tốt và tối đa là trước 4 tiếng rưỡi. Từ lúc bệnh nhân có triệu chứng tê yếu, mặt méo, yếu liệt tay chân, nói đớ, nói khó… cho đến khi được đưa đến bệnh viện và chẩn đoán là đột quỵ, bệnh nhân được tiêm thuốc tan máu đông, nằm trong khoảng thời gian tối đa 4 giờ 30 phút.

Mốc giờ vàng thứ hai là trong trường hợp bệnh nhân có tắt nghẽn những mạch máu lớn, thời gian tái thông tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ nhóm này là trước 6 giờ. Đây là thời điểm lý tưởng nhất để có thể phục hồi, để có thể trở lại cuộc sống bình thường hoặc là thời điểm tốt nhất để giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân.

Có thể thấy rằng, đây là việc vô cùng khó khăn, các bác sĩ hoàn toàn không thể nào tác động được, nếu bệnh nhân và người nhà không có một kiến thức gì về bệnh lý. Nếu người bệnh đột quỵ và người nhà chỉ quanh quẩn vào các phương pháp không đúng cách và làm mất thời gian để tiếp cận phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

2. Làm cách nào để xác định thời điểm “vàng” trong đột quỵ?

Xác định thời điểm đột quỵ có phải hoàn toàn dựa vào khai thác bệnh sử hay có phương tiện gì hỗ trợ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Để đánh giá giờ vàng cho bệnh nhân đột quỵ, phần lớn các trường hợp rất dễ dàng nhận biết qua yếu tố các mốc thời gian từ lúc bệnh nhân có những triệu chứng đầu tiên trong đột quỵ. Dấu hiệu, triệu chứng đầu tiên là méo mặt, yếu liệt tay chân, nói khó, vài phút trước khi một người hoàn toàn bình thường đột ngột xuất hiện ba dấu hiệu trên. Khi xác định được là ba dấu hiệu của triệu chứng đột quỵ và đây chính là mốc khởi phát để đánh giá thời gian vàng.

Mốc thứ hai, trong trường hợp khó khăn hơn là khi bệnh nhân đột quỵ trong lúc ngủ. Có nghĩa là đêm trước bệnh nhân hoàn toàn bình thường trước khi đi ngủ, sau khi ngủ thức dậy khoảng 6-7h sáng, người thân phát hiện bệnh nhân hôn mê, bị yếu liệt tay chân hoặc mất ý thức. Lúc này, người thân hoàn toàn không biết được trong lúc ngủ bệnh nhân đột quỵ vào mấy giờ, đây là một vấn đề hết sức khó khăn để có thể đánh giá được thời gian vàng của bệnh nhân còn hay không. Trong những trường hợp này, phải sử dụng phương pháp cận lâm sàn chuyên biệt để các bác sĩ có thể đánh giá được bệnh nhân có còn cấp cứu được trong thời gian vàng hay không hoặc còn cơ hội để cứu chữa. Sử dụng những công cụ như máy MRI hoặc phần mềm RAPID để đánh giá “vùng tranh sáng tối”, đánh giá vùng lõi nhồi máu so với vùng thiếu máu xem bệnh nhân có nên được điều trị can thiệp mạch hay không trong trường hợp bệnh nhân bị tắt nghẽn mạch máu lớn.

3. Thời điểm bệnh nhân được đưa vào cấp cứu, người nhà nên cung cấp thông tin gì?

Người nhà cần cung cấp những thông tin gì để giúp bác sĩ xác định rõ thời điểm bệnh nhân bị đột quỵ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Về góc độ người nhà bệnh nhân hoặc chính bản thân bệnh nhân, phần lớn các trường hợp đột quỵ khi vào viện, trong giai đoạn “giờ vàng” bệnh nhân có thể kể lại “cách đây vài giờ, vài phút tôi hoặc người nhà của tôi phát hiện tình trạng mặt méo, yếu liệt tay chân và nói khó”. Đây chính là ba dấu hiệu xác định mốc thời gian vàng, có nghĩa là phải xác định được lúc nào bệnh nhân còn đi đứng bình thường, lúc nào bệnh nhân xảy ra triệu chứng, lúc nào bệnh nhân diễn tiến nặng và từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đến lúc được đưa đến cấp cứu là bao lâu. Bệnh nhân phải nói rõ cho các bác sĩ biết để có thể xác định mốc thời gian chính xác nhất.

4. Thời điểm đột quỵ được tính như thế nào?

Bệnh nhân có biểu hiện đột quỵ thoáng qua rồi khỏe lại, sau đó đột quỵ mới chính thức xảy ra thì thời điểm đột quỵ được tính như thế nào?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trong một số trường hợp, rất khó xác định được thời gian vàng mặc dù bệnh nhân rất tỉnh táo. Ví dụ trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên là mặt méo, yếu liệt tay chân, nói đớ nói khó sau đó bệnh nhân phục hồi bình thường trở lại, đi đứng, sinh hoạt bình thường do đó người nhà không đưa đi bệnh viện cho đến khi đột quỵ xảy ra lần hai. Lúc này các bác sĩ sẽ lấy mốc thời gian xảy ra đột quỵ lần hai, nghĩa là không lấy khoảng thời gian bệnh nhân có cơn yếu liệt tay chân lần đầu sau đó phục hồi hoàn toàn trở lại, lấy mốc từ lúc bệnh nhân bắt đầu trở nặng trở lại, yếu tay chân, nói đớ, nói ngọng và mặt méo không hồi phục cho đến khi bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu.

Phần lớn các trường hợp trong cộng đồng mà chúng tôi ghi nhận, bệnh nhân không biết về mốc thời gian vàng và được chăm sóc tại nhà trong thời gian đầu, cho đến khi bệnh nhân bị yếu liệt hoàn toàn hoặc rơi vào tình trạng hôn mê, lúc này bệnh nhân mới được đưa vào viện cấp cứu.

5. Tình trạng phát hiện đột quỵ khi ngủ vào buổi tối được tính “giờ vàng” như thế nào?

Đi ngủ vào buổi tối, sáng hôm sau người nhà mới phát hiện bị đột quỵ, tính giờ vàng thế nào?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Đây là một trường hợp rất khó để xác định thời gian vàng. Như đã trình bày, trường hợp đột quỵ trong lúc ngủ, chỉ có thể ước lượng được thời vàng. Giả sử như bệnh nhân đi ngủ lúc 12 giờ đêm, người nhà phát hiện bệnh nhân đột quỵ lúc 3 giờ sáng, có thể chẩn đoán ước lượng bệnh nhân này đột quỵ trong khoảng thời gian là 3 giờ.

Một điều vô cùng khó khăn là nếu bệnh nhân đi ngủ vào lúc 7 giờ tối và phát hiện đột quỵ vào lúc 7 giờ sáng, thời gian vàng rất khó xác định trong trường hợp này. Các bác sĩ buộc lòng phải sử dụng các các phương pháp cận lâm sàn chuyên dụng như chụp CT có phần mềm RAPID hoặc chụp MRI có phần mềm RAPID. Để đánh giá vùng tranh tối, tranh sáng, để xem bệnh nhân có còn cơ hội được điều trị hay không, để kéo dài thời gian vàng trong vấn đề điều trị.

Tuy nhiên, về y học khuyến cáo, tốt nhất là vẫn nên điều trị càng sớm càng tốt cho bệnh nhân trước 4 tiếng rưỡi hoặc trước 6 tiếng để đạt được hiệu quả cao nhất. Những phương pháp RAPID được đưa vào sử dụng cho bệnh nhân chỉ là một phương pháp điều trị cứu vãn thêm, không có ý nghĩa đạt được mức độ tương đương giống như cùng một bệnh nhân, được điều trị trước đó vài giờ, chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt hơn.

6. Bệnh viện như thế nào có khả năng điều trị đột quỵ tốt nhất?

Bệnh nhân đột quỵ trong thời gian vàng, đến bệnh viện nào để được điều trị tốt nhất?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trong ngành y, sự tiếp cận của bệnh nhân là vô cùng quan trọng, có nghĩa là nếu bệnh nhân nhận biết được giờ vàng, bệnh viện cấp cứu đột quỵ xung quanh phải đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cũng như tầm soát điều trị đột quỵ được đúng cách, đúng với những phương pháp hiện nay.

Bệnh viện phải có máy CT, máy MRI và máy DSA, có các bác sĩ chuyên khoa về Chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, chuyên khoa Nội thần kinh, Ngoại thần kinh và Can thiệp mạch mới có thể đáp ứng được yêu cầu điều trị đột quỵ tốt nhất cho bệnh nhân.

Nếu như trong trường hợp bệnh nhân biết rõ thời gian vàng nhưng khi vào bệnh viện, bệnh viện không đáp ứng được các trang thiết bị cũng như máy móc và không đáp ứng được các bác sĩ chuyên khoa sẽ rất khó trong việc điều trị. Không phải tất cả bệnh nhân đến trong giờ vàng đều có thể đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Ngược lại, nếu như một bệnh viện có đầy đủ tất cả những trang thiết bị máy móc và con người giống như S.I.S Cần Thơ, đạt chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ nhưng bệnh nhân đến ngoài cửa sổ giờ vàng, đã có nhiều trường hợp “bó tay” không cứu được bệnh nhân do tổn thương não quá nặng, bệnh nhân không thể hồi phục mặc dù bệnh viện có đầy đủ tất cả loại thuốc cũng như các bác sĩ có chuyên môn cao.

7. Chẩn đoán thời điểm đột quỵ như thế nào khi bệnh viện không có phần mềm RAPID?

Không biết thời điểm đột quỵ khi nào, đồng thời bệnh viện chưa có phần mềm RAPID thì phải làm sao?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trên thực tế, hiện nay ở việt Nam có rất ít các bệnh viện có sử dụng phần mềm RAPID trong vấn đề sàng lọc. Điều trị bệnh nhân trong cửa sổ giờ vàng cũng như đánh giá vùng thiếu máu não và nhồi máu não một cách chính xác cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để trang bị cho các bệnh viện có nhiều cơ sở y tế có phần mềm RAPID, cần phải được quan tâm và có sự phát triển đồng bộ.

Cần phải đầu tư từ trang thiết bị, máy móc tương đương, ví dụ CT đa lá cắt, MRI, DHA và đặc biệt phải đào tạo được đội ngũ ekip thực hiện để làm chủ kỹ thuật từ tiêm, tiêu giải quyết RTPA cho đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Đặc biệt, hiện nay rất khang hiếm để tất cả mọi bệnh viện đều có thể đào tạo và có ekip đó là đội ngũ bác sĩ can thiệp thần kinh, nghĩa là can thiệp động mạch để lấy huyết khối và sau đó hậu cần phải có đầy đủ các máy móc.

8. Tiết kiệm từng phút từng giây trong cấp cứu đột quỵ như thế nào?

Làm thế nào để tiết kiệm từng giây trong giờ vàng cấp cứu đột quỵ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Để giải đáp câu hỏi này, cần có câu trả lời từ tất cả các đơn vị liên quan đến cấp cứu bệnh nhân đột quỵ trong giờ vàng. Từ bản thân người bệnh, gia đình người bệnh cho đến các phương tiện vận chuyển cứu thương, đến phòng cấp cứu các bệnh viện và đội ngũ cán bộ công nhân viên y tế tiết kiệm từng phút từng giây cho bệnh nhân. Một trong những khâu quan trọng, tiết kiệm thời gian trong chẩn đoán, có nhiều trường hợp bệnh nhân từ nhà đến bệnh viện chỉ trong vòng một giờ đi xe, nhưng khi đến bệnh viện, bệnh nhân có thể phải tốn hàng giờ để chờ đợi được chụp chiếu và đợi bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp sau khi có kết quả chụp CT hoặc MRI.

Đây là một thách thức lớn tại các phòng cấp cứu của các bệnh viện hiện nay do tình trạng quá tải trong ngành y cũng như quá tải ở các bệnh viện. Rất nhiều các ca cấp cứu tại cùng một thời điểm cho rất nhiều chuyên khoa như thần kinh, tim mạch, tổng quát, tai nạn giao thông…tất cả vấn đề đều tập trung tại phòng cấp cứu làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị đột quỵ, mặc dù bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu trong thời gian vàng. Chính vì vậy, với mô hình chung cần phải xây dựng trung tâm chẩn đoán và điều trị chuyên sâu với mô hình giống như S.I.S Cần Thơ, có thể phát triển ra các vùng miền khác trong cả nước. Ví dụ khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, khu vực miền Bắc… cứ mỗi khoảng cách hai giờ đi xe sẽ có một trung tâm điều trị đột quỵ tốt nhất cho người bệnh để đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm thời gian vàng.

Một vấn đề quan trọng quyết định phần lớn câu chuyện thời gian vàng trong đột quỵ là kiến thức trong cộng đồng người Việt, cần phải được nâng cao một cách nhanh nhất có thể để khi bắt gặp một trường hợp đột quỵ trong cộng đồng có thể nhận diện ra ngay và phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Không nên mất quá nhiều thời gian tại nhà, làm mất đi thời gian vàng cho bệnh nhân. Đây chính là yếu tố nguy cơ chính gia tăng tỷ lệ tử vong và tàn tật cho bệnh nhân. Do những kiến thức sai lầm trong vấn đề nhận biết trường hợp nào là đột quỵ và sơ cứu không đúng cách sẽ làm kéo dài thời gian trong phần lớn các trường hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X