Hotline 24/7
08983-08983

Điểm mới trong điều trị đột quỵ - Hứa hẹn những hiệu quả triển vọng

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, điểm đặc biệt của Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023 là các bài nghiên cứu mới công bố trên thế giới sẽ được chính tác giả cập nhật ngay trong chương trình lần này. Thông qua đó, sẽ làm thay đổi các quy trình điều trị ngay tại các trung tâm đột quỵ.

Các loại thuốc ức chế PCSK9 có thể giảm nguy cơ biến cố tim mạch, kể cả đột quỵ

Hội nghị năm nay có hơn 40 bài báo cáo đến từ các báo cáo viên trong nước và quốc tế. Trong đó, có sự tham dự của hàng loạt các tên tuổi trên thế giới như: GS Jeyaraj Durai Pandian - người Châu Á đầu tiên được giữ vị trí Chủ tịch hội Đột quỵ Thế giới; GS Geoffrey Donnan - người đầu tiên thực hiện những nghiên cứu về tiêu huyết khối ở Úc và sau đó tiến hành các nghiên cứu trên toàn thế giới; Craig Anderson - lãnh đạo cao cấp viện sức khỏe quốc gia và hội đồng nghiên cứu y học Úc,...

Tại Việt Nam có GS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM; PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS.BS Lê Văn Trường - Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…

Mở đầu phiên báo cáo, GS Pierre Amrenco (Pháp) - Khoa Thần kinh Đại học Paris đem đến đề tài “Cập nhật về điều trị statin trong phòng ngừa thứ phát đột quỵ”.

GS Pierre Amrenco (Pháp) - Khoa Thần kinh Đại học Paris

Ông cho biết, hướng dẫn mới của AHH/ASA đều khuyến nghị điều trị statin cường độ cao sau khi bệnh nhân đã bị đột quỵ. Bên cạnh đó, cần phấn đấu đạt LDL-C dưới 70 mg.

Ngoài ra, ngày nay chúng ta cần phấn đấu đạt mục tiêu LDL-C dưới 55 mg ở bệnh nhân đã từng bị đột quỵ. Trong trường hợp bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đang xơ vữa phải kéo xuống mức thấp hơn (dưới 40mg). Các loại thuốc ức chế PCSK9 có thể giảm được nguy cơ của biến cố tim mạch, kể cả đột quỵ.

GS Pierre Amrenco nhận định: “Hiện tại, chưa có nghiên cứu sử dụng thuốc ức chế PCSK9 nào có thể giảm được đột quỵ tái phát ở các bệnh nhân đã bị đột quỵ. Đây là lý do cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về các loại thuốc ức chế PCSK9”.

“Cách để phấn đấu đạt mục tiêu tốt hơn nữa là nhắm vào LDL-C, thực hiện nghiên cứu TST-40 (LDL < 40 mg so với 70 mg trong đột quỵ do xơ vữa động mạch) và giải quyết thêm các nguy cơ tồn lưu như lipoprotein. Để giải quyết tình trạng viêm của bệnh nhân, có thể sử dụng colchicine với liều lượng thấp. Đây cũng là một phương pháp đầy hứa hẹn ở bệnh nhân đột quỵ do xơ vữa động mạch.

Đối với triglycerides, sử dụng ICOSAPENT Ethyl hoặc Pemafibrate rất triển vọng vì cho thấy hiệu quả ở các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu” - đây là những nội dung GS Pierre Amrenco nhấn mạnh trong Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023.

Công nghệ Inclisiran (siRNA): công nghệ mới, hứa hẹn trong việc kiểm soát lipid sau thời đại của statin

Chương trình được tiếp nối với bài báo “Kiểm soát LDL cholesterol máu tối ưu sau đột quỵ: triển vọng công nghệ siRNA” của ThS.BS Phạm Nguyên Bình - Phó khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM).

ThS.BS Phạm Nguyên Bình chia sẻ: “Có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng về kiểm soát LDL-C, bao gồm các thử nghiệm về các loại thuốc như Fibrates, Niacin, Statins,… Dù là loại thuốc nào thì giảm LDL-C càng nhiều sẽ đem lại lợi ích về việc giảm các biến cố tim mạch”.

LDL-C được xem là thủ phạm chính gây ra các bệnh tim mạch do xơ vữa và các biến cố lâm sàng quan trọng. Lợi ích của giảm LDL-C độc lập với cơ chế tác động của các liệu pháp hạ mỡ máu. Bên cạnh đó, lợi ích sẽ tích lũy và tăng dần theo thời gian. Từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, khi giảm được 1 mmol trên các bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa sẽ giảm được 20% các biến cố về đột quỵ.

Một nghiên cứu trên 8.000 bệnh nhân ở Châu Á (trong đó có Việt Nam), tỷ lệ bệnh nhân đạt mức LDL-C kiểm soát theo khuyến cáo chỉ khoảng 40%. Trong đó, các bệnh nhân nguy cơ rất cao, bao gồm bệnh nhân đột quỵ chỉ có 35% bệnh nhân đạt kiểm soát LDL-C.

ThS.BS Phạm Nguyên Bình - Phó khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM)

“Điều này nói lên rằng, có thể bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc các thuốc chỉ định liều lượng không đầy đủ khiến tỷ lệ bệnh nhân đạt được kiểm soát rất thấp. Trên những bệnh nhân mức độ kiểm soát không đạt có gần 35% vẫn tiếp tục kê toa theo liều cũ. Nguyên nhân có thể do sự trì trệ của các bác sĩ trong việc thay đổi chiến lược điều trị. Bác sĩ cho thuốc statin ngay từ đầu và cho toa liên tục mà không quan tâm đến việc đạt mục tiêu hay không.

Phối hợp thuốc là một công thức giúp giảm mức LDL-C hiệu quả hơn, giúp bệnh nhân dung nạp tốt hơn và phù hợp với nhóm bệnh nhân sử dụng statin cường độ cao. Bởi vì sẽ phối hợp được các cơ chế đồng vận của nhóm kiểm soát LDL-C và giúp đạt được mức LDL-C chặt chẽ hơn, từ đó bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn” - ThS.BS Phạm Nguyên Bình cho biết thêm.

Trên các công trình nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của nhóm siRNA là giúp kiểm soát LDL-C tốt. Nếu mục tiêu LDL-C là 70 mg thì có đến 87% bệnh nhân đạt được ở bất kỳ lần khám; đối với LDL-C dưới 50, có gần 75% bệnh nhân đạt được mức kiểm soát LDL-C mục tiêu. Đây được xem là một công nghệ mới, hứa hẹn trong việc kiểm soát lipid sau thời đại của statin.

Bên cạnh đó, Inclisiran được chỉ định điều trị rối loạn lipid máu nguyên phát ở người lớn hoặc rối loạn lipid máu hỗn hợp như kết hợp với statin hoặc với các thuốc hạ lipid máu khác ở bệnh nhân chưa đạt LDL-C mục tiêu với statin liều tối đa dung nạp được; đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc hạ lipid máu khác ở bệnh nhân không dung nạp hoặc chống chỉ định với statin.

ThS.BS Phạm Nguyên Bình nhấn mạnh: “Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não và TIA thuộc nhóm bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rất cao, đồng thời có nguy cơ cao gặp biến cố tái phát. Khuyến cáo kiểm soát LDL-C mục tiêu cơ bản dựa trên statin nhưng tỷ lệ đạt mục tiêu chưa như mong đợi. Cần xác định LDL-C mục tiêu và phối hợp các phương thức điều trị non-statin để tối ưu hóa điều trị. Công nghệ Inclisiran (siRNA) là một trong các phương thức tiên tiến giúp đạt được LDL-C mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả”.

>>> Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023: Chiến lược điều trị mới trong xuất huyết não

Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023 diễn ra vào hai ngày 19 và 20/08/2023. Hội nghị năm nay có số lượng bác sĩ tham gia kỷ lục so với những năm trước, với 900 người đăng ký tham dự tại chỗ và gần 300 tham dự online (ngày thứ nhất 19/8) và 600 người tham dự tại chỗ và gần 200 theo dõi online (ngày thứ hai 20/8). Điều này, chứng tỏ đột quỵ đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng và có sự ưu ái của nhiều bác sĩ đột quỵ, cũng như các chuyên ngành khác.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X